Tháo gỡ khó khăn trong triển khai dạy học tăng cường cho các trường bán trú miền núi
Từ năm học 2024-2025, 85 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, THCS và THPT trên toàn tỉnh sẽ được cấp kinh phí để triển khai các tiết học tăng cường về Tiếng Anh, Tin học, kỹ năng sống, giáo dục STEM.
Sáng 17/2, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2024/NQ-HĐND ngày 19/8/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh tại các cơ sở giáo dục.
Tăng cường kỹ năng cho học sinh vùng cao
Trước đó, ngày 19/8/2024, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/ 2024/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường THPT thực hiện thí điểm mô hình phổ thông dân tộc bán trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thực hiện theo Nghị quyết này, 83 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu và 2 trường THPT được chọn xây dựng mô hình bán trú kiểu mới là Trường THPT Quế Phong và Trường THPT Kỳ Sơn sẽ được hỗ trợ kinh phí để dạy học tăng cường các môn Ngoại ngữ, Tin học, giáo dục STEM, kỹ năng sống, giá trị sống.
.jpg)
Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ qua các cơ sở giáo dục để chi trả cho các cán bộ, giáo viên, những người tham gia giảng dạy, giáo dục học sinh, hỗ trợ kinh phí mua sắm sách giáo khoa, xây dựng tủ sách dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 1 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đó đang theo học.
Việc triển khai Nghị quyết có ý nghĩa thiết thực với mục tiêu hỗ trợ các trường bán trú trên toàn tỉnh triển khai các tiết học tăng cường, giúp các em học sinh có cơ hội để phát triển toàn diện các kỹ năng về Ngoại ngữ, Tin học, kỹ năng sống. Đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí cho các giáo viên trực tiếp đứng lớp, tạo động lực để các thầy, cô nỗ lực và cống hiến.
.jpg)
Thực hiện Nghị quyết này, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành hướng dẫn, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương, các nhà trường xây dựng kế hoạch, lập dự toán chi phí, thực hiện tốt các nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Tháo gỡ vướng mắc
Về phía các địa phương, hiện qua báo cáo đã có một số trường triển khai dạy học tăng cường với nhiều hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, như cơ sở vật chất chưa đảm bảo, trang thiết bị phục vụ dạy học thiếu hoặc đã xuống cấp không đáp ứng yêu cầu dạy học STEM, Ngoại ngữ, Tin học (nhất là ở các điểm trường lẻ), thiếu giáo viên (nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học).
Một số nơi trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, nhất là giáo viên tiểu học, một số trường đang phải bố trí giáo viên văn hóa (đã được bồi dưỡng) sang dạy kiêm Tin học. Các giáo viên dạy STEM, giáo viên dạy kỹ năng sống chưa được đào tạo chính quy, chủ yếu là giáo viên dạy kiêm nhiệm, giáo viên được đào tạo đơn môn bố trí dạy STEM nên khó khăn khi dạy tích hợp, liên môn.
.jpg)
Do chưa có giáo trình, tài liệu dạy học tăng cường nên hiện nay các nhà trường khó khăn trong việc xây dựng chương trình; việc xây dựng kế hoạch chủ yếu bám vào khung chương trình của Sở, không có giáo trình, tài liệu hướng dẫn nội dung cụ thể.
Với mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tại hội thảo, đại diện các nhà trường, các phòng giáo dục và đào tạo đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện và đề xuất cần có những giải pháp để giúp các nhà trường sớm triển khai hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đào Công Lợi khẳng định Nghị quyết 17 là một trong những chính sách có ý nghĩa thiết thực đối với các huyện miền núi cao. Điều đó cũng cho thấy sự quan tâm, ưu tiên của tỉnh dành cho các trường ở vùng khó khăn với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, rút ngắn khoảng cách ở các vùng, miền. Đặt trong bối cảnh Thông tư 29, việc triển khai Nghị quyết 17 có ý nghĩa thiết thực, giúp các nhà trường thuận lợi trong việc triển khai dạy học 2 buổi/1 ngày, tạo cơ hội để học sinh được học thêm các môn tăng cường ngoài các giờ học chính khóa.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các nhà trường trong quá trình triển khai. Với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thời gian tới, Sở đề nghị các nhà trường tổ chức dạy học tùy theo điều kiện thực tế ở các nhà trường, bước đầu có thể chỉ triển khai với một số học sinh đầu cấp học để có một quá trình đánh giá lâu dài.
Với khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục đề nghị các nhà trường có thể tăng cường dạy học trực tuyến, có sự kết nối với các trường khác trong địa phương để cùng chia sẻ nguồn lực, nhân lực. Về phía Sở sẽ tăng cường kết nối với các nhà trường, nhất là các trường miền xuôi để cùng hỗ trợ, giúp đỡ. Ngành cũng sẽ tăng cường tập huấn để các giáo viên nâng cao năng lực, dạy học liên môn. Ngoài ra, khuyến khích các nhà trường tổ chức dạy học bằng nguyên liệu tái chế, sắp xếp chủ đề, bài học phù hợp giúp phát triển năng lực học sinh theo đúng mục tiêu đã đề ra./.