Thế giới năm 2024 và cục diện giai đoạn 2025 - 2028
Năm 2024, thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở các nước phương Tây. Trọng tâm chủ yếu ở các nước Nhóm G7 như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản. Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn với PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng, Viện Khoa học chiến lược Bộ Công an, nhằm mổ xẻ về cuộc khủng hoảng lớn này và những tác động của nó đến cục diện thế giới trong thời gian tới.
Mỹ Nga (Thực hiện) • 27/01/2025
P.V: Thưa Thiếu tướng, bức tranh thế giới trong năm 2024 được ghi dấu ấn bằng sự kiện nổi bật nào, và tại sao?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mỗi năm, trên thế giới xảy ra rất nhiều sự kiện lớn về kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại, thiên tai. Một trong số đó sẽ tạo ra dấu ấn đặc trưng. Chẳng hạn, năm 2021 - 2022 là thời kỳ bùng phát của đại dịch Covid-19 gây ra thảm họa toàn cầu. Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine là sự kiện nổi bật của năm 2022. Hay như năm 2023, thế giới bất ngờ trước cuộc tấn công quy mô lớn nhất trong hơn 7 thập niên của Hamas vào Israel, kéo theo cuộc chiến tàn khốc giữa Israel với Hamas và Hezbollah. Bước sang năm 2024, các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông vẫn tiếp diễn, nhưng không đủ “sức nặng” để ghi dấu cho một năm. Khủng hoảng chính trị - xã hội trầm trọng ở Mỹ, Nhật Bản và tại các cường quốc chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) đã tạo ra dấu ấn nổi bật nhất của thế giới trong năm 2024.
P.V: Để làm rõ về vấn đề nêu trên, chúng ta hãy bắt đầu ở châu Âu. Nhìn lại diễn biến chính trường của "lục địa già" trong năm 2024, từ một biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng, trở thành nơi chứng kiến nhiều hỗn loạn. Thiếu tướng có thể làm rõ thêm những bất ổn, nguyên nhân sâu xa của nó?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ giữa thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, EU bắt đầu gặp nhiều khó khăn từ nội khối và áp lực từ bên ngoài, chủ yếu từ Mỹ. Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, EU lâm vào khủng hoảng ngày càng trầm trọng về kinh tế, chính trị, an ninh. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6/2024 đã nói lên thực tế của EU. Bầu cử EP là cuộc đua giữa các đảng tự do và trung tả với các đảng trung hữu, bảo thủ, cực đoan và cực hữu. Cuộc cạnh tranh của các lực lượng chính trị này sẽ tác động rất lớn đến chính sách của châu Âu trong 5 năm tới, nhất là các vấn đề hệ trọng liên quan đến sự tồn tại của liên minh như: an ninh - phòng thủ; nhập cư; vai trò của Ukraine; quan hệ của châu Âu với Mỹ, Nga và Trung Quốc; chống biến đổi khí hậu...
So với các cuộc bầu cử EP trước đây, năm 2024 có một điều khác biệt ở chỗ - sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cực hữu trên khắp châu Âu dẫn đến sự phân cực chính trị ở châu Âu lớn nhất kể từ năm 1979 - năm đầu tiên bầu cử EP. Sự lớn mạnh của những chủ nghĩa này đã và đang khoét sâu thêm các mâu thuẫn vốn có giữa các nước thành viên.
Kết quả bầu cử EP vào tháng 6/2024 cho thấy rõ hơn cuộc khủng hoảng chính trị xã hội ở châu Âu hiện nay. Tại Pháp, đảng Mặt trận Quốc gia theo đường lối cực hữu dưới sự lãnh đạo của Jordan Bardella đã đánh bại đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron. Sau thất bại, ông Macron buộc phải giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm.
Tại Đức, đảng Dân chủ xã hội của Thủ tướng Olaf Scholz nhận kết quả thấp nhất từ trước đến nay, với 14% số phiếu, trong khi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức giành được 16,5%. Nội các của Thủ tướng Đức cũng lâm vào khủng hoảng trầm trọng và buộc phải bầu cử sớm vào tháng 1/2025.
Bối cảnh tương tự diễn ra ở Bỉ, Ý, Hungary, Tây Ban Nha, Hà Lan, nơi các đảng dân túy cực hữu giành được thắng lợi lớn so với các đảng cầm quyền.
Ngày 26/5/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng dân chủ và phải đối mặt với kỷ lục “thù trong, giặc ngoài”, và châu Âu đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
P.V: Thưa Thiếu tướng, không chỉ ở châu Âu, mà năm qua châu Á cũng chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị như ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là những quốc gia vừa là đầu tàu kinh tế của khu vực, vừa là những nền dân chủ lớn, song đang đứng trước nhiều nguy cơ. Xin Thiếu tướng phân tích thêm về điều này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Ở Nhật Bản, ông Fumio Kishida lên nắm quyền Thủ tướng từ đầu tháng 10/2021 và đã phải từ chức vào tháng 9/2024 - một năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ 4 năm. Nguyên nhân trực tiếp là hàng chục chính trị gia đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vướng vào vụ bê bối tài chính khoảng 600 triệu Yên - tiền tài trợ chính trị không có giấy tờ, tham nhũng, hối lộ.
Cuối tháng 9/2024, ông Ishiba Shigeru được LDP bầu vào vị trí Chủ tịch và trở thành Thủ tướng thứ 103 của Nhật Bản vào ngày 1/10/2024. Thế nhưng, chỉ sau 4 tuần tại vị, tỷ lệ ủng hộ của ông Ishiba sụt giảm xuống 20%, do mắc sai lầm trong chính sách. Để cứu vãn tình thế, Thủ tướng Ishiba đã quyết định tổ chức một cuộc bầu cử bất thường vào cuối tháng 10, nhưng LDP một lần nữa hứng chịu thất bại - mất đại đa số ghế ở Hạ viện.
Vậy tại sao LDP - đảng chính trị lâu đời nhất, mạnh nhất, lại lâm vào khủng hoảng tồi tệ? Thực chất đây là cuộc khủng hoảng đã nhen nhóm từ lâu tại Nhật Bản. Trong 3 năm cầm quyền, ông Kishida đã không chú trọng nhiều đến nhu cầu của người dân, an sinh xã hội, mà dồn lực vào việc củng cố đồng minh, tăng chi tiêu quốc phòng, bao gồm cả hợp tác chặt chẽ với NATO, khuyến khích liên minh mở rộng sang châu Á… Đây được xem là chính sách sai lầm của chính quyền Kishida và đảng LDP phải nhận thất bại sau 70 năm làm chủ chính trường Nhật Bản.
Thủ tướng Ishiba hiện nay là người được ông Kishida tiến cử, nhiệt tình thúc đẩy một cấu trúc an ninh “NATO châu Á”, trong đó liên minh Mỹ-Nhật làm nòng cốt.
Có vẻ như, Thủ tướng Ishiba đang đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm. Phía trước Thủ tướng Ishiba là tương lai khó dự đoán, với nhiều thách thức. Chính trường Nhật Bản có thể còn chìm sâu vào khủng hoảng trong nhiều năm tới.
P.V: Chúng ta không thể không nhắc đến cuộc bầu cử Mỹ - một cuộc bầu cử lớn nhất với quy trình phức tạp nhất hành tinh, tốn không ít giấy mực của truyền thông, giới quan sát trong năm 2024. Thiếu tướng có thể tóm lược những điểm nhấn trong cuộc bầu cử này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ thu hút mọi sự quan tâm của dư luận thế giới, bởi Mỹ là một siêu cường. Về kinh tế, Mỹ có nền kinh tế lớn nhất thế giới, giữ vai trò chi phối các định chế kinh tế toàn cầu như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới. Về quốc phòng, an ninh, Mỹ quyết định hoạt động của NATO và các liên minh song phương khác.
Với sức mạnh toàn diện đó, Mỹ đóng vai trò chi phối đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, an ninh thế giới. Ở mức độ khác nhau, hoạt động của ông chủ Nhà Trắng tác động đến lợi ích của các nước, đặc biệt là các nước lớn.
Có 3 điểm khác biệt trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2024: Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump bị ám sát hụt 2 lần và tham gia tranh cử khi đang đối mặt với một loạt vụ án hình sự; chính trị Mỹ chia rẽ sâu sắc chưa từng có, cử tri mất lòng tin vào chính quyền; Mỹ tiến hành chiến tranh ủy nhiệm chống Nga ở Ukraine, và trực tiếp tham gia cuộc chiến của Israel chống Hamas ở Gaza, chống Hezbollah ở Liban.
Chiến thắng áp đảo của cựu Tổng thống Donald Trump được lý giải từ nhiều nguyên nhân. Trong 4 năm dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nền kinh tế Mỹ rơi vào lạm phát cao nhất trong 30 năm qua. Hậu quả là người dân phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Điều này dẫn đến chính quyền Biden - Harris đánh mất lòng tin của người dân, và cử tri quay sang lựa chọn ông Trump. Hơn nữa, trong quá trình vận động tranh cử, Phó Tổng thống Harris không đưa ra được biện pháp khả thi để giải quyết bài toán kinh tế.
Chiến thắng của ông Trump cho thấy rằng, chính quyền của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ đã tiếp tục đẩy siêu cường vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhất là chính trị - xã hội. Trong 4 năm tới (2025-2028), chính quyền Trump 2.0 liệu có thể kéo siêu cường ra khỏi cuộc đại khủng hoảng hiện nay? Nhiều khả năng, ông Trump sẽ khoét sâu thêm mâu thuẫn vốn có trong xã hội và đẩy Mỹ vào khủng hoảng sâu sắc hơn.
P.V: Vậy thưa Thiếu tướng, dưới ảnh hưởng của chính quyền Trump 2.0, cục diện thế giới giai đoạn 2025 - 2028 sẽ như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Diễn biến của thế giới đầy bất ổn, và không ai có thể khẳng định điều gì dưới thời chính quyền Trump 2.0.
Để đưa ra dự đoán, tôi cho rằng, với tính cách đặc trưng “khó lường” của ông Trump sẽ khiến thế giới càng thêm lao đao, bất an, khó đoán định, thậm chí có thể ngày càng trầm trọng.
Về kinh tế, Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ dùng “thanh bảo kiếm” thuế quan để đánh vào mọi nền kinh tế, bất kể là đồng minh, đối tác hay đối thủ. Thế nhưng, đòn thuế quan của Tổng thống đắc cử Trump sẽ không làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thậm chí người dân Mỹ sẽ phải gồng mình đối phó với khó khăn hơn, và nền kinh tế thế giới thêm phân mảnh, suy thoái.
Liên quan đến cuộc xung đột Ukraine, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ kết thúc nó. Nguyên tắc của ông Trump là đạt được hòa bình dựa trên sức mạnh. Có thể hình dung phương trình giải bài toán Nga - Ukraine thông qua “Kế hoạch hòa bình” của đội ngũ ông Trump đề xuất như sau: Yêu cầu Tổng thống Ukraine đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt chiến sự. Nếu ông Zelensky không chấp nhận, thì ông Trump sẽ cắt viện trợ quân sự. Và nếu Tổng thống Putin không thực hiện theo yêu cầu, thì ông Donald Trump sẽ tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự cho Kiev, đồng thời yêu cầu châu Âu cùng đánh bại Nga.
Nhiều khả năng Tổng thống Zelensky sẽ làm theo yêu cầu của ông Trump, song nhà lãnh đạo Nga thì không. Như vậy, có thể Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đẩy xung đột Nga - Ukraine rơi vào tàn khốc hơn, thậm chí không loại trừ khả năng xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO với Nga.
Các học giả Pháp đã dự báo về những rủi ro, bất trắc đối với thế giới trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump như sau: “Rủi ro lớn nhất của thời đại chúng ta là sự trở lại của một nước Mỹ vị kỷ và tự phụ, dưới sự lãnh đạo của một người không hề quan tâm đến sự đa dạng của thế giới. Thay vì đạt được một trật tự toàn cầu mới thông qua các thỏa thuận và sự đồng thuận, thế giới có thể sẽ phải trải qua những căng thẳng và đối đầu khốc liệt trước khi một trật tự mới được hình thành”.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!