Dự hội nghị về lãnh đạo Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về lãnh đạo Quân khu 4 có Trung tướng Hà Thọ Bình - Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Lại Thế Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí: Trần Thế Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Trọng Hải - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đoàn ĐBQH - HĐND và lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh... của 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.
CỦNG CỐ, BỒI ĐẮP, LÀM SÂU SẮC THÊM MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC
3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh với nhiều điều kiện tương đồng về địa lý, con người và lịch sử; nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, phía Bắc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, chiếm 10,1% diện tích của cả nước.
Hợp tác phát triển liên kết vùng đã và đang là xu thế tất yếu được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua, 3 tỉnh đã tăng cường liên kết, hợp tác, đặc biệt là ngày 16/9/2022, tại TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), lãnh đạo 3 tỉnh đã ký Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giai đoạn 2022 - 2025.
Sau 1 năm triển khai thực hiện chương trình hợp tác đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực như: Vận động, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng; công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; du lịch; văn hóa, thể thao; giáo dục - đào tạo; y tế; lao động; quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng;…
Những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và tiếp tục thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác, lâu dài giữa các địa phương, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển chung của vùng và cả nước.
Tỉnh Thanh Hóa: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,01% (đứng thứ 29 cả nước). Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 272.950 tỷ đồng, đứng thứ 8/63 địa phương trong cả nước.
Tỉnh Nghệ An: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 7,14% (đứng thứ 26 cả nước). Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 195.199 tỷ đồng, đứng thứ 10/63 địa phương trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An đã có sự bứt phá về thu hút FDI, là điểm sáng nổi bật: Năm 2022 lần đầu tiên vào nhóm 10/63 địa phương thu hút FDI lớn nhất với tổng số vốn đăng ký 961,3 triệu USD; năm 2023, tính đến ngày 7/12/2023, tổng số vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh là 1,42 tỷ USD (dự kiến cả năm 2023 đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD).
Tỉnh Hà Tĩnh: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước đạt 8,05% (đứng thứ 15 cả nước). Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 102.500 tỷ đồng.
Phát biểu khai mạc và chào mừng hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: Hội nghị chính là cơ hội để lãnh đạo 3 tỉnh trao đổi, đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả, thành tựu đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hợp tác phát triển giữa 3 địa phương, từ đó đề xuất định hướng, giải pháp hợp tác, liên kết trọng tâm trong thời gian tới.
Hội nghị cũng là cơ hội để 3 tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở từng địa phương; qua đó tăng cường củng cố, bồi đắp và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác cùng phát triển trong thời gian tới.
“Tỉnh Nghệ An luôn kỳ vọng và tin tưởng rằng, Chương trình hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả cao nhất, thực chất hơn và đi vào chiều sâu, mở ra nhiều triển vọng mới, cơ hội hợp tác mới và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa 3 địa phương”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.
ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT XỨ THANH, XỨ NGHỆ
Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo 3 tỉnh đã có những tham luận sâu sắc để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa xứ Thanh và xứ Nghệ.
Theo đó, đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trình bày tham luận về “Giải pháp đẩy mạnh liên kết phát triển, xây dựng khu vực Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước”.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh trình bày tham luận về “Nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy, liên kết các giá trị di sản, truyền thống lịch sử, văn hóa kết hợp khai thác du lịch của 3 địa phương”.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trình bày tham luận về: “Thu hút đầu tư nước ngoài tại Nghệ An: Nắm bắt cơ hội vàng - trở thành điểm đến đầu tư “thuận lợi - tin cậy - hiệu quả”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng đã có những trao đổi, gợi mở cho chương trình hợp tác, liên kết phát triển của 3 tỉnh hiệu quả cao hơn trên các lĩnh vực về hạ tầng, đào tạo đại học và nghề, xây dựng chính sách.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng khẳng định: Nhu cầu hợp tác và liên kết, hợp tác vùng vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nhu cầu tự thân và cách làm hiện nay của 3 tỉnh rất đúng hướng. Mặc dù thời gian ký kết hợp tác chưa dài, nhưng sản phẩm mang lại rất lớn. Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thống nhất cao việc 3 tỉnh cùng nhau hợp tác, liên kết vùng phát triển; đồng thời đề nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện thể chế.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng, với những nét tương đồng về lịch sử, văn hoá, 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hợp tác, phát triển du lịch và xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối giữa 3 tỉnh; đồng thời cần kết nối với các địa phương có cảng biển lớn để chia sẻ nguồn hàng, xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ cảng biển, logistics. Ba tỉnh cần phát huy lợi thế có tuyến biên giới với Lào để khai thác nhằm phát triển du lịch, kinh tế Đông Tây, vùng Đông Bắc Thái Lan.
Đối với Nghệ An và Hà Tĩnh, đề ra các giải pháp để phát triển kinh tế các địa phương dọc sông Lam, phối hợp, đề xuất với Trung ương, kêu gọi nguồn lực của các doanh nghiệp xây dựng thêm được nhiều cầu bắc qua sông Lam, tạo thuận lợi cho giao thông 2 tỉnh.
Thay mặt Cơ quan Thường trực Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị 3 địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đóng góp, xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhận diện và thể hiện rõ hơn các tiềm năng, lợi thế nổi trội của 3 tỉnh và tiểu vùng Bắc Trung Bộ để hình thành các chuỗi liên kết trong công nghiệp, năng lượng, nguồn nhân lực.
Thay mặt các đồng chí chủ trì, phát biểu tổng kết hội nghị, trên cơ sở đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý khẳng định: Việc 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh ký kết Bản ghi nhớ hợp tác phát triển là “đúng và trúng” và cần tiếp tục triển khai tốt trong thời gian tới trên tinh thần tình cảm và trách nhiệm, chia sẻ, hợp tác có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời tin tưởng thành công của hội nghị là nền tảng, động lực để tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa 3 tỉnh ngày càng bền chặt, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa.
Hội nghị đánh giá 2 năm kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh vào năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Tĩnh.