Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu - mùa

26/07/2013 21:36

(Baonghean) - Hiện nay lúa Hè thu năm 2013 đang ở thời kỳ làm đòng, lúa mùa ở thời kỳ nhánh đến cuối đẻ nhánh. Các đối tượng sâu bệnh hại chính đã phát sinh gây hại và đang có chiều hướng gây hại nặng. Đặc biệt đáng lo ngại là các đối tượng sâu cuốn lá nhỏ và rầy các loại.

Sâu cuốn lá và rầy các loại đã phát sinh gây hại ở nhiều địa phương trong tỉnh. Toàn huyện Diễn Châu hiện có 250 ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá và bạc lá. Tại Đô Lương, sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 đã phát sinh, gây hại trên tất cả các trà lúa với diện tích gần 600 ha. Mật độ sâu phổ biến 7-10 con/m2, nơi cao 30 - 50 con/m2, cá biệt trên một số ổ rầy trên 2.500 con/m2. Tại huyện Thanh Chương, diện tích sâu cuốn lá nhỏ trên lúa hè thu đã xuất hiện trên hơn 200 ha, rầy nâu 24 ha. Tại Nam Đàn, thời gian qua trời nắng nóng, xen kẽ có mưa rào và giông, nên trên 12.500 ha lúa hè thu giai đoạn đứng cái - làm đòng đã xuất hiện các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là rầy nâu - rầy lưng trắng với mật độ nơi cao đã lên đến trên 1.500 con/m2, sâu cuốn lá nhỏ 30- 50 con/m2.

Thời gian qua sâu non lứa 4 đã phát sinh, gây hại với mật độ phổ biến 7 - 10 con/m2, nơi cao 30- 50 con/m2, cá biệt trên một số diện tích có mật độ sâu lên đến 80 - 100 con/m2. Theo thông tin từ Chi cục BVTV tỉnh, tổng diện tích nhiễm sâu lứa 4 trên toàn tỉnh hiện đã lên tới trên 1.000 ha. Hiện tại trưởng thành lứa 4 đang vũ hóa rộ và đã bắt đầu xuất hiện sâu non lứa 5 với mật độ khá cao. Bên cạnh đó, Rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh gây hại với mật độ khá cao trên các trà lúa ở cả diện tích lúa Hè thu và lúa Mùa tại các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn,... Toàn tỉnh hiện có 200 ha nhiễm rầy với mật độ 1.000 - 1.500 con/m2, cá biệt một số ổ rầy có mật độ rầy trên 2.500 con/m2. Đến nay, toàn tỉnh đã phun trừ được 5.00 ha có mật độ sâu cao đối với sâu cuốn lá nhỏ, 10 ha với rầy nâu, rầy lưng trắng. Nhìn chung những diện tích phun trừ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn đều đạt hiệu quả cao.


Nông dân thôn 8 - Phúc Sơn (Anh Sơn) chăm bón lúa hè thu - mùa.
Ảnh: Lương Mai

Theo đúng quy luật phát sinh, sâu cuốn lá non lứa 5 sẽ gây hại rộ trong thời gian từ 17 - 30/7 trên lúa Hè thu từ 23/7 - 7/8 trên lúa Mùa. Sâu non lứa 5 có khả năng phát sinh gây hại với mật độ cao trên một số diện tích lúa Hè thu thời kỳ làm đòng - trỗ, lúa vụ Mùa thời kỳ cuối đẻ nhánh - làm đòng gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất lúa. Đặc biệt, ở lứa sâu này có hiện tượng gối lứa do đó thời gian vũ hóa trưởng thành lứa 4 và gây hại của sâu non lứa 5 sẽ kéo dài.

Theo ông Từ Trọng Kim (trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT), trong thời gian tới, nếu sâu cuốn lá có mật độ cao, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất vì lá lúa đã ra gần hết, nếu xảy ra trắng lá sẽ làm giảm diện tích quang hợp, giảm năng suất lúa. Bên cạnh đó, thời gian để rầy các loại phát sinh gây hại thường kéo dài trong thời gian gần một tháng, do đó đối tượng này sẽ tập trung phát sinh với mật độ cao vào thời kỳ lúa chắc xanh. Nếu phòng trừ không tốt, để rầy phát triển với mật độ cao sẽ gây cháy, đặc biệt vào giai đoạn lúa trổ, chắc xanh, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất.

Thời gian này, toàn hệ thống BVTV đã và đang tập trung cao độ cho công tác điều tra phát hiện, dự báo kịp thời, chính xác tình hình phát sinh dịch hại. Tham mưu, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng trừ có hiệu quả thông báo đến tận các ban ngành liên quan và các địa phương, đồng thời phối kết hợp chặt chẽ với các ban ngành liên quan để chỉ đạo nông dân phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu cao. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền thường xuyên về tình hình sâu, bệnh hại và biện pháp phòng trừ cụ thể cho bà con nông dân biết để thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thạch Lam (Trưởng phòng BVTV- Chi cục BVTV tỉnh): Các địa phương cần tập trung làm tốt công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV, tránh hiện tượng sử dụng thuốc không đặc hiệu, kém chất lượng, vừa gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân, vừa ảnh hưởng đến kết quả phòng trừ. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo bà con sử dụng thuốc hợp lý, tuân thủ đúng hướng dẫn của ngành BVTV, không tự ý phun phòng mà chỉ phun khi mật độ sâu đã cao theo đúng khuyến cáo. Thực tế, ở một số địa phương, nông dân phun thuốc BVTV khi chưa cần thiết, mật độ sâu còn thấp.

Để vừa đạt hiệu quả phòng trừ cao mà không gây lãng phí thuốc, ảnh hưởng môi trường cũng như bảo vệ nguồn thiên địch tự nhiên có lợi, bà con cần nghiêm túc thực hiện việc phun thuốc theo đúng hướng dẫn của ngành BVTV, hạn chế việc lạm dụng, phun thuốc bừa bãi khi chưa đến ngưỡng phải phun trừ. Hiện, trên thị trường có tới gần 3.800 loại thuốc nằm trong danh mục cho phép, tuy nhiên chất lượng và hiệu quả không giống nhau.

Người dân cần có ý thức chọn mua đúng những loại thuốc này theo hướng dẫn của ngành BVTV, không ‘phó mặc” cho người kinh doanh, sẽ dễ sử dụng phải những loại dù thuốc không nằm trong danh mục cấm nhưng hiệu quả phun diệt không triệt để. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, chỉ tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ đẻ nhánh đến làm đòng và 30 con/m2 trở lên, đối với lúa ở thời kỳ lúa ôm đòng, trổ bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Ammate 150SC, 30WDG, Prevathon 5SC, Takumi 20WG, Clever 150SC, Virtako 40WG, Elincol 12 ME, ... theo liều lượng khuyến cáo khi sâu ở tuổi nhỏ (tuổi 1 – 3).

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, chỉ hướng dẫn phun trừ rầy trên những diện tích có mật độ 1.500 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc nội hấp như Chess 50WG, Elsin 10 EC, Sutin 50 SC, Oshin 20 WP, Dantotsu 16 WSG,... Khi phun thuốc cần giữ đủ nước trên ruộng, đảm bảo lượng nước thuốc theo khuyến cáo và phun ướt đều toàn bộ thân, lá lúa. Các địa phương cần chủ động lựa chọn 1 – 2 loại thuốc đặc hiệu đã hướng dẫn ở trên cho từng đối tượng để tổ chức chỉ đạo và quản lý tốt việc sử dụng thuốc. Người dân không nên tự động trộn lẫn nhiều loại thuốc với nhau, kể cả phân bón qua lá, vừa không cần thiết, vừa gây lãng phí, độc hại đến môi trường, vì theo hướng dẫn, có những loại thuốc nhất thiết không được phối trộn với nhau.


Phú Hương

Mới nhất
x
Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu - mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO