“Thay trời làm mưa”

Trong thời tiết nắng nóng cao điểm mùa Hè ở Nghệ An, đa số diện tích trồng chè ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông… vẫn xanh mướt. Để đảm bảo chè xanh tốt dưới nắng nóng, bà con vùng trồng chè đã “làm mưa” bằng cách đầu tư hệ thống tưới. Tùy từng địa bàn, có thể kéo vòi bơm đến các hồ, đập hoặc khoan giếng, suất đầu tư cho hệ thống tưới chè từ 40 – 100 triệu đồng. Số tiền đó tương đương với giá trị của một năm thu hoạch chè trên 1 héc-ta. Bù lại, những diện tích chè được tưới trong mùa Hè luôn xanh tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng, nhất là trong vụ thu hoạch gần đây, chè búp đang lên giá.

Còn nhớ, nhiều năm trước, mỗi khi vào mùa Hè nắng nóng đỉnh điểm, rất nhiều cây trồng ở Nghệ An và các tỉnh miền Trung chết nắng. Thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp rất lớn, nhất là những cây trồng nguyên liệu có thời gian kiến thiết (trồng, chăm sóc) dài mới cho thu hoạch. Việc đầu tư hệ thống tưới cho chè được các nhà khoa học khuyến cáo từ trước đến nay. Điều quan trọng là chính bà con trồng chè thấy được hiệu quả và mạnh dạn đầu tư, mua sắm máy móc và vận hành hàng ngày. Để tưới được 1 héc-ta chè, người dân phải mất gần 1 buổi để di chuyển ống dẫn và súng phun mưa đều khắp diện tích chè. Công sức và tiền của khi “làm mưa” như vậy rất lớn, nhưng sẽ đem lại những vụ chè búp “chắc ăn”.

Những vùng chè được tưới ở Nghệ An đang áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa. Đây là giải pháp đưa nước tới cây trồng, thấm vào mặt đất bằng cách làm mưa nhân tạo được đánh giá đạt hiệu quả rất cao. Cách tưới phun mưa giúp hạn chế được độ tổn thất nước do bốc hơi, không phá vỡ kết cấu đất ở gốc cây, không tạo nên dòng chảy trên mặt đất. Chủ vườn có thể điều chỉnh khoảng không gian làm ướt phù hợp với sự tăng trưởng của cây trồng cũng như thời tiết từng thời điểm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc đầu tư tưới phun mưa cho cây chè giúp tăng năng suất khoảng 20-30% so với diện tích không tưới. Đặc biệt, với khí hậu nắng nóng cực điểm ở Nghệ An và miền Trung, nếu không tưới vào mùa Hè, cây trồng không chỉ giảm năng suất mà nhiều diện tích còn bị chết héo.

Trong sản xuất nông nghiệp, từ xưa đến nay, chúng ta vẫn nhắc đến các yếu tố: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Chính vì vậy, bây giờ, trồng cây gì, bà con cũng chú trọng đầu tư hệ thống tưới. Khoản đầu tư “làm mưa” đó là chi phí không nhỏ, nhưng sẽ đem về hiệu quả ổn định cho sản xuất trong thời gian dài. Nhìn ra thế giới, như ở đất nước Isarel, nhiệt độ mùa Hè có lúc đến 520C, gần nửa diện tích là sa mạc, thế nhưng, họ đã đầu tư “làm mưa” bài bản và trở thành một quốc gia mạnh về nông nghiệp.


Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Thanh Phúc