Thế giới tuần qua: Hoang mang vì đại dịch

10/08/2014 10:30

Đại dịch Ebola đang lây lan vượt qua tầm kiểm soát, Nga ký sắc lệnh "Về áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt riêng rẽ nhằm bảo đảm an ninh Liên bang Nga", Lãnh đạo Khmer Đỏ bị kết án chung thân, Không quân Mỹ bắt đầu không kích miền Bắc Iraq... là những tin tức được bạn đọc quan tâm trong tuần qua.

1. Theo số liệu thống kế mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ khi dịch bùng phát đầu năm 2014 đã có hơn 1.700 ca nhiễm virus Ebola, trong đó 932 ca tử vong được ghi nhận tại các nước Tây Phi: Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tình hình bệnh dịch diễn biến hết sức phức tạp và khó kiểm soát đang gây ra bầu không khí hoang mang trên khắp thế giới. Số ca nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên tại khu vực này do các điều kiện yếu kém về chăm sóc y tế ở các quốc gia này. Đây là đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm qua.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola, WHO ngày 8-8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh nguy hiểm này và cảnh báo nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng lan rộng trong những tháng tới. Cơ quan y tế thế giới này khẳng định sự lây lan nhanh chóng của virus Ebola là “bất thường” và đe dọa tới sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.

Nhân viên y tế mang đồ ăn cho bệnh nhân Ebola ở khu vực bị cách ly. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế mang đồ ăn cho bệnh nhân Ebola ở khu vực bị cách ly. Ảnh: Reuters.

Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho rằng, các quốc gia đang bị dịch bệnh do virus Ebola hoành hành là do không đủ khả năng đối phó với tình trạng bùng phát của bệnh dịch với quy mô lớn và phức tạp như hiện nay, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự lây lan của loại virus nguy hiểm này.

Trước đó, Liberia đã đóng cửa nhiều trung tâm y tế, bệnh viện do các nhân viên y tế lo ngại bị nhiễm bệnh. Hàng trăm binh sĩ đã được triển khai nhằm đảm bảo công tác khoanh vùng dịch tại một số khu vực bùng phát mạnh virus Ebola. Lực lượng an ninh đã lập các chốt kiểm soát, phong tỏa một số tuyến đường và cách ly các cộng đồng dân cư có dịch.

Nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn sự lây lan. Saudi Arabia cũng đình chỉ cấp thị thực cho những đơn xin đến từ các nước Tây Phi. Nhiều hãng hàng không lớn đã đình chỉ tuyến bay đến các quốc gia có này. Các nước trên thế giới cũng khuyến cáo công dân của mình không nên đến các quốc gia có dịch.

Virus Ebola lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1976, được đặt tên theo một con sông nhỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo, gây sốt xuất huyết ở bệnh nhân với tỷ lệ tử vong cao. Cho đến nay, y học vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng ngừa.

2. Ngày 7-8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chính thức thông báo áp lệnh "cấm toàn diện" đối với thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phô mai, sữa và các sản phẩm từ sữa, rau quả nhập khẩu từ các nước Mỹ, Liên minh châu Âu, Australia, Canada và Na Uy trong thời hạn một năm và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Thủ tướng Nga cũng cảnh báo rằng Nga có thể sẽ chặn các chuyến bay giữa châu Âu và châu Á.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh "Về áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt riêng rẽ nhằm bảo đảm an ninh Liên bang Nga". Theo đó, trong thời gian một năm kể từ ngày sắc lệnh trên có hiệu lực, phải cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực thực phẩm từ Mỹ và châu Âu. Đây là phản ứng mạnh mẽ của Nga nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Phương Tây đối với Moskva trước đó.

Các quốc gia đều tỏ ra lo ngại lệnh cấm sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của mình. Ảnh: EPA
Các quốc gia đều tỏ ra lo ngại lệnh cấm sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của mình. Ảnh: EPA
Nhiều nước phương Tây đã phải thừa nhận quyết định của Nga chắc chắn gây thiệt hại đối với các quốc gia có quan hệ xuất nhập khẩu thực phẩm với quốc gia này.

Hội đồng Nông nghiệp và Lương thực Đan Mạch đã thể hiện lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng đối với ngành công nghiệp thực phẩm Đan Mạch từ việc Nga cấm và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực thực phẩm. Điều này có thể khiến thu nhập từ xuất khẩu nông sản của Đan Mạch bị giảm.

Trong khi đó, Hy Lạp không chỉ lo ngại hoạt động xuất khẩu rau quả sang Nga bị ảnh hưởng, mà cả nguy cơ thiếu phụ tùng cho các hệ thống vũ khí của Nga mà quân đội Hy Lạp đang sử dụng, cũng như việc cung cấp dầu mỏ.

Australia cũng bày tỏ sự thất vọng về lệnh trừng phạt thương mại của Nga đối với nước này.

Hà Lan quan ngại rằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nga sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế của nước này, bởi Hà Lan là nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp lớn thứ hai thế giới và Nga là một đối tác rất quan trọng của Amsterdam.

Giới phân tích cho rằng việc Nga cấm nhập khẩu hoàn toàn các mặt hàng trên có thể gây thiệt hại khoảng 16 tỷ USD đối với EU, đồng thời đẩy khu vực này càng lún sâu vào khủng hoảng.

3. Các nhóm vũ trang đối địch tại Libya vẫn tiếp tục giao tranh dữ dội khiến cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng, số người thương vong tiếp tục tăng cao. Các cuộc tấn công bằng đạn pháo và rocket ở khu vực phía Nam và phía Tây thủ đô Tripoli, khiến người dân địa phương phải sống trong tình trạng lo sợ.

Trước đó, Quốc hội Libya đã nhóm họp và chọn được Chủ tịch Quốc hội mới, nhằm nỗ lực giải quyết những bế tắc chính trị, cũng như những bất ổn an ninh đang ngày càng mất kiểm soát tại nước này. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng ở quốc gia này cũng không có dấu hiệu lắng dịu.

Những lao động Việt Nam đầu tiên sơ tán khỏi Libya. Ảnh: Vietnam+
Những lao động Việt Nam đầu tiên sơ tán khỏi Libya. Ảnh: Vietnam+

Cộng đồng quốc tế hy vọng Quốc hội mới của Libya có thể thuyết phục các bên tham chiến về lệnh ngừng bắn và đàm phán nhằm chấm dứt những bế tắc chính trị và lên tiến ủng hộ Libya trong việc giải quyết những khó khăn này.

Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đã và đang tổ chức đưa công dân của mình đang sinh sống và làm việc tại Libya về nước do lo ngại an ninh.

4. Sáng 8-8, chiến sự lại tiếp tục nổ ra tại Dải Gaza khi thỏa thuận ngừng bắn 72 giờ vẫn chưa hết hiệu lực. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra lệnh nối lại các cuộc không kích để đáp trả lại các vụ phóng rocket của Hamas vào quốc gia này. Israel đã cáo buộc Hamas bắn nhiều quả rocket vào Israel trước và sau lệnh ngừng bắn 72 giờ hết hiệu lực.

Trước đó, ngày 7-8, các cuộc thương lượng tại Cairo (Ai Cập) giữa các phe phái Palestine và phái đoàn Israel nhằm tìm ra một thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza đã hoàn toàn thất bại.

Hamas và các cánh vũ trang thuộc phong trào này kiên quyết bác bỏ yêu cầu giải giáp mà Israel đưa ra. Trong khi đó, phía Israel tuyên bố sẵn sàng kéo dài lệnh ngừng bắn, nhưng từ chối đáp ứng các yêu cầu của Hamas, trong đó có việc trả tự do cho 125 tù nhân Palestine đang bị Israel giam giữ, và mở một cảng biển ở Dải Gaza.

Tên lửa được phóng ra từ hệ thống phòng thủ Vòm Sắt để đánh chặn rocket phóng từ Dải Gaza vào Israel. Ảnh: Getty Images.
Tên lửa được phóng ra từ hệ thống phòng thủ Vòm Sắt để đánh chặn rocket phóng từ Dải Gaza vào Israel. Ảnh: Getty Images.

Hamas cũng cảnh báo sẽ nối lại các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Israel, đồng thời sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến lâu dài chống chính quyền Tel Aviv, nếu các điều kiện của họ không được chấp thuận.

Trước những căng thẳng chưa có dấu hiệu lắng dịu tại Dải Gaza, ông James Rawley, điều phối viên công tác nhân đạo của Liên hợp quốc tại Palestin, đã kêu gọi Israel và Hamas kéo dài lệnh ngừng bắn để tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại đây.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, đúng một tháng sau khi bùng phát chiến sự tại Dải Gaza, đã có ít nhất 67 người Israel và 1.886 người Palestin bị thiệt mạng. Trong số này, có gần 75% là dân thường, trong đó hơn 420 là trẻ em vô tội Palestine.

Người dân Gaza bày tỏ mong muốn lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài mãi để họ có thể sống trong hòa bình, tự do và an ninh, bởi từ rất lâu rồi, mảnh đất này đã phải hứng chịu quá nhiều đau thương do chiến tranh.

5. Ngày 7-8, Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ với sự hỗ trợ của LHQ đã tuyên án chung thân đối với hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan (83 tuổi) và Nuon Chea (88) vì đã phạm tội ác chống lại loài người, diệt chủng... đàn áp chính trị cùng những hành vi vô nhân đạo khác.

Hai cựu thủ lĩnh Khmer đỏ có quyền được kháng án, nhưng chủ tọa phiên tòa cho biết, vì mức độ nghiêm trọng của tội ác mà hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ này đã phạm phải, nên cả hai vẫn phải bị giam giữ cho đến khi có phán quyết cuối cùng.

Bị cáo Khieu Samphan (trái) và Nuon Chea.
Bị cáo Khieu Samphan (trái) và Nuon Chea.
Phán quyết này của Tòa án Quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ đã đem tới công lý cho các nạn nhân của Khmer Đỏ sau ba thập kỷ kể từ khi chế độ diệt chủng này sụp đổ.

Phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ bắt đầu hoạt động vào năm 2006 và kéo dài đến năm 2011 mới buộc được tội Duch - Giám đốc nhà tù S21, với án chung thân. Từ năm 2011 đến nay, tòa tiếp tục xét xử 4 thủ lĩnh Khmer Đỏ gồm: Iêng Sary, Ieng Thirith, Khieu Samphon và Nuon Chea. Tuy nhiên, do Ieng Sary đã chết năm 2013 và vợ ông ta là Ieng Thirith, được miễn hầu tòa vì chứng bệnh mất trí.

Trong vòng 4 năm (1975-1979), dưới sự điều hành của Pol Pot, Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ đã tàn sát khoảng 1,7 triệu người, trong đó có nhiều trí thức, những người thuộc dân tộc thiểu số và các quan chức của chế độ cũ, cùng gia đình họ.

6. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 6-8 thông báo, nhóm chuyên gia quốc tế đã hoãn công tác tìm kiếm tại hiện trường rơi máy bay MH17 ở khu vực chiến sự miền Đông Ukraine do tình hình an ninh đang ngày càng bất ổn tại đây.

Các chuyên gia Australia tiếp cận một mảnh vỡ của máy bay MH17 hôm 1-8. Ảnh: AP
Các chuyên gia Australia tiếp cận một mảnh vỡ của máy bay MH17 hôm 1-8. Ảnh: AP
Phát biểu trong một cuộc họp báo ở La Haye, nhà lãnh đạo Hà Lan nhấn mạnh việc tiếp tục tìm kiếm thi thể các nạn nhân và các phần của máy bay MH17 trong bối cảnh như hiện nay là hoàn toàn không có ý nghĩa. Các nhân viên cảnh sát và chuyên gia thực thi nhiệm vụ và sẽ không được đảm bảo an toàn khi căng thẳng không ngừng leo thang với các cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng đòi liên bang hóa trong khu vực máy bay rơi.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans tuyên bố “an toàn là ưu tiên hàng đầu”, theo đó nhiệm vụ tìm kiếm tạm thời bị hoãn vào thời điểm hiện tại và các chuyên gia Hà Lan sẽ nối lại công việc ngay sau khi điều kiện cho phép.

7. Không quân Mỹ bắt đầu tiến hành các vụ không kích nhằm vào căn cứ của phong trào Hồi giáo cực đoan "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" - ISIL từ rạng sáng 9-8. Theo lời phát ngôn viên Lầu Năm góc, Chuẩn đô đốc John Kirby, các đơn vị máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện 2 vụ tấn công và ném 8 quả bom vào các vị trí trọng yếu của ISIL.

Trước đó, một loạt vụ cuộc tấn công khủng bố diễn ra ngày 6-8 ở thủ đô Baghdad của Iraq khiến 51 người thiệt mạng. Sự việc xảy ra ít ngày sau khi chính quyền Iraq thực hiện các cuộc không kích tiêu diệt khoảng 60 chiến binh nhóm “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant” tại Mosul.

Hiện trường vụ đáng bom xe. Ảnh: AP
Hiện trường vụ đáng bom xe. Ảnh: AP
Đến thời điểm hiện tại, chưa tổ chức khủng bố nào đứng ra chịu trách nhiệm về các vụ đánh bom khủng bố trên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các sự vụ trên liên quan tới các cuộc không kích của chính quyền Iraq tại Mosul.

Theo QĐND

Mới nhất
x
Thế giới tuần qua: Hoang mang vì đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO