Thành công nhờ "dám nghĩ, dám làm"

18/08/2014 21:21

(Baonghean) - Từ hai bàn tay trắng, với nghị lực, ý chí, Nguyễn Hồng Sơn đã xây dựng thành công cơ sở sản xuất đồ mộc mỹ nghệ, làm giàu cho bản thân và giải quyết được việc làm cho người lao động tại quê hương.

Cơ sở sản xuất đồ mộc, mỹ nghệ Hồng Sơn ở khu CNN Đô Lăng, xóm 4 xã Nghi Lâm của ông chủ trẻ Nguyễn Hồng Sơn được biết đến với việc sản xuất các sản phẩm đồ mộc dân dụng, mỹ nghệ xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản. Trước khi tự thành lập cơ sở, bản thân anh đã có thời gian gắn bó 10 năm với việc sản xuất các mặt hàng gỗ, mỹ nghệ như đũa, môi muỗng, các dụng cụ xào nấu nhà bếp… tại Công ty sản xuất TMDV Toàn Năng ở TP. Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều năm tự học hỏi, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật, mẫu mã, thông tin thị trường về các mặt hàng. Qua thực tế, anh nhận thấy hiện nay nhu cầu về dụng cụ nấu nướng bằng gỗ rất được ưa chuộng ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản… “Mặt hàng này ít chịu sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Các công đoạn làm ra sản phẩm khá tỷ mỉ nhưng không khắt khe về công nghệ, máy móc nên bất kỳ người nông dân nào cũng có thể làm được. Đó cũng chính là những thuận lợi để tôi quyết định gây dựng cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, mỹ nghệ tại quê nhà”, anh Sơn chia sẻ.

Cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Hồng Sơn (Khu CNN- xóm 4,  xã Nghi Lâm)
Cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Hồng Sơn (Khu CNN- xóm 4, xã Nghi Lâm)

Khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi, Nguyễn Hồng Sơn bắt đầu từ việc tìm các vườn hộ bỏ hoang trong xóm để thuê mặt bằng, mở xưởng. Đến năm 2000, cùng với chủ trương chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, anh được huyện, xã tạo điều kiện cho thuê 0,6 ha đất tại vị trí quy hoạch khu CNN nằm trên địa bàn xóm 4 xã Nghi Lâm. Anh đã mạnh dạn vay ngân hàng, vay tín chấp thông qua các tổ chức ủy thác như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, cùng với vốn tự có và bạn bè được gần 400 triệu đồng cải tạo mặt bằng, xây nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị… Anh cũng đã bố trí 20 nhân công đi các huyện miền núi như Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa để tìm mua, khai thác các loại gốc gỗ, thân cây tốt làm nguyên liệu. Hai năm trở lại đây, cùng với việc giải tỏa hành lang ATGT xây dựng NTM, nhiều địa phương phải phá bỏ cây nguyên liệu, cây trồng lâu năm nên anh thu mua, khai thác gộc gỗ cây ở các địa phương này nhằm đa dạng hóa nguyên liệu đầu vào.

Nhờ dám nghĩ, dám làm, cơ sở sản xuất mộc dân dụng, mỹ nghệ Hồng Sơn đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường. Anh Sơn cho biết: “Đa số các sản phẩm của cơ sở sản xuất đều thuộc hàng cao cấp, chuyên dụng dùng cho các nhà hàng, khách sạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Giá bộ sản phẩm rẻ nhất bán ra 10 ngàn đồng/cái, bộ sản phẩm muôi muỗng, dụng cụ xào nấu cao cấp giá bán 40- 50 ngàn đồng/bộ. Cơ sở bán ra thị trường trong nước và nước ngoài trên 30 ngàn sản phẩm/tháng, sau khi trừ tất cả chi phí, thu về trên 100 triệu đồng”. Sản xuất đạt hiệu quả, cơ sở đã tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động nông thôn trên địa bàn xã Nghi Lâm với mức lương 3-6 triệu đồng/người/tháng. Anh Đinh Bạt Trọng (22 tuổi) xóm 4, xã Nghi Lâm, công nhân tổ cưa tại cơ sở phấn khởi chia sẻ: “Công việc của em là xẻ gỗ, ra phôi, lên lộng để chuyển đến tổ chà nhám, sơn ve gỗ. Mỗi ngày, em làm 8 tiếng, còn làm thêm ca thì được 20 ngàn đồng/tiếng. Thu nhập của em đạt từ 4-5 triệu đồng mỗi tháng”.

Bàn về định hướng phát triển cơ sở, ông chủ trẻ Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Hiện nay, đa số công nhân làm việc tay nghề chưa cao, phong cách làm việc chưa chuyên nghiệp. Thời gian tới, nếu có điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay, tôi sẽ tập trung đầu tư trau dồi tay nghề cho lao động, thu hút nhiều lao động có chuyên môn kỹ thuật; mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao uy tín, chất lượng cho sản phẩm; tạo nhiều việc làm hơn cho lao động quê hương.

Lương Mai

Mới nhất

x
Thành công nhờ "dám nghĩ, dám làm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO