Tết cổ truyền của đồng bào Thái
Bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, đồng bào Thái đã đưa lúa rẫy ngoài nương vào kho xếp thành chồng gọn gàng và kiếm sẵn củi để nấu bánh chưng, vãi rau cải trên khắp nương rẫy, để chuẩn bị làm dưa chua, nhốt lợn thiến để vỗ béo chờ đến ngày Tết.
Đồng bào còn ra suối đơm cá, đánh bắt cá để làm cá nướng thành từng gắp phơi lên gác bếp chờ đến ngày Tết đưa lên bàn thờ cúng tổ tiên. Cũng trong tháng 11, nhà nào, nhà ấy đều dự trữ trấu thật nhiều, hông lên ủ vào chum làm rượu cần.
Đến ngày mồng mười tháng Chạp (âm lịch) chị em phụ nữ rủ nhau lên nương đi hái lá dong rừng đưa về gói bánh chưng.
Chiều ngày hai mươi chín tháng Chạp, nhà nào, nhà ấy đều trồng cây nêu trước sân. Họ thi nhau trồng cây nêu của mình cho thật cao hơn, thẳng hơn, để thể hiện nhà mình năm mới có tầm vươn cao hơn năm cũ.
Cũng trong chiều hai mươi chín Tết, các bà mẹ Thái quét dọn sạch sẽ trên sàn, dưới gầm sàn nhà chuẩn bị đón ông vải về. Đàn ông thì trang trí bàn thờ, để lên nải chuối, đĩa trầu cau, đôi quả cam, quả bòng, bình hoa hoặc vài tờ tranh cùng câu đối tết. Nhà nào, nhà ấy đều có hai cây mía buộc dựng đứng hai bên bàn thờ, để tượng trưng đây là hai cây gậy của ông vải...
Đêm ba mươi Tết, đồng bào thức trọn một đêm để đón giao thừa. Đồng bào nghe ngóng chú ý xem trong đêm ấy, con gì kêu trước để định đoán thời tiết. Nếu như con nai rừng kêu trước, thì sang năm mới sẽ làm ăn khó. Nếu như con mèo mà kêu trước, thì sang năm mới sẽ loạn cọp.
Cũng trong đêm giao thừa, lúc chuyển sang ngày mồng Một của năm mới, đồng bào dọn mâm ra đặt lên bàn thờ cúng cho ông bà được ăn cơm trước bản, trước mường. Khi cúng tổ tiên nhà mình xong, đồng bào dọn mâm tiếp ra cúng các vị thần trong nhà mình như: Ông thần bếp, bà thần giữ cháu trong nhà và ông thần thổ dưới cầu thang vì các vị thần này luôn luôn chăm lo cho nhà mình được mọi sự bình an trong một năm. Trước khi bước qua năm cũ, đồng bào phải có mâm cơm làm lễ trả công và giao nhận nhiệm vụ mới cho các vị thần.
Sáng mồng Một Tết, các cháu thi nhau dậy thật sớm ra suối rửa nước tiên, múc nước tiên vào ống luồng vác về nhà mình, để nói lên nhà mình sang năm mới thu hoạch nhiều cái mới, cũng trong ngày mồng Một Tết, cha, mẹ, hoặc chủ hộ không được đi chơi xa, mà phải ở nhà chờ con rể đưa mâm đến cúng ông bà.
Nếu như được làm ông mối; bà mối (mổ lạm, nhả lạm) thì phải chờ con dâu đưa mâm đến trả công. Chờ cho đến chiều mồng hai Tết đồng bào mới làm lễ tiễn đưa ông bà ra về...
Từ sáng mồng ba Tết trở đi, các bà mẹ Thái tổ chức đi thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau. Thanh niên nam nữ tổ chức ném còn, nhảy sạp, uống rượu cần... vui xuân đón mừng năm mới.
Những ngày Tết, đồng bào Thái kiêng quét nhà, vì sang năm mới họ không cho bất kỳ một thứ gì trong nhà đi ra. Cũng trong ngày Tết, đồng bào hết sức thận trọng, không được chửi mắng nhau, không được nói tục tằn thô bạo, không đòi nợ nhau, không nói xấu nhau...
Vi Văn Thứa