Thay đổi nhận thức ở Nghĩa Mai

22/12/2011 16:21

(Baonghean.vn) Nghĩa Mai là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Nghĩa Đàn với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của người dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền thấu đáo về DS - KHHGĐ, nên trong năm 2011, Nghĩa Mai là xã điển hình trong việc giảm tỉ lệ sinh con thứ ba của huyện Nghĩa Đàn.

(Baonghean.vn) Nghĩa Mai là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Nghĩa Đàn với hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức của người dân trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt tình của đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền thấu đáo về DS - KHHGĐ, nên trong năm 2011, Nghĩa Mai là xã điển hình trong việc giảm tỉ lệ sinh con thứ ba của huyện Nghĩa Đàn.

Gia đình chị Trần Thị Yên và anh Cao Sơn Đông ở bản Bái (xóm 6B) xã Nghĩa Mai có 2 con đều là gái đang học tiểu học. Anh Đông cho biết: Các cụ ngày xưa ở làng vẫn có quan niệm sinh con trai để “nối dõi tông đường”, và ít ra thì cũng có con trai để làm “rường cột” cho gia đình, có người khỏe mạnh để lên nương lên rẫy khi mình già, chứ con gái đến tuổi lấy chồng là con người ta. Nhưng giờ nghe các chị dân số tuyên truyền, xem ti vi, nghe đài mình hiểu ra nhiều rồi.



Tổ chức tuyên truyền cổ động công tác DS ở cơ sở. Ảnh: T.H

Vì vậy cả hai vợ chồng quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy các con được tốt hơn và đầu tư phát triển kinh tế, hiện tại gia đình có 2 ha trồng sắn, cao su, mỗi năm cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng. Được bố mẹ quan tâm nên 2 con gái của anh chị luôn đạt học sinh giỏi. Không chỉ gia đình anh Đông và chị Yên mà ở bản Bái, các gia đình được cộng tác viên ở xóm tuyên truyền cụ thể về các biện pháp tránh thai, kế hoạch hóa gia đình. Vì vậy, trong 5 năm liền xóm không có người sinh con thứ ba.

Nghĩa Mai có gần 1.600 hộ với 7.163 nhân khẩu, trong đó có 1.292 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, xã lại nằm xa trung tâm huyện 30 km. Vì vậy, xã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác thăm khám về sức khỏe sinh sản. Nghĩa Mai xác định phải nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc sinh đẻ có kế hoạch bằng việc truyền thông dân số, tạo điều kiện tốt nhất để chị em được chăm sóc SKSS tại trạm y tế xã.

Trong năm 2011, xã có 576 lượt khám/144 phụ nữ mang thai, phối hợp với Trung tâm Dân số huyện Nghĩa Đàn mở 2 đợt chiến dịch CSSKSS - KHHGĐ thu hút 95% chị em tham gia. Nhờ những cố gắng đó, trong năm 2011, Nghĩa Mai có 120 cháu được sinh ra, giảm 20 cháu so với năm 2010, trong đó số người sinh con thứ ba giảm 10 cháu so với năm 2010.

Chị Trần Thị Lý - chuyên trách dân số xã Nghĩa Mai cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong công tác DS - KHHGĐ của xã là địa bàn rộng, nhận thức của người dân còn hạn chế, phong tục tập quán nhiều thôn, bản còn khác nhau, nguồn kinh phí cho công tác dân số còn thấp. Để đồng bào nhận thức được KHHGĐ là tiền đề của hạnh phúc gia đình, nhất là đối với những gia đình sinh con một bề thì cộng tác viên phải hiểu được tập quán, tâm tư của đồng bào. Vì vậy, nhiều gia đình, nhiều thôn bản đã dần nhận thức được và dừng lại ở 2 con, chị em bị bệnh phụ khoa giảm, xã có 6 bản trong 5 năm liền không có người sinh con thứ ba”.

Bộ mặt của Nghĩa Mai đã có nhiều thay đổi, mặc dù vẫn là một xã khó khăn. Nhưng với việc nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về KHHGĐ đã góp phần đưa Nghĩa Mai ngày càng có cơ hội thoát nghèo. Ấn tượng sâu sắc khi chúng tôi chia tay Nghĩa Mai là hình ảnh cộng tác viên dân số ở đây. Các chị không quản đường sá xa xôi , không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mà đến tận nương rẫy để “rà từng đối tượng”.

Chính sự nhiệt tình của các chị đã giúp cho công tác DS - KHHGĐ ở một xã vùng sâu, vùng xa Nghĩa Đàn có nhiều thay đổi. Nhưng phụ cấp 50 nghìn đồng/tháng với một cộng tác viên dân số là quá ít ỏi so với sự nhiệt tình, công sức và trọng trách của các chị - những người làm thay đổi nhận thức về DS - KHHGĐ ở Nghĩa Mai.


Đinh Thuỳ

Mới nhất
x
Thay đổi nhận thức ở Nghĩa Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO