Thành phố Vinh - Nỗ lực vượt khó
(Baonghean) - Trước hết hãy nhìn vào tổng sản phẩm gia tăng trong mối tương quan với cả tỉnh. Trong quý I, Nghệ An đạt giá trị gia tăng 3.925,9 tỷ đồng thì Thành phố Vinh đã đạt 1.379 tỷ đồng. Vinh đóng góp hơn một phần ba toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 4, giá trị gia tăng của thành phố ước đạt 1.838,7 tỷ đồng, tăng được 6,6% so với cùng kỳ.
Được như vậy, nhờ dịch vụ thương mại có khởi sắc. Khối này đạt 1.104,9 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Khác với không khí trầm lắng tại các khu công nghiệp, ở các Trung tâm thương mại, các chợ và hệ thống bán lẻ nói chung, hoạt động mua bán vẫn nhộn nhịp.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh về năng lực sản xuất công nghiệp, được biết: Ở Thành phố Vinh có gần 3.000 doanh nghiệp nên “góp gió thành bão”. Doanh nghiệp vừa và nhỏ tuy có hạn chế sản phẩm ít, khó cạnh tranh, nhưng trong thời buổi hàng hóa khó tiêu thụ, vốn vay cao và khó tiếp cận này lại “ngắn sào dễ trở”. Những doanh nghiệp như Hải Châu, Huệ Lộc, Hồng Hà, Hoàng Triều… hiện nay cũng như những năm trước, làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm từ 50 lao động trở lên. Doanh nghiệp Phúc Hải ở Đông Vĩnh, sử dụng trên 80 lao động, sản xuất các mặt hàng cơ khí, cấu kiện, doanh số vẫn tăng.
Doanh nghiệp Phúc Hải (Đông Vĩnh) sản xuất những mặt hàng cơ khí.
Công ty cổ phần may Minh Anh, tuy thu nhập chưa cao, nhưng có việc làm cho 180 lao động, Công ty TNHH Hùng Hưng cũng tạo điều kiện cho 120 người có việc làm thường xuyên. Sản phẩm cửa lùa của Toàn Thắng có mặt khắp nơi. Tất cả góp nên diện mạo doanh nghiệp Vinh năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, cơn bão giá, thị trường đình đốn, ngành Xây dựng thu hẹp do thực hiện cắt giảm đầu tư công và thị trường bất động sản đóng băng thời gian qua đã anh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội, nhất là về lĩnh vực thu ngân sách. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều nợ đọng thuế.
Anh Phan Văn Việt, Phó Chi cục Thuế TP. Vinh cho biết: Đến tháng 4, Thành phố Vinh mới thu được 136,3 tỷ đồng, tức mới bằng 9% so với cùng kỳ. Nhưng ngay cả trong sự thấp thua ấy, vẫn có thể tìm thấy những doanh nghiệp vượt khó, hoàn thành nợ đọng và đóng gọn gàng thuế từng tháng.
Có thể kể: Công ty Mai Linh (nộp đến tháng 4 được 2.630 triệu đồng), Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hạ Vinh, nộp đủ 1.065 triệu đồng; Chi nhánh Công ty TNHH 1 thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam khu vực Bắc miền Trung đến nay đã nộp đủ 1.619 triệu đồng, hoàn thành nghĩa vụ. Hay như Công ty cổ phần Thương mại Sơn Hà nộp 1.141 triệu đồng khi vừa đến hạn... Bên cạnh những công ty lớn đó, còn có nhiều công ty nhỏ như Đông Dương, Huy Quang, Việt Cường… đều chịu cảnh mức lương người lao động còn thấp và thu hẹp các chi tiêu khác, để hoàn thành nghĩa vụ thuế Nhà nước giao. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, những đơn vị gương mẫu nộp thuế ấy thật đáng được tôn vinh.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh lý giải thêm: Việc thu ngân sách thấp thua còn do thị trường bất động sản đóng băng, mà nguồn thu này đối với Vinh đặc biệt quan trọng. Trong tình hình đó, thành phố vẫn tìm nhiều nguồn lực khác để bổ sung vào nguồn vốn xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất. Ở tầm vĩ mô, thành phố vừa phê duyệt 16 chủ trương đầu tư; 26 phương án bồi thường giải phóng mặt bằng với tổng số tiền 252 tỷ đồng. Những dự án đang thi công vẫn bảo đảm tiến độ . Giải ngân nguồn ngân sách thành phố trong 4 tháng qua đạt 110 tỷ đồng , tăng được 78% so với cùng kỳ. Bên cạnh một số doanh nghiệp đổ vỡ, thì vẫn có hàng trăm hộ khác đăng ký kinh doanh. Đồng tiền nhàn rỗi không chỉ gửi ngân hàng kiếm lãi mà cần bỏ vào kinh doanh giải quyết việc làm cho người lao động.
Đi trên các đường phố của TP. Vinh những ngày tháng Tư, dù còn bao trăn trở những vẫn tin những tháng còn lại chắc chắn Vinh sẽ tăng tốc, bởi giai đoạn khó khăn nhất dường như đã qua…