Tham vọng đưa nước Nhật 'bình thường' trở lại của Thủ tướng Abe

23/10/2017 19:32

(Baonghean)- Bỏ xa các đối thủ trong cuộc bầu cử ngày 22/10, Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã giành chiến thắng vang dội. Điều này có nghĩa, phép thử độ tín nhiệm của người dân đối với chính phủ của Thủ tướng Abe đã thành công. Tuy vậy, con đường phía trước sẽ còn nhiều thách thức để Thủ tướng Abe đưa nước Nhật phát triển và “bình thường trở lại” .

Chiến thắng không bất ngờ

Theo kết quả chính thức, đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Abe giành được 283 ghế, vượt xa mục tiêu 233 ghế quá bán mà ông Abe đề ra trong chương trình tranh cử. Với nền tảng này, LDP có thể sẽ kiểm soát tất cả các ủy ban lập pháp tại Hạ viện. Đảng Công Minh trong liên minh cầm quyền được 29 ghế. Như vậy, liên minh cầm quyền giành được tổng cộng 312 ghế/465 ghế tại Hạ viện, vượt mức đa số 2/3 cần thiết để có thể dễ dàng thông qua các quyết sách của chính phủ. Có 2 lý do giải thích cho chiến thắng vang dội của liên minh đảng Dân chủ tự do của Thủ tướng Abe.

sdvSdvdv
Liên minh đảng cầm quyền Nhật Bản giành chiến thắng vang dội. Ảnh Nikkei

Thứ nhất, các đảng đối lập đang chia rẽ quan điểm nội bộ sâu sắc về cương lĩnh và các chính sách. Đảng Hy vọng - một trong hai đảng đối lập chính trước cuộc bầu cử - bị suy giảm uy tín nhanh chóng trong thời gian ngắn vì cương lĩnh tranh cử không rõ ràng. Mặc dù trước đó, chủ tịch của đảng này, bà Yuriko Koike và cũng là Thống đốc Tokyo đã được kỳ vọng làm thay đổi tương quan lực lượng trong cuộc bầu cử Hạ viện.

Tuy vậy thời gian quá gấp gáp, từ khi bà Koike tuyên bố thành lập Đảng đến khi bầu cử chỉ chưa đầy 1 tháng. Nhiều chính sách của Đảng này đưa ra được cho là trùng lặp với LDP của Thủ tướng Abe. Chính vì thế, so với Đảng LDP, đảng Hy vọng bị đánh giá là “sự lặp lại non nớt”. Đảng Dân chủ đối lập cũng đang lục đục nội bộ, chưa sẵn sàng cho bầu cử do nhiều thành viên rời bỏ hàng ngũ. Rõ ràng, sự khủng hoảng của lực lượng đối lập đã trở thành một lợi thế rõ rệt của LDP.

Thứ hai, về phía cử tri, chính phủ hiện tại là lựa chọn khả dĩ nhất trong bối cảnh nước Nhật đang đứng trước nhiều mối lo ngại. Thời gian qua, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng minh năng lực xử lý tình huống khủng hoảng khi mối đe dọa từ Triều Tiên ngày một gia tăng. Đây là một tình huống mà một chính đảng non trẻ, chưa có kinh nghiệm, rất dễ rơi vào thế bị động. Bên cạnh đó, về kinh tế, chính sách “Abenomic” tuy không thành công rực rỡ nhưng cũng đem lại những gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế của nước Nhật.

Tăng trưởng trong 6 quý liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4% xuống còn 2,8%, thị trường chứng khoán Tokyo, được coi là biểu tượng của nền kinh tế, liên tục có những chuyển động tích cực. Tất cả đều nhờ nỗ lực chấn hưng nền kinh tế mà Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện. Nói cách khác, chiến thắng của liên minh cầm quyền không quá bất ngờ. Chiến thắng này sẽ là bệ phóng và sự đảm bảo cho ông Abe bảo vệ cương vị chủ tịch đảng LDP.

Một nghị trình bận rộn

Mặc dù chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lần này, nhưng với liên minh cầm quyền và bản thân Thủ tướng Abe, con đường phía trước không hẳn đã suôn sẻ. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Abe giảm xuống mức 38% trong cuộc khảo sát thực hiện bởi báo Asahi hồi tháng trước, thấp hơn nhiều so với con số 54% hồi đầu năm. Điều đó có nghĩa cử tri Nhật Bản kỳ vọng nhiều hơn những gì mà Thủ tướng Shinzo Abe đang làm.

Người dân đất nước “Mặt trời mọc” chưa thể an tâm khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa nhấn chìm Nhật Bản xuống biển và đã hai lần phóng tên lửa qua lãnh thổ nước này. Về vấn đề trong nước, “quả bom” nhân khẩu học đang bao trùm ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực từ kinh tế tới xã hội trong nước.

Tỉ lệ sinh khá thấp trong khi dân số cao tuổi đang tăng lên đồng nghĩa với việc lực lượng lao động đang bị thu hẹp và phải gồng gánh khoản chi phí phúc lợi khổng lồ. Bên cạnh đó, nợ công của chính phủ Nhật đang ở mức cao nhất trong các quốc gia công nghiệp, lớn hơn gấp đôi nền kinh tế nước này. Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo Tokyo phải hạ bớt núi nợ này, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

dsáv
Thủ tướng Shinzo Abe và những người ủng hộ ở tỉnh Iwate. Ảnh Nikkei

Chính bởi những thách thức “nhãn tiền” này, ngay trong buổi họp báo chiều 23/10, ông Abe tuyên bố đến cuối năm 2017, LDP sẽ xây dựng một gói chính sách nhằm cải thiện những vấn đề cấp bách như tỷ lệ sinh thấp, tình trạng lão hóa dân số thông qua việc thúc đẩy hệ thống phúc lợi xã hội hoạt động hiệu quả hơn đối với thế hệ trẻ. Thủ tướng Nhật Bản cũng đưa ra cam kết về việc sẽ tăng thuế tiêu dùng từ 8% như hiện nay lên mức 10% kể từ tháng 10/2019, để tăng cường đảm bảo phúc lợi xã hội và cho phép các nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an toàn được vận hành trở lại.

Về đối ngoại, Thủ tướng Abe cam kết Nhật Bản sẽ phối hợp với Mỹ, Trung Quốc và Nga trong nỗ lực kiềm chế mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên thông qua “các biện pháp ngoại giao cứng rắn và mạnh mẽ”. Trước mắt, Nhật Bản sẽ theo đuổi một đường lối ngoại giao quyết liệt đồng thời gây áp lực lớn hơn để Triều Tiên sớm từ bỏ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân.

Cơ hội sửa Hiến pháp

Tataoki Nogami, cựu phóng viên và tác giả của ba cuốn sách về Thủ tướng Abe nói: “Abe muốn để lại tên mình trong lịch sử bằng cách đạt được điều gì đó vĩ đại như ông ngoại của ông đã làm”. Ông ngoại của Abe, cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, được biết đến là người đã sửa lại hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật thành một trong những quan hệ đối tác bình đẳng vào năm 1960. Trước khi sửa đổi, Mỹ được phép sử dụng cơ sở quân sự ở Nhật Bản, nhưng lại không có nghĩa vụ phải bảo vệ đồng minh.

Thủ tướng Abe “theo chân” người tiền nhiệm và là ông ngoại mình trở thành nhà cải cách về chính sách an ninh quốc gia khi thông qua luật phòng vệ hồi năm 2015. Việc hợp pháp hóa quyền phòng vệ đã cho phép Nhật Bản có vai trò cân bằng hơn trong quan hệ đối tác an ninh với Mỹ.

ADV

Thủ tướng Nobusuke Kishi, ông ngoại Thủ tướng Shinzo Abe (phải) trong cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1957. Ảnh AP.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử quan trọng vừa qua sẽ tiếp tục mở đường cho Thủ tướng Abe trong việc sửa đổi hiến pháp. Trọng tâm dự thảo sửa đổi Hiến pháp của Thủ tướng Abe được gói gọn là “trở thành một quốc gia bình thường”, một quốc gia có một quân đội chính quy chứ không phải là đội phòng vệ, và có thể tiến hành chiến tranh. Hiện tại, theo Hiến pháp Hòa bình, Nhật Bản không thể thực hiện vũ trang, ngoài việc phòng vệ cho quốc gia.

Nếu thành công, ông Abe có thể trở thành thủ tướng đầu tiên sửa đổi hiến pháp thời hậu chiến. Theo nhiều nhà quan sát, cùng với những vấn đề kinh tế, xã hội khác, việc sửa đổi hiến pháp một lần nữa chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự của chính phủ Nhật Bản vào năm 2018. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, Thủ tướng Abe sẽ phải vượt qua nhiều thách thức bởi quan điểm của một số chính trị gia đối lập vẫn phản đối việc sửa đổi Hiến pháp. Kết quả khảo sát của báo Asahi mới đây cho thấy, khoảng 37% người trả lời ủng hộ ông trong khi đó đến 40% người phản đối.

Rõ ràng Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Abe mặc dù giành thắng lợi vang dội, tuy nhiên cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về đối nội và đối ngoại trong thời gian tới.

Thanh Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tham vọng đưa nước Nhật 'bình thường' trở lại của Thủ tướng Abe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO