Thành phố bên dòng Lam giang...

03/01/2012 16:31

(Baonghean.vn) - Mùa Xuân lại sắp về, những chiếc xe đạp chở rau non, hoa cảnh từ ngoại thành đã bắt đầu đạp dồn về thành phố. Trong se lạnh giá đông, núi Dũng Quyết đẫm sương mây, dòng Lam giang hiền hòa sau lũ, từng đoàn tàu thủy lặc lè chở than, chở dầu về cảng Bến Thủy. Đường ven sông, những chuyến xe tấp nập chở hàng Tết về các siêu thị. Những vuông tôm, đầm cá đang khát khao chuyển mình. Một sức sống mới đang bừng lên ở đôi bờ dòng Lam, khi bên kia tỉnh bạn, bờ sông đang được kè vững chắc, bên này vào đêm, dòng Lam như tỏa ánh sáng...


"Đây Yên Tường xứ Nghệ

Bên núi Quyết dòng Lam

Một vùng nước biếc non xanh

Một vùng nhân kiệt địa linh muôn đời..."


Thành phố xưa với lời sấm của Hoàng đế Quang Trung: "Ta thấy đất Yên Tường nơi đây hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn nơi đây xây dựng Kinh đô", trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước với bao đổ nát nay đang trở nên đàng hoàng, to đẹp với nhiều cơ hội lớn về đầu tư và phát triển. Thành phố của bình minh, của hoa phượng đỏ, với khí thế mới, hình hài mới đang được mở mang rộng rãi dọc ngang, phát huy tinh thần thần tốc của quân đội Quang Trung - Nguyễn Huệ, bất khuất của Nhà máy gỗ, Nhà máy diêm, phà Bến Thủy, kiên cường tươi trẻ của những cô công nhân thợ xây, thợ dệt, những xóm thợ Trường Thi xưa... Thành phố anh hùng từng giành giật với kẻ thù từng tấc đất, để "phà vẫn qua sông liên tiếp, dòng điện không bao giờ tắt, pháo vươn nòng qua núi Quyết" cho đào thắm nhà ai vẫn "nở đàng hoàng trong khói bụi"...



Một góc Thành phố Vinh. Ảnh: Sỹ Minh


Ngắm thành phố từ bên bờ sông Lam, bởi nơi đây là đường bao phía đông thành phố, nơi đón bình minh đầu tiên, nơi đang khơi dậy những sức sống mới từ những khu đô thị, những nhà máy, cảng biển. Cảng Bến Thủy anh hùng đang được đầu tư mạnh để chuyển thành cảng du lịch, hàng hóa sẽ được dồn về Hưng Hòa, nơi có nhiều nhà máy, các xưởng đóng tàu, kho xăng dầu lớn nhất của Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh.

Một vùng non nước hữu tình với rừng bần, những đàn chim trời cửa sông đang hối hả trong nhịp sống mới. Dự án WB chuẩn bị đầu tư tuyến đường 35 m nối cảng Hưng Hòa với Quốc lộ 46, trong khi nơi đây nông dân Hưng Hòa đang chộn rộn khí thế nông thôn mới. Lên phía trên, cầu Bến Thủy 2 từng nhịp đang dần nối Quốc lộ 1 với dòng Lam sang Hà Tĩnh, đường ven sông đã nối quê Bác với Vinh và Thị xã Cửa Lò. Khó có thành phố nào như Vinh, được sự quan tâm lớn lao của Đảng, của Chính phủ và của tỉnh, hệ thống hạ tầng được đầu tư ngày một khang trang bề thế. Lại nhớ lần Hội thảo Đầu tư khu vực Bắc Trung bộ, lãnh đạo các tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh hết lời khen ngợi: "Thành phố Vinh đàng hoàng quá, rộng quá!".

Vinh hôm nay, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU (Khóa XVI) về thực hiện Quyết định số 239/ 2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phát triển Vinh thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ, đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đất nước bước vào hội nhập phát triển với nhiều vận hội mới, đã thêm tiềm lực để tiếp sức cho các đầu tàu tăng trưởng của các vùng, miền mà Vinh là một điểm nhấn trên quê hương Bác Hồ và cả khu vực Bắc Trung bộ. Từ Sài Gòn ra, Hà Nội vào, từ Viêng Chăn, Băng Cốc tới..., Vinh đã thành một cửa ngõ quan trọng trên hành lang kinh tế Đông Tây nối với các tuyến đường hàng hải lớn của quốc tế và khu vực. Vinh cũng là nơi cất và hạ cánh của hàng chục chuyến bay nội địa trong nước mỗi ngày, rút ngắn quãng đường giữa Vinh và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Ma Thuột cho con em xứ Nghệ, các nhà đầu tư về với Nghệ An nhiều hơn.


Sau khi hoàn chỉnh đường bao phía Đông, phía Tây, mở rộng diện tích thành phố lên 250 ngàn km2, các tuyến đường nội thị trong thành phố được đầu tư hoàn chỉnh: đường Trương Văn Lĩnh, Phong Định Cảng, Ngô Đức Kế, Tôn Thất Tùng, Tuệ Tĩnh, Phượng Hoàng, Nguyễn Cảnh Hoan, Trương Văn Lĩnh... Các tuyến đường Lê Mao, Nguyễn Văn Cừ, Minh Khai, Lê Hồng Phong, Lương Thế Vinh, Trần Thủ Độ, Đào Duy Từ, Quốc lộ 1A qua Vinh đã được thảm nhựa êm mượt.

Nhiều đại lộ mới, đường mới đang được mở xứng tầm: đường trung tâm Vinh - Cửa Lò, đường Vinh - Cửa Hội, đường Lê Mao kéo dài nối với chợ Vinh, các khu đô thị phía Nam thành phố, đường Quán Bánh - Nghi Liên, đang vận động Dự án WB xây dựng đường Quán Bàu - Hưng Tây rộng 72 m... Giao thông thành phố tạo nên huyết mạch đảm bảo phát triển kinh tế, vận tải và lưu lượng tham gia giao thông cho một thành phố lớn hàng đầu của khu vực. Nhân dân phấn khởi góp sức mình vào hình ảnh, vị thế mới của thành phố; trong 5 năm qua, đã làm được 207.543 m2 vỉa hè, 88,9 km đường các loại, 60,7 km kênh mương thoát nước, 140 nhà văn hóa khối xóm, 508 phòng học mầm non và tiểu học với 65 tỷ đồng huy động từ sức dân.


Không chỉ giao thông mà kinh tế, văn hóa, dân sinh được quan tâm đầu tư ngày càng khởi sắc. Với chức năng là "thủ phủ" về kinh tế, văn hóa Bắc Trung bộ, Vinh đã kéo về mình các trung tâm thương mại lớn của các hãng bán lẻ, bán sỉ lớn của thế giới: Metro, Big C, trung tâm phân phối của các hãng xe: Toyota, Honda, Ford, Nisan, rồi siêu thị Intimex, Maximax, các siêu thị điện máy, các tòa tháp Tecco, Dầu khí, Công ty ĐT nhà ở Hà Nội... Các phố chuyên doanh, phố nghề hình thành tạo nên một sắc diện mới trong khu vực: phố nội thất Trần Phú, phố ngân hàng Quang Trung, phố vật liệu xây dựng Phan Bội Châu, phố điện thoại Minh Khai...

Hệ thống mạng lưới chợ song hành phát triển với các siêu thị, thỏa mãn nhu cầu mua sắm và văn hóa du lịch của du khách, là đầu mối tập kết hàng hóa ra Bắc vào Nam phục vụ cho nhiều tỉnh. Ngoài chợ Vinh, chợ Ga, thành phố hiện có thêm 11 chợ nhỏ ở các phường, xã, trong đó chợ Nghi Phú dồi dào sản vật tấp nập mua bán cả ngày, chợ Hưng Chính nổi tiếng với hến, cá sông Lam, vịt Hưng Nguyên, rau thơm, xà lách ven đô... Các chợ mùa Đông này còn ấm lên màu bưởi Phúc Trạch, cam Bãi Phủ, cam Phủ Quỳ, thêm chút lạ của măng đắng, khoai sọ Kỳ Sơn... Ở các chợ đêm, thực khách khoái khẩu với đủ món nóng giữa tiết trời đông giá rét.


Thương mại, dịch vụ đang là một đích vươn của một thành phố đầu tàu khu vực nhằm, không chỉ phục vụ cho cư dân trong tỉnh mà còn phục vụ cho du khách trong khu vực và cả quốc tế. Thành phố đã "hút" về 49 chi nhánh ngân hàng, bảo hiểm với tất cả thương hiệu hàng đầu của ngân hàng lớn, các trung tâm giao dịch chứng khoán, các sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ tài chính, tư vấn đáp ứng đa dạng nhu cầu tín dụng của người dân.

Thành phố cũng đang phôi thai 56 dự án khu đô thị, trong đó rất nhiều khu đô thị, các trung tâm thương mại đã hoàn thành, cải tạo mới những đầm lầy, đất ruộng phía Nam và phía Đông thành phố: Khu đô thị mới Vinh Tân của Tecco, Khu đô thị mới của Vinaconex, Tràng An, Vicentra... Du lịch cũng là thế mạnh của thành phố với các "tour", các cụm: du lịch trung tâm thành phố, cụm Núi Quyết - Bến Thủy, du lịch ven sông Lam, du lịch nối Cửa Lò, quê Bác...


Trong sự đi lên hôm nay, mặc dầu còn những vấn đề về quy hoạch, môi trường, song các nhà máy trên thành phố thực sự là "quả đấm thép" tăng trưởng trong đóng góp ngân sách của tỉnh: Nhà máy Bia Sài Gòn - Nghệ An nâng công suất, đầu tư Nhà máy Bia Sài Gòn - Sông Lam ở rú Mượu công suất 150 triệu lít/năm, đầu tư Nhà máy Bao bì Sabeco thuộc Khu công nghiệp Bắc Vinh, chuyển giao Nhà máy ép dầu Nghệ An cho Tổng công ty Dầu thực vật miền Nam đã đưa công suất ép dầu từ 15.000 tấn năm 2005 lên 30.000 tấn năm 2011. Thu ngân sách thành phố đạt trên 3.000 tỷ đồng, gần 50% thu ngân sách cả tỉnh, bằng thu ngân sách của nhiều tỉnh, thành phát triển khác như: An Giang, Thanh Hóa, gần gấp đôi thu ngân sách của Hà Tĩnh... Nhịp độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại thành phố gần 20% từ khi bước lên đô thị loại 1.


Vinh còn được biết đến với một môi trường giáo dục thành tích cao. Đó là một hệ thống các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề có thương hiệu, là Trường chuyên Phan Bội Châu nổi tiếng với các huy chương vàng, bạc Quốc tế. Người Nghệ học giỏi nổi tiếng và Vinh là một trong những cái nôi chắp cánh những ước mơ của các hiền tài.


Vinh hôm nay, dẫu vẫn còn hơi quá khi khẳng định đã là trung tâm kinh tế, văn hóa của cả một khu vực quan trọng vốn được coi là đòn gánh của hai đầu đất nước, nhưng tất cả đều đang nỗ lực. Từ phong trào xóa "nhà không số, phố không tên", từ sự lặng thầm của chị công nhân đô thị hằng đêm, từ những làng hoa cây cảnh Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Kim, Nghi Phú chộn rộn vào mùa, là làng chiếu cói, làng đóng tàu đang dần khôi phục, là sự gắng gỏi trong vận động các dự án của Ngân hàng Thế giới để kè sông Cửa Tiền, cấp dòng nước sạch cho hết thảy các xã ngoại thành... Tất cả đang hướng đến những hoài bão và thành công phía trước....


Xuân 2012

Mới nhất
x
Thành phố bên dòng Lam giang...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO