Thanh Chương: Nhịp sống mới ở khu tái định cư
(Baonghean.vn) - Đã hơn 10 năm kể từ ngày di dời về huyện Thanh Chương hiến đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, cuộc sống của 2.605 hộ dân tại các khu tái định cư nay đã ổn định và phát triển.
Mặc dù thời tiết lạnh giá nhưng ông Lương Thanh Phượng ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) vẫn cùng các thành viên trong gia đình tranh thủ ra đồi cắt tỉa cành chè, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Là người dân tộc, mới tiếp xúc với cây chè công nghiệp nhưng ông đã nắm vững các công đoạn thâm canh chè.
"Chè là loại cây dễ trồng, trồng một lần thu hái trong nhiều năm, với 3 ha chè năm vừa rồi tôi thu về trên 500 triệu đồng" - ông Phượng cho biết.
Ông Lương Thanh Phượng ở bản Muộng, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) chăm sóc chè chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới. Ảnh: Đình Hà |
Ông Lương Thanh Phượng chỉ là một trong hàng ngàn hộ dân các xã tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn được di dời từ lòng hồ thủy điện về huyện Thanh Chương xây dựng quê hương mới. Ông Phượng đã đổi đời từ sản xuất, chăn nuôi, trong đó có cây chè công nghiệp.
Nhớ lại cách đây 10 năm và những năm sau đó, người dân gần như “ăn không ngồi rồi”, chờ trợ cấp trên vùng đất tái định cư. Cùng với việc ổn định nơi ăn chốn ở, được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân bản địa, bà con đã bắt nhịp với cuộc sống mới. Được nhận đất lại được cầm tay chỉ việc nên từ bỏ thói quen đốt rừng làm rẫy chọc lỗ, tra hạt.
Đến nay, trên địa bàn hai xã có gần 200 ha ruộng lúa nước, hàng ngàn ha đất màu bãi và đất rừng. Nhờ vậy, bên cạnh việc trồng lúa, rau màu để lấy cái ăn hàng ngày, người dân đã tích cực trồng rừng và trồng chè.
Cán bộ đồn Biên phòng Ngọc Lâm đang trao đổi với dân bản về kỹ thuật làm chè. Ảnh Đình Hà |
Hiện ở 2 xã đã có hơn 3.000 ha rừng trồng, chủ yếu là cây keo lai, 234,5 ha chè công nghiệp. Đây là cơ sở để huyện Thanh Chương cùng 2 xã chỉ đạo trồng đạt 500 ha chè vào những năm tới, quyết tâm đưa vùng tái định cư trở thành trọng điểm chè của huyện.
Cùng với đầu tư sản xuất, người dân đã phục hồi các ngành nghề truyền thống, học thêm nghề mới và đầu tư kinh doanh. Hiện bên cạnh các nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nhiều hộ gia đình đã đầu tư các lò ấp trứng gia cầm, mở ốt quán dịch vụ, xây dựng các xưởng chế biến; hình thành đại lý mua bán thực phẩm để trao đổi hàng hóa với miền xuôi.
Là người thành công trong chế biến các món ăn từ thịt bò, lợn bản, cá suối, măng, rau, củ quả rừng, chị Trương Hiền - cán bộ xã Thanh Sơn đã làm dịch vụ mỗi tháng thu lãi cả chục triệu đồng. Từ một mình chị, hiện nay tại xã Thanh Sơn đã có trên 10 người làm theo, tất cả đều tiêu thụ được sản phẩm cũng như nhập về các loại hàng hóa khác để phục vụ bà con.
Nhờ bắt nhịp và hòa nhập với cuộc sống, cung cách làm ăn mới mà đời sống của người dân TĐC được thay đổi từng ngày... Nếu như trước đây muốn mua một cái bóng điện cũng phải đi xa hàng chục cây số, bây giờ người dân có thể mua được tất cả các loại hàng hóa từ bình dân đến cao cấp ngay tại địa bàn.
Theo ông Lô Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, ngày mới về vùng đất mới có trên 70% số hộ dân nằm trong diện hộ nghèo, có nhiều hộ quá nghèo đói; đến năm 2016 chỉ số này đã hạ xuống còn 67,8%, kết thúc năm 2017 chỉ còn 55%, giảm hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, về cơ bản không còn hộ đói.
Ngoài sản xuất cây lương thực, trồng rau màu cũng được người dân TĐC quan tâm để tự túc thực phẩm. Ảnh: Đình Hà |
Để đảm bảo cuộc sống và sự phát triển, Đảng, nhà nước các cấp cũng đã và đang phối hợp với Ban quản lý dự án Thủy điện Bản Vẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, đầu tư mỗi năm hàng tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giúp bà con có điều kiện khai thác tiềm năng đất đai, đồi rừng.
Hôm nay, đi trên những con đường vào các xã tái cư dễ dàng bắt gặp những nương sắn, đồi chè xanh mướt ôm lấy đồi núi, bản trong bản ngoài và không khí lao động sản xuất hăng say của bà con các dân tộc. Đây là động lực, điều kiện để vùng đất mới tiếp tục vươn lên, có cuộc sống mới tốt đẹp hơn nơi ở cũ.
Đình Hà
TIN LIÊN QUAN |
---|