Thành công từ đưa “nghề quen”vào “đất lạ”

04/03/2013 18:17

(Baonghean) - Đó là anh Lê Tiến Cường (SN 1976) cùng vợ là Văn Thị Huệ (SN 1976) quê ở xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu. Đầu Xuân 2007, trong một lần vào thăm người thân ở phường Hải Thành - Đồng Hới, anh Cường được chứng kiến nghề đúc táp lô xi măng của người dân ở đây còn bằng phương pháp thủ công, vừa không năng suất lại hao tốn khá nhiều nguyên liệu. Anh Cường nghĩ: Nếu dùng táp lô để xây dựng thì sẽ rất nặng tường và thiếu độ vững chắc. Hay là ta đem công nghệ đúc block ở quê vào đây làm thử?

Vốn là một thanh niên tháo vát, một thợ giỏi nghề đúc block xây dựng ở quê hương Quỳnh Tân, khi trở về nhà, anh đem ý tưởng mới ra bàn với vợ. Được gia đình nhiệt tình ủng hộ, anh vay vốn, mua sắm máy móc, dụng cụ, gửi con trai 6 tuổi lại cho ông bà nội rồi cùng vợ lên đường vào Quảng Bình lập nghiệp. Tới Đồng Hới, nhờ sự giúp đỡ của bà con và chính quyền địa phương, chẳng bao lâu sau anh đã thuê được mảnh đất đủ rộng, dựng lều ở tạm rồi khẩn trương triển khai nghề nghiệp.

“Vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu mới hành nghề, vợ chồng anh gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi vợ ở nhà chăm nuôi con dại (1 tuổi), lo lắng việc hậu cần, thì một mình anh vừa là chủ, vừa là thợ, vừa là người quan hệ xã hội, cung ứng vật tư, tiếp liệu và cũng là nhân viên thị trường, rao bán sản phẩm. Càng gian nan vất vả, anh càng quyết tâm hơn. Điều lo ngại nhất là sản phẩm làm ra thị trường không chấp nhận, người dân nơi đây chưa có thói quen sử dụng loại vật liệu xây dựng mới này. Nếu trường hợp đó xảy ra và kéo dài thì ý đồ lập nghiệp có cơ không thực hiện được.

Anh Cường tâm sự: “Vào Quảng Bình lập nghiệp trong khi họ hàng thân thích không có ai, nghề nghiệp và sản phẩm làm ra mới lạ, người dân chưa quen dùng, nhà xưởng không có, địa chỉ nơi làm việc không rõ ràng lại ở chỗ khuất, một bên là ruộng nước, một bên là động cát cao chẳng mấy ai biết mà tìm đến. Trong những tháng đầu, block làm ra cứ chất đống chẳng có người mua, lo đến quên ăn, quên ngủ, nhiều đêm tôi phải thức trắng để suy nghĩ tìm cách tiêu thụ. Cuối cùng lối thoát cũng được tìm ra, hàng ngày tôi phải chất block lên xe chạy khắp đó đây từ Đồng Hới vào Quảng Ninh, ra Bố Trạch để vừa giới thiệu sản phẩm vừa bán rong nhanh chóng thu hồi vốn về tái sản xuất. Sau đó ít lâu, sản phẩm block đã được thị trường chấp nhận. Nhờ mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, bloc lại nhẹ nên được nhân dân tin dùng. “Tiếng lành đồn xa” dần dần bà con tìm đến cơ sở của tôi mua hàng ngày càng nhiều, từ đó nghề đúc block xây dựng ở Hải Thành, Đồng Phú thuận đà phát triển. Mấy năm gần đây hàng làm ra được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu, có đợt block sản xuất không đủ để cung cấp cho thị trường”.

Cơ sở sản xuất của anh Cường nằm bên lề đường Phan Huy Chú phường Hải Thành, dưới chân phía Tây động cát Bàu Tró, sát với bờ ruộng của nhân dân Đồng Phú. Đến thăm nhà xưởng của anh mới thấy được mức độ gian nan vất vả của nghề đúc block xây dựng. Toàn bộ gia đình anh 3 người cùng anh em công nhân đều phải tá túc trong hai căn nhà xây tạm. Mọi thứ dụng cụ, xe ô tô, máy móc thiết bị, nguyên liệu, sản phẩm đều nằm phơi giữa trời, dưới tán cây phi lao. Đây cũng chính là nơi hàng ngày 8 lao động thường xuyên làm việc mỗi ngày 6 - 7 tiếng đồng hồ và hưởng lương theo sản phẩm; bình quân thu nhập mỗi người trên 4 triệu đồng/tháng.

Từ khi có lợi nhuận, vợ chồng anh Cường vừa làm vừa tiết kiệm, mua sắm thêm dụng cụ phương tiện, máy móc, tăng thêm người làm, mở rộng cơ sở. Hiện tại với hai máy đúc nếu chạy hết công suất mỗi ngày cơ sở sản xuất được 7.500 viên block. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết và các yếu tố khách quan, nên mỗi tháng bình quân chỉ làm được 10 vạn viên, tháng cao điểm nhất là 17 vạn viên. Mỗi viên block rỗng ruột có kích thước 20cm x 14cm x 10cm được đúc từ một lượng đá dăm vừa đủ cùng với 0,44kg xi măng có giá trị 1.200 - 1.400 đồng.

Xa quê vào Quảng Bình lập nghiệp từ năm 30 tuổi. Bằng bàn tay, khối óc và ý chí quyết tâm, hơn 5 năm qua vợ chồng anh Cường đã vượt khó vượt khổ vươn lên để có được một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng lớn so với trong vùng. Hiện tại anh chị đã mua sắm được một thửa đất rộng 300m2, 1 xe ô tô tải trọng 6 tấn, 1 máy trộn và 2 máy đúc bloc tổng trị giá khoảng 800 triệu đồng, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động. Mọi người làm việc ở đây đều được đối xử bình đẳng, vui vẻ và thoải mái, tiền công, tiền lương được trả đúng, trả đủ. Bản thân anh chị Cường - Huệ ngày ngày vẫn trực tiếp lao động không hề phân biệt giữa chủ và công nhân nên ai nấy đều phấn khởi nhiệt tình, tự giác làm việc để tăng thêm thu nhập.

Chấp nhận xa quê để lập nghiệp, đưa một “nghề quen” vào vùng “đất lạ” và thành công, vợ chồng anh chị thật xứng đáng là điển hình của phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp”.


Trần Ngọc Phơn (TK6, phường Hải Thành, Đồng Hới, Quảng Bình)

Mới nhất
x
Thành công từ đưa “nghề quen”vào “đất lạ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO