Thắm tình quân dân nơi đầu nguồn sông Chu

03/08/2012 21:48

(Baonghean) Chuyến ngược đường lên với xã biên giới Thông Thụ (Quế Phong) một ngày cuối tháng 7, ngay chặng dừng tạm nghỉ ở ngã ba Phú Phương, chúng tôi tình cờ gặp đoàn công tác của huyện từ khu vực di dân mới ra. Đồng chí Kha Văn Tám - Phó Bí thư Huyện ủy cho biết: Lực lượng 150 CBCS của Trung đoàn 764 (Bộ CHQS tỉnh) vào giúp dân vùng lòng hồ Thủy điện Hủa Na di dời rất hiệu quả, bà con phấn khởi lắm. Nếu không có bộ đội, việc di dân không biết bao giờ mới xong, vì nước sông lên cao, đường công vụ mới mở lầy lội, nguy hiểm và rất nhiều gian khổ khác mà chỉ bộ đội mới có thể đảm đương nổi.

Chiếc commangca cũ kỹ của Bộ CHQS tỉnh sau khi rời con đường nhựa mới làm phục vụ cho công trình thế kỷ đã liên tục đánh vật với lối vào những bản cũ đang hối hả di dời. Mắc cạn ở khe Nậm Piệt (bản Lốc). Trầy trật trên những đoạn đường công vụ trơn trượt vì mưa. Quanh co men theo nhiều con dốc dựng đứng... Chúng tôi có mặt tại bản Ăng (xã Thông Thụ) khi chiều đã xâm xẩm. Giữa những đợt mưa liên tục, trung tâm bản hiện ra với những lối đi đặc quánh bùn, bám dính vào bánh xe và chân người. Bản có 114 hộ, vốn xưa khá sầm uất, nằm kề ngay bên bờ sông Chu nhưng nay đang trong cuộc “đại di chuyển”. Vẻ xưa đã không còn, giờ khung cảnh chung chỉ còn lại những nền nhà hoang vắng, những ngôi nhà đang tháo dỡ dở dang và một số nhà chờ đến lượt được hạ xuống, xuôi bè, lên xe về nơi ở mới. Nổi bật lên là đông đảo màu xanh áo lính đang trần lưng giữa thời tiết đỏng đảnh, thoáng mưa, thoáng tạnh để giúp dân. Dưới bến sông Chu, lối bản Đon, từng đoàn bè gỗ của người dân tập kết từ các bản xa chờ lên hàng đoàn xe tải vào ra đã làm gam màu bình lặng của cuộc sống nơi đây trở nên rộn rịp hơn. Cái rộn rịp của khoảng khắc trước khi miền đất xưa nằm sâu vĩnh viễn dưới hàng trăm thước nước.

8 bản di dời của xã Thông Thụ là: Hủa Na, Na Công, bản Mai, Huồi Đựa (chân dốc Bù Cao Mạ) , bản Lốc, bản Đon, bản Ăng và Cà Na. Cụ bà Lang Thị Hạnh ở bản Ăng, năm nay đã 80 tuổi kể chuyện: “Từ khi biết nhìn ông mặt trời cho đến dừ, mẹ đã ăn cá, uống nước của Nậm Chu (sông Chu-P.V), đi không khỏi buồn. Mà thôi, đi theo lời của Nhà nước, cho cái điện, cũng là cho con cho cháu đó con!” Lời của cụ Hạnh cũng là tâm sự rất thật lòng không chỉ của bà con bản Ăng.



Bộ đội Tiểu đoàn 41 chuyển nhà cho gia đình anh Lương Văn Thuận (bản Đôn) về Mường Piệt (Thông Thụ).

Cùng anh Lương Văn Hải, Phó bản Ăng (Thông Thụ) đi một vòng quanh bản. Bộ đội đã giúp dân di chuyển hầu hết các ngôi nhà sàn. Nhiều nhà lớn, số cây cột, ván phải bằng 2- 3 nhà khác, phải dỡ đến 2 ngày mới xong. Rồi đây, anh Hải và gia đình cũng sẽ về định cư tại bản Huồi Đựa 2, cùng hàng chục hộ khác trong bản. Bản Ăng có 114 hộ, trong đó có 61 hộ tình nguyện di dời, 53 hộ sẽ về nơi ở mới theo kế hoạch của BQL Dự án thủy điện. Về nơi ở mới, bà con sẽ được cấp 400m2 nhà ở, 400m2 đất vườn và 200m2 đất canh tác trên mỗi nhân khẩu. Và kinh phí đền bù nhà sàn, cây trồng (cây lưu niên, cây đã cho thu hoạch...) cũng đã được bà con nhất trí với phương án của Nhà nước. Đi qua đoạn dốc cao và trơn trượt, anh Hải nói “Nếu không có bộ đội giúp dân, chưa biết khi mô bản Ăng mình mới di dời theo đúng kế hoạch được. Mà chú ơi, bộ đội về giúp dân đều tự lo cơm nước cả đấy…”.

Đón chúng tôi giữa những cơn mưa rừng bất chợt và cả một quang cảnh hối hả chuyển dời nơi bản cũ, Thiếu tá Phan Văn Minh - Tham mưu trưởng Trung đoàn 764 (Bộ CHQS tỉnh), người đã bám trụ cùng CBCS của mình ngay từ những ngày đầu bộ đội có mặt nơi đây cho biết: “Thực hiện chỉ thị của Bộ CHQS tỉnh, được sự nhất trí của QK 4, Ban chỉ huy Trung đoàn đã xây dựng kế hoạch “Mỗi đồng chí, tự viết một bản quyết tâm giúp dân”. Nhiệm vụ chính được xác định là giúp dân thuộc các bản di dời khỏi vùng lòng hồ thuộc xã Thông Thụ (Quế Phong) bốc dỡ, di chuyển tài sản, nhà cửa về nơi ở mới nhanh nhất, an toàn nhất.



Chuyển gỗ từ sông lên xe tải.

Bên cạnh đó, sẵn sàng giúp dân bất cứ việc gì khi được yêu cầu, nhằm để đảm bảo tiến độ cho công trình Thủy điện Hủa Na. Sau khi đã quán triệt và triển khai nhiệm vụ cụ thể đến từng CBCS, ngày 16/6, 150 CBCS của Trung đoàn (lực lượng nòng cốt là quân số của tiểu đoàn 41) đã lên đường, cơ động về với nơi người dân đang cần đến các anh với tình cảm ấm áp và trách nhiệm của tình quân dân. Điểm dừng chân đầu tiên, cũng là nơi đơn vị đóng quân là bản Ăng, là vị trí trung tâm. Từ đây, sẽ được phân thành nhiều nhóm để tiếp tục cơ động sang các bản khác như Hủa Na, bản Đon, bản Cà Na... Trong đó có những bản cách trở như bản Cà Na phải qua 2 lần đò với giá tiền 50 ngàn đồng/lượt/người. Hầu hết các bản đều phải vượt qua dốc cao, trơn trượt, lầy lội. Những cây gỗ lớn phải hơn 10 người khiêng đến bờ sông, để rồi kết bè cho trôi theo sông Chu trước khi đến điểm tập kết, nơi sẽ bốc tiếp lên xe tải về điểm mới.

Những ngày đầu, dân chưa tin lắm vì sợ bộ đội... làm hỏng nhà. Nhưng rồi chỉ 2-3 ngày sau, thấy anh em trân trọng tài sản của bà con như chính của mình, người dân đã hoàn toàn đặt niềm tin vào các anh. Nhiều trường hợp chủ nhà bận việc, không trực tiếp cùng làm được, chỉ cần đưa bộ đội đến, chỉ “Nhà mình đó, bộ đội giúp mình cái”, rồi đi. Còn lại, các anh đã tháo dỡ gọn gàng, tài sản cũng được xếp đặt cẩn thận, chờ xe tải vào là bốc lên. Có trường hợp như anh Lô Văn Thắng, ở bản Hủa Na, bố mẹ đều trên 80 tuổi, anh Thắng lại phải đi chăm vợ ốm ở Vinh. Đúng đêm cuối cùng trước khi bộ đội rút quân, anh Thắng chỉ kịp tranh thủ về gặp các anh, bảo: “Tiền lo cho vợ đi viện ở Vinh hết rồi, không có để thuê công ty ngoài mô. Thôi, các anh giúp cho tui với”. Thế rồi, anh Thắng đã quay lại viện ngay trong đêm. Sau khi hội ý, đơn vị quyết định cử một tổ ở lại để giúp gia đình anh Thắng, còn đại bộ phận lại lên đường về các bản khác. Với tiến độ và trách nhiệm ấy, chỉ sau 10 ngày, bản Hủa Na đã dỡ hết số nhà, đảm bảo kịp kế hoạch.

Một sáng mưa, chúng tôi cùng Trung tá Phạm Trọng Danh (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dự bị động viên-Trung đoàn 764), vượt sông Chu để sang bản Đon, một bản có 124 hộ, di dời theo diện dự án 18 hộ, còn lại di dời tự do. Con sông Chu mùa này nước đang lên đục ngầu.

