Thay đổi tư duy sử dụng vốn đầu tư từ NSNN

23/06/2015 10:26

(Baonghean) - Ngày 22/6, tại Hà Nội, để tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2015, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương về sửa đổi, bổ sung cơ chế quản lý tài chính đầu tư, bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2015.

Theo báo cáo tại hội thảo, Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn vốn đầu tư XDCB từ NSNN năm 2015 đã giao cho các bộ, ngành Trung ương và địa phương là 181 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn giao cho các bộ, ngành Trung ương là 39,4 nghìn tỷ đồng, các địa phương là 141,7 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở này, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai kế hoạch gửi về Bộ Tài chính thẩm tra và thông báo vốn cho các đơn vị thực hiện, và ước thực hiện 6 tháng đầu năm là gần 82 nghìn tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch. Số vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ (TPCP) được giao là 85 nghìn tỷ đồng, ước thực hiện đạt trên 27,5 nghìn tỷ đồng, đạt 40,3% kế hoạch.

Tiến độ giải ngân năm 2015 khá chậm

Theo Bộ Tài chính, tuy chưa thực sự đầy đủ nhưng tổng số nợ vốn đầu tư XDCB có liên quan đến nguồn vốn NSNN đến hết năm 2003 đã vào khoảng 11 nghìn tỷ đồng. Đến hết 2005, số nợ này còn khoảng 9 nghìn tỷ đồng, nhưng đến năm 2011 thì số nợ vốn đầu tư XDCB của 63 địa phương đối với khối lượng đã thực hiện là rất lớn: trên 91 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi tỉnh nợ tới gần 1,5 nghìn tỷ đồng), bằng 68,4% so với tổng kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2011 của cả nước. Tiến độ giải ngân năm 2015 là chậm so với kế hoạch cũng như so với cùng kỳ, dễ dẫn đến nợ đọng XDCB trong giải ngân nguồn vốn đầu tư nhà nước.

Tính đến hết năm 2013, gần 33 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn NSNN là số nợ đọng XDCB của gần 15 nghìn dự án đầu tư XDCB trên phạm vi cả nước. Trong đó, nguồn vốn từ phát hành TPCP là 10,5 nghìn tỷ đồng (chủ yếu là dự án tại các địa phương). Số nợ này thực chất khối lượng do nhà thầu đã thực hiện theo hợp đồng đã ký vượt kế hoạch vốn đầu tư được giao cho chủ đầu tư nhưng chưa có vốn để thanh toán. Nếu không có biện pháp đủ mạnh thì tình trạng này còn tiếp tục phát sinh, làm tổn thương mạnh mẽ đến công tác huy động vốn cho đầu tư XDCB.

Thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 48.Ảnh: Hoàng Vĩnh
Thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 48. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng vốn đầu tư XDCB của nguồn vốn NSNN nhiều như vậy đã được chỉ ra nhiều lần như: nhu cầu đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tại các bộ, ngành, địa phương là rất lớn, trong khi khả năng cân đối vốn của Nhà nước có hạn. Điều kiện vốn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng vốn không bố trí đủ theo tiến độ, thậm chí công trình đã đấu thầu, thiết bị đã đặt mua nhưng không được bố trí vốn. Theo Quyền vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Trịnh Nam Tuấn, về quản lý vĩ mô, công tác quản lý nợ XDCB chưa được coi là nội dung quan trọng trong quản lý đầu tư XDCB; chưa có quy định cụ thể về yêu cầu, nội dung quản lý, chưa quy định rõ trách nhiệm và chưa có chế tài xử lý cụ thể. Bên cạnh tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của NSNN đã diễn ra từ lâu và trên phạm vi rộng thì vẫn còn tình trạng hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này không đủ sức ngăn chặn kịp thời - Quyền Vụ trưởng Trịnh Nam Tuấn nói.

Vẫn ứng vốn dù không rõ nguồn thanh toán

Tình trạng bất cập trong phân cấp quản lý (địa phương quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng nhưng nguồn vốn do ngân sách Trung ương hỗ trợ theo khả năng cân đối) kéo dài nhiều năm. Mặt khác, việc chưa xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn để làm căn cứ quyết định đầu tư và bố trí vốn đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải và nợ đọng trong XDCB. Đó là chưa kể do khó khăn chung đó là nguồn chi đầu tư từ ngân sách ngày càng giảm, để bảo đảm hiệu quả đầu tư thì các bộ, ngành, địa phương phải lựa chọn, rà soát, sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư, dẫn tới một số dự án không được bố trí vốn.

