Thấp thoáng một vùng hoa Dã Quỳ

04/12/2009 11:06

Qua khỏi đèo An Khê, trước mắt chúng tôi là một khoảng không gian kỳ vĩ. Không ai nghĩ rằng mình đang ở trên độ cao 800 mét so với mặt biển. Địa hình Gia Lai hầu như bằng phẳng, bình nguyên trải dài tít tắp với những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn.

Dọc theo hai bên Quốc lộ 14, hoa Dã Quỳ nở vàng rực. Không rõ vẻ đẹp của loại hoa này mê hoặc lòng người đến độ nào, nhưng có biết bao truyền thuyết kể về hoa Dã Quỳ, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ cũng tốn nhiều tâm sức, giấy mực.

Cũng không phải vô tình khi Báo Gia Lai chọn Dã Quỳ làm nền trên tấm giấy mời "Hội thảo các báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 15" với chủ đề "Báo Đảng địa phương với công tác tuyên truyền về giữ gìn và phát huy bản sắc bản địa". Báo Nghệ An tham gia tham luận "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá trong thời kỳ đất nước hội nhập". Báo Lâm Đồng đặt câu hỏi "Làm gì để giữ gìn và phát huy văn hoá bản địa?". Báo Bình Thuận với "Góp phần tuyên truyền xoá bỏ hủ tục", báo Phú Yên thì đề cao "Giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy văn hoá bản địa"... Nhìn chung tham luận của các báo đều tập trung xoay quanh những trăn trở trong việc gìn giữ nét văn hoá truyền thống của cha ông.

Đêm giã bạn tại "Hội thảo các báo Đảng khu vực miền Trung
và Tây Nguyên lần thứ 15" Ảnh: Sỹ Minh


Trong thời gian diễn ra Hội thảo, âm hưởng của Festival cồng chiêng quốc tế diễn ra các ngày 12-14/11/2009 vẫn như còn đọng lại trong lòng thành phố cao nguyên. Trên những con đường uốn lượn nhấp nhô theo hình sóng là những tấm biểu ngữ về lễ hội, nơi đâu chúng tôi cũng bắt gặp những bức ảnh phóng to hình bà con các dân tộc Tây Nguyên đang gõ cồng chiêng. Ngay sau lễ hội, người ta còn tổ chức một cuộc Hội thảo về "Bảo tồn và phát huy văn hoá cồng chiêng".

Điều đáng nói là bản sắc bản địa ở đây được duy trì và giữ gìn một cách trân trọng và không mang tính hình thức. Tại các giao lộ của thành phố đều xây dựng những bức phù điêu mang đậm nét văn hoá Tây Nguyên, thấp thoáng trong những công trình đồ sộ với kiến trúc hiện đại của thành phố đang phát triển, chúng tôi vẫn bắt gặp những nét văn hoá bản địa truyền thống, đó là những mái nhà rông, những ngôi nhà của đồng bào Ê Đê, Giarai, Giẻ triêng...

Tại Công viên Đồng Xanh, cách Thành phố Pleiku khoảng 4 km, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vườn tượng bằng gỗ phản ánh đời sống lao động, tâm linh của người Ê Đê, được tham quan mô hình nhà rông, các dụng cụ sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Có cảm giác như ở Gia Lai, bất cứ một vật thể gì cũng gắn liền với một truyền thuyết. Ngay cái tên Pleiku cũng vậy, chuyện kể rằng một ngày nọ, người cha cảm thấy trong người yếu mệt nên gọi hai người con trai tới, và truyền rằng sẽ tổ chức một cuộc thi săn bắt, nếu ai thắng cuộc sẽ được thay cha cai quản đất đai. Kết cục phần thắng thuộc về người em. Sau khi cha mất, người em tiếp quản vùng đất của cha để lại và lập thành một làng đặt tên là Pleiku. Theo tiếng Ê Đê, "Plei" có nghĩa là làng, còn "ku" là người em. Pleiku tức là "Làng của người em".

Không chỉ ở Gia Lai, dấu ấn bản sắc bản địa cũng in đậm ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên mà đoàn chúng tôi đi qua là Đak Lak và Lâm Đồng. Tại Đak Lak, Công ty Cà phê Trung Nguyên đầu tư xây dựng hẳn một bảo tàng Tây Nguyên trên một khuôn viên rộng 2 ha. Nét bản sắc bản địa được thể hiện ở việc người ta chú thích rất rõ bằng hai thứ tiếng Kinh và tiếng dân tộc có liên quan đến hiện vật trưng bày. Để không chỉ tiếp cận với hiện vật, người tham quan có thêm dịp biết đến với một nền văn hoá mới - văn hoá ngôn ngữ bản địa. Tại Lâm Đồng, Công ty XQ cũng dành hẳn 2 ha để xây dựng điểm tham quan ở Thành phố Đà Lạt nhằm giới thiệu với du khách những nét căn bản về đời sống văn hoá cũng như đời sống tâm linh của các dân tộc chung sống ở mảnh đất này.

Điều đáng trân trọng là mặc dù đời sống hiện đại đang phát triển mạnh mẽ trên vùng đất Tây Nguyên, các phong tục tập quán như lễ hội đâm trâu, lễ mừng cơm mới, lễ bỏ mả, tạc tượng nhà mồ; các loại nhạc cụ như đàn T'rưng, K'rông pút, K'ni, Alal, cồng chiêng...; các điệu múa, diễn ngâm như trường ca Đam San, Xinh Nhã...là những nét văn hoá mang đậm nét đặc sắc Tây Nguyên vẫn được bảo tồn, duy trì và gìn giữ.

Những vấn đề được nghe trong hội thảo và những gì được tận mắt chứng kiến trên mảnh đất Tây Nguyên, còn đọng lại trong chúng tôi, khi nghĩ về những vấn đề còn và mất đối với bản sắc bản địa ở ngay chính trên mảnh đất quê hương mình...


Nguyễn Ngọc Đức

Thấp thoáng một vùng hoa Dã Quỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO