Thành công và trăn trở
(Baonghean) - Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được các cấp chính quyền và ban ngành quan tâm, tạo điều kiện và đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này vẫn đang còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
(Baonghean) - Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được các cấp chính quyền và ban ngành quan tâm, tạo điều kiện và đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này vẫn đang còn nhiều băn khoăn, trăn trở.
Có thể nói, thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ta là việc khôi phục hàng loạt các hoạt động lễ hội trong dịp đầu Xuân năm mới. Có thể kể ra những lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Làng Vạc (Thị xã Thái Hòa), Lễ hội Hang Bua (Qùy Châu), Lễ hội Đền Vạn- Cửa Rào (Tương Dương)... Những lễ hội này đang ngày càng phát triển về quy mô, hoàn thiện khâu tổ chức và ít nhiều mang giá trị bản sắc của từng vùng miền, dân tộc. Việc khôi phục các lễ hội đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và nhu cầu vui chơi, giải trí của bà con các dân tộc trong dịp Tết đến, Xuân về, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc.
Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào (Tương Dương) năm 2012
Cùng với việc khôi phục lễ hội, thời gian qua, các huyện Qùy Hợp, Tương Dương, Qùy Châu, Quế Phong đã mở được hàng chục lớp truyền dạy chữ Thái cổ. Từ phong trào dạy và học chữ Thái, xuất hiện những ngưấi tâm huyết với nét chữ và truyền thống văn hóa dân tộc như các ông Sầm Văn Bình (Qùy Hợp), Lô Khánh Xuyên (Quế Phong), Lô Văn Thoại, Vi Khăm Mun, Lô Khăm Phi (Tương Dương)... Đặc biệt,như ông Lô Khánh Xuyên, dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài truyền dạy chữ Thái cho lớp trẻ. Đối với dân tộc Ơ đu, một trong những dân tộc ít người nhất cả nước và chỉ cư trú trên địa bàn huyện Tương Dương đang đối diện với nguy cơ bị mai một bản sắc văn hoá. Trong vòng mấy năm lại nay, huyện Tương Dương đã tổ chức được một số lớp học tiếng Ơ đu. Người Ơ đu phấn khởi, háo hức đến lớp để tìm lại tiếng nói của cha ông mình.
Thực hiện chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, từ năm 2008, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội diễn Văn nghệ - Giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số theo định kỳ thời gian 3 năm/lần. Đến nay, qua hai lần tổ chức, hội diễn đã đáp ứng được phần nào nhu cầu thưởng thức và sáng tạo văn hóa của đồng bào. Đồng thời, qua đó phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới, bổ sung vào phong trào văn hóa - văn nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương có sự đầu tư khá lớn về con người và kinh phí, vẫn không thể tránh khỏi tình trạng một số địa phương chỉ tham gia lấy lệ hoặc mang tính đối phó.
Việc bảo tồn bản sắc âm nhạc dân tộc còn phải kể đến sự ra đời và phát triển của mô hình câu lạc bộ (CLB) dân ca - nhạc cụ dân tộc. Tiêu biểu là ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Qùy Hợp... Các CLB này được hình thành trên cơ sở tập hợp những cá nhân trong các làng, bản có cùng sở thích và tình yêu đối với âm nhạc dân tộc. Họ đến CLB với tinh thần tự nguyện và bằng niềm đam mê.
Lợi thế của mô hình CLB này là lưu giữ được những nét tinh túy, cổ sơ của những làn điệu dân ca, dân vũ. CLB vừa đóng vai trò là đội văn nghệ quần chúng của các bản làng, vừa là những lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc. Trên thực tế, nhiều CLB đã vươn lên trở thành nòng cốt của phong trào văn hóa - văn nghệ toàn huyện như CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc ở các xã Môn Sơn, Lạng Khê (Con Cuông), CLB Dân ca - Dân vũ bản Phòng (xã Thạch Giám, Tương Dương).
Cuối năm 2011, chúng tôi có phóng sự "Phía sau cuộc đời của một nghệ nhân dân gian". Bài viết nói về những ngày tháng cuối đời sống trong lặng lẽ, cô đơn của ông Vi Đình Công (xã Thạch Giám, Tương Dương), người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè.
Đầu năm 2012, lên Tương Dương dự Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, nghe tin ông Vi Đình Công đã mất, chúng tôi thật sự nuối tiếc dù vẫn biết sinh - tử là lẽ tự nhiên. Bởi lẽ, lúc còn sống ông từng chia sẻ với chúng tôi những băn khoăn, lo lắng khi tuổi đã chiều tà xế bóng nhưng vẫn không tìm được người xứng đáng để truyền dạy toàn bộ "bí quyết" trong chế tác và sử dụng khèn bè, kể cả những người con của mình. Nói như vậy để khẳng định một điều, hầu hết các nghệ nhân truyền giữ các làn điệu dân ca, dân vũ và dân nhạc đều đã vượt qua hoặc cận kề độ tuổi "xưa nay hiếm".
Trong khi đó, do bị chi phối bởi nhiều yếu tố nên có lúc, có nơi thế hệ trẻ tỏ ra chưa toàn tâm, toàn ý với "điệu hồn" của dân tộc mình. Nếu không có sự quan tâm đúng mức, khoảng trống giữa các thế hệ ngày một lớn, lớp trẻ sẽ "hụt hơi" trong cuộc chạy đua tiếp sức để bảo tồn vốn quý của tổ tiên. Không riêng gì nghệ nhân Vi Đình Công, các nghệ nhân khác như Lô Thế Lục, Lương Văn Nghiệp, Vi Thị Tân (Con Cuông), Lầu Chống Dì, Moong Thị Lợi (Kỳ Sơn), Lô Thị Hương (Anh Sơn) đều có chung suy nghĩ và lo lắng trong việc truyền dạy dân ca, nhạc cụ cho thế hệ trẻ...
Công Kiên