Tại hội thảo này, nhiều đại biểu tham dự cho rằng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý của các cấp chưa cao, và ngay cả năng lực của các chủ đầu tư cũng chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý. Thậm chí, có tình trạng không có vốn nhưng cứ làm, cứ đấu thầu, cứ đặt hàng mua thiết bị. Cùng với tư duy nhiệm kỳ ở một số địa phương, một số lãnh đạo do nóng vội đã có những quyết định đầu tư không bảo đảm đúng quy định của Nhà nước. Ngoài ra, việc buông lỏng công tác quản lý, chưa hoặc không kiểm tra, phát hiện, giám sát kịp thời; không tổ chức theo dõi, quản lý nợ khối lượng XDCB cũng khiến cả chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý lao đao. Ngay cả khi dự án còn chưa được phân bổ vốn thì chủ đầu tư đã triển khai xây dựng, làm vượt khối lượng so với kế hoạch được giao, mở rộng đầu tư vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

Nhiều trường hợp trong hồ sơ mời thầu hoặc chỉ định thầu còn nêu rõ điều kiện nhà thầu ứng trước vốn là tiêu chí để lựa chọn nhà thầu. Các nhà thầu (đặc biệt là các nhà thầu xây dựng) vì sức ép của việc làm nên vẫn thi công, thậm chí ứng vốn trước mặc dù không rõ nguồn vốn thanh toán đã cùng với địa phương gây ra tình trạng nợ đọng trong XDCB. Một số nhà thầu quan niệm rằng các công trình quan trọng của địa phương sử dụng vốn NSNN thì trước sau sẽ được thanh toán vốn nên đã vay mượn để thi công. Việc bố trí vốn đầu tư dàn trải, chưa hoặc không quan tâm đến thanh toán nợ đọng và có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng là một nguyên nhân trọng yếu – Quyền Vụ trưởng Trịnh Nam Tuấn thẳng thắn.

Siết chặt cơ chế quản lý tài chính đầu tư

Để tránh tình trạng nợ đọng XDCB, một yêu cầu khách quan và tất yếu là các bộ, ngành địa phương và nhà thầu cần phải chấp hành đầy đủ và thực hiện nghiêm túc, các quy định pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư XDCB và các quy định hiện hành. Trước hết, đó là việc chấp hành thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công; bảo đảm không để phát sinh nợ đọng XDCB sau năm 2014.

Theo Bộ Tài chính, cùng với cơ chế quản lý đầu tư chung tiếp tục được đổi mới qua việc ban hành các Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi) cùng các Nghị định hướng dẫn thực hiện, thì công tác điều hành, quản lý chi ngân sách càng phải chặt chẽ; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư từ NSNN, và tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính hơn nữa. Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vốn đầu tư, Bộ Tài chính đang triển khai việc sửa đổi bổ sung một loạt cơ chế trong quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu mới đặt ra. Nội dung nghiên cứu sửa đổi lần này đã mạnh dạn đưa ra các cơ chế quản lý mới thể hiện rõ và cao hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong quản lý vốn đầu tư; đồng thời mở rộng phạm vi quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của NSNN tại tất cả các khâu thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, các nội dung điều chỉnh, sửa đổi nhằm cụ thể hóa các quy định mới của các luật, Nghị định mới ban hành đồng bộ theo nguyên tắc nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp. Công tác quản lý vốn sẽ chặt chẽ hơn, và Bộ Tài chính đã dự thảo nhiều thông tư thay thế các quy định cũ về quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN. Đồng thời, sẽ quy định thêm trách nhiệm của cơ quan Kho bạc trong đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn cho nhà thầu và trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư thu hồi trong trường hợp vốn tạm ứng không được sử dụng đúng mục đích, tăng cường kiểm soát chi phí của ban quản lý dự án. Theo đó, cơ chế quản lý chi phí ban quản lý dự án sẽ thống nhất một cơ chế tài chính chung với cơ chế nguồn thu - chi rõ ràng, phản ánh đúng bản chất là bộ phận giúp chủ đầu tư thực hiện nhiệm vụ quản lý quá trình thực hiện dự án được đảm bảo bằng nguồn vốn NSNN - Thứ trưởng Trần Văn Hiếu khẳng định.

Đặc biệt để giảm thiểu tối đa việc chi sai, chi thiếu, thông tư mới sẽ quy định trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong thẩm tra dự toán chi phí hàng năm; quy định chi phí ban được quyết toán hàng năm để phân bổ vào các dự án đầu tư. Những quy định mới này sẽ làm thay đổi cơ bản ý thức, trách nhiệm của các cấp thực thi, qua đó nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý chung, nhất là hạn chế tiêu cực trong quyết toán dự án hoàn thành. Hy vọng là với những định hướng sửa đổi trong công tác quản lý vốn đầu tư của cơ quan tài chính nói chung cũng như các đơn vị liên quan, thực tế quản lý, sử dụng vốn đầu tư Nhà nước sẽ có sự thay đổi quan trọng, hạn chế tối đa các tiêu cực có thể phát sinh, theo đúng tinh thần chỉ đạo tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính của Đảng và Nhà nước.

Sông Hồng

Mới nhất

x
Thay đổi tư duy sử dụng vốn đầu tư từ NSNN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO