Thắp sáng tình yêu môn Hoá bằng trái tim của người “truyền lửa”

Nếu biết về những năm tháng vươn lên từ nghịch cảnh, vượt qua nghèo khó để trưởng thành của cô giáo Thuỷ, thì chắc hẳn ai cũng thấm thía mà đồng ý rằng chính câu chuyện của cuộc đời cô đã là một “ngọn lửa” cháy bùng lên từ sự nỗ lực, kiên định và quyết tâm.

Cô giáo Phan Thị Thuỷ.
Cô giáo Phan Thị Thuỷ.

Cô giáo Phan Thị Thuỷ (SN 1993), quê ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, trong một gia đình thuần nông có 4 anh chị em. Ký ức tuổi thơ là ngôi nhà đất 3 gian, với những thân tre được ngâm kỹ dưới ao bùn chống mối mọt, mái lợp tranh. Lớn hơn một chút, bố mẹ tích cóp dựng lại ngôi nhà cấp 4 mái ngói mà đến bây giờ vẫn đang ở. Triền miên những năm tháng chưa xa ấy là dấu ấn nỗi vất vả oằn lên vai mẹ, những giọt mồ hôi cực nhọc của cha trên đồng dưới bãi, chắt chiu nuôi dạy 4 đứa con học hành khôn lớn. “Chỉ có 2 lao động chính là bố mẹ gồng gánh cả gia đình suốt bao năm, mà lao động thuần nông thì cực nhọc lắm. Cứ nghĩ đến cảnh cha cày mẹ cuốc qua nắng, qua mưa là tôi nghẹn thắt lòng…” – cô Thuỷ nói.

Với anh chị em Thuỷ, nghèo đói không phải là lực cản, mà trái lại là động lực giúp họ kiên định thêm với mục tiêu học giỏi để thoát nghèo. May mắn của họ là được bố mẹ rất ủng hộ, tạo điều kiện học tập, dù gia đình khó khăn nhưng chưa bao giờ khuyên con nghỉ học đi làm sớm để đỡ đần kinh tế, mà nhất mực động viên các con học càng nhiều càng tốt. Đền đáp công ơn bố mẹ là những trái ngọt trong học tập của 4 anh chị em. Ngày còn đi học phổ thông, anh chị em Thuỷ thường xuyên có tên trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi của trường và đậu học sinh giỏi tỉnh nhiều năm liền. “Thuở ấy chưa có xe máy nên bố thường chở chúng tôi đi thi bằng xe đạp. Nhà cách điểm thi khoảng mười mấy cây số, bố cứ gò lưng đạp xe như thế, gió thổi căng phồng tấm áo, mùi mồ hôi mằn mặn và những lời dặn dò của bố “gắng học để thoát nghèo nha con” là ấn tượng sâu đậm nhất thời niên thiếu của tôi. Ra khỏi cổng trường thi, bao giờ cũng có bố đứng ngoài chờ sẵn, hỏi: “Làm được bài không con?” – cô Thuỷ nhớ lại.

Cô Thuỷ trải qua đủ loại công việc thời sinh viên, nhưng gắn bó lâu nhất là nghề dạy học.
Cô Thuỷ trải qua đủ loại công việc thời sinh viên, nhưng gắn bó lâu nhất là nghề dạy học.

Không đếm xuể đã bao lần đón đưa như thế, rồi đến giai đoạn cả 4 đứa con lần lượt vào đại học trong niềm vui xen lẫn lo âu. Anh trai đầu của Thuỷ học Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, anh trai thứ hai học Đại học Dược Hà Nội, Thuỷ học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1, sau về học ở Trường Đại học Vinh và đứa em trai út học bác sĩ đa khoa tại Học Viện Quân Y. Áp lực kinh tế nuôi 4 sinh viên xa nhà rất lớn, có thời điểm bố mẹ phải xoay sở mười mấy triệu đồng một lúc để đóng học phí cho các con. Nhà Thuỷ ở quê là hộ nghèo thường trực, đến mấy năm gần đây mới “thoát”, lúc nào cũng có tên trong danh sách vay vốn sinh viên, cách đây hơn 1 năm mới trả hết. Thương bố mẹ, hiểu hoàn cảnh gia đình, nên cả 4 anh chị em Thuỷ đều đi làm thêm từ rất sớm. Thuỷ trải qua đủ loại công việc thời sinh viên, nhưng gắn bó lâu nhất và cũng trở thành cái nghiệp theo đuổi suốt đời là nghề dạy học.

“Tôi bắt đầu đi dạy từ năm 2011, khi đang là sinh viên năm nhất. Ban đầu là nhận dạy gia sư. Lơ ngơ giữa phố thị, đường sá không quen, tôi phải mua tấm bản đồ rồi lần mò xe bus, đạp xe đạp tìm đến nhà học sinh. Học sinh là các em học cấp 2, cấp 3, hầu hết đều hổng kiến thức nền, và cả ôn thi học sinh giỏi, ôn thi đại học cho các em lớp 12 nên dạy khá vất vả, song ngẫm lại, thời gian đó giúp tôi tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm quý trong giảng dạy và giao tiếp với học sinh” – cô Thuỷ chia sẻ.

Từ nhận việc qua trung tâm gia sư, cho đến khi quen nghề và dần có tiếng, cô Thuỷ được nhiều phụ huynh trực tiếp gọi điện thoại liên hệ mời dạy. Và cái biệt danh “Cô Thủy Hóa Học” được hình thành và đi vào lòng học sinh, phu huynh từ lúc nào không hay. Ngoài việc dạy thêm kiếm thu nhập, thì cô còn rất nhiệt tình trong các hoạt động cộng đồng như đứng lớp phụ đạo ở làng trẻ SOS, dạy miễn phí cho trẻ em làng chài… Từ rất sớm, cô giáo Thuỷ đã nhận thức được tình yêu và đam mê lớn lao của mình dành cho nghề dạy học, khao khát trao truyền kiến thức để nhiều đứa trẻ có thêm động lực bước đi dài lâu trên hành trình học tập.

Cô giáo Phan Thị Thuỷ tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Hoá hữu cơ tại Trường Đại học Vinh vào năm 2018. Lúc bấy giờ, cô Thuỷ đã có kinh nghiệm 6 năm đứng lớp, từ các lớp gia sư nhỏ cho đến lớp học 10 bạn, 15, 20 bạn. Học sinh cứ tự mách nhỏ nhau tìm đến học cô Thuỷ bởi cô dạy dễ hiểu, phương pháp dạy tích cực, tinh thần dạy nhiệt huyết luôn hết mình với học sinh.  Căn phòng trọ nhỏ gần Trường Đại học Vinh dần không đủ không gian cho nhu cầu của học sinh, nên cô giáo Thuỷ đưa ra quyết định mạnh dạn đầu tiên trong sự nghiệp của mình: thuê địa điểm mở lớp dạy Hoá học ở TP Vinh.

Dưới sự dìu dắt của cô Thuỷ và đội ngũ, các em học sinh nhận ra Hoá học là bộ môn rất thú vị, hữu ích, gần gũi với cuộc sống thường nhật.
Dưới sự dìu dắt của cô Thuỷ và đội ngũ, các em học sinh nhận ra Hoá học là bộ môn rất thú vị, hữu ích, gần gũi với cuộc sống thường nhật.

Địa điểm đầu tiên ghi dấu sự nghiệp dạy học của cô Thuỷ là 2 căn phòng trọ rộng tầm 25m2 ở đường Nguyễn Văn Giao; tiếp đó là gian phòng lớn hơn ở đường Trà Lân, tầm 40m2, trang bị điều hoà, thoải mái cho khoảng 15-20 học sinh cùng học; cho đến Trung tâm Phương Duy IQ ở địa chỉ 32 Lê Văn Hưu và nay ở địa chỉ 21 đường Nguyễn Kiệm với 2 tầng học khang trang. Trung tâm hiện nay có gần 500 học sinh, hơn 10 giáo viên và là trung tâm chuyên sâu về môn Hóa, dạy Hóa cho học sinh từ lớp 6 đến 12, đặc biệt là địa điểm ôn thi vào đại học môn Hoá được học sinh đánh giá là chất lượng hàng đầu TP Vinh. Mỗi địa điểm khác nhau về quy mô, diện tích, nhân sự, nhưng đều chung một tinh thần tất cả vì học sinh, với người “truyền lửa” nhiệt huyết, đam mê.

Thực chất, Hoá học là bộ môn rất thú vị và hữu ích, gần gũi với cuộc sống thường nhật, phần lớn học sinh sợ Hoá bởi chưa hiểu rõ mấu chốt phương pháp học và người dạy chưa kích phát được hứng thú cho các em. Cô giáo Thuỷ kỳ công tâm sự với học sinh các độ tuổi, để tìm hiểu rõ nguồn cơn nỗi sợ của các em: sợ vì quá nhiều thứ phải ghi nhớ và học thuộc: bảng tuần hoàn dài đằng đẵng, các phương trình phản ứng khó hiểu, các công thức khó nhớ…; sợ vì cách học và làm bài tập môn Hóa khác với tư duy Toán học; sợ vì Hoá là môn dễ quên nhất, học trước quên sau nếu không ôn thường xuyên… Khi đã thấu hiểu căn nguyên nỗi sợ ấy, bằng lòng nhẫn nại và tình yêu với môn học này, cô giáo Thuỷ không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nỗ lực truyền tải đến các em tinh thần học lạc quan, học vui chứ không học gượng ép để đủ điểm qua môn.

Cô Thuỷ dạy nghiêm khắc nhưng không khó tính, tham gia lớp học cô Thuỷ, học sinh lúc nào cũng cảm thấy thoải mái, tiếp thu kiến thức với tâm thế nhẹ nhàng, tích cực. Chứng kiến một giờ học do cô Thuỷ đứng lớp mới thấm thía vì sao nữ giáo viên này thu hút học sinh đến thế. Lớp học không bục giảng, đề cao tinh thần tương tác cô trò, trong đó cô là người định hướng, dẫn dắt, khơi mở vấn đề và các em được khuyến khích đặt câu hỏi, bày tỏ băn khoăn và chất vấn đến cùng để giải mã những bài tập khó. Quá trình dạy, cô Thuỷ thường xuyên nhắc lại kiến thức cũ song song với kiến thức mới, để luôn giữ mạch chuyển tiếp trong tư duy học sinh. Các ví dụ thực tiễn sinh động được áp dụng để giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.

Thường thì các lớp học của cô Thuỷ hiếm khi kết thúc đúng giờ, dạy nhiệt huyết, say mê đến nỗi lắm khi phải “bỏ dép, tháo giày để dạy, vì đứng liên tiếp nhiều tiếng đồng hồ mỏi chân”. Nhiều học sinh mất gốc môn Hoá được cô giúp “xây nền” lại, không hiếm học sinh từ không hứng thú và sợ hãi môn Hóa dần thấy Hoá học thú vị hơn mỗi ngày… Bên lề buổi học, các bạn vui đùa gọi cô là chị, tuổi trẻ dễ hoà đồng, dễ thấu hiểu và chia sẻ buồn vui, nên rất nhiều học sinh đã tốt nghiệp các khoá học trước vẫn giữ liên lạc, tỉ tê tâm sự chuyện riêng… Cô giáo Thuỷ nói rằng đó là niềm vui lớn lao nhất của một người giáo viên: thấy học sinh tiến bộ mỗi ngày và được học sinh tin cậy, yêu thương.

Các giáo viên Trung tâm Phương Duy luôn tự hào và đam mê công việc của mình.
Các giáo viên Trung tâm Phương Duy luôn tự hào và đam mê công việc của mình.

Ở Trung tâm Phương Duy IQ, dù quy mô lớp lớn hay lớp nhỏ, thì mỗi học sinh đều được kèm cặp sát sao bởi cô Thủy và đội ngũ hơn 10 giáo viên giỏi giang, được đích thân cô Thuỷ tuyển chọn kỹ lưỡng và đào tạo theo giáo trình độc quyền của Trung tâm, các giáo viên tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh với nhiều thành tích xuất sắc.

Các em được theo dõi tiến độ học; được khuyến khích, động viên làm bài tốt bằng cơ chế điểm thưởng; được nhận xét, đánh giá sau mỗi buổi học và sau một chương học thì luôn có bài kiểm tra để sàng lọc nhóm học phù hợp với năng lực… Sát sao là thế, nên nhiều học sinh ở Trung tâm Phương Duy IQ đạt kết quả rất cao tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, điểm thi tốt nghiệp và thi đại học ở top đầu… Mấy năm trở lại đây, sau quá trình luyện thi vào đại học ở Trung tâm, có rất nhiều em đạt thủ khoa môn Hóa. “Thật may mắn vì em đã biết đến cô Thủy sớm” – thủ khoa Lê Việt Hoàng – cựu học sinh trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) đạt 9,75 điểm môn Hóa chia sẻ. Tương tự, em Trần Ngọc Đạt – thủ khoa môn Hóa trường THPT Nghi Lộc 3 cũng là học trò cô Thủy.

Cô giáo Thuỷ đang nỗ lực để có thể mở thêm nhiều cơ sở Trung tâm Phương Duy IQ.
Cô giáo Thuỷ đang nỗ lực để có thể mở thêm nhiều cơ sở Trung tâm Phương Duy IQ.

Trăn trở lớn nhất của cô giáo Phan Thị Thuỷ là tương lai không xa, có đủ tiềm lực để mở thêm các cơ sở Trung tâm Phương Duy IQ nội, ngoại thành phố và các huyện, thị vùng ven. Hiện, rất nhiều học sinh ở TP Vinh, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Xuân (Hà Tĩnh)… vẫn chịu khó đội nắng vượt mưa đến lớp cô Thuỷ, vì yêu quý và tin tưởng cô. Cô giáo Thuỷ cũng đang ấp ủ dự định thời gian tới, song song với việc dạy trực tiếp là các lớp học online để giúp đỡ học sinh trên cả nước chinh phục môn Hóa. Vận hành Trung tâm Phương Duy IQ với mong ước thắp sáng ngọn lửa hiếu học trong các thế hệ học sinh, cô giáo Thuỷ tin rằng cứ không ngừng nhẫn nại, bền bỉ từng bước một như kim chi nam của Trung tâm: “Học là tốt”, “Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua”, rồi thì thành công sẽ nở hoa kết trái sau những vất vả, nhọc nhằn.