Thầm lặng trợ sức cho cầu thủ nhí

(Baonghean) - Giữa những kịch tính của các trận túc cầu, giữa những xuýt xoa được - mất, chắc hẳn, chẳng mấy ai để tâm đến công việc lặng thầm của đội ngũ y tế thể thao - những người góp phần không nhỏ làm nên thành công của giải đấu. Họ là những bác sỹ, kỹ thuật viên nhiều năm liên tục làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, đảm bảo sức khỏe để các cầu thủ nhí tham gia Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An có được phong độ tốt nhất.

Thành Vinh những ngày này không còn nắng nóng gay gắt như đợt đầu mùa. Thế nhưng, có mặt trên sân cỏ nhân tạo phía sau nhà thi đấu thể thao Thành phố Vinh, vẫn thấy dội vào người thứ nhiệt lượng rừng rực từ sức nóng của các trận bóng lứa tuổi thiếu niên. Có mặt tại giải đấu năm nay, các cầu thủ thiếu niên từ các đội hầu hết đều có kinh nghiệm “chinh chiến” dày dặn, trưởng thành từ giải đấu lứa tuổi nhi đồng Cúp Báo Nghệ An. Thế nên, dễ hiểu, các đối thủ tỏ ra ngang tài ngang sức và liên tục có những tình huống vào bóng đầy kịch tính. Đưa mắt nhìn quanh sân, không khó để bắt gặp những hình ảnh phụ huynh căng mắt dõi theo đường chuyền điệu nghệ của con em mình, và đôi bàn tay người mẹ thi thoảng lại ôm chặt lấy ngực vì sự căng thẳng quá đỗi của các tình huống trên sân.
Lặng lẽ ở một góc nhỏ sau cầu môn, là bóng áo blouse trắng theo dõi rất sát diễn biến của trận đấu, không bỏ qua bất cứ chi tiết va chạm nhỏ nào. Đó là anh Chu Trường Thanh, kỹ thuật viên xương bột, khoa Ngoại, Bệnh viện GTVT Nghệ An. Tươi cười chỉ vào hộp thuốc y tế cơ động lúc nào cũng đồng hành bên cạnh, anh Thanh nói vui: “Mình và bạn mình (hộp thuốc y tế - PV) lúc nào cũng sẵn sàng trợ sức cho các cầu thủ nhí. Phải chú tâm theo dõi diễn biến trên sân để có thể lao vào sân nhanh nhất, giảm đau đớn cho các em sau va chạm.”
Đội ngũ y tế chăm sóc cho cầu thủ đội thiếu niên TP. Vinh sau chấn thương.
Đội ngũ y tế chăm sóc cho cầu thủ đội thiếu niên TP. Vinh sau chấn thương.
Đây không phải là lần đầu tiên kỹ thuật viên Chu Trường Thanh làm nhiệm vụ chăm sóc y tế cho các cầu thủ, mà liên tục 3 năm nay, anh đã trở thành “người quen” của Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An. Anh bảo, công tác y tế tại giải đấu thực chất không quá phức tạp, rất hiếm khi gặp những ca nặng, ca khó. Tuy nhiên, nếu là người mới nhập cuộc sẽ gặp phải những khó khăn, bỡ ngỡ. Nhớ lại năm đầu tiên được giao nhiệm vụ, anh Thanh không tránh khỏi những hồi hộp, lo sợ. Từ việc chưa quen với lịch thi đấu dày đặc, việc căn giờ giữa các trận để có thể xuất hiện trên sân đúng thời điểm, đến việc vận dụng các phương pháp sơ, cấp cứu kịp thời và đưa ra quyết định chính xác, đúng lúc cho những trường hợp chấn thương nặng… Tất cả đòi hỏi bản lĩnh của nhân viên y tế và sự quen thuộc, gần gũi với các cầu thủ nhí của giải đấu.
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng đột ngột bởi một cầu thủ của đội thiếu niên Thành phố Vinh bị chấn thương sau cú va chạm mạnh với cầu thủ đội thiếu niên Tương Dương. Rất nhanh nhẹn, sau hiệu lệnh của trọng tài, anh Thanh phán đoán tình huống và lao vào sân. Lúc này, thuốc xịt giảm đau tức thời được anh sử dụng cho vùng bụng chấn thương của cầu thủ. “Chẳng là hai em cùng nhảy lên tranh bóng, vô tình đầu gối em này thúc vào bụng em kia. May là không có gì phức tạp!”, kỹ thuật viên Chu Trường Thanh thở phào nhẹ nhõm. 
Câu chuyện giữa chúng tôi bên lề sân cỏ nhận được sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Những người làm cha, làm mẹ vẫn chưa ráo mồ hôi sau cuộc mưu sinh, đã lặn lội hàng trăm km để kịp đến sân bóng đúng giờ con mình thi đấu, tấm tắc biết ơn và khen ngợi tinh thần làm việc của những nhân viên y tế. Chị Xeo Thị Yến (Hữu Kiệm, Kỳ Sơn) có con trai thi đấu trong đội tuyển nhi đồng Kỳ Sơn, chị góp chuyện bằng ngữ điệu chất phác của người vùng núi: “Ôi, cán bộ y tế ở đây giỏi lắm, thương các cháu lắm. Năm ngoái con tui cũng đi đá bóng, bị đau bụng mấy ngày liền vì không quen ăn, không quen nước dưới xuôi, rứa mà cán bộ khám, cho thuốc, hỏi han đến khi khỏi đó”. 
Tham gia giải, các em đến từ nhiều vùng quê khác nhau, mỗi nơi một phong tục, tập quán, sinh hoạt khác nhau, nên việc đau bụng, đau đầu, dị ứng ngoài da… do tiếp xúc nguồn thực phẩm, nguồn nước khác với thói quen từ nhỏ là chuyện bình thường. Thậm chí có những trường hợp say nắng do các em nằm điều hòa khách sạn, nhà nghỉ không quen, buổi tối đi ngủ để nhiệt độ quá lạnh, buổi ngày trời nắng gắt, bước ra ngoài dễ sốc nhiệt. Làm nhân viên y tế giải đấu, đặc thù hơn những việc khác là phải tinh ý, phải hiểu và đúc rút kinh nghiệm chữa trị mới đạt hiệu quả.
Những kinh nghiệm ấy được anh Thanh truyền lại cho thế hệ sau, nên 2 mùa giải lại đây, cùng với anh còn có anh Cao Xuân Cường - cán bộ y tế khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện GTVT Nghệ An. Cường còn trẻ, chưa lập gia đình nhưng yêu trẻ con và đam mê trái bóng tròn lắm. Cường thực hiện nhiệm vụ tại sân nhi đồng trong nhà thi đấu. Nhìn các em mải mê với những đường chuyền, Cường tâm sự: “Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An được đánh giá là giải đấu fair play, các cầu thủ nhi đồng dù còn rất ít tuổi, ở nhà có khi được cưng chiều, vòi vĩnh nhất nhưng đã ra sân thì luôn có tinh thần chơi đẹp, kiên cường.
Thế nên, chấn thương mạnh như gãy tay, gãy chân… không phải là không có nhưng hiếm. Nếu có cũng chủ yếu là do vô tình vào bóng mạnh, hoặc chạy quá nhanh rồi mất đà ngã, chứ chưa ghi nhận trường hợp nào các đối thủ cố tình chơi xấu.” Theo Cường, là cán bộ y tế trên sân, điều cần thiết là sự nhanh nhẹn và chú tâm. “Có khi cả mấy trận liền đều diễn ra thuận lợi, mình ngồi theo dõi liên tục cũng dễ có tâm lý mệt mỏi, chủ quan, nhưng chỉ cần lơ là là có tình huống cần đến sự can thiệp y tế liền.” Mặt khác, phải có kinh nghiệm để nhận biết các trường hợp giả vờ đau, giả vờ ngã… - các “mẹo vặt” của cầu thủ để có hướng xử lý kịp thời. Sự nhận định của nhân viên y tế trên sân là nguồn thông tin quan trọng giúp trọng tài phân định tình huống và tác động đến kết quả các trận đấu.
Với Giải Bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng Cúp Báo Nghệ An, những nhân viên y tế ấy đã trở thành một phần quan trọng, góp phần tạo nên thành công của giải đấu. Vẫn luôn lặng lẽ, khiêm nhường ngồi ở góc sân, vẫn là những ánh mắt chăm chú và lo lắng, nhưng biết bao mùa giải qua, ai cũng có thể nhận ra, trên những mặt sân rực lửa này, y đức và tình yêu trẻ thơ, niềm đam mê trái bóng tròn kỳ ảo đã hòa quyện vào nhau…
Phương Chi

tin mới

Báo chí dữ liệu

Báo Nghệ An: Bước chuyển từ báo in truyền thống đến báo chí dữ liệu

(Baonghean.vn) - Ngày 15/3 tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ chương trình Hội Báo toàn quốc 2024, Diễn đàn Báo chí được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Đóng góp vào diễn đàn, Báo Nghệ An đã có video trình chiếu với nội dung "Báo Nghệ An: Bước chuyển từ báo in truyền thống đến báo chí dữ liệu".