Thế giới tuần qua: Chỗ đứng nào trên bản đồ chính trị thế giới?
(Baonghean) - Bên cạnh vị trí địa lý, có một thứ vị trí vô hình nhưng cực kỳ quan trọng để định vị một quốc gia trên bản đồ thế giới. Lựa chọn đồng minh, tập hợp thành các tổ chức, hội, nhóm - đó là cách mà các quốc gia thể hiện chủ trương, định hướng và mục tiêu của mình. Nếu như vị trí địa lý gần như không dịch chuyển (hoặc nếu có thì cũng chỉ là sự xê dịch về biên giới, danh nghĩa), vị trí chính trị hoàn toàn có thể đổi cực chóng vánh. Tả, hữu hay trung lập, đó là câu hỏi luôn đặt ra cho mỗi quốc gia trước sự vận động không ngừng của các luồng quyền lực trên thế giới.
Nhật Bản trước ngã rẽ mang tên IS tại Trung Đông
Sự kiện IS hành quyết 2 con tin người Nhật bản đã trực tiếp tác động đến cục diện bàn cờ chính trị quốc tế, mà tâm điểm là khu vực Trung Đông. Giao chiến tại Trung Đông chưa bao giờ là mối quan tâm hàng đầu của Nhật Bản, hay các quốc gia châu Á nói chung. Nhưng đó chỉ còn là dĩ vãng, đất nước mặt trời mọc đang đứng trước hai sự lựa chọn: tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố hay tiếp tục giữ khoảng cách.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 2/2. |
Trước tiên, nói về tác động của sự kiện này lên tình hình chính trị trong nước của Nhật Bản, công luận sẽ có sự phân cực mạnh mẽ. Phái ủng hộ ông Shinzo Abe - đồng tình với việc cải cách Hiến pháp hoà bình nhằm cho phép Nhật Bản can thiệp vào các vấn đề ngoài nước. Trong khi đó, phái đối lập cho rằng việc “đóng góp tích cực hơn vào tiến trình hoà bình” sẽ đem lại những tác động tiêu cực đối với an ninh quốc gia. Trên phông nền cuộc tranh luận này, nổi lên sự ngờ vực và quan ngại về những quyết định trong thời gian gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe. Cụ thể, đó là thông báo ngày 17/1 về khoản viện trợ nhân đạo 200 triệu đô la cho “các quốc gia chiến đấu chống lại IS”.
Tờ nhật báo Nihon Keizai cho rằng đó là một “chủ trương chính trị với tầm nhìn ngắn hạn”, và đặt câu hỏi liệu quyết định trên có thực sự khôn ngoan, khi mà đàm phán nhằm giải cứu các con tin vẫn đang dở dang, kể từ tháng 11 cho đến nay. Chỉ 3 ngày sau tuyên bố viện trợ, IS đe doạ hành quyết các con tin và đã thực sự làm như vậy. Giữ khoảng cách với chảo lửa Trung Đông một cách thận trọng là thế, nhưng sự thật là Nhật Bản có mối ràng buộc mật thiết với khu vực này. Đóng cửa các nhà máy hạt nhân sau thảm hoả Fukushima năm 2011, Nhật Bản trở nên cực kỳ phụ thuộc vào nhiên liệu đốt cháy từ Trung Đông.
Đây không phải là lần đầu tiên chủ trương chính trị của Shinzo Abe bị hoài nghi. Kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2012, ông đã đưa ra những chính sách và nước cờ ngoại giao chưa từng có tiền lệ và tăng ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng. Sự kiện hai con tin người Nhật bị sát hại càng củng cố nỗi sợ của người Nhật Bản về những nguy cơ mà tham vọng sức mạnh của Shinzo Abe mang lại, đồng thời cũng nhắc họ nhớ rằng Nhật Bản chưa đủ khả năng để biến tham vọng to lớn đó thành sự thật. Về mặt ngoại giao, Nhật Bản bị hạn chế bởi sức nặng của Mỹ - quốc gia từ chối mọi hình thức đàm phán thoả hiệp với các phần tử khủng bố. Ngoài ra, Nhật cũng thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống khủng hoảng khẩn cấp. Đặc biệt, trong sự kiện lần này, càng phức tạp hơn khi liên quan đến bên thứ 3 là Jordan.
Đó là đối với tình hình chính trị trong nước, về chủ trương chính trị ngoài nước, Nhật sẽ phải lựa chọn cụ thể vị trí của mình trong cuộc chiến chung này. Từ sau những cuộc khủng hoảng dầu khí trong thập niên 70, Nhật Bản duy trì chính sách ngoại giao trung lập cực kỳ khôn khéo tại khu vực này - nơi mà nước Nhật chưa từng có thuộc địa - nhằm giữ mối quan hệ hoà hảo và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định. Nhật thậm chí còn giữ quan hệ với Iran sau cuộc cách mạng năm 1979 bất chấp sức ép từ Mỹ. Tuy nhiên, khi Nhật Bản ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq và gửi đến các lực lượng “tự vệ quân” tham gia vào tiến trình gìn giữ hoà bình, chính sách ngoại giao thận trọng này bắt đầu xuất hiện những vết rạn. Hai nhà ngoại giao Nhật bị hành quyết vào năm 2003, một con tin Nhật Bản bị hành quyết và hai con tin bị bắt rồi được giải thoát (không rõ lý do) năm 2004, những con số này không phải là nhiều so với số lượng các vụ bắt cóc nhắm vào con tin phương Tây nhưng cũng là lời cảnh cáo của các tổ chức khủng bố Trung Đông gửi đến quốc gia ở châu Á xa xôi.
Đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản đã chính thức được các nhóm khủng bố xếp vào “phe cánh” của phương Tây chống lại IS: phương Tây ở tiền tuyến trực chiến, còn Nhật Bản đảm nhận vai trò hậu cần viện trợ nhân đạo và kinh tế. Tokyo phủ nhận cáo buộc này, khẳng định mục đích của Nhật Bản chỉ đơn thuần là để góp phần ổn định tình hình của các quốc gia như Ai Cập hay Jordan. Nhưng có lẽ, người Nhật cũng hiểu rằng mọi lời giải thích là vô ích và họ đã không còn có thể ngồi ở hàng ghế khán giả của cuộc chiến được nữa. Cắt đứt mọi liên hệ với Trung Đông hay gia nhập vào cuộc chiến lớn, Nhật Bản sẽ chọn bảo toàn bản thân hay chấp nhận rủi ro, theo đuổi tham vọng quyền lực quân sự?
Trao vũ khí cho Kiev: Mỹ có sẵn sàng khởi động cuộc chiến tranh lạnh chính thức?
Thứ Sáu ngày 6/2, cố vấn Susan Rice của Tổng thống Barack Obama đệ trình bản báo cáo chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, trong đó phần nói về cuộc khủng hoảng Ukraina được chú ý một cách đặc biệt. Một bản báo cáo công bố ngày 2/2 trước đó với đề xuất gửi vũ khí “hạng nặng” cho Kiev đã khơi dậy cuộc tranh luận kịch liệt về chủ đích của Washington đối với Mátxcơva.
Quân nhân Ukraina tại Donetsk ngày 3/2. |
Thứ Ba, ngày 3/2, phát ngôn viên của Nhà Trắng đã phủ nhận giả thiết này - tương tự với quan điểm của Đức và Pháp: “Viện trợ quân sự sẽ tưới thêm máu vào chiến trường này, và đó chính xác là điều mà chúng ta đang làm mọi giá để tránh”. Đồng thời, Josh Earnest cũng nói thêm rằng, viện trợ cho Quân đội Ukraina để họ có thể “đẩy lùi các cánh quân Nga” là điều “phi hiện thực”. Tuy nhiên, một ngày sau đó, Ashton Carter - ứng viên do Tổng thống lựa chọn để thay thể Chuck Hagel ở vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lại tuyên bố trước Hạ viện rằng ông này rất “đồng tình với đề xuất nói trên” và được Chủ tịch phe Cộng hoà của Ủy ban Hạ viện đảm trách các lực lượng vũ trang John McCain ủng hộ. Trong chuyến thăm Kiev hôm thứ Năm ngày 5/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ khẳng định rằng Tổng thống Obama sẽ “nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng”.
Đề xuất trao vũ khí huỷ diệt hạng nặng cho Kiev được phe Cộng hoà và một vài Đảng viên Dân chủ ở Nghị viện ủng hộ và đã gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu chính trị phi chính phủ. Chủ tịch của Hiệp hội Brookings Institution Strobe Talbott đã ký tên vào bản báo cáo ngày 2/2 và bị Jeremy Shapiro - một trong số các nhà nghiên cứu của hiệp hội phản đối kịch liệt. Cựu quan chức của bộ máy Obama này phân tích mối quan ngại của Washington về hiệu quả của các chiến thuật sử dụng từ trước đến nay, trong đó biện pháp cấm vận là vũ khí ưu tiên hàng đầu, nhằm gây áp lực và ép Nga chấp nhận để cho Kiev tự do lựa chọn đồng minh. Biện pháp này có vẻ không đạt hiệu quả như Mỹ và phương Tây mong đợi và đó là lý do khiến Washington bắt đầu mất kiên nhẫn.
Vấn đề là ở chỗ, Mỹ cũng không thể từ bỏ hoàn toàn đàm thoại với Nga, bởi quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân Iran, sau đó là vấn đề Syria và Afghanistan. Ngày 29/7/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ như muốn giới hạn mâu thuẫn giữa hai bên trong biên giới Ukraina khi tuyên bố rằng “Sẽ không có cuộc chiến tranh lạnh mới nào”. Tuy nhiên, 6 tháng sau đó, phe ly khai vẫn tiếp tục giao chiến với sự hậu thuẫn của Nga và mối quan hệ Nga - Mỹ đang đứng bên bờ vực sụp đổ nếu Mỹ quyết định giao vũ khí hạng nặng cho Kiev. Đây có thể là thách thức đặt ra cho mối quan hệ vừa mới nối lại được 6 năm, đồng thời cũng là câu hỏi đang chia rẽ các quốc gia châu Âu.
Như vậy là chủ trương “hâm nóng” mối quan hệ nguội lạnh giữa Nga và Mỹ do Hillary Clinton khởi xướng đã thất bại hoàn toàn sau một chuỗi các cuộc khủng hoảng: Libya, Syria và bây giờ là Ukraina. Nhưng có lẽ, chưa bao giờ cả hai bên thể hiện rõ ràng và công khai thái độ đối đầu như hiện nay. Điểm khác biệt với cục diện thế giới trong cuộc chiến tranh lạnh của thế kỷ trước là sự hiện diện của một “cực” mới - mà bản chất của nó lại là một sự hỗn độn, vô cực - thế lực khủng bố sẵn sàng đối đầu với mọi quyền lực. Có khi đó lại là một tia hy vọng cuối cùng để “hà hơi thổi ngạt” cho mối quan hệ Nga - Mỹ đang “hấp hối”: một kẻ thù chung, một lợi ích chung - đôi khi bấy nhiêu đó là đủ để xoá nhoà những bất đồng quan điểm, dù chỉ là tạm thời.
Thục Anh
Theo Le monde