Tết đoàn viên
(Baonghean) - Cuộc sống nhiều khi ngỡ như một giấc mơ. Ở thời điểm này năm ngoái, tôi đang bơ vơ trên đất khách, mỗi lúc nghĩ về gia đình mà trào nước mắt. Hình ảnh con gái và người chồng yêu thương ám ảnh tôi trong những giấc mơ dài... Chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện ăn Tết đoàn viên. Được trở về bên chồng con, cả nhà đón chào thêm một thành viên bé bỏng là món quà Tết vô cùng ý nghĩa mà hơn 1 năm về trước, tôi không dám nghĩ đến...
(Baonghean) - Cuộc sống nhiều khi ngỡ như một giấc mơ. Ở thời điểm này năm ngoái, tôi đang bơ vơ trên đất khách, mỗi lúc nghĩ về gia đình mà trào nước mắt. Hình ảnh con gái và người chồng yêu thương ám ảnh tôi trong những giấc mơ dài... Chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện ăn Tết đoàn viên. Được trở về bên chồng con, cả nhà đón chào thêm một thành viên bé bỏng là món quà Tết vô cùng ý nghĩa mà hơn 1 năm về trước, tôi không dám nghĩ đến...
Học hết lớp 7, tôi theo chồng về làm dâu nhà mẹ Ơn. Chồng hơn tôi 1 tuổi. Nhà mẹ Ơn nghèo lắm, ruộng nương ít, trâu bò chẳng có. Được 2 năm tôi theo gia đình chồng chuyển từ lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đến vùng tái định cư mới. Không có rừng để kiếm măng, kiếm củi, không có sông để bắt cá, lại chưa quen với việc trồng ngô, trồng sắn nên cuộc sống càng nghèo khó. Bốn con người chỉ biết đi ra đi vào, ai thuê gì thì làm nấy, ăn bữa trưa lại lo bữa chiều. Rồi đứa con đầu lòng chào đời, chưa kịp mừng thì bao nỗi lo ập đến. Cây lúa, cây ngô đến mùa thu hoạch nhưng chẳng được bao nhiêu. Chồng tôi đi làm thuê làm mướn cho người ta được ngày dăm ba chục ngàn đồng chỉ đủ đong gạo ăn qua ngày. Chẳng có tiền để mua sữa, mua thuốc cho con nên ốm yếu triền miên. Vợ chồng cãi cọ nhau cũng vì túng thiếu. Nhiều đêm tôi chẳng thể nào chợp mắt...
Minh họa: Hữu Tuấn |
Ngày con gái tôi tròn 1 tuổi, tôi quyết định theo chị Niềm sang Trung Quốc làm công nhân, những mong gia đình sẽ chấm dứt cảnh đói nghèo. Chị Niềm là con riêng của bố dượng tôi, dù không máu mủ ruột rà nhưng vẫn là chị em, sống với nhau dưới một mái nhà sàn, no đói cùng nhau. Chị Niềm đi làm ở Trung Quốc lâu rồi, nghe đâu cũng lấy chồng và sinh con bên ấy. Một lần về thăm nhà, nghe chị nói sang Trung Quốc làm công nhân lương cao lắm, tôi bàn với chồng và bố mẹ chồng để đi theo chị Niềm. Thương con, nhớ chồng nhưng nếu không đi thì biết lấy gì nuôi con, bao giờ mới thoát khỏi cái nghèo. Tôi gói ghém áo quần, gói ghém cả niềm thương nhớ và những giọt nước mắt vội vã lên xe theo chị Niềm. Ngồi trên xe, tôi đã nghĩ ra không biết bao nhiêu dự định: Tháng lương đầu tiên sẽ gửi tiền về cho bố mẹ mua trâu, sau đó dựng lại cái nhà, mua cho con gái quần áo đẹp... Những ý định đó theo tôi trong suốt chặng đường dài.
Giữa chốn đất khách, ngôn ngữ chẳng biết, tôi trông cậy hoàn toàn vào chị Niềm. Chị Niềm xin cho tôi vào làm công nhân của nhà máy sản xuất găng tay rồi cũng từ đó, tôi chẳng liên lạc được với chị nữa. Tôi hoang mang, lo sợ nhưng rồi cũng quen dần với công việc và có một vài người bạn Việt Nam. Dù phải thường xuyên tăng ca, với tôi công việc đó không mấy vất vả so với việc vào rừng chặt củi. Mỗi lần gọi điện về nhà, nghe con gái bi bô gọi mẹ tôi muốn bỏ tất cả để chạy về với con. Gom góp 2 tháng lương đầu tiên tôi gửi về nhà được 13 triệu đồng tiền Việt. Những tưởng mọi thứ sẽ suôn sẻ, vài ba năm sau trở về, cuộc sống gia đình sẽ đổi khác. Lúc đó con gái cũng lớn hơn, gia đình sẽ hạnh phúc biết bao.
Chẳng như dự tính, một hôm vừa tan ca, mới ra khỏi cổng công ty thì tôi bị 3 người đàn ông Trung Quốc kéo lên chiếc xe bán tải. Tôi khóc kêu cứu thì bị chúng bịt miệng lại. Giãy dụa mãi, tôi mệt lử đành ngồi yên, mặc chúng đưa đi đâu thì đi. Sau một ngày một đêm thì chúng dừng xe. Sau một hồi chờ đợi, tôi bị chúng đẩy sang xe của một nhóm người khác. Tôi nhìn rõ cảnh chúng trao tiền cho nhau và biết là mình bị bán. Lúc đó xe dừng bên cạnh một cái cầu rất dài, vắng vẻ và hoang tàn, hai bên cầu là những khu đất trống. Hai người đàn ông trạc tuổi 30 lại tiếp tục đưa tôi đi. Cũng sau 1 ngày 1 đêm thì chúng đẩy tôi vào một ngôi nhà cũ kỹ, rách nát. Ở đó tôi gặp chị Hoa. Chị Hoa người Bắc Giang, hơn tôi 2 tuổi. Chị bị chúng đưa đến ngôi nhà này trước tôi ít ngày. Hai chị em đều mệt lử và hoảng loạn nên chẳng trò chuyện với nhau được nhiều. Vài ngày sau, có một người đàn ông đến và đưa chúng tôi đi vào một gia đình khác. Chủ nhà chỉ bắt chúng tôi quét dọn, lau chùi bàn, tủ... Chủ nhà là một ông già chừng bằng tuổi ông nội tôi ở quê. Ít ngày sau ông ấy dẫn chúng tôi ra chợ. Trên đường đi, tôi gặp một chị tên là Hà. Biết chị Hà là người Việt Nam, tôi giả vờ kêu đau bụng rồi vịn vào vai chị Hà, nói nhỏ với chị ấy là hai chúng tôi bị bán sang đây, nhờ chị báo công an giúp. Rồi tôi đưa địa chỉ nhà ông chủ cho chị Hà.
Trở về nhà, tôi thấp thỏm chờ đợi. Hễ thấy có tiếng gõ cửa tôi vội vàng chạy ra ngó trước ngó sau, trông cho nhìn thấy bóng dáng công an sở tại. Một tuần sau, mấy chú công an đến nói chuyện với ông chủ những gì tôi không biết rồi đưa chúng tôi về đồn. Như người đuối nước vớ được cọc, tôi mừng rỡ và mong đợi ngày được trở về. Lâu lắm rồi tôi không có liên lạc với người nhà, số điện thoại của chồng cũng không nhớ được. Lúc đó, chúng tôi chẳng có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng biết tiếng. Mãi 3 tháng sau chúng tôi mới được đưa sang cửa khẩu Lào Cai. Lúc đó trong người tôi chẳng có một đồng nào, cũng không có cách nào để liên lạc về nhà. Một chú bán hàng ở cửa khẩu Lào Cai thấy chúng tôi dặt dẹo bên vệ đường, chú hỏi địa chỉ rồi bắt xe cho tôi về Vinh.
Về đến Thành phố Vinh tôi thuê xe về nhà, mẹ Ơn chạy đi vay tiền trả tiền xe cho tôi. Gặp lại người nhà tôi như người chết sống lại. Chồng chạy ra ôm lấy tôi, hai vợ chồng nước mắt giàn giụa. Nhìn chồng gầy gò và xanh xao, tim tôi như nghẹn lại. Tôi như người mắc lỗi, chẳng dám ngửng mặt lên nhìn mọi người. Bà con dân bản kéo đến nhiều lắm, ai cũng mừng cho sự đoàn tụ của gia đình tôi. Con gái tôi cũng chạy theo bà nội ra đón mẹ, nhưng lúc tôi giang tay bồng con thì nó ngoảnh mặt quay đi. Tôi chết lặng! Tôi chờ đợi giây phút này từ lâu lắm rồi. Đêm đêm, tôi vẫn ôm tấm hình con gái, ngắm nhìn con cho thỏa lòng mong nhớ. Tôi muốn ôm chầm lấy con mà hôn mà nựng nhưng biết làm sao, khi tôi đi, nó còn chập chững từng bước đi đầu tiên, nay nó đã nhảy lò cò cùng đám trẻ con trong bản. Hơn nữa, một thời gian dài tôi không liên lạc được về nhà. Tôi tìm mọi cách cho cháu quà, dỗ dành cháu, hơn 2 ngày sau cháu mới cho tôi lại gần. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi được ôm lấy con, vuốt mái tóc bám đầy cát bụi của con, được nghe con gọi tiếng mẹ…
Về phần chồng, từ ngày mất liên lạc với tôi, anh cũng sinh ra chán nản, suốt ngày rong chơi cùng đám bạn trong làng. Việc trong nhà và chăm sóc con đều do một tay mẹ Ơn xoay xở. Tôi trở về, hai vợ chồng sớm tối bên nhau, cùng cuốc đất trỉa ngô, trồng sắn, mua thêm ít con gà về thả. Cuộc sống tuy còn nhiều vất vả nhưng chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện đi xa nữa. Tôi muốn nói lời cảm ơn mẹ Ơn nhiều lắm. Là mẹ chồng nhưng thương yêu tôi, chẳng khác gì con gái ruột. Mẹ đã thay tôi chăm sóc con gái đầu lòng trong những năm tôi lưu lạc, nay tôi trở về, mẹ cũng thường xuyên động viên tôi. Một cái Tết đoàn viên đang cận kề. Vậy là tròn một năm tôi được “sống lại”, được trở về với gia đình yêu dấu, được đón thêm một thành viên bé nhỏ của gia đình với biết bao buồn vui, mừng tủi thật khó nói nên lời!
Nguyễn Lê