Thảm họa tràn dầu rình rập ở vùng nước sâu
Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi giàn khoan Deepwater Horizon phát nổ ở Vịnh Mêhicô, gây ra thảm họa tràn dầu được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhưng nỗi lo vẫn chưa chấm dứt. Liệu có tái diễn thảm họa tràn dầu? Hãng tin AP của Mỹ mới đây đã tiến hành một cuộc điều tra trong ngành dầu khí và phỏng vấn các chuyên gia về vấn đề này và nhận được câu trả lời: “Chắc chắn là có”.
Chính phủ Mỹ đã “bật đèn xanh” cho việc nối lại các hoạt động khai thác dầu mỏ đầy rủi ro ở khu vực nước sâu bằng thông điệp họ tin việc khoan dầu như vậy sẽ được thực hiện an toàn. Ngành dầu khí cũng đưa ra những đảm bảo tương tự. Tuy nhiên, theo Giáo sư Charles Perrow thuộc Đại học Yale chuyên nghiên cứu tai nạn do rủi ro công nghệ, vẫn còn nhiều nghi vấn xoay quanh việc liệu bài học từ Deepwater Horizon của BP được ứng dụng đến đâu.
Thảm họa tràn dầu trên Vịnh Mêhicô đã gây ra những ảnh hưởng sinh thái nặng nề.
Giáo sư Perrow nhận định, ngành dầu khí chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với sự cố và “không có gì chắc chắn rằng những nỗ lực của họ đủ để đối phó với một thảm họa tràn dầu lớn khác. Họ cũng không tìm ra cách thức để thay đổi văn hóa khai thác nhằm phòng tránh sự cố trong tương lai. Có nhiều hoạt động khai thác ở ngoài khơi gặp trục trặc và thảm họa dầu tràn là không tránh khỏi”.
Theo điều tra của AP, hiện có hơn 3.200 giếng dầu nhàn rỗi trên Vịnh Mêhicô và chủ sở hữu chẳng màng đến bất cứ biện pháp bảo đảm an toàn nào. Trên giấy tờ, các giếng đó vẫn còn hoạt động nhưng chúng không hề được sử dụng trong ít nhất 5 năm và chưa có kế hoạch hồi phục sản xuất. Chính phủ Mỹ cũng chưa yêu cầu các công ty giành được quyền khai thác những giếng này phải đổ ximăng bịt chúng lại vì chưa hết hạn hợp đồng. Hầu hết những giếng dầu này đều có tuổi thọ trên 10 năm, đặc biệt một số giếng đã được khoan cách đây 60 năm.
Hãng AP dẫn lời các chuyên gia cảnh báo những lớp ximăng và kim loại bên trong giếng bị bỏ hoang cũng như bộ phận đậy miệng giếng có thể bị ăn mòn theo thời gian, khiến dầu rò rỉ ra ngoài. Đó là chưa kể các sự cố không lường trước như nổ, động đất... đều có thể gây ra những vụ tràn dầu không kém gì thảm họa Deepwater Horizon. Theo giới kỹ sư dầu khí, những giếng dầu nhàn rỗi nhưng vẫn chưa hết hạn thuê trên hợp đồng là mối đe dọa chủ yếu đối với môi trường sinh thái.
Những nhà khai thác dầu khí thường không muốn bịt giếng dầu vẫn còn thời hạn sử dụng vì khi cần sẽ có thể khởi động lại việc khai thác vào bất cứ lúc nào. Khi giếng dầu tại giàn khoan Deepwater Horizon của BP bị nổ hồi năm ngoái, giếng này đã bị bỏ hoang tạm thời và BP chỉ trám tạm lớp xi măng bên trên. Các nhà điều tra xác định đây là một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa tràn dầu.
Theo Tin tức