Khắp những lối đi, đâu cũng vang lên tiếng hô kéo dỡ nhà giúp dân của bộ đội. Tại gia đình anh Lương Văn Thuận, một tổ 33 CBCS đã dỡ xong nhà cho anh chị, những cây cột nhà sàn lại lên vai chiến sỹ đi về phía bờ sông. Chị Hà Thị Xoan, vợ anh Thuận, vừa múc nước chè cho bộ đội vừa cho biết, đợt này, gia đình chị cũng về tái định cư tại Mường Piệt, ngoài tiền thuê xe Công ty Thái An vận chuyển, dựng lại nhà, tiền đất ở bản mới hết chừng 130 triệu đồng, còn lại đều nhờ bộ đội. Nhờ vậy, số tiền đền bù dôi ra, gia đình vẫn đủ để tạo dựng cuộc sống mới. Từ bản Đon, bộ đội phải chia thành 2 tổ để thay nhau chuyển gỗ ra sông vì quá xa và quá khó khăn. Bộ đội phải phát cây, băng ngang ruộng, dùng tre, nứa lát đường. Cứ hơn 10 người mới vác được 1 cây. Cây nào lớn, phải dùng đến kiểu xe cút kít đẩy đi. Đến bờ sông lại cần 1 tổ phụ trách việc lao gỗ xuống tận bến với dốc dựng 70 độ, cao chừng 20m.



Một thoáng tình quân dân trước khi từ giã bản cũ.

Có không ít khó khăn trong đợt về giúp dân lần này. Những điều như khí hậu, thung thổ, điều kiện ăn ở, nguồn nước sinh hoạt đã là trở ngại không nhỏ. Đảm bảo được chế độ ăn 50 ngàn đồng/người/ngày tại địa bàn Thông Thụ cũng không phải là dễ. Nhiều khi, đường sá chia cắt, lương thực, thực phẩm tiếp tế không vào kịp, bộ đội đành phải dùng đồ khô dự trữ mang theo. Nhưng vượt lên tất cả, “vì nhân dân quên mình”, người lính Trung đoàn 764 đã thực hiện đúng như vậy, để lòng dân còn lưu giữ mãi về hình ảnh đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Thiếu tá Nguyễn Văn Minh trao đổi: Qua đợt hành quân dã ngoại giúp dân lần này, CBCS Trung đoàn đã giúp di dời được 256 nhà sàn thuộc 5 bản khó khăn nhất với tất cả lòng nhiệt tình và trách nhiệm. Đơn vị cũng đã giữ tuyệt đối an toàn lao động, kỷ luật quân đội. Ngoài ra còn phối hợp tốt với lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương, các công ty tư nhân...Tình cảm giữa cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến xã với đơn vị thường xuyên gắn bó và nâng lên một bậc.

Rời Thông Thụ, xã địa đầu biên giới ở một nẻo miền Tây xứ Nghệ, hình ảnh những người lính nặng trĩu trên vai từng cây cột nhà sàn của bà con bản làng vẫn theo suốt hành trình trở lại của chúng tôi. Theo thông tin mới nhất, rời Thông Thụ, các CBCS của Trung đoàn 764 lại sẽ về giúp đồng bào bà con Nậm Giải (Quế Phong) ổn định cuộc sống. Tình quân dân còn mãi như thao thiết nước đầu nguồn sông Chu, như dòng Nậm Piệt...

Dự án Thủy điện Hủa Na (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) được khởi công vào tháng 3 năm 2008, do PVN làm chủ đầu tư, có tổng công suất 180 MW với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng. Để xây dựng Thủy điện Hủa Na, có 1.362 hộ dân/14 bản của 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ phải di dời về nơi ở mới tại 14 điểm tái định cư, chưa kể các điểm di dân tự nguyện khác. Ngày 4/7/2012, công trình đã tiến hành đóng van hầm dẫn dòng, chính thức tích nước lòng hồ để tiến tới phát điện vào cuối quý 4/2012. Sau khi bà con chấp nhận phương án đền bù và nhận tiền hỗ trợ di dời đầy đủ, huyện đã huy động lực lượng thanh niên, quân đội và các tổ chức đoàn thể trong huyện trực tiếp xuống giúp dân tháo dỡ công trình nhà cửa, vận chuyển đến các điểm tái định cư. Trong đó, đặc biệt là sự đóng góp của 150 CBCS thuộc Trung đoàn 764 (Bộ CHQS tỉnh).


Trần Hải

Mới nhất
x
Thắm tình quân dân nơi đầu nguồn sông Chu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO