Thầy Văn Như Cương dùng Facebook kết nối tình thầy trò

20/11/2016 06:56

PGS Văn Như Cương nổi tiếng là “chịu chơi” Facebook với những status thu hút dư luận. FB của thầy kết bạn với rất nhiều học trò.

Không chỉ là người thầy đáng kính truyền thụ kiến thức mà nhiều giáo viên còn khiến học trò mê tít bởi những “chiêu trò” hấp dẫn. Thậm chí, không ít thầy cô được học trò lập hẳn một trang fanpage hội những người hâm mộ thầy...

Lên Facebook để hiểu học trò

Nhắc đến những người thầy đáng kính được nhiều thế hệ học trò yêu mến thì có lẽ không thể không kể đến PGS Văn Như Cương. “Thầy Cương” - nhiều học trò trìu mến gọi ông như thế.

Gặp thầy trong căn phòng vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc, thầy vui vẻ khoe gia tài của mình là hai lọ thuỷ tinh to chứa cả ngàn con hạc giấy do học trò gấp tặng như ngàn lời chúc yêu thương mong thầy khoẻ mạnh để tiếp tục đồng hành cùng học trò. Thầy kể, năm ngoái dù đang trong đợt điều trị nặng nhất nhưng thầy vẫn “trốn viện” về chỉ để được nói vài câu chung vui với học trò trong dịp Tết Trung thu.

Giáo viên thời nay cần những kỹ năng mềm
Giáo viên thời nay cần những kỹ năng mềm.

Gần 80 tuổi, sức yếu không thể đứng lớp như những năm trước nhưng thầy vẫn gặp gỡ trò chuyện hằng ngày với học sinh, đôi khi chỉ là tranh thủ chút ít giờ nghỉ giải lao dưới sân trường. Thầy nổi tiếng là “chịu chơi” Facebook (FB) với những status thu hút dư luận. FB của thầy kết bạn với rất nhiều học trò và có một lượng “khủng” lượt người theo dõi là 116.000.

Thầy cho rằng, FB cũng chính là tấm gương để trò nhìn vào, xem thầy viết như thế nào, ngôn ngữ viết ra sao, cách thầy chia sẻ với học trò về các vấn đề trong cuộc sống. Thầy cho biết: “Vài năm trước khi FB nở rộ, học sinh của trường chơi nhiều, có tình trạng các em nói xấu nhau, hằn thù nhau, đánh nhau chỉ vì những cái like vu vơ…

Khi thấy có tình trạng đó, tôi đã họp để lấy ý kiến của các em học sinh về những nội quy khi sử dụng FB và các em đã nhất trí những nội quy đó là: không nói tục, viết bậy, nói xấu người khác hay like “bất chấp” trên FB mà không cần đúng hay sai. Tôi nghĩ giáo viên cũng nên giáo dục học sinh văn hoá sử dụng FB, hướng dẫn các em có những ứng xử đúng đắn trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, để làm được điều đó thì giáo viên cần có những kỹ năng mềm, phải quan tâm để hiểu các em, để biết các em có thái độ như thế nào còn kịp thời uốn nắn. Những kỹ năng này bản thân các thầy cô phải tự vận động để bắt nhịp với trò, chứ trường sư phạm cũng không hề dạy”.

Dù sức khoẻ yếu nhưng cứ đến dịp lễ quan trọng như khai giảng năm học mới, bế giảng năm học, hay đón Tết Nguyên đán… thầy đều có những lời tâm sự gửi gắm đến học trò của mình. Bức thư chào mừng năm học mới 2015-2016 của thầy khiến nhiều thế hệ học trò xúc động bởi sự gần gũi, quan tâm và yêu thương của thầy.

Trong bức thư thầy viết: “…Sau này, các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc, những chính khách uyên bác…, nhưng trước hết phải là những người tử tế, biết yêu thương và căm giận, vì nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta…. Đó là điều thầy mong chờ ở các em”.

Được học trò yêu quý và “gây sốt” trên cộng đồng mạng với hơn 138.000 người theo dõi là TS Tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thầy Hiếu đạt danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu do cộng đồng mạng bình chọn.

Không chỉ có vẻ ngoài điển trai, thầy Hiếu còn là chuyên gia tư vấn tâm lý cho giới trẻ. Thầy đã làm nhiều clip về những vấn đề nóng của giới học trò như: Đối phó với yêu râu xanh, đối phó với cướp giật, các clip liên quan đến sống thử và chuyện yêu, làm gì khi trượt đại học…

Học trò đã lập hẳn trang FB hâm mộ thầy và tặng thầy bài thơ bày tỏ tình cảm với thầy: “…Thầy thường giúp chuyện người ta/khuyên la bọn trẻ, “vẽ đường hươu đi”/Thầy hay đêm trắng nghĩ suy/Sao cho đám nhỏ chăm lo học hành/Thầy còn rất trẻ như anh? Xì teen quá cỡ, từ teen quá rành/Bao nhiêu lời lẽ chân thành/ Nào là clip dạy còn offline/Thầy cho nhiều lắm ý hay/Kỹ năng cần thiết trao tay học trò…”. Với những đóng góp của mình, thầy Hiếu đã được giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp trường, cấp thành phố.

Thầy Trần Quang Hưng, Hiệu phó Trường THPT Thực nghiệm (Hà Nội) cho biết: “Cách tiếp cận trong giáo dục học sinh giờ khác xưa nhiều. Trước chỉ truyền thụ kiến thức, giờ đây hướng đến phát triển năng lực học sinh.

Chính vì vậy giáo viên không thể giữ cách giáo dục cũ mà buộc họ phải đổi mới cách dạy để tiếp cận năng lực học sinh. Việc giáo viên dạy những kỹ năng mềm, hay hướng các em đến hoạt động có tính chất trải nghiệm, sáng tạo sẽ giúp học sinh phát triển khả năng của mình nhiều hơn. Điều đó rất cần thiết bởi nó mang lại những hiệu quả lớn trong giáo dục”.

Đa năng để bắt nhịp học trò

Có một người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn giúp các em phát triển các kỹ năng mềm, chia sẻ với các em nhiều vấn đề trong cuộc sống là mong muốn của học trò hiện nay.

Facebook kênh giao tiếp hiệu quả giữa thầy và trò.
Facebook kênh giao tiếp hiệu quả giữa thầy và trò.

Em Trần Ngọc Anh Sơn, học sinh lớp 12C, Trường THPT Thực nghiệm bày tỏ: “Em mong thầy cô vừa là người truyền tải vừa là người tiếp thu ý tưởng của chúng em đề ra chứ không phải rập khuôn theo một công thức. Có như vậy mới tạo sự đa dạng và tạo hứng thú cho học sinh trong học tập. Ở trường Thực nghiệm, thầy cô phần lớn khá năng động, trẻ trung nên dễ bắt nhịp với chúng em.

Thay vì chỉ được học lý thuyết khô cứng trên lớp thì các thầy cô đã thay đổi phương thức dạy bằng việc tổ chức các sân chơi như: hoạt động chuyên đề, nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khoá… để chúng em được học nhiều kỹ năng, mở mang những kiến thức ngoài xã hội. Qua những hoạt động này, thầy trò hiểu nhau và tìm được điểm chung, vì thế việc tiếp thu kiến thức cũng hiệu quả hơn”.

Trong thời kỳ hội nhập, việc phát triển kỹ năng mềm của giáo viên vô cùng quan trọng, không kém việc cung cấp kiến thức. Cô giáo Nguyễn Thu Vân, giáo viên môn Địa lý, THPT Thực nghiệm cho rằng: “Phẩm chất của giáo viên nay cũng khác xưa nhiều, bởi ngoài vốn kiến thức uyên thâm thì các thầy cô còn phải lĩnh hội nhiều kiến thức xã hội, xây dựng những kỹ năng mềm để đồng hành với các con. Các cô cũng trao đổi với các con qua email, Facebook để chia sẻ những vướng mắc trong học tập cũng như trong cuộc sống”.

Về vấn đề này, thầy Trần Quang Hưng băn khoăn, đào tạo cho giáo viên những kỹ năng mềm để có thể đáp ứng được thực tiễn giáo dục vẫn đang là khoảng trống lớn. Giáo viên tốt bây giờ không chỉ dạy kiến thức mà cần được đào tạo các kỹ năng mềm để có thể thích ứng với môi trường đào tạo mới.

Lối dạy truyền thống là truyền thụ một chiều nhưng giờ cần tạo sự tương tác hai chiều, 3 chiều giữa thầy với trò, thầy với phụ huynh và xã hội... Điều đó đòi hỏi giáo viên phải tự thân vận động để đổi mới cách dạy nhằm hấp dẫn các em và đạt hiệu quả cao trong dạy học.

Còn thầy Văn Như Cương cho rằng: “Trong các trường sư phạm, khi đào tạo giáo viên chỉ nặng đào tạo về kiến thức còn dạy về kỹ năng, hay đức độ của người thầy thì không có giáo trình nào dạy cả. Thế nên mới xảy ra nhiều vụ thầy đánh trò, trò hỗn với thầy trong những năm gần đây”./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thầy Văn Như Cương dùng Facebook kết nối tình thầy trò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO