Thầy Trần Văn Nga: Thắp lửa đam mê

28/01/2012 15:01

(Baonghean.vn) - Từ một cậu bé có học lực trung bình, chỉ ham làm diều, đi thả trúm, kiếm củi,... đến đầu năm học lớp 10, một trận đòn roi của bố đã khiến anh thay đổi. Nhờ sự động viên của mẹ, bằng ý chí nghị lực của bản thân, anh đã nhanh chóng vươn lên khẳng định bản thân. 35 năm tuổi đời, 10 năm tuổi nghề có lẻ, dìu dắt 5 học sinh đạt gần 10 huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Quốc tế. Anh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Nghệ An, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu tặng nhiều bằng khen, giấy khen...

(Baonghean.vn) - Từ một cậu bé có học lực trung bình, chỉ ham làm diều, đi thả trúm, kiếm củi,... đến đầu năm học lớp 10, một trận đòn roi của bố đã khiến anh thay đổi. Nhờ sự động viên của mẹ, bằng ý chí nghị lực của bản thân, anh đã nhanh chóng vươn lên khẳng định bản thân. 35 năm tuổi đời, 10 năm tuổi nghề có lẻ, dìu dắt 5 học sinh đạt gần 10 huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và Quốc tế. Anh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Nghệ An, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu tặng nhiều bằng khen, giấy khen...


Tuổi thơ lam lũ

Về xóm 2 xã Đông Sơn, huyện Đô Lương - quê anh vào một sáng mùa Đông rét mướt. Hỏi nhà anh không khó, từ người lớn đến trẻ nhỏ thuộc như nằm lòng. Một cụ già đầu ngõ còn đưa chuyện: Căn nhà gỗ thấp bé ngày xưa nằm trên triền núi nay đã được người con trưởng báo hiếu bố mẹ; nhà được đôn cao, mở rộng, sơn sửa lại trông khang trang và bề thế lắm. Ông Trần Huyền Nghiêm đón chúng tôi bằng nụ cười hiền, đầy thân thiện.

Ông chia sẻ: "Tôi đã nghỉ hưu từ 2 năm nay. Dẫu từng là một học sinh xuất sắc được cử sang Ba Lan học về ngành tự động hoá, từng dạy học ở Trường THPT Quỳnh Lưu 2, THPT Đô Lương 2, THCS Đông Tràng (Đô Lương), là cán bộ chuyên môn của phòng, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, nhiều đồ dùng dạy học được huyện, tỉnh công nhận, trao giải, song tôi vẫn cảm thấy nuối tiếc bởi mình là thầy giáo nhưng chưa quan tâm đến việc học của con, nên Nga chịu nhiều thiệt thòi".

Thầy Trần Văn Nga trong ngày vui nhận phần thưởng của UBND tỉnh

Nói vậy bởi ông dạy học xa nhà từ khi anh Nga chưa chào đời. Mỗi tuần về nhà bao giờ bố cũng chuẩn bị nào ống nứa, cám, thính, khoai để sang tuần trên đường đến trường thả ống trúm, cuối tuần mang lươn và vài đồng tiền lẻ về cho vợ con. Vốn là người hiền lành, ít nói, thấu hiểu hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một buổi đi học, một buổi anh phụ mẹ việc gia đình từ đồng ruộng, cho đến cơm nước, giặt giũ... Thậm chí anh từng đi bán củi, đưa rượu, đi bỏ bánh mỳ, lấy nước rác về cho mẹ nuôi lợn.


Những lo toan của cuộc sống gia đình khiến anh cứ mải miết làm đến quên cả học. Năm học 1992 - 1993, anh được vào học lớp chọn của Trường THPT Đô Lương 1. Ngay ngày đầu tiên của năm học mới, nhìn đến ký hiệuvéc- tơ anh không biết gọi là gì, liền hỏi bố. "Bực mình với thái độ học tập của con, tôi vừa quát, vừa quất roi vào mông". Nhưng nghe lời vợ nói "anh chưa quan tâm đến việc học của con" nên tôi buông roi và giải thích cho con hiểu. Kể từ đó tôi để ý đến việc học của con hơn". Ông Nghiêm kể lại.


Không để bố mẹ phiền lòng, anh âm thầm lên cho mình một lịch học nghiêm ngặt: vẫn giúp mẹ việc nhà nhưng mỗi khi rỗi lại tranh thủ đọc sách. Mỗi đêm anh làm thêm bài tập đến 1, 2 giờ sáng mới chịu đi ngủ. Thấy con chăm chỉ học hành, bà Thái Thị Năm -mẹ anh luôn động viên, dõi theo cho đến khi anh đi ngủ bà mới yên lòng đặt lưng.


Thắp lửa đam mê


Thầy Nguyễn Tài Công - giáo viên Trường THPT Đô Lương 1 cho biết: Những năm học cấp 3, tuy Nga chưa phải là một học sinh xuất sắc với những thành tích nổi bật song em tiến bộ từng ngày, thấy rõ qua từng năm học. Chúng tôi nhìn thấy ở Nga một tinh thần, quyết tâm, tài năng tiềm ẩn.


Tốt nghiệp cấp 3, được sự định hướng của bố mẹ và cả sự tính toán của bản thân (học trường sư phạm được miễn giảm học phí), anh bỏ qua trường ĐH KTQD Hà Nội đểtrở thành sinh viên khoa Sư phạm Vật lý, Trường ĐH Vinh. Những năm tháng sinh viên, anh học say sưa như để chạy đua với thời gian, như để bù đắp những tháng ngày chỉ biết chạy theo miếng cơm, manh áo. Không chỉ biết học, anh còn là một thành viên tích cực của Tập san Sinh viên, Kỷ yếu khoa học của Khoa Vật lý, Tạp chí khoa học của trường, một cây chuyện cười có tiếng trên báo Sinh Viên, nhưng vẫn không quên mỗi sáng sớm, đến lò lấy bánh mỳ gửi về quê cho mẹ bán...


Sau 4 năm miệt mài học tập, anh tốt nghiệp với tấm bằng giỏi và xin vào dạy học tại Trường THPT Dân lập Nguyễn Huệ với mục đích tích luỹ thêm kinh nghiệm, vừa dạy, vừa làm thêm để có tiền trang trải học lên cao học. Năm 2000, khi đang học cao học, nghe tin Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu có tuyển giáo viên, anh nộp đơn. Sau hai vòng thi tuyển, anh được nhận vào giảng dạy tại trường. Năm 2001, anh tốt nghiệp cao học với số điểm cao nhất khóa. Một năm sau, anh được nhà trường tin tưởng phân công dạy lớp chuyên Lý. Anh là giáo viên có tuổi nghề và tuổi đời trẻ nhất trong lịch sử của trường được giao trọng trách chủ nhiệm và bồi dưỡng khối chuyên Lý.


Khoa Lý, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu vốn được xem là "mỏ" học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của tỉnh, của cả nước từ nhiều năm nay. Mới ra trường không lâu, còn thiếu kinh nghiệm nhưng trước các "cây đa, cây đề" như thầy Củng, thầy Thảo, thầy Toàn... anh không choáng ngợp mà mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ phía các thầy, cô đồng nghiệp. Anh cũng không từ bỏ thói quen đọc sách, miệt mài tìm kiếm những thông tin mới, sách mới, những đề thi cũ để cung cấp cho học sinh ôn luyện.


Với nhãn quan tinh tường của một người thầy say nghề, khi học sinh lớp 10 gần kết thúc năm học, anh chọn những em có tố chất nổi trội để bồi dưỡng thêm. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hầu hết các em có học lực xuất sắc được lựa chọn đều đến từ các làng quê bình dị nhưng có truyền thống hiếu học. Khi có kết quả bước đầu về kỳ thi học sinh giỏi tỉnh hoặc học sinh giỏi quốc gia, để tạo điều kiện tốt hơn cho các em và để có thể theo sát, kèm cặp cho học trò, đa phần các học sinh được anh đưa về nhà, chọn đây làm "đại bản doanh" để ôn luyện.


Anh chia sẻ: "Hầu hết các em đến với tôi đều là học sinh nghèo, chịu khó học hỏi. Biết các em khó khăn nên tôi đã đưa về nhà mình để kèm cặp. Gần những kỳ thi lớn, thầy trò cùng thức đến 1-2 giờ sáng hôm sau. Cả thầy và trò như người trong một nhà. Vì vậy, học trò của tôi cũng rất chịu khó và rất tự giác học hỏi".


Ngoài những phương án giải tối ưu cho mỗi dạng bài, anh quan niệm cần phải truyền thụ cho các em ngọn lửa đam mê tri thức. Bởi có yêu, có say, có đam mê thì các em mới có đủ động lực và quyết tâm. Niềm say mê tạo cho các em ý thức tự giác, tự học, tự tìm tòi, tự lĩnh hội kiến thức. Cũng chính vì vậy mà anh không tạo áp lực cho học sinh mà chỉ âm thầm động viên, khích lệ. Có những dạng bài khó, thầy trò chong đèn đánh vật đến 2 giờ sáng để tìm ra cách giải tối ưu nhất. Mỗi khi xuống Vinh thăm con, nhìn trò của con khổ luyện, bà Năm như thấy bóng dáng con mình ngày xưa. Thương con, thương học trò, 1 giờ sáng, bà dậy, pha mỳ tôm hay luộc củ khoai, bắp ngô cho thầy trò "bồi dưỡng" để tiếp thêm sức ôn luyện...


Chiến thắng và vinh quang

"Tôi đánh giá cao những học sinh có tinh thần tự học. Người thầy không chỉ dạy mà còn là người định hướng và hướng dẫn cho các em học, chứ không phải làm thay học sinh, ép học sinh phải "học gạo" theo cách giải của mình. Có khi chính học trò lại cho thầy những phương pháp giải mới lạ hơn, nhanh chóng và chính xác hơn phương án của thầy". Với phương pháp dạy học đó, những lớp học do anh chủ nhiệm, có gần 100% học sinh đỗ vào các trường đại học danh tiếng trong cả nước, nhiều em đã được chọn vào các lớp tài năng của các trường đại học, nhiều em hiện đang du học tại các trường nổi tiếng của Mỹ, Anh, Pháp, Nga...

Đặc biệt, bằng sự kiên trì, chịu khó và đầy tâm huyết của mình, anh đã thành công khi truyền ngọn lửa đam mê môn Vật lý đến với nhiều học sinh và chính các em đã thổi bùng ngọn lửa nhỏ ấy thành ngọn đuốc sáng trên đấu trường khu vực và quốc tế, làm rạng danh đất học xứ Nghệ. Trong số những học trò do anh phát hiện và bồi dưỡng, có thể điểm qua những gương mặt sáng như: Võ Hoàng Biên - tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á tại Indonesia (2005); Nguyễn Tất Nghĩa - là học sinh duy nhất của Việt Nam và cũng là học sinh lớp 11 đầu tiên của Trường Chuyên Phan Bội Châu đạt 3 HCV môn Vật lý (2 HCV Olympic Vật lý châu Á và 1 HCV Vật lý Quốc tế), các năm 2007, 2008 lọt vào top 10 học sinh giỏi Vật lý Quốc tế; Nguyễn Trung Hưng - Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á (năm 2010); Và mới đây nhất, Nguyễn Huy Hoàng giành 1 HCĐ Olympic Vật lý châu Á 2011, 1 HCV Vàng Olympic Vật lý quốc tế, và Nguyễn Đình Hội giành Huy chương Bạc Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 42 tại Thái Lan.

Thầy Đậu Văn Mùi, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, cho biết: Trong 10 năm công tác tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, thầy Trần Văn Nga - hiện là Tổ trưởng bộ môn Vật lý của trường - là người trẻ nhất từ ngày thành lập trường cho đến nay giữ trọng trách này. Thầy đã đạt nhiều thành tích: 4 sáng kiến kinh nghiệm bậc 4, giải Nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2004-2005, trong đó có đề tài được đánh giá rất cao: "Góp phần bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế thông qua phần thuyết tương đối hẹp"; được UBND tỉnh Nghệ An tặng trên 20 bằng khen về thành tích giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Năm 2007, thầy được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen. Năm 2008, được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ".


Cũng bởi những thành tích rạng rỡ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế,thầy Trần Văn Nga đã nhận được nhiều lời mời của các tỉnh bạn với những đãi ngộ hấp dẫn, nhưng anh luôn tự dặn lòng: "Nắng gió xứ Nghệ đã nuôi tôi khôn lớn và rèn dũa tôi được như ngày hôm nay. Bởi vậy, tôi mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho quê hương mình, bồi dưỡng nên những thế hệ học sinh xuất sắc đại diện cho trí tuệ Việt Nam sánh vai với bạn bè quốc tế".


Thảo Nhi

Mới nhất
x
Thầy Trần Văn Nga: Thắp lửa đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO