Thầm lặng chăm việc làng
(Baonghean) - Ngày mùa thu nhưng trời vẫn còn nắng gắt. Thấp thoáng bên trong cánh cổng sắt của Nghĩa trang vùng Song Yên (Diễn Lộc - Diễn Châu) bóng một người phụ nữ gầy gò đang miệt mài quét dọn, tưới cây, làm cỏ... Ấy là bà Hoàng Thị Thoong, người đã bao năm qua thầm lặng chăm nom cho những phần mộ của người quá cố nơi cồn vắng này, không chút thù lao và chẳng chút phiền lòng.
Giữa cồn vắng chang chang nắng, bên này là nghĩa trang, bên kia là cánh đồng lúa trĩu bông vào mùa gặt, bà Thoong tay cầm liềm, thoăn thoắt cắt cỏ, lau dọn từng ngôi mộ. Dáng gầy lom khom của bà đổ theo bóng nắng. Thi thoảng, bà lại đưa tay lên lau những giọt mồ hôi. Khi việc dọn cỏ đã tươm tất bà tiến hành phun thuốc cỏ xung quanh mộ tránh chuột đào bới. Ngỡ bà về ăn trưa, nhưng bà lại đến một ngôi mộ mới, mắt rơm rớm, lặng lẽ thắp nén hương. Phá tan không gian yên ắng, tôi lại gần, lên tiếng: "Trưa rồi mà bà vẫn chưa về sao?". Bà quay về nấm mồ còn nghi ngút khói, giọng trầm mặc: "Tội đứa bé, chưa chào đời mà đã phải ra ngoài đây, chưa đầy 5 tháng tuổi trong bụng mẹ, gia đình gắng sức níu giữ mà không được, thương lắm!”. "Những người quá cố nằm nơi đây, mỗi người mất một hoàn cảnh, nghĩ vậy mà tui tình nguyện trông coi nơi này để họ bớt hiu quạnh".
Chốc chốc, những cơn gió làm mái tóc lốm đốm bạc của bà rối bay, bà đưa tay búi lại mái tóc, lấy nắm cơm bọc trong tấm lá chuối, mấy miếng đậu phụ rán và ít vừng lạc ra ăn, bữa trưa của bà đơn giản chỉ có thế". Tôi nhìn theo tay bà chỉ ở phía hàng xoan, hàng tràm, một chiếc võng khẽ đu đưa theo gió, đó chính là "giường" của bà nghỉ ngơi mỗi ngày"; "Hàng bạch đàn, tràm này bà trồng cách đây chục năm, phải đạp xe vào tận Khe Su dưới đền thờ An Dương Vương mua giống. Ban đầu trẻ em nghịch, bẻ hết, phải trồng đến lần thứ 5 mới được như bây giờ. Bà chỉ những hàng cỏ sữa xanh tốt, vườn bí, khoe với tôi: "Mỗi năm bán bí cũng được hơn 1 triệu đồng...". Hễ có khoảng đất trống, bà cuốc xới trồng rau, trồng bí, trồng đậu, mùa nào thức ấy".
Bà Thoong trước con đường vào khu nghĩa trang Song Yên. |
Tôi nhớ lời giới thiệu của bà Hoàng Thị Nga (xóm 12 xã Diễn Lộc) người dẫn đường cho tôi tìm gặp bà Thoong: " Dân làng tui biết ơn bà Thoong lắm. Trước đây khu vực Song Yên cỏ mọc um tùm, trâu bò thường xuyên vào phá hoại, tình trạng rác thải bừa bãi, gây mất vệ sinh liên tục diễn ra. Từ ngày có bàn tay bà, nghĩa trang Song Yên trở nên sạch đẹp. Hàng ngày, mọi người quen với hình ảnh một người gầy gò, tóc đốm bạc cần mẫn quét dọn làm sạch đẹp nghĩa trang. Không một đồng tiền công, bà đã tự nguyện toàn tâm, toàn ý cho việc chăm sóc nghĩa trang. Cồn vắng này là nơi bà ở nhiều hơn nhà mình. Ban đầu làm công việc này, nhiều người hỏi: "Bà không sợ ma à?"; "Mình chăm sóc mộ họ luôn sạch sẽ thì còn sợ gì nữa". Bà Cao Thị Tứ (bạn học của bà) cho hay: "Hồi nhỏ, bà Thoong rất nhút nhát, vậy mà cả chục năm nay bà ở nghĩa trang nhiều hơn ở nhà. Ăn, ngủ ở nghĩa trang, nhiều hôm nửa đêm mới về. Việc bà ấy làm hiếm người làm được".
Bà Thoong sống với vợ chồng người con trai đầu, cuộc sống cậy nhờ vào mấy sào ruộng, vườn rau bên nghĩa trang và chiếc máy xay xát, dẫu không khá giả nhưng cũng đủ ấm no. Bà từng trải qua những năm dài vất vả, buồn đau. Chịu tang chồng từ năm 29 tuổi. Lúc đó con trai đầu mới bước sang tuổi thứ 9 và con út chưa đầy 1 tuổi. Bao nhiêu năm ở vậy nuôi con là ngần ấy năm đong đầy nước mắt. Nghĩ đến các con, bao sóng gió, biến cố cuộc đời bà nén lòng vượt qua tất cả. Từ những năm tháng căn nhà ngói dột nát, mùa mưa về, trong nhà như ngoài trời mẹ con co ro, ngồi ôm nhau, bữa ăn, một phần cơm ba phần khoai sắn, nhiều hôm phải nhịn đói, tới giờ, 3 người con của bà, 2 trai, 1 gái đã trưởng thành, yên bề gia thất.
