Thanh Lĩnh vươn lên nhờ phát triển giáo dục
Từ xưa, Thanh Lĩnh (Thanh Chương) như một bán đảo, kẹp giữa sông Trai và sông Lam. Sống gần như biệt lập, người dân quanh năm cần cù làm lụng, lo bát cơm, manh áo, tự cung, tự cấp. Tính đến Cách mạng tháng Tám 1945, Thanh Lĩnh chỉ có một người có bằng diplom, hơn 90% người mù chữ.
(Baonghean) - Từ xưa, Thanh Lĩnh (Thanh Chương) như một bán đảo, kẹp giữa sông Trai và sông Lam. Sống gần như biệt lập, người dân quanh năm cần cù làm lụng, lo bát cơm, manh áo, tự cung, tự cấp. Tính đến Cách mạng tháng Tám 1945, Thanh Lĩnh chỉ có một người có bằng diplom, hơn 90% người mù chữ.
Cách mạng tháng Tám thành công, khi Bác Hồ kêu gọi diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, người dân Thanh Lĩnh bừng tỉnh. Đây là một trong những địa phương tích cực đi đầu chiến dịch diệt giặc dốt. Năm 1962, Trường cấp 2 Thanh Lĩnh ra đời vẻn vẹn 2 lớp 5 và 1 lớp 6 với khoảng trên 100 học sinh. Trong bom đạn chiến tranh, phải học dưới hầm hào nhưng trường vẫn nở rộ phong trào thi đua "Hai tốt". Năm 1972, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương nhập cấp 1 với cấp 2, trường có tên là Trường cấp 1, 2 Thanh Lĩnh và đã được Phòng và Ty Giáo dục chọn làm trường thí điểm. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được lựa chọn, ưu tiên. Cán bộ và nhân dân địa phương rất phấn khởi. Trong khó khăn, nhân dân Thanh Lĩnh tạo điều kiện cho giáo viên ruộng đất để tăng gia, mời thầy về ở trong nhà mình, đổi gạo thay phần độn lương thực, cho củi và cử người nấu cơm cho thầy cô ở nội trú, miễn tiền qua đò cho giáo viên,... Đó là những việc rất cụ thể, thiết thực đối với đời sống giáo viên lúc bấy giờ. Nhiều năm liền, giáo dục Thanh Lĩnh được coi là "Bắc Lý của Thanh Chương", sánh bước với Cẩm Bình, Nghĩa Đồng, Kim Liên,... là những "điểm sáng" của tỉnh.
Những năm 70 của thế kỷ trước, học sinh giỏi của Thanh Lĩnh vươn lên hàng đầu của huyện, của tỉnh. Có học sinh Thanh Lĩnh tham dự thi học sinh giỏi quốc tế như Nguyễn Khâm Đào; nhiều học sinh giỏi quốc gia như Trần Đình Chất, Trần Văn Sáu, Nguyễn Tiến Dần, Nguyễn Văn Đờn, Trần Đình Hà, Trần Anh Tú, Lưu Thị Hà, Trần Thị Anh Thư... Năm nào, Thanh Lĩnh cũng có học sinh học ở Trường chuyên của Bộ, Trường chuyên Phan Bội Châu (có năm có 3-4 em vào học). Nhiều người đã và đang đảm nhận các trách nhiệm quan trọng như: Tiến sĩ Trần Văn Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy TP Vinh; NGND.TS Lê Văn Phớt, nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT; Nguyễn Văn Chất - nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư; GS.TS Vũ Quốc Phóng, hiện đang giảng dạy môn Toán tại Trường Đại học Ohio của Mỹ; PGS.TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội; TS Nguyễn Văn Tăng - công tác ở Viện Công nghiệp quốc gia về KHCN Nhật Bản... và nhiều nhà văn, nhà báo, nhà giáo, doanh nhân thành đạt trong nước và nước ngoài. Thanh Lĩnh là một trong những xã có số người xa quê thành đạt nhất của huyện. Dù đi đâu, làm gì, họ luôn nhớ về miền quê từng chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo nuôi mình. Họ đã hướng về quê nhà bằng những việc làm thiết thực, giúp cho quê hương, gia đình tiếp tục phát triển.
Ở Thanh Lĩnh, nhiều phong trào được phát động mang tính đồng bộ, thể hiện phương châm "Học đi đôi với hành; Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất; Lý luận gắn với thực tiễn; Nhà trường gắn với gia đình và xã hội". Thanh Lĩnh trở thành xã đầu tiên trong huyện có tất cả các trường học đạt chuẩn quốc gia, xã đạt chuẩn y tế, là 1 trong 5 xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã chuẩn văn hóa, là Đơn vị Anh hùng LLVTND; tỷ lệ hộ đói nghèo chỉ còn 4%; là địa bàn sạch ma túy...
Từ một miền quê tứ tắc, nghèo nàn đến một Thanh Lĩnh đổi mới hôm nay, càng thấm thía câu bất hủ trong Chiếu Lập học của Hoàng đế Quang Trung: "Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài". Khi lãnh đạo nhận thức sâu sắc "Giáo dục Đào tạo & Khoa học - Công nghệ là quốc sách hàng đầu", huy động được toàn dân làm giáo dục, trọng thầy, hiếu học thì chính giáo dục sẽ đền đáp lại cho quê hương, cho mọi nhà bằng sản phẩm mong đợi: Những con người hiếu nghĩa, hữu ích với quê hương, đất nước.
Anh Đặng