Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu - mùa

16/07/2013 18:50

(Baonghean) - Vụ hè thu - mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy được trên 85.317 ha lúa. Hiện lúa hè thu đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng, lúa mùa đang đẻ nhánh. Tuy vậy, các loại sâu bệnh cũng đã và đang phát sinh gây hại, đòi hỏi các biện pháp phòng trừ tích cực.

Từ 2 tuần nay, 4 sào ruộng của gia đình chị Nguyễn Thị Quế, xóm Đồng Bản, xã Kim Thành (Yên Thành) đã xuất hiện sâu cuốn lá lứa 1. Tuy nhiên, đợt vừa rồi có các đợt mưa, các loại thiên địch như o­ng, bọ rùa nhiều nên mật độ sâu cũng giảm, vì thế chị vẫn chưa tiến hành phun thuốc. “Sâu lứa 1 cũng hầu như chưa ảnh hưởng đến lúa. Xã đang hướng dẫn phun thuốc để phòng trừ sâu cuốn lá lứa 2 để khỏi ảnh hưởng khi lúa làm đòng, chắc ngày mai là tui phun đồng loạt cùng với bà con luôn” - chị Quế cho biết.

Đến thời điểm hiện tại, 123 ha lúa hè thu của xã Kim Thành đã bị sâu cuốn lá phát sinh gây hại. Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Diện tích lúa hè thu của xã đã cấy được 35- 40 ngày, tuy nhiên sâu cuốn lá lứa 1 đã xuất hiện từ 15 ngày nay, với mật độ khá cao, khoảng 100 kén/m2. Chúng tôi không khuyến cáo bà con phun phòng trừ lứa 1 vì những ngày qua có mưa nên mật độ cũng như mức độ gây hại của sâu giảm, lúa hè thu lại được cấy ở nhiều trà khác nhau nên nếu phun đồng loạt sẽ không hiệu quả.

Ngoài ra, sâu đục thân cũng đã xuất hiện rải rác với mật độ khoảng 10 - 15 con/m2, khoảng 3.000 - 4.000m2 ruộng đất cát pha bạc màu bị rầy nâu, rầy lưng trắng, mật độ 500 - 1.000 con/m2, cục bộ một số diện tích đã lên đến 1.500 con/m2. Dự đoán khoảng từ 22 - 25/7, sâu cuốn lá lứa 2 sẽ nở rộ, phát sinh gây hại mạnh. Nên theo kế hoạch, ngày mai 14/7 xã sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo bà con tập trung phun phòng trừ sâu cuốn lá, rầy nâu - rầy lưng trắng để bảo vệ cây lúa giai đoạn làm đòng.



Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa ở xã Tây Thành (Yên Thành).

Đến nay, gần 1.200 ha lúa hè thu của TP Vinh đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng. Tuy nhiên các loại sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, chuột hại đã phát sinh gây hại trên 11,5 ha tại Đông Vĩnh và các xã Hưng Chính, Hưng Hòa, Hưng Đông, với mật độ phổ biến sâu cuốn lá nhỏ, nơi cao lên đến 20 - 25 con/m2.

Tại Yên Thành - địa phương trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh, hiện các loại sâu bệnh cũng đã phát sinh gây hại khá mạnh. Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Vụ hè thu năm nay Yên Thành gieo cấy gần 13 nghìn ha lúa, hiện cây lúa đang phát triển rất tốt. Lúa hè thu đang làm đòng và lúa mùa đang tập trung đẻ nhánh. Thế nhưng trên địa bàn toàn huyện đã có trên 200 ha lúa hè thu bị nhiễm các loại sâu bệnh, đặc biệt đáng ngại là trong đó có gần 100ha ở các xã vùng cao như Tiến Thành, Quang Thành, Tây Thành… đã khó khăn về nguồn nước, lại nằm gần bờ đê, gần khu dân cư nên bị chuột phá hoại liên tiếp từ đầu vụ đến nay, tỷ lệ phổ biến 7 - 15%, cục bộ có nơi trên 50%.

Trên nhiều diện tích lúa đã xuất hiện sâu cuốn lá và rầy các loại, một số đối tượng sâu bệnh khác như sâu keo, bọ trĩ, sâu đục thân… cũng bắt đầu gây hại cục bộ. Bệnh thối thân, bẹ cũng phát sinh gây hại trên 288 ha với tỷ lệ nơi cao 10-15%. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục dùng các biện pháp đặt bẫy, đào bắt thủ công, kết hợp sử dụng thuốc hóa học, thuốc sinh học, trong đó ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học để bảo vệ môi trường, đồng thời ổn định mức nước trên các chân ruộng để hạn chế chuột hại. Đồng thời, chỉ đạo các ngành liên quan và các xã theo dõi thường xuyên nhằm hướng dẫn bà con phòng trừ kịp thời khi sâu tuổi non để hạn chế lây lan trên diện rộng.

Hiện tại đang là thời điểm lúa hè thu bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh- làm đòng. Theo tổng hợp của Chi cục BVTV tỉnh, sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 đã và đang vũ hóa trưởng thành với mật độ phổ biến từ 1-3 con/m2, nơi cao 8-12 con/m2. Ngoài ra, châu chấu cũng đã phát sinh gây hại trên 182,5 ha với mật độ phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 20-30 con/m2, phân bố tại các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Diễn Châu... Các đối tượng rầy nâu - rầy lưng trắng phát sinh gây hại với mật độ phổ biến 50-100 con/m2, nơi cao 500-700con/m2, thậm chí cục bộ tại huyện Anh Sơn có mật độ lên tới 2.500 con/m2.

Toàn tỉnh hiện đã có 4,1ha lúa nhiễm rầy (Nam Đàn 2ha, Anh Sơn 1,5ha, Yên Thành 0,6ha). Những diện tích có mật độ rầy cao đã được bà con tiến hành phun trừ kịp thời. Ông Trịnh Thạch Lam - trưởng phòng BVTV - Chi cục BVTV cho biết: Rất nhiều đối tượng gây hại cho lúa đã xuất hiện. Ngoài sâu cuốn lá, rầy, thì tại Nam Đàn, trên 53 ha lúa cũng đã bị ốc bươu vàng phát sinh gây hại với mật độ nơi cao 8 - 10 con/m2. Tình hình phát sinh gây hại của chuột cũng tiếp tục gia tăng, toàn tỉnh hiện đã có 194,3 ha lúa bị chuột gây hại với tỷ lệ gây hại phổ biến 3-5%, nơi cao 10-15%, cục bộ 20-30%. Ngoài ra, bệnh thối thân, bẹ cũng phát sinh gây hại trên 288 ha trà lúa hè thu thời kỳ cuối đẻ nhánh đến làm đòng tại huyện Yên Thành với tỷ lệ nơi cao 10 -15%. Tại Diễn Châu, đã có 65 ha tại huyện Diễn Châu bị bệnh bạc lá với tỷ lệ nơi cao 20-40%. Các đối tượng khác như sâu đục thân, tuyến trùng rễ, bệnh khô vằn, bệnh nghẹt rễ... cũng đã phát sinh gây hại cục bộ tại một số vùng.

Trên lúa mùa, sâu non cuốn lá nhỏ lứa 4 (tuổi 3 - 4 - 5) cũng đang gây hại với mật độ sâu phổ biến 5 - 10 con/m2, nơi cao 30 - 40con/m2, cục bộ lên đến trên 100 con/m2. Toàn tỉnh hiện đã có 1.183,5ha nhiễm sâu, trong đó có 413 ha nhiễm trung bình và 23 ha nhiễm nặng. Tập trung tại các huyện: Nghĩa Đàn 500 ha, Quỳnh Lưu 298ha, Con Cuông 171ha, Yên Thành 105ha, Tân Kỳ 69,5ha... Rầy nâu - rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại trên lúa mùa thời kỳ cuối đẻ nhánh rộ với mật độ phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao 300-500con/m2. Ngoài ra, 195 ha lúa rẫy tại huyện Kỳ Sơn cũng đã bị chuột phá với tỷ lệ gây hại phổ biến 5-7%, nơi cao 10-15%.

Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức phun trừ được 321ha lúa có mật độ sâu cao. Những diện tích có mật độ rầy cao cũng đã được bà con tiến hành phun trừ kịp thời. Tuy nhiên, theo dự báo, trong những ngày tới sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 sẽ tiếp tục gây hại trên trà lúa mùa thời kỳ đẻ nhánh - đẻ rộ, sâu non tuổi 1 - 2 lứa 5 sẽ ra rộ trong thời gian từ ngày 14-18/7 trên trà lúa hè thu giai đoạn đứng cái - làm đòng, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất lúa. Rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục tích lũy số lượng và gây hại với mật độ cao hơn trên lúa hè thu - mùa. Đặc biệt, thời gian tới cây lúa sẽ chuyển sang thời kỳ đứng cái - làm đòng, là điều kiện ưa thích cho chuột phát sinh gây hại, một số diện tích có thể bị chuột phá hại nặng ảnh hưởng đến năng suất.

Để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh trên cây lúa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh, các địa phương cần tăng cường công tác điều tra phân vùng, phân trà, theo dõi sát diễn biến của sâu trên đồng ruộng để phát hiện kịp thời, chính xác thời gian xuất hiện trưởng thành sâu lứa 4 và sâu non lứa 5 để có các biện pháp phòng trừ kịp thời trên những diện tích có mật độ sâu cao.

Theo ông Trịnh Thạch Lam, các địa phương cần lưu ý chỉ khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ đẻ nhánh và 30 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ làm đòng trở đi bằng các loại thuốc đặc hiệu như Ammate 150SC, 30WDG, Prevathon 5SC, Clever 150SC, Takumi 20WG, Virtako 40WG,... theo liều lượng khuyến cáo. Đối với các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng, khi phát hiện có mật độ rầy cao từ 1.000 con/m2 trở lên, cần hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc có tác dụng nội hấp như Chess 50WG, Oshin 20WP, Elsin 10 EC, Dantosu 16WSG,... để phun trừ.

Khi phun thuốc cần chú ý đảm bảo lượng nước thuốc theo khuyến cáo và phun ướt đều toàn bộ thân, lá lúa. Bên cạnh đó, phải huy động các lực lượng trên địa bàn tổ chức bắt diệt chuột bằng các biện pháp thủ công hoặc sử dụng bả sinh học diệt chuột, một số loại thuốc hóa học như Fokeba 20%, Rat-Kill 2%DP,…để diệt chuột. Chú ý khi sử dụng thuốc diệt chuột phải có sự hướng dẫn của cán bộ BVTV và triển khai trên diện rộng (1 xóm trở lên) mới có hiệu quả cao. Hằng ngày phải thu nhặt hết bả và xác chuột để xử lý. Với những diện tích lúa xuất hiện châu chấu, sâu keo, cần chỉ đạo nông dân phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu cao, có nguy cơ gây trụi lá bằng các loại thuốc như Ammate 150SC, 30WDG, Angun 5WDG, Pastac 5EC, Ofatox 400EC; Decis 2,5EC,... theo liều khuyến cáo.

Hưng Yên Bắc có 40 ha lúa bị hạn nặng

Hiện nay, 300 ha lúa hè thu của Hưng Yên Bắc (Hưng Nguyên) đang phát triển ở giai đoạn đẻ nhánh, bà con nông dân đang tập trung chăm bón, lúa phát triển tốt. Tuy nhiên đến 15/6 toàn xã vẫn còn gần 40 ha lúa của các xóm 2A, 2B, 3A thuộc khu vực Đồng Bùi và Đồng Khê bị thiếu nước trầm trọng, nhiều chân ruộng đã nứt nẻ, một số trà lúa bắt đầu héo, có nguy cơ bị khô cháy. Được biết toàn bộ diện tích vùng này được cung cấp nước của trạm bơm Cầu Bần, do Xí nghiệp Thủy lợi Hưng Nguyên quản lý, nhưng do kênh mương 17 bị xuống cấp trầm trọng, hàng năm không được đầu tư nạo vét, nhiều đoạn bị bèo tây và rác thải bồi lấp nên nước về chậm. Để cứu lúa, Hưng Yên Bắc đã huy động nhân lực nạo vét trên 1 km kênh mương, đồng thời bịt kín dòng chảy gần trạm bơm, tập trung nước cho cho các xứ đồng này.
Hồng Sơn (Đài Hưng Nguyên)


Bài, ảnh: Phú Hương

Mới nhất
x
Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu - mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO