Tàu buôn, tàu nhà nước dùng vào mục đích thương mại trên các vùng biển
(Baonghean.vn) - Câu hỏi 20. Địa vị pháp lý của tàu buôn, tàu nhà nước dùng vào mục đích thương mại hoạt động trên các vùng biển?
Trả lời: Tàu buôn gồm nhiều thành phần, nhiều loại; do đó, địa vị pháp lý của chúng được pháp luật quốc tế quy định cũng khác nhau. Để phân biệt được những điểm khác nhau này, người ta phân chia tàu buôn thành 2 loại:
- Tàu buôn của tư nhân.
- Tàu buôn của nhà nước.
Quyền và nghĩa vụ của tàu buôn được cụ thể hóa tùy thuộc từng vùng biển.
Tàu container tại cảng Hải Phòng. Ảnh: NDH |
Theo thông lệ quốc tế, khi tàu thuyền nước ngoài muốn qua lại nội thủy của một quốc gia ven biển, thì dù là loại nào cũng nhất thiết phải xin phép và được phép trước của nước ven biển và phải hoạt động đúng tuyến quy định. Khi được phép vào nội thủy để đến cảng của một nước, các tàu buôn phải đến một địa điểm quy định để làm thủ tục nhập cảnh. Sau khi làm thủ tục xong thì chiếc tàu đó sẽ được tàu hoa tiêu dẫn vào cảng. Khi vào nội thủy của một nước, tất cả các phương tiện thông tin liên lạc, quan sát kỹ thuật điện tử đều phải niêm phong lại, mọi liên lạc của con tàu về nước hay đến một địa điểm nào đó đều phải qua trung tâm thông tin liên lạc của cảng sở tại. Mọi hoạt động của con tàu như cặp mạn, tiếp xúc với các tàu thuyền khác, đưa người và khí tài đo đạc khảo sát, thăm dò những yếu tố khí tượng thuỷ văn, độ sâu, chất đáy, chụp ảnh quay phim, vẽ hoặc ghi chép những thiết bị ở cảng, những thiết bị quân sự, cơ sở kinh tế, cơ sở nghiên cứu khoa học trên đường đi hoặc ở khu vực cảng, thậm chí cả việc nhổ neo di chuyển vị trí trong cảng cũng đều phải có sự đồng ý của nước sở tại, nếu không sẽ bị coi là vi phạm pháp luật của nước ven biển và sẽ tuỳ theo mức độ mà sẽ bị xử lý theo luật pháp của nước này.
Tàu buôn khi hoạt động trên các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia ven biển, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý theo luật của các nước ven biển đó. Riêng các vụ phạm pháp về hình sự xảy ra trên tàu buôn nước ngoài thì nước ven biển có quyền xét xử không?
Về nguyên tắc, mọi phạm pháp hình sự xảy ra trên con tàu thì do luật pháp của nước có con tàu đó điều chỉnh, nước ven biển có thể có quyền xét xử các vi phạm nói trên trong những trường hợp sau đây:
- Phạm pháp hình sự có liên quan đến những người mang quốc tịch của nước ven biển;
- Phạm pháp hình sự xảy ra trên lãnh thổ nước ven biển có liên quan đến nhân viên của con tàu;
- Phạm pháp hình sự xảy ra trên lãnh thổ nước ven biển có liên quan đến những người mang quốc tịch nước ven biển chạy trốn lên tàu nước ngoài.
Đối với phạm pháp hình sự xảy ra trên con tàu chỉ liên quan đến nội bộ của con tàu, nước ven biển chỉ tiến hành xét xử với điều kiện:
- Khi thuyền trưởng hoặc lãnh sự của nước mà con tàu đó mang quốc tịch yêu cầu;
- Khi cần phải áp dụng biện pháp trừng trị các tội buôn lậu các mặt hàng cấm như ma tuý, vũ khí, nô lệ;
- Khi phạm pháp có tác động làm rối loạn trật tự trị an của nước ven biển;
- Khi hậu quả của vụ phạm pháp có ảnh hưởng tới chủ quyền và các quyền của nước ven biển ở trên các vùng biển của mình.
Điều 27 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định: "Quốc gia ven biển không được thực hiện quyền tài phán hình sự của mình ở trên một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải để tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc xét hỏi sau một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đi qua lãnh hải, trừ trường hợp sau đây:
a. Nếu hậu quả của vụ vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển.
b. Nếu vụ vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trật tự trong lãnh hải.
c. Nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà đương cục địa phương;
d. Nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma tuý hay các chất kích thích".
Về quyền tài phán dân sự đối với các tàu buôn, Điều 28 Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 quy định: "Quốc gia ven biển không được bắt một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải phải dừng lại hay thay đổi hành trình để thực hiện quyền tài phán dân sự của mình đối với một người ở trên con tàu đó"; "Quốc gia ven biển không thể áp dụng các biện pháp trừng phạt hay biện pháp báo đảm về mặt dân sự đối với con tàu, nếu không phải vì nghĩa vụ đã cam kết hay các trách nhiệm mà con tàu phải đảm nhận trong khi đi qua hoặc để được đi qua vùng biển của quốc gia ven biển". Tất nhiên, quy định này "không đụng chạm đến các quyền của quốc gia ven biển áp dụng các biện pháp trừng phạt hay bảo đảm về mặt dân sự do luật trong nước của quốc gia này quy định đối với một tàu thuyền nước ngoài đang đậu trong lãnh hải hay đang đi qua lãnh hải, sau khi đã rời nội thủy".
Theo Hỏi - đáp về Luật biển Việt Nam
(Còn nữa)