Thắt chặt quản lý phòng khám tư nhân nước ngoài

09/07/2012 18:18

Thời gian gần đây, dư luận và nhân dân hết sức bất bình với kiểu hành nghề của các phòng khám tư nước ngoài mà phần lớn đến từ Trung Quốc.

Tại đây, việc khám chữa bệnh kém chất lượng, không đúng luật, trong khi đó chủ nhân lại "hét" với giá trên trời. Nhiều người mắc những loại bệnh thông thường khi vào khám cũng trở thành nghiêm trọng và phải sử dụng dịch vụ, loại thuốc của "bệnh nhà giàu."



(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên mà việc sai phạm này đã lặp đi lặp lại nhiều lần, các cơ sở khám chữa bệnh vừa bị xử phạt xong lại nhởn nhơ hoạt động, tiếp tục khiến nhiều người bệnh tiền mất tật mang.

Câu hỏi đặt ra là tại sao hoạt động này lại được tồn tại, thậm chí phát triển mạnh? Vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu?

Nở rộ cơ sở hành nghề khám tư nhân nước ngoài

Theo Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế, tính đến thời điểm hết năm 2011 có 67 thầy thuốc đông y nước ngoài được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam, trong đó có một người quốc tịch Canada, hai người Hàn Quốc, một người Pháp, số còn lại (63 người) là quốc tịch Trung Quốc.

Các thầy thuốc này hoạt động tại 17 tỉnh, thành, trong đó tập trung đông nhất ở Hà Nội (trên 20 người) và Thành phố Hồ Chí Minh (trên 15 người).

Trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, những văn bằng, tài liệu nước ngoài do họ cung cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch và công chứng. Các loại bằng cấp này phải phù hợp với yêu cầu của Việt Nam.

Các thầy thuốc đông y nói trên đều có bằng cử nhân y học cổ truyền do các trường đại học hoặc học viện trung y của nước sở tại cấp, sau đó thi chứng chỉ và được công nhận là bác sỹ.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền cho biết trước khi triển khai Luật Khám chữa bệnh (trước thời điểm 1/1/2011) thì việc cấp phép hành nghề cho người nước ngoài và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở y tế thuộc về các sở y tế. Từ 14/11/2011 trở đi, việc cấp phép hành nghề cho người nước ngoài thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế; còn việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho cơ sở y tế vẫn thuộc về các sở y tế.

Trong quá trình hoạt động, dù chứng chỉ do Bộ Y tế hay do Sở cấp thì việc quản lý trên địa bàn vẫn thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành và các sở y tế phải tham mưu cho công tác quản lý và Bộ Y tế cũng phải cùng tham gia vào công tác này.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng hiện nay việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người nước ngoài vẫn đang còn nhiều bất cập. Theo quy định, chứng chỉ được cấp một lần. Đối với thầy thuốc nước ngoài, nếu họ được cấp phép và hành nghề liên tục tại Việt Nam thì việc không cần phải bàn. Nhưng nếu họ ngừng hoạt động, về nước một thời gian rồi lại quay sang tiếp tục hành nghề trở lại thì việc kiểm soát, quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Chặt chém bệnh nhân, vi phạm nhiều quy định

Thời gian vừa qua, theo đơn tố cáo của các bệnh nhân, thanh tra y tế đã tiến hành kiểm tra nhiều phòng khám Trung Quốc, phát hiện nhiều sai phạm và đã tiến hành xử lý theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại phòng khám Maria, số 65-67 Thái Thịnh và phát hiện tại đây thu phí một số dịch vụ kỹ thuật khi chưa niêm yết giá theo quy định. Vấn đề ghi chép hồ sơ, sổ sách bệnh án của bệnh nhân tại phòng khám cũng không được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định.

Đặc biệt, phòng khám này quảng cáo không đúng nội dung như đăng ký cấp phép một cách khá rầm rộ, gây hiểu nhầm.

Với những lỗi vi phạm này, ngày 27/6, Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản xử phạt 11.500.000 đồng đối với phòng khám Maria, đồng thời, Thanh tra Y tế Hà Nội cũng yêu cầu bác sỹ Lôi Hồng, Chủ phòng khám làm việc với Thanh tra Sở Y tế về những vấn đề liên quan khi ông này trở lại Việt Nam.

Đoàn thanh tra của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành thanh tra đột xuất phòng khám bệnh y học cổ truyền Trung Quốc tại số 141 Phan Đăng Lưu, phường 2, quận Phú Nhuận.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận phòng khám có nhiều loại thuốc tiêm, kháng sinh, dịch truyền, thuốc viên mang nhãn mác Trung Quốc, nhưng không xuất trình được giấy phép lưu hành.

Trong số này có ba loại thuốc hết hạn sử dụng (trong đó có hai loại xuất xứ từ Trung Quốc); một số thuốc dạng viên bọc đường, viên nang hoàn không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại quầy thuốc, nhân viên người Trung Quốc đứng bán nhưng không biết tiếng Việt, không rõ bằng cấp.

Phòng khám này không được phép truyền dịch, nhưng vẫn ngang nhiên truyền dịch tại chỗ. Đặc biệt, phòng khám không được phép làm phẫu thuật nhưng vẫn thực hiện cắt trĩ cho bệnh nhân. Ngoài ra, phòng khám còn treo bảng quảng cáo về chức năng chữa bệnh không đúng với những gì đã xin phép; điều kiện vệ sinh không đảm bảo…

Đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản, niêm phong nhiều loại thuốc; yêu cầu các “bác sỹ,” nhân viên người Trung Quốc làm việc tại đây chưa xuất trình bằng cấp chuyên môn phải ngừng ngay việc khám chữa bệnh; ngừng hoạt động đối với các phòng chưa xin phép (gồm phòng xét nghiệm, siêu âm, máy trị liệu phục hồi, phẫu thuật…); tháo biển quảng cáo tại phòng khám không đúng quy định; đồng thời yêu cầu chủ phòng khám lên làm việc với Sở Y tế và phải xuất trình bằng cấp chuyên môn, giấy tờ nhân thân của những người Trung Quốc đang làm việc tại đây (kể cả những người vắng mặt không lý do)...

Về các sai phạm tại các phòng khám Trung Quốc liên tục được phát hiện, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ truởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, đang có hình thức vi phạm mới tại các phòng khám này.

Trước đây người dân đến khám đông, nhưng khi bị phát hiện các sai phạm, đưa lên thông tin đại chúng nên bệnh nhân đã đề phòng, cảnh giác cao và đang dần tẩy chay.

Các phòng khám này đã chuyển đổi về loại hình hoạt động từ phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền chuyển sang phòng khám đa khoa. Họ còn lợi dụng nhập trang thiết bị chưa được thẩm định vào hoặc trong lúc đang chờ thẩm định nhưng đã tiến hành hoạt động. Đây là hình thức vi phạm mới xảy ra với các phòng khám Trung Quốc.

Cần những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía

Bộ Y tế cho biết hành lang pháp lý để quản lý phòng khám Trung Quốc đã tương đối đầy đủ, vấn đề cuối cùng là tăng cường thanh tra và xử phạt thật nghiêm, bảo đảm việc quản lý các phòng khám này theo đúng pháp luật Việt Nam.

So với nghị định 45/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì nghị định 96/2011 đang có hiệu lực rạch ròi và mạnh mẽ hơn nhiều.

Đơn cử, Điều 3 của nghị định về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả ghi rõ: Đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này, ngoài việc bị xử phạt bằng tiền, tuỳ tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc không thời hạn.

Cũng theo Nghị định 96, chánh thanh tra sở y tế hoàn toàn đủ thẩm quyền áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề.

Trước thực trạng nhiều phòng khám có yếu tố nước ngoài liên tục sai phạm trong khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các tỉnh thành cần tập trung thanh kiểm tra toàn diện các phòng khám này; sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành những quy định của Nhà nước về công tác khám, chữa bệnh của các phòng khám y học cổ truyền có yếu tố người nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn.

Đặc biệt cần tập trung vào những nội dung như hồ sơ pháp lý hoạt động, tình hình nhân sự, bằng cấp chuyên môn của thầy thuốc người nước ngoài, thuốc, giá thuốc, nội dung quảng cáo…

Các địa phương phải báo cáo về tình hình hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh này trên địa bàn, kết quả thanh, kiểm tra sáu tháng đầu năm 2012 với các phòng khám trên và gửi về Thanh tra Bộ Y tế.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng bác sỹ đông y Trung Quốc hành nghề chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vì thế, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Sở Y tế hai địa phương này đột xuất kiểm tra một số cơ sở, đồng thời, Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cũng sẽ xây dựng quy trình thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Việc nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân trong việc sử dụng dịch vụ này là hết sức quan trọng vì chính người dân là chủ thể quyết định sự tồn tại của các phòng khám.

Vụ Y dược cổ truyền cũng khuyến cáo các phòng khám đông y không được phép truyền dịch, nơi nào thực hiện là vi phạm phạm vi hành nghề.

Về vấn đề giá cả là do cơ sở tự đưa ra, theo quy định, tất cả các phòng khám dù là của Việt Nam hay nước ngoài đều phải niêm yết giá khám, thuốc, dịch vụ công khai để người dân biết. Tuy nhiên tùy theo từng cơ sở, vật chất, bác sỹ mà giá cả các nơi có thể không thống nhất như giá của y học hiện đại. Vì thế, khi đến khám người bệnh nên đọc kỹ bảng giá, nếu thấy không phù hợp thì đi nơi khác.

Đặc biệt, khi lấy thuốc, không nên lấy liền một lúc đơn thuốc cho 10-15 ngày hay cả tháng mà chỉ lấy uống từ 3-5 đến 7 ngày xem tình hình bệnh chuyển biến như thế nào, đến khám lại để bác sĩ có sự điều chỉnh./.


Theo Vietnam+ - H

Mới nhất
x
Thắt chặt quản lý phòng khám tư nhân nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO