Thanh Long: Vươn lên vững chắc
(Baonghean) - Qua cầu Rộ, theo đường 533 về phía nam chỉ vài cây số là xã Thanh Long, miền đất nằm giữa vùng chuyển tiếp của trung tâm huyện (xưa) với vùng trũng Bích Hào. Tựa lưng vào đông Trường Sơn, qua vùng đồi bát úp là cánh đồng được hình thành từ phù sa sông Lam khá rộng. Cư dân Thanh Long một bộ phận "cận sơn", phần còn lại là "cận thủy".
Cũng như nhiều địa phương khác, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, đất và người Thanh Long đã có những về đóng góp sức người, sức của xứng đáng. Đây còn là hậu cứ quan trọng của Liên khu IV, của tỉnh. Nhiều đơn vị bộ đội từng dừng chân, và trường Đảng Lê Hồng Phong của tỉnh đã sơ tán nhiều năm trong chiến tranh chống Mỹ. Thanh Long tự hào là nơi gắn bó với di tích thần Bạch Mã, nghĩa quân Phan Đình Phùng xa xưa, là nơi đùm bọc cho các đồng chí cán bộ trong buổi bình minh có Đảng. Ngày 20-3-1930, tại căn cứ Núi Tiến, Huyện ủy lâm thời Thanh Chương được thành lập. Nằm trong địa bàn hoạt động bí mật của Huyện ủy nên đây cũng là nơi có nhiều cán bộ lão thành, tiền khởi nghĩa, nhiều gia đình có công với cách mạng.
Bám sát sự chỉ đạo của huyện, hai năm nay, xã đã tập trung vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 đã được phê duyệt. Hiện tại, mỗi hộ chỉ có một, hai đến ba vùng ruộng đất; hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng được quy hoạch, từng bước xây dựng và nâng cấp. Toàn xã có hơn 20 máy cày đa chức năng, hàng chục máy gặt... tăng 6,8 tỷ đồng so với năm 2012 đạt 100% kế hoạch.
Bà con xã Thanh Long, Thanh Chương làm đường giao thông. Ảnh: Thu Hằng |
Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có tác động quan trọng đến sự phát triển, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, xã đã tập trung tranh thủ các chương trình, dự án, huy động nội lực đối ứng xây dựng nhiều hạng mục công trình. Từ chỗ đường sá đi lại ngập ngụa trong bùn đất, hôm nay đã có 7,3 km đường nhựa chạy dọc xã, phần lớn các đường thôn xóm được đổ xi măng. Tranh thủ các nguồn vốn và dân góp, đã xây dựng xong 7 km kênh mương cấp 2 với 700 triệu đồng, đang tiếp tục thi công 4 km với 400 triệu đồng; xây xong nhà văn hóa đa chức năng với số tiền 3,2 tỷ đồng; nâng cấp đài truyền thanh cơ sở với hơn 200 triệu đồng; xây mới chợ cấp 2 miền núi, diện tích 2.400m2 với gần 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, còn sửa chữa, xây một số công trình phụ trợ tại trụ sở của xã, trường mầm non... với hơn 400 triệu đồng. Chưa phải là nhiều nhưng một xã nghèo như Thanh Long mà hai năm vừa qua đã huy động dân góp được hơn 2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng là một kết quả đáng mừng.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được thường xuyên quan tâm. Trường Tiểu học, Trạm Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia, các nhà trường đều đạt danh hiệu văn hóa. Số giáo viên giỏi, học sinh giỏi không ngừng tăng lên. Riêng năm 2013 có 30 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Nhờ nội bộ đoàn kết, làm được nhiều việc, con em quê hương đang làm ăn, sinh sống, công tác trên mọi miền Tổ quốc đã hướng về quê hương với những tình cảm, sự giúp đỡ đáng kể. Anh em đã giúp địa phương đưa con em đi xuất khẩu lao động, làm ăn; giúp hơn 200 triệu đồng quỹ khuyến học "Chắp cánh ước mơ". Đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện không ngừng. Nhân dân phấn khởi, đồng thuận; bộ mặt quê hương ngày càng đổi mới.
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, đội ngũ cán bộ địa phương đã có sự đoàn kết, thống nhất, cộng sự, tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực. Đó là phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, quan tâm phát triển giáo dục, y tế, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công, đảm bảo an sinh xã hội,... Đặc biệt, xã rất quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ. Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ. Hiện tại đã có 13 đồng chí có trình độ đại học, 9 đồng chí có trình độ trung cấp, trong đó có 5 đồng chí đang học lên đại học.
Thanh Long vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: Nhận thức về sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, hội nhập của cán bộ, đảng viên, nhân dân còn hạn chế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chủ yếu là thuần nông, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém. Các điển hình, mô hình hộ gia đình làm kinh tế giỏi chưa nhiều; bình quân thu nhập đầu người mới đạt 17,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tai, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn, tội phạm ma túy còn tiềm ẩn phức tạp. Cả xã hiện có hơn 800 người đang đi làm ăn xa, thu nhập không ổn định; công tác phát triển Đảng viên mới khó khăn,...
Những ngày này, cán bộ và nhân dân Thanh Long đang tưng bừng phấn khởi, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập xã nhà. Hướng về ngày kỷ niệm, xã đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực. Kỷ niệm 60 năm thành lập xã là một dịp để cán bộ và nhân dân Thanh Long đánh giá đúng những thành tích to lớn đã đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, những khó khăn, thuận lợi, cơ hội và thách thức; đồng thời đây cũng là lúc để lãnh đạo địa phương rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định đúng hướng đi và những nội dung cụ thể, xây dựng xã nhà phát triển toàn diện, ngày càng giàu mạnh, văn minh, bền vững.
Anh Đặng