Thắt chặt quản lý dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar
(Baonghean) - Kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar được coi là ngành nghề nhạy cảm. Do vậy, thắt chặt công tác quản lý, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đảm bảo quy định về ANTT là trách nhiệm không chỉ riêng ngành Văn hóa mà cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành liên quan và người dân.
(Baonghean) - Kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar được coi là ngành nghề nhạy cảm. Do vậy, thắt chặt công tác quản lý, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đảm bảo quy định về ANTT là trách nhiệm không chỉ riêng ngành Văn hóa mà cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành liên quan và người dân.
Theo thống kê của Sở VHTT&DL, đến nay toàn tỉnh có gần 400 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có giấy phép, trong đó địa bàn TP. Vinh có 62 cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh số ít các cơ sở thực hiện đúng các quy định, phần lớn các cơ sởđều có vi phạm. Chỉ riêng đợt tổng kiểm tra vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Đội Đặc doanh Phòng QLHC&TTXH Công an tỉnh kiểm tra 180 cơ sở thì có đến 31 cơ sở vi phạm. Trong đó, lỗi vi phạm rõ nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke thường bày bán rượu, để cho khách uống rượu trong khi hát, âm thanh vọng ra ngoài vượt quá quy định, không thực hiện đầy đủ các điều kiện về ANTT...
Ngoài ra, đây còn là môi trường phát sinh các tệ nạn liên quan đến ma túy. Đơn cử, vào 1h sáng ngày 5/1/2012, Đội Cảnh sát PCMT phối hợp với Đội CSHS Công an TP. Vinh đã bất ngờ kiểm tra quán Karaoke Pacific (142, Phan Chu Trinh, phường Đội Cung, TP Vinh). Tại 4 phòng 305, 405, 504, 505, lực lượng chức năng phát hiện 40 đối tượng (6 nữ, 34 nam) đang nhảy múa, thác loạn. Tại các phòng hát, công an còn thu giữ 20 viên ma túy tổng hợp, 1 gói ma túy đá, 3g cần sa và 2 bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá.
Riêng đối với hoạt động kinh doanh quán bar, vì việc cấp phép khá dễ dàng và cũng chưa có văn bản cụ thể quy định chế tài đối với hoạt động kinh doanh này nên vài năm trở lại đây, nhiều chủ cơ sở lợi dụng việc này để mở các quán bar (chỉđược cấp phép kinh doanh rượu, bia và thuốc lá) nhưng thực chất là kinh doanh vũ trường.
Bà Quách Thị Cường - Phó Trưởng phòng Quản lý Văn hóa- Sở VHTT&DL cho biết: Từ khi Nghịđịnh của Chính phủ về việc cho cấp phép kinh doanh vũ trường được ban hành đến nay, Sở VHTT&DL không cấp phép được bất cứ một trường hợp mới nào. Vì vậy, trên địa bàn toàn tỉnh, ngoài vũ trường Heaven còn lại chỉ là quán bar. Điều đó cho thấy một thực tế hiện nay các vũ trường đang núp bóng dưới dạng quán bar không phải ít.
Tại các cơ sở này, cách bài trí, thiết kế cho đến các dịch vụ không khác gì một vũ trường. Trong đó phải kểđến Avatar, Quán Lau, Window, Holywood, Cityeye, Escape. Theo đó, vi phạm chủ yếu tại các cơ sở này thường là kinh doanh, sử dụng băng đĩa nhạc ngoài luồng; thiết bị, âm thanh, ánh sáng đều không đúng quy định; vi phạm về giá (đắt gấp 3-4 lần so với giá thị trường). Kéo theo đó là các tệ nạn phát sinh như các đối tượng sử dụng ma tuý, thuốc lắc, là nơi giải quyết những mâu thuẫn cá nhân dẫn đến giết người... Còn vi phạm về giờ giấc, để tiếng ồn phát ra bên ngoài hầu như 100% vi phạm.
Từ thực tế vi phạm, đã có không ít trường hợp bị xử lý, như trường hợp bar Window tại 180 Nguyễn Văn Cừ, ngày 18/1/2012 UBND thành phốđã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 40 triệu đồng, cùng với đó là việc rút giấy phép kinh doanh. Tiếp đó ngày 9/2/2012, UBND thành phố cũng đã ra quyết định xử phạt bar Cityeye tại số 3 Nguyễn Tấn Tài số tiền 17.500.000 đồng, và hiện đang theo dõi nếu tiếp tục vi phạm sẽ tước giấy phép kinh doanh. Đó chỉ là số ít những trường hợp vi phạm bị xử phạt.
Cần biện pháp quản lý chặt
Theo phân cấp, giấy phép kinh doanh hoạt động karaoke, vũ trường do Sở VHTT&DL cấp. Với loại hình quán bar thì UBND thành phố cấp phép cho hộ kinh doanh và Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp cho doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH (dưới dạng quán cafe, nhà hàng). Đáng nói là điều kiện cấp giấy phép kinh doanh đối với loại hình này khá đơn giản, chủ cơ sở chỉ cần có mặt bằng hợp pháp là có thể xin giấy phép.
Theo ông Trần Văn Sánh- Chánh Thanh tra - Sở VHTT&DL: Với loại hình quán bar, ngành Văn hóa không tham gia cấp phép, thẩm định điều kiện hoạt động mà chỉ thực hiện trách nhiệm hậu kiểm. Nhưng hầu như chỉ dừng lại ở mức kiểm tra vi phạm hành chính và xử phạt về âm thanh, ánh sáng, sử dụng băng đĩa nhạc...".
Một thực tế nữa là, chế tài trong xử lý vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận khá cao từ hoạt động kinh doanh vũ trường (doanh thu mỗi đêm lên đến hàng chục triệu đồng). Vì thế tình trạng vi phạm vẫn tiếp tục gia tăng.
Do vậy, để quản lý được loại hình kinh doanh nhạy cảm này cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành. Trước hết, cơ quan chức năng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong giải quyết cấp giấy phép, kiên quyết không tái cấp giấy phép đối với những đơn vị và cá nhân đã vi phạm. Tiếp đến, cần phối hợp truy quét tệ nạn xã hội một cách triệt để. Bởi thực tế cho thấy, hoạt động của các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, bar thường phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm đối với các cơ sở này.
Theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng, điều kiện để được kinh doanh karaoke là phòng karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, (không kể công trình phụ), đảm bảo điều kiện về cách âm, phòng chống cháy nổ, cửa phòng phải là cửa kính không màu, bên ngoài nhìn thấy toàn bộ phòng. |
Đặng Cường