Thanh Chương: Cần tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng

27/03/2013 17:17

(Baonghean.vn) - Thanh Chương là huyện có diện tích rừng tự nhiên khá lớn với nhiều loại gỗ quý hiếm. Nhiều năm qua một số...

(Baonghean.vn) -Thanh Chương là huyện có diện tích rừng tự nhiên khá lớn với nhiều loại gỗ quý hiếm. Nhiều năm qua một số địa bàn ở Thanh Chương luôn là điểm nóng về vấn nạn chặt phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép. Trước thực trạng đó UBND huyện Thanh Chương đã triển khai các giải pháp để giữ rừng.

Thời điểm này lên cửa khẩu Thanh Thuỷ (Thanh Chương), theo PV quan sát thì vẫn xuất hiện tình trạng “lâm tặc” dùng xe máy, xe trâu chở gỗ theo kiểu nhỏ lẻ. Chủ yếu các “lâm tặc” dùng xe máy lôi để kéo gỗ, phía sau đều được “nguỵ trang” bằng cỏ tươi. Hoạt động này thường diễn ra giữa trưa và chiều tối. Ông Phan Duy Trinh – Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ, cho biết: Mặc dù xã đã tuyên truyền vận động người dân, nhưng nhiều đối tượng hám lợi vẫn theo nghề. Khó khăn của Thanh Thuỷ là đất đai canh tác lúa nước ít cả xã chỉ có 110 ha, địa hình phức tạp, xã đang rất cần được Nhà nước đầu tư hỗ trợ để bà con phát triển cây chè và trồng rừng nguyên liệu, chuyển đổi ngành nghề để giảm thiểu chặt phá rừng.

Được biết Thanh Chương có diện tích rừng 64.000 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 41.000 ha tập trung ở 6 xã dọc biên giới Việt Lào gồm xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm, Thanh Thuỷ, Thanh Hà. Đây là các khu rừng có lượng gỗ quý hiếm còn nhiều có giá trị phòng hộ đầu nguồn rất lớn, địa hình hiểm trở… Để giảm thiểu nạn phá rừng UBND đã xây dựng các giải pháp bảo vệ rừng. Trước tiên huyện xác định trọng điểm các xã có rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ nhiều để tập trung bảo vệ. Cụ thể Thanh Sơn, Ngọc Lâm, Thanh Thuỷ, Thanh Hà, có 3 chủ rừng lớn là Ban QLRPH Thanh Chương, Tổng đội thanh niên 5 và 2. Các xã trọng điểm về có người thường xuyên vào rừng khai thác mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép như Thanh Khê, Võ Liệt, Thanh Thịnh, Thanh Hương, Hạnh Lâm và Thanh Hoà. Các xã trọng điểm về tàng trữ và chế biến lâm sản như Thanh Thuỷ, Thanh Yên, Thị trấn Dùng, Đồng Văn, Thanh Tùng.

Thực hiện các giải pháp chống chặt phá và bảo vệ rừng tại gốc đối với từng vùng rừng. Trước tiên là khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn gồm 2 xã Thanh Thuỷ, Thanh Hà có 2 đơn vị chủ rừng là Ban QLRPH Thanh Chương và Tổng đội thanh niên xung phong 5. Khu vực này có 9.372 ha rừng, trong đó có 7.853 ha rừng tự nhiên. Cần bố trí 2 trạm bảo vệ rừng tại Khe Cấm và Khe Mừ (lâm phận Ban QLRPH quản lý). Tổng đội TNXP 5 phối hợp với Trạm kiểm lâm Thanh Thuỷ, Đồn biên phòng cửa khẩu Thanh Thuỷ thường xuyên tổ chức chốt giữ. Kiểm lâm quản lý chặt chẽ 5 xưởng chế biến gỗ tại địa bàn, phối hợp với bộ đội biên phòng theo dõi phát hiện việc vận chuyển gỗ lậu qua biên giới trên khu vực cửa khẩu, đường tuần tra biên giới.

Vùng 2 bao gồm các xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn, đây là địa điểm của đồng bào tái định cư, địa thế hiểm trở, diện tích rừng tự nhiên 1.800 ha, đời sống bà con nhiều khó khăn, thiếu đất canh tác sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Chủ rừng là Ban QLRPH cần củng cố các trạm bảo vệ rừng ở Khe Tròn, Khe Máng (Ngọc Lâm) và khe Trơn, Khe Lý (Thanh Sơn). Hạt kiểm lâm phối hợp với Ban QLRPH, chính quyền 2 xã trên tăng cường kiểm tra theo các tuyến trọng điểm, đường tuần tra biên giới.




Người dân dùng trâu vận chuyển gỗ trái phép trên đường cửa khẩu Thanh Thuỷ -Thanh Chương

Vùng 3 gồm xã Hạnh Lâm, Thanh Đức. Là địa bàn có 13.000 ha diện tích rừng tự nhiên, do Tổng đội TNXP 2 quản lý, đây là vùng rừng có trữ lượng gỗ lớn, các đối tượng khai thác chủ yếu là dân bản Cao Vều (Anh Sơn). Cần xây dựng quy chế phối hợp với Đồn biên phòng 557 và chính quyền xã Phúc Sơn huyện Anh Sơn để bảo vệ rừng giáp ranh. Đối với tuyến Khe Sướn bố trí kiểm lâm phối hợp chủ rừng và chính quyền xã Thanh Đức, Đồn biên phòng 557 tăng cường tuần tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống mới bắt đầu phát sinh. Đặc biệt là mai phục để truy đuổi xử lý các đối tượng, đầu nậu tập kết gỗ, kết bè ngay tại khu vực đầu nguồn sông Giăng.


Bên cạnh đó Thanh Chương xác định trách nhiệm của chủ rừng, UBND các xã, kiểm lâm, công an và bộ đội biên phòng. Trước tiên là trách nhiệm của UBND các xã đối với công tác QLBVR. Phối hợp với chủ rừng, hạt kiểm lâm xây dựng phương án tuần tra bảo vệ rừng. Thống kê lập danh sách và có biện pháp quản lý, giáo dục các cá nhân chuyên khai thác vận chuyển buôn bán lâm sản trái phép. Xử lý và kiểm điểm kỷ luật đối với cán bộ đảng viên có các hành vi vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc. Chủ tịch UBND xã không làm tốt nhiệm vụ để mất rừng bị kiểm điểm, kỷ luật theo pháp luật quy định.

Để bảo vệ rừng tốt, Thanh Chương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận người dân, thống kê xác định cụ thể từng đối tượng đầu nậu buôn bán gỗ và các đối tượng thường vào rừng chặt phá, hình thức và phương thức hoạt động, địa bàn hoạt động (tuyến đường sông, tuyến đường bộ) để triệt phá và xử lý. Thống kê số lượng xưởng cưa xẻ chế biến gỗ, xác định quy mô năng lực hình thức và mục đích chế biến để quản lý. Kiên quyết xử lý những cơ sở chế biến không có giấy phép kinh doanh, hoặc có giấy phép nhưng vẫn lợi dụng xẻ gỗ trái phép. Làm tốt công tác quản lý giáo dục đối với kiểm lâm viên, gắn kiểm lâm địa bàn với từng địa bàn cụ thể, xử lý nghiêm minh các nhân viên kiểm lâm thông đồng móc nối với lâm tặc. Bên cạnh đó đối với các xã có rừng Nhà nước cần phải có cơ chế chính sách để chuyển đổi ngành nghề. Cụ thể như xã Ngọc Lâm –Thanh Sơn các khu tái định cư đều nằm sát bìa rừng, trong khi đất đai sản xuất lại thiếu, người dân rất cần được đầu tư hỗ trợ quy hoạch đất sản xuất để trồng lúa, chè, mía, sắn, đồng thời cần hỗ trợ bà con vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi, hạn chế nạn chặt phá rừng, ổn định kinh tế.


Sông Dinh

Mới nhất

x
Thanh Chương: Cần tăng cường các giải pháp bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO