Thành công nhờ cách làm hay
một huyện bán sơn địa, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống hiếu học, khoa bảng lâu đời, người dân xứ Lường vẫn vươn lên lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội đều chung tay, góp sức chăm lo cho việc học. Nhờ đó, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Đô Lương luôn ở trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục.Mạnh cả mũi nhọn và đại trà
(Baonghean) Là một huyện bán sơn địa, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống hiếu học, khoa bảng lâu đời, người dân xứ Lường vẫn vươn lên lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội đều chung tay, góp sức chăm lo cho việc học. Nhờ đó, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Đô Lương luôn ở trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục.
Mạnh cả mũi nhọn và đại trà
Huyện Đô Lương trực tiếp quản lý 90 trường học, trong đó có 33 trường mầm non, 35 trường tiểu học và 22 trường THCS. Dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục, nhưng với sự nỗ lực của mỗi địa phương, mỗi trường, mỗi giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo Đô Lương luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục.
Năm học 2011-2012, Đô Lương đứng thứ Ba về thi học sinh giỏi (lớp 9) cấp tỉnh với điểm bình quân hơn 13,2 (sau TP.Vinh – 14,5 và Diễn Châu – 13,8). Đặc biệt, trong cuộc giao lưu Olympic Toán tuổi thơ toàn quốc, Đô Lương có em Hoàng Quốc Phong là 1 trong 3 học sinh của Nghệ An đoạt Huy chương Vàng. Đáng chú ý là số học sinh giỏi không phải chỉ có ở các trường trung tâm huyện, các trường có điều kiện thuận lợi mà còn có nhiều, có cả giải cao ở các trường thuộc vùng khó khăn (như trường hợp em Hoàng Quốc Phong, học sinh Trường Tiểu học Đại Sơn).
Phòng học tin học của Trường Tiểu học Thị trấn Đô Lương.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện của Đô Lương cũng không ngừng được nâng cao, thể hiện rõ nhất là trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, Đô Lương đã đứng thứ Nhất với điểm bình quân 28,66 và chỉ có 3 điểm 0. Trong kỳ thi này, Đô Lương có 11 trường nằm trong tốp 50 và 25 học sinh nằm trong tốp 100 của tỉnh. Chất lượng giáo dục tiểu học được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao với tỷ lệ 68% số học sinh được xếp loại khá, giỏi. Giáo dục mầm non chuyển biến tích cực, tỷ lệ trẻ bán trú tiếp tục tăng và đạt 60%.
Kết thúc năm học 2011-2012, Đô Lương đã được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp là huyện xuất sắc về giáo dục và đào tạo.
Những cách làm hay
Những thành tựu đáng khâm phục trên là kết quả của cả một quá trình nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và Đảng bộ huyện Đô Lương mà nòng cốt là ngành Giáo dục và Đào tạo. Nhiều năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo Đô Lương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo nền tảng cơ bản cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết là chăm lo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Đến nay, 100% giáo viên các cấp học của Đô Lương đã đạt chuẩn đào tạo, trong đó, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn ở cấp tiểu học là 79%, THCS 64% và mầm non 47%; năm 2011, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện có 16 giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) cấp tỉnh, 1 SKKN được nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học-công nghệ của UBND tỉnh. Cùng với đó, hàng năm, Đô Lương đã thực hiện tốt việc luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý nhà trường.
Theo ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Đô Lương, việc luân chuyển với những quy định cụ thể và quy trình thực hiện công khai, dân chủ đã tạo niềm tin trong cán bộ, giáo viên, từ đó không những khắc phục được hiện tượng thừa ở vùng thuận lợi, thiếu ở vùng khó khăn mà còn điều hòa được chất lượng giáo viên giữa các nhà trường, nâng dần chất lượng giáo dục ở các trường thuộc vùng khó khăn.
Một trong những giải pháp được coi là “cú hích” quan trọng giúp sự nghiệp giáo dục được phát triển đồng đều giữa các vùng trong huyện là việc huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ cơ sở đến huyện. Xã Đại Sơn ban hành đề án về chống học sinh bỏ học, xã Hiến Sơn có đề án về nâng cao chất lượng giáo dục, xã Giang Sơn Tây mở cuộc vận động “Tất cả vì sự nghiệp giáo dục”...
Riêng năm học 2011-2012, toàn huyện vận động được 4,9 tỷ đồng đóng góp từ nhân dân để nâng cấp cơ sở vật chất trường học. UBND huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia (trường ở vùng khó khăn được hỗ trợ 500 triệu đồng đối với mầm non và THCS; 400 triệu đồng đối với trường tiểu học đạt chuẩn mức 1 và 350 triệu đồng đối với trường tiểu học đạt chuẩn mức 2); quy định và tổ chức phát thưởng cho học sinh và giáo viên giỏi vào cuối mỗi năm học để động viên, khuyến khích thầy và trò…
Đến nay, toàn huyện đã có 48 công trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008-2012 được hoàn thành, đưa vào sử dụng; 56/90 trường (15 trường mầm non, 33 trường tiểu học và 8 trường THCS) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Những thành công, những giải thưởng mà các nhà trường, các thầy cô giáo và học sinh Đô Lương giành được trong năm học 2011 – 2012 sẽ tạo đà cho Đô Lương tiếp tục “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, giúp Đô Lương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học mới 2012-2013 và các năm học tiếp theo.
Duy Nam