Khi bớt đi một phần khó nhọc, bà lại lo việc chòm xóm. Những năm 1995 trở về trước, người dân Diễn Lộc suốt ngày quần quật trên đồng, vườn nhà, chuồng trại mà cuộc sống cũng chẳng khá lên được. Nguyên nhân do nhà nào cũng sinh nhiều con. Nghèo đói sinh ra lục đục trong gia đình, con cái học hành không đến nơi đến chốn. Trong một lần đi họp xóm, thấy nhiều trẻ em, bà thầm nghĩ: "đang mùa tựu trường sao con trẻ không đến trường?" Bà hỏi một cháu nhỏ 10 tuổi, sao cháu không đi học?" ;" Bố mẹ cháu không cho đi nữa, nói ở nhà đi quét lá thông lấy tiền đong gạo"... Thế là bà nghĩ mình cần phải dùng tình cảm, lý lẽ để thuyết phục bà con mình thay đổi nhận thức.
Điểm đầu tiên bà tìm đến là nhà cháu Hoàng Thị Quang. Bà gặp Quang theo mẹ đi lượm lá thông, trên lưng em là chiếc bì lá thông nặng. Mùa không cho hạt, bão ùa về, đồng lúa chín ngập trong biển nước, bát cơm toàn sắn. Có lần Quang theo mẹ ra chợ Sò, nhìn các bạn cùng trang lứa mặc quần áo mới tung tăng cắp sách tới trường, Quang ao ước mình cũng được như các bạn. 10 tuổi, Quang đã có thêm 2 em nhỏ. Vừa trông em vừa làm việc nhà, cơm ăn không đủ no nên Quang gầy queo quắt. Ngoài Quang ra, trong xóm còn có Hoà, Điệp và nhiều em nhỏ khác không được đến trường do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhận thức của bố mẹ còn hạn chế.
Hình ảnh về những đứa trẻ ấy làm cho bà Thoong nhiều đêm thao thức. Bà quyết định tìm đến nhà Quang. “Việc nhà ai, nhà ấy lo, bà thì lo được gì, thân bà chưa lo nổi đòi lo người khác", anh Hoàng Vĩnh Cư (bố cháu Quang) khăng khăng đuổi bà ra khỏi nhà với lý lẽ ấy. Bà Thoong đưa vội mấy quyển sách cũ cho Quang nói: "Cầm lấy mà học, mai mốt bà cho tiếp". Ra về trong đêm lạnh bà không cầm được nước mắt. Vượt qua những giây phút buồn tủi, bà kiên trì đến gõ cửa hàng ngày. Rồi "mưa dầm thấm lâu", 3 tháng liên tiếp, anh Cư nhận thấy mình sai, nhận ra những sẻ chia, tận tụy của bà Thoong là vô cùng thiết thực. Anh không giấu niềm xúc động: "Ơn nghĩa của bà Thoong gia đình tui không bao giờ trả hết được. Dù gia đình tui không ruột rà với bà nhưng bà đã tận tâm, tận lực coi các con tôi như cháu của mình vậy…".
Với người dân Diễn Lộc, bà Thoong là người bà, người chị, người mẹ tận tụy. Bà còn đảm đương rất tốt cái "chức" tổ trưởng Tổ tự quản kiêm hoà giải của xóm. Xóm 15 sống đoàn kết, ấm no, đùm bọc, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nhiệt tình tham gia các phong trào, các cuộc vận động lớn, nhờ vào công lao không nhỏ của bà. Chỉ cần nghe tin nơi này, nơi nọ chơi bài, đánh bạc, lập tức bà có mặt để kịp thời can ngăn, phân tích. Những va chạm lớn nhỏ của từng gia đình trong xóm đều có mặt bà Thoong.
Bà kiên trì vận động bà con trong xóm giữ vệ sinh chung. Bà Thoong tâm sự: "Xem trên truyền hình thấy người ta nói thực hiện vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới, tui cũng không hiểu những nơi khác vướng mắc ở mô, vì ở xóm tui chuyện "sạch đường, sạch ngõ là sạch nhà" đã thành nếp. Và bà đúc kết lại: "Việc gì có nhân dân đồng thuận, khó mấy cũng trở nên dễ dàng". Hàng năm, bà còn ủng hộ từ 200 đến 300 ngàn đồng vào quỹ khuyến học của xóm để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt.
Chia tay bà Thoong khi đã quá chiều, không gian nghĩa trang vắng lặng. Tôi nhìn theo cái bóng gầy của bà lom khom quét dọn, tưới cây, cắt cỏ nơi nghĩa trang với tất cả niềm mến phục.
Bài, ảnh: Thu Hương