“Mẹ tôi, một người phụ nữ nhỏ nhắn, đơn thân, phải đi cuốc ruộng, phụ hồ, gặt thuê để lo cho anh em chúng tôi ăn học. Nhìn mẹ trở về với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi trong chuỗi ngày trôi qua cực nhọc, lòng tôi đau xót vô cùng…”. Gác lại nét bút cuối cùng sau khi hoàn thành bức tranh bích họa cho các cháu bé tại trường mầm non của xã, Lê Văn Đông – Bí thư Chi đoàn Xóm 1, xã Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa) chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện cuộc đời mình. Đó là hành trình đầy gian nan từ một chàng trai mồ côi, tật nguyền trở thành điển hình phát triển kinh tế và là một cán bộ Đoàn năng nổ trên mảnh đất Thái Hòa.
Đó là một ngày tháng 10 đầy ám ảnh của năm 2009, khi Đông vừa hoàn thành buổi học trên lớp trở về nhà thì được tin bố mất. Bố Đông – một người đàn ông nghị lực phải chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi trong một thời gian dài nhưng chưa lúc nào ông than thở về nỗi đau mà mình đang gánh chịu. Có lẽ, bởi ông hiểu, vợ và con đã vì mình mà vất vả, phải bán toàn bộ tài sản trong gia đình để đưa ông ra, vào những bệnh viện lớn, nhỏ. Căn nhà mà gia đình đang ở được xây dựng từ năm 1978 do ông bà nội để lại thời điểm đó cũng chực chờ đổ sập vì lâu chưa có tiền tu sửa lại.
Bố mất, em trai lại đang nhỏ tuổi, còn Đông lúc đó cũng chỉ mới vào lớp 10 nên mọi gánh nặng đổ dồn lên lưng mẹ. Thương mẹ, Đông vừa học, vừa đi cày thuê cho những gia đình trong xã. Đó là chuỗi ngày phải dậy từ lúc 3h30 sáng để dắt trâu đi cày ruộng thuê. Gần đến giờ đi học thì em chạy vội về tắm rửa để bạn bè không phát hiện ra những vết bùn lấm lem còn vương lại trên áo, quần. Khi vụ mùa kết thúc thì Đông lại đi trồng cây, cuốc cỏ, phát rừng hoặc đốn củi về để bán.
“Lúc đó, gần như tôi không bao giờ được ăn một bữa cơm sáng. Có những buổi đi học về ăn vội bát cơm lại phải đạp xe xuống xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu để trồng mía thuê. Mệt mỏi nhưng mỗi khi cầm những đồng tiền mình kiếm được để giúp mẹ trả những khoản nợ của gia đình, lòng tôi lại hạnh phúc vô cùng. Cho dù mẹ cũng đã khóc khi cầm những đồng tiền đó, mẹ muốn tôi tập trung cho việc học để mẹ gồng gánh tất cả, nhưng với sự tự trọng của một người con cả trong gia đình, tôi hiểu mình cần phải nỗ lực hơn thế nữa”, Đông kể lại.
Kết thúc 3 năm trung học phổ thông, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, dù rằng, ước muốn được thi vào các trường cao đẳng, đại học vẫn âm ỷ cháy, nhưng vì hoàn cảnh khốn khó, Đông buộc phải đi làm phụ bếp ở Hà Nội. Năm 2019, khi đã tích góp được một số vốn để xây dựng những kế hoạch phát triển tương lai, Đông không may gặp phải một tai nạn nghiêm trọng.
Để giữ được mạng sống, Đông buộc phải cưa cụt hoàn toàn chân phải. Tỉnh dậy trong phòng điều trị đặc biệt, Đông rơi vào tuyệt vọng. Nhìn qua khe cửa phòng bệnh, thấy mẹ và em đang cố gắng nhìn vào trong, gương mặt mẹ tiều tụy càng khiến em đau đớn. Sau những đêm nằm khóc một mình, Đông đã cố gắng mỉm cười để trấn an những người thân bên cạnh. Lòng tự bảo: “Cố gắng lên! Cố gắng lên rồi ngày mai mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn!”.
Sau khi xuất viện, Đông bắt đầu làm quen và tập đi bằng đôi chân giả, từ chập chững từng bước cho đến những bước đi thành thạo. Em bắt đầu vẽ tranh thư pháp để kiếm sống. Bởi may mắn, trong thời gian làm phụ bếp ở Hà Nội, em đã tìm hiểu và học tập bộ môn này. Cũng đã có một thời gian dài em đã liên kết với một vài cơ sở bán tranh thư pháp trên địa bàn Thành phố Hà Nội để cung cấp sản phẩm cho họ. Nhờ tài hoa của mình, em đã tiêu thụ một lượng lớn tranh thư pháp ra thị trường này để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Song song với công việc viết thư pháp, Đông được Đoàn xã Nghĩa Thuận giới thiệu đến cơ sở làm tranh đá trên địa bàn xã. Từ đây em bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với những thanh niên địa phương, được lắng nghe những câu chuyện của bạn bè đồng trang lứa, Đông thấy rằng, nhiều mảnh đời còn bất hạnh hơn mình rất nhiều. Thực tế đó đã khiến em tìm lại sự lạc quan đã mất, em hòa đồng hơn, từng bước tự tin tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Năm 2021, Đông mạnh dạn vay mượn người thân và Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng để mở quán ăn, hiện nay quán đã đi vào hoạt động và phát triển ổn định, bình quân thu nhập 2 trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Từng ngày trôi qua trong nỗ lực, Đông đã trở thành thủ lĩnh của tuổi trẻ xã nhà, được tin tưởng giao đảm nhận vai trò Bí thư Chi đoàn xóm 1 và trở thành thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế giỏi” của xã Nghĩa Thuận.
Cũng trong năm 2021, Đoàn xã Nghĩa Thuận tổ chức cuộc vận động thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với nhiều chương trình ý nghĩa. Trong đó, Đông được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Bác và cuộc vận động thực hiện Chỉ thị 05 này. Cùng với đó, lớp học bồi dưỡng nhận thức về Đảng cũng đã thay đổi nhận thức trong Đông rất nhiều. Từ đó, em đã dẫn dắt các đoàn viên trong xóm triển khai những công việc có ý nghĩa như tiến hành tu sửa, làm mới các điểm vui chơi cho trẻ em và triển khai thực hiện các tuyến đường xanh, sạch, đẹp, các hoạt động xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Đặc biệt, trong thời gian cao điểm thị xã Thái Hòa gồng mình đối mặt với đại dịch Covid – 19, Đông dù sức khỏe không tốt vẫn xung phong trực đêm tại điểm chốt chặn của xã. Nhờ vậy, Chi đoàn xóm 1 trở thành một trong những chi đoàn dẫn đầu trong toàn xã những năm 2020, 2021 với thành tích “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Chị Vũ Thị Huyền – Bí thư Đoàn xã Nghĩa Thuận cho biết, Đông luôn có một khát khao là được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trong nhiều lần tâm sự, Đông cũng đã bộc bạch rằng, tình yêu với Đảng, với Đoàn Thanh niên đã giúp em có thêm niềm vui trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, sau khi Đông tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng thì em càng có nhiều quyết tâm, nỗ lực để vừa xây dựng mô hình kinh tế phát triển bền vững, vừa dẫn dắt các phong trào tình nguyện của tuổi trẻ tại địa phương. Đây là tiền đề vững chắc để thời gian tới địa phương sẽ tiến hành kết nạp em vào Đảng và tiếp tục khích lệ em dẫn dắt phong trào Đoàn ngày một phát triển mạnh mẽ.
Cho đến bây giờ, bà Cao Thị Tuyết (SN 1965), người dân xóm 3, xã Nghĩa Thuận vẫn chưa hết niềm xúc động khi nói về Lê Văn Đông. Bà cho biết, bản thân mình bị tai biến liệt nửa người, vì mất sức lao động nên bà sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của chồng con. Tuy nhiên, chồng bà cũng vì bệnh tật mà phải cắt bỏ 1/3 chân phải. Bệnh tật đã khiến cho cả gia đình rơi vào tuyệt vọng. Trong hoàn cảnh đó, Đông đã động viên và tiếp niềm lạc quan cho bà. Đồng thời, đứng ra kêu gọi cộng đồng quyên góp, ủng hộ cho gia đình bà một khoản tiền ý nghĩa để bà có thêm điểm tựa để vượt qua khó khăn.
Cùng với bà Tuyết, gia đình cháu bé 2 tuổi Hoàng Mỹ Duyên ở xóm Trung Yên, xã Nghĩa Mỹ (thị xã Thái Hòa) cũng rất trân trọng tấm chân tình của Đông. Khi vào năm 2020, cháu Duyên không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Tai nạn đó đã khiến cháu gãy tay và buộc phải cắt bỏ hoàn toàn một chân phải. Gia đình cháu lúc đó thuộc diện hộ nghèo với 4 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Đông đã trực tiếp cùng với Chi đoàn xóm 1 và Ban Chấp hành Đoàn xã Nghĩa Thuận chia sẻ các bài viết để kết nối với các mạnh thường quân đứng ra giúp đỡ gia đình cháu bé. Từ đây, đã mở ra những tia hy vọng mới để gia đình đứng dậy sau khó khăn.
Nhìn lại chặng đường bản thân đã đi qua, Lê Văn Đông tâm sự: “Nhiều người quan niệm rằng, sau này tôi giàu có hơn, có điều kiện hơn, tôi sẽ sẵn lòng cho đi nhiều hơn. Nhưng rồi cuộc sống trôi qua và rồi người ta rất dễ quên đi những điều đã hứa. Tôi không biết bao giờ mình mới giàu có, nhưng tôi hiểu những người nghèo khó, bất hạnh họ cần được sẻ chia đến nhường nào. Bản thân tôi may mắn được cộng đồng giúp đỡ, thì nay, tôi luôn tự nhắc nhở mình cố gắng đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh khác. Với tôi, được giúp đỡ mọi người, được thấy mình còn sống và mỉm cười trong mỗi sáng mai thức dậy, là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời mình”!.