Thế giới dõi theo mật nghị ở Vatican, chờ 'khói trắng' báo hiệu tân Giáo hoàng
Các hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung kín trong Nhà nguyện Sistine vào ngày 7/5 để tiến hành mật nghị nhằm bầu ra người đứng đầu tiếp theo của 1,4 tỷ tín hữu Công giáo toàn cầu.

Khoảng 133 hồng y cử tri - dưới 80 tuổi - đã tập trung tại Vatican từ năm châu lục để chọn người kế vị Giáo hoàng Francis, người đã qua đời vào tháng trước sau 12 năm tại vị.
Với việc các chuyên gia chỉ ra những ứng cử viên hàng đầu theo khuynh hướng tự do và bảo thủ từ châu Âu, Mỹ, châu Á và châu Phi, cuộc đua để lãnh đạo tổ chức 2.000 năm tuổi này dường như rất rộng mở.
Trong thời điểm bất ổn địa chính trị, tân Giáo hoàng sẽ phải đối mặt với các hành động cân bằng ngoại giao phức tạp, cũng như những đấu đá nội bộ trong Giáo hội, hậu quả kéo dài từ vụ bê bối lạm dụng trẻ em và tình trạng số lượng tín hữu giảm sút ở phương Tây.
Các "Hoàng tử của Giáo hội" (tức các Hồng y) sẽ cử hành một thánh lễ trước mật nghị tại Vương cung thánh đường Thánh Peter lúc 10h sáng (giờ địa phương), do Niên trưởng Hồng y Đoàn, Đức Hồng y Giovanni Battista Re, chủ sự.
Đây sẽ là nghi thức cuối cùng được cử hành công khai trước khi vị giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội được giới thiệu với thế giới từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter, vài giờ hoặc có thể vài ngày sau đó.
"Nếu chúng tôi có thể chứng kiến làn khói trắng thì thật là một điều gì đó trăm năm có một", du khách Mỹ Luke Vanderburgh nói với AFP hôm 7/5.
Cả Giáo hoàng Francis và người tiền nhiệm, Giáo hoàng Benedict XVI, đều được bầu trong vòng hai ngày, nhưng cuộc bầu giáo hoàng dài nhất trong lịch sử Giáo hội kéo dài 1.006 ngày, từ năm 1268 đến 1271.
Với các giáo sĩ đến từ khoảng 70 quốc gia, mật nghị lần này là lớn nhất từ trước đến nay và vị giáo hoàng tiếp theo sẽ phải đảm bảo ít nhất 89 phiếu bầu - tức đa số 2/3.
Các hồng y đang ở tại nhà khách Santa Marta của Vatican - nơi Giáo hoàng Francis từng ở - và Santa Marta Vecchia, một tòa nhà liền kề thường dành cho các quan chức Vatican.
Vào lúc 3h45 chiều, họ sẽ khởi hành từ Santa Marta để tập trung tại Nhà nguyện Pauline của Điện Tông Tòa, nơi một buổi cầu nguyện sẽ được tổ chức từ 4h30 chiều.
Sau đó, họ tiến vào Nhà nguyện Sistine có từ thế kỷ 15 để bắt đầu mật nghị, một sự kiện "thuộc hàng bí mật và huyền bí nhất thế giới", Vatican cho biết hôm 6/5.

Tuyên thệ
Dưới trần nhà với các bức bích họa của Michelangelo, Hồng y người Italy Pietro Parolin - hồng y cử tri cao cấp nhất - sẽ cầu xin Thiên Chúa ban cho các hồng y "tinh thần thông minh, sự thật và bình an" cần thiết.
Đức Hồng y Parolin, một ứng cử viên hàng đầu từng là nhân vật số hai của Giáo hoàng Francis với tư cách Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sau đó sẽ dẫn dắt các hồng y hát kinh cầu Chúa Thánh Thần bằng tiếng Latinh.
Các hồng y đã dành nhiều ngày để thảo luận về những thách thức cấp bách nhất mà Giáo hội Công giáo phải đối mặt và những đặc điểm tính cách mà nhà lãnh đạo mới cần có.
Các vấn đề nóng bao gồm số lượng linh mục giảm sút, vai trò của nữ giới, tình hình tài chính gặp khó khăn của Vatican và cách điều chỉnh Giáo hội cho phù hợp với thế giới hiện đại.
Khoảng 80% các hồng y được bổ nhiệm bởi Giáo hoàng Francis. Tuy nhiên, trong khi các cuộc phỏng vấn trước đó cho thấy một số hồng y ủng hộ một nhà lãnh đạo có khả năng bảo vệ và phát triển di sản của Giáo hoàng Francis, những người khác lại muốn một người bảo vệ giáo lý bảo thủ hơn.
Hơn chục cái tên đang được nhắc đến, từ Đức Hồng y Pierbattista Pizzaballa của Italy đến Đức Hồng y Peter Erdo của Hungary và Đức Hồng y Malcolm Ranjith của Sri Lanka.
Chúng ta có thể không bao giờ biết cuộc đua sít sao đến mức nào. Sau khi giao nộp điện thoại di động, các hồng y trong phẩm phục đỏ sẽ tuyên thệ giữ bí mật mật nghị.
Mỗi người cũng cam kết sẽ "trung thành" phục vụ với tư cách giáo hoàng nếu được chọn, trước khi chủ sự các nghi lễ phụng vụ tuyên bố "Extra omnes" ("Tất cả ra ngoài").
Khi các cánh cửa đóng lại, các hồng y điền vào các lá phiếu có ghi "Eligo in Summum Pontificem" ("Tôi bầu chọn ... làm Giáo hoàng Tối cao").
Sau đó, họ gấp lá phiếu lại, mang đến đặt lên một đĩa bạc dùng để bỏ vào một chiếc bình đựng phiếu đặt trên bàn trước bức họa "Sự phán xét cuối cùng" của Michelangelo.
Theo truyền thống, các hồng y chỉ bỏ một lá phiếu vào buổi tối đầu tiên, sau đó đốt các lá phiếu cùng với một hóa chất sẽ tạo ra khói - khói đen nghĩa là chưa có quyết định, khói trắng báo hiệu đã có tân Giáo hoàng.
Bên ngoài, hàng trăm tín hữu dự kiến sẽ tập trung tại Quảng trường Thánh Peter, mọi ánh mắt đều đổ dồn về ống khói của Nhà nguyện Sistine, với kết quả dự kiến sẽ có vào đầu buổi tối.