Thấp thoáng Mường Quàng
(Baonghean) - Chớm Đông, có cảm giác Mường Quàng bỗng nhiên chìm vào vẻ bí ẩn ngàn năm của những bản làng người Thái. Dẫu vậy thì đâu đó, chúng tôi vẫn nhận thấy những đốm lửa vui của sự khởi sắc. Bằng những thế mạnh sẵn có từ các sản vật bản địa, người dân đang nỗ lực vươn lên thoát đói nghèo.
Tôi thấy chiều về thật vắng lặng khi đi trên những con đèo yên ngựa từ xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu vào vùng Mường Quàng. Nắng trải vàng khiến những đồi cỏ như lóng lánh màu kim tuyến. Một thứ nến sắc xanh pha vàng với hàng triệu chiếc đèn leo lét cháy trên dải núi xa. Vài tốp học trò bận áo ấm, cầm trên tay những chiếc ô đỏ, vàng chạy lếch chếch trên dốc núi.
Vùng đất dẫu không phải quá cao so với các xã biên giới của huyện Quế Phong như Tri Lễ, Nậm Nhoóng, nhưng vẫn là vùng khắc nghiệt và lạnh giá. Hàng năm, cứ mỗi độ đông về, các đoàn thiện nguyện lại tìm đến chia sẻ khó khăn với người nghèo và học trò nơi đây. Những chiếc áo ấm và ô che đủ màu sắc sặc sỡ tôi thấy ven đường phần lớn là quà của các đoàn từ thiện.
Một góc cánh đồng xã Quang Phong. |
Người vùng cao quen gọi 2 xã Quang Phong, Cắm Muộn (Quế Phong) là Mường Quàng. Có lần tôi đã hỏi ông “kẹ” Lang Văn Ngọ trú bản Mòng xã Cắm Muộn và được ông kể cho tôi nghe về lịch sử mường.
Ấy là vài trăm năm về trước một nhóm người Thái ở vùng Khăm Muộn (Lào) ngày nay đã đến lập nên Mường Quàng. Trong huyền thoại cộng đồng Thái nơi đây gọi người đầu tiên kéo anh em họ mạc đến lập mường là Mo Phan (thợ săn). Ban đầu họ cư trú trong hang núi. Khi đã có nhiều ngà voi, sừng tê giác và những thứ quý hiếm khác nhờ săn bắt, hái lượm tự nhiên, Mo Phan mang đi mường Ca Da đổi vải vóc, dầu đèn, nồi niêu và dụng cụ săn bắn với ông Phò Vi Thong, người giàu có ở mường Ca Da (Thanh Hóa ngày nay).
Về sau, Phò Vi Thong gả con gái cho Mo Phan, từ đó hai người mới đốn gỗ làm nhà, thuê người khẩn hoang đất đai lập mường. Họ là thế hệ đầu tiên của dòng họ Hủn Quang về sau thành thế lực mạnh cai quản Mường Quàng. Ban đầu chỉ có một bản, về sau, con cháu họ Hủn Quang, họ Lang đi khắp các vùng lân cận khẩn hoang tạo thành hàng chục làng bản thuộc các xã Quang Phong, Cắm Muộn ngày nay.
Hang núi Thằm Mẹ Mọn |
Những câu chuyện về lịch sử Mường Quàng phần lớn chỉ còn là huyền thoại, được ông Lang Văn Ngọ sưu tầm thành một tập bản thảo nhỏ. Ông bảo để dành cho thế hệ sau. Vị lão thành cách mạng từng là cán bộ Tỉnh đoàn Nghệ An thời kháng chiến chống Mỹ cũng là một trong những thế hệ đầu tiên của chi bộ đảng đầu tiên vùng Quang Phong, Cắm Muộn thành lập vào năm 1949. Kể từ khi có Đảng, lịch sử vùng đất mới được ghi chép một cách đầy đủ. Còn nữa, phần lớn đều chỉ còn lại những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại.
Chìm đắm trong câu chuyện cũ, chúng tôi đến con dốc gập ghềnh vào bản Quyn mà không hay. Theo chân một chị bán hàng rong từ thị trấn Kim Sơn, người phụ nữ khá hay chuyện này bảo rằng: Nơi đây dân bản đang trồng cây nhân trần, một vị thuốc được thị trường khá ưa chuộng. Cách đây ít lâu người ta chưa mấy để ý đến thứ cây mọc dại trong rừng mà cư dân bản địa nhầm lẫn quen gọi là bạc hà này. Chỉ cách đây vài năm, người ta hái về phơi khô đem bán vô tình trở thành hàng hóa. Thấy nhu cầu từ thị trường lớn, nhiều nhà đã đem cây nhân trần về trồng. Tính ra diện tích đã đến vài héc-ta. Một lượng có thể gọi là lớn đối với một thứ dược liệu.
Trên triền dốc, những người phụ nữ bản Quyn trong trang phục truyền thống lên rẫy hái nhân trần. Họ gom thành từng bó lớn cho cánh đàn ông chở xe máy xuống đường cái nhập cho một hộ thu mua. Một phần được hái về phơi khô bán dần. Bà Lô Thị Tâm, một phụ nữ luống tuổi gần như đã bỏ hẳn nghề đi rừng hái sâm, nấm lim để về nhà chăm vườn nhân trần và đi gom hàng bán về miền xuôi. Bà Tâm cho biết: Chăm nhân trần thu nhập cũng bằng đi rừng nhưng đỡ vất vả hơn, lại có thể giúp chồng, chăm con nhỏ, chăn lợn gà.
Đã chiều muộn, trên triền dốc vẫn vui nhộn tiếng nói cười. Một người đàn ông với nụ cười hồn hậu bảo rằng: Từ ngày trồng cây nhân trần, người ta ít đi rừng hơn. Nhiều nhà trong bản đã có vườn nhân trần, nhưng xem ra lượng cung vẫn không đủ cho người tìm mua. Dù cả bản có trồng nhân trần thì vẫn không đủ bán. Gần đây chính quyền địa phương đã triển khai mô hình trồng nhân trần nhằm phát triển nguồn lực sẵn có trên địa bàn tìm hướng thoái nghèo cho dân bản.
Đem câu chuyện vui kể cùng Phó Chủ tịch xã Quang Phong, anh Quang Văn Thiêng. Sau một thoáng cười, vị lãnh đạo xã trẻ tuổi cho hay: Nhân trần là cây bản địa quen thuộc từ nhiều đời nay, nhưng gần đây người dân mới biết đến giá trị kinh tế của nó. Hiện nay xã đã triển khai được 2 mô hình trồng cây dược liệu bản địa này ở 2 bản là Tín Cắng và bản Quyn. Tổng diện tích toàn xã khoảng 6ha. Đây mới chỉ là những thử nghiệm ban đầu, nhưng đã cho thấy hiệu quả tốt. Nhân trần ở Quang Phong có chất lượng tốt nên được nhiều người mua về dùng, làm quà biếu. Trong tương lai có thể nhân rộng ở nhiều bản khác.
Người dân bản Chiếng, xã Quang Phong (Quế Phong) làm măng chua. |
Một sản vật bản địa nữa của vùng Quang Phong cũng được nhiều người biết đến là cây khoai sáp. Khoai sáp gần giống khoai sọ nhưng nhiều chất bột và thơm ngon hơn. Người bản địa quen gọi là “phước đăm” được bày bán khá nhiều ở các buổi chợ tại trung tâm huyện. Hiện mới chỉ có một vài hộ dân trồng trong trang trại. Trong đó có hộ anh Lương Văn Ngân ở bản Páo 1 mỗi năm bán ra thị trường hàng chục tấn. Nếu theo giá thị trường thì chỉ với việc bán khoai sáp hộ dân này có thể thu về hàng trăm triệu mỗi vụ.
“Đó mới chỉ là những điểm sáng đáng kể nhất về kinh tế - xã hội của xã nhà.” Anh Quang Văn Thiêng trầm ngâm: “Địa bàn vẫn còn nhiều bản khó khăn về giao thông. Riêng bản Nặm Xái, cách trung tâm xã chừng 10km, đã có đường ô tô vào đến nhưng thường xuyên sạt lở. Khổ nhất vẫn là ngày mưa, dân bản gần như chẳng thể ra được trung tâm xã.”
Đã chớm đông, màn đêm dường như đến nhanh hơn. Mường Quàng chìm vào vẻ bí ẩn của một vùng đất có trăm năm lịch sử. Về đêm, con đường nhựa qua bản Cáo, bản Ca vắng người hơn thường ngày. Mùa này, cư dân nông nghiệp trong những bản người Thái đã gặt xong vụ mùa. Bên mâm cơm gia đình hôm nay, anh cán bộ văn hóa xã Lang Văn Tuấn đãi khách món vịt bầu. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một vị cao niên trong lần ghé thăm đất này cách đây ít năm. Quang Phong, Mường Quàng chính là nơi nuôi giống vịt bầu Quỳ Châu nổi tiếng đầu tiên. Nhưng rồi vì nhiều lẽ mà cư dân nơi đây không duy trì phát triển được giống thủy cầm quý này như với cây nhân trần và khoai sáp…
Tiếng thở dài tiếc nuối của vị cao niên năm xưa dường như tôi vẫn cảm thấy đâu đây…
Hữu Vi - Hồ Phương