Thế giới tuần qua: Thế giới đa cực

16/11/2014 07:53

(Baonghean) - Lợi ích riêng là nền tảng nguyên thủy nhất của mọi mối quan hệ. Đó chính là lý do vì sao quan hệ giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia khác không phải là một hằng số. Nó biến thiên theo nhu cầu về lợi ích và nhu cầu này lại phụ thuộc vào thời gian, không gian, bối cảnh kinh tế - lịch sử - xã hội. Lịch sử đã chứng kiến sự tan rã của những khối liên minh lớn mạnh hàng đầu thế giới cũng như sự hàn gắn không tưởng của những kẻ đối đầu từng bước qua cuộc chiến tranh lạnh trường kỳ. Hút lại gần nhau để rồi đẩy ra xa, chúng ta đang sống trong một thế giới nam châm đa cực...

Trung Quốc "chỉnh đốn" lại danh sách bạn bè

Thứ Tư, ngày 12/11, Trung Quốc và Mỹ đã đi đến một thỏa thuận mang tính lịch sử về cắt giảm khí nhà kính, giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Đây không chỉ là bước tiến mới của Trung Quốc trong việc đóng góp trách nhiệm vào việc xây dựng và giữ gìn sự sống trên toàn hành tinh mà còn là bước ngoặt trong mối quan hệ Trung - Mỹ vốn không mấy nồng ấm.

Hình ảnh lịch sự này của ông Putin không được lòng nhà cầm quyền và truyền thông Trung Quốc. Ảnh: AP
Hình ảnh lịch sự này của ông Putin không được lòng nhà cầm quyền và truyền thông Trung Quốc. Ảnh: AP

Có lẽ Tập Cận Bình ước chừng đã đến lúc phải thay đổi chiến thuật khi mà liên minh cùng Nga trong các vấn đề như Syria dường như không đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Hay ít ra là cho những mối quan tâm trước mắt. Có phải vì thế mà trong cuộc gặp mặt nhân Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Bắc Kinh vừa qua, Trung Quốc phần nào tỏ rõ thái độ "phân biệt đối xử" với Barack Obama và Vladimir Putin? Một mặt, Chủ tịch Tập đón tiếp và chiêu đãi chủ nhân nhà Trắng tại tổng hành dinh của Đảng Cộng sản Trung Quốc - một ngoại lệ hiếm hoi đối với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Mặt khác, cử chỉ quàng khăn lên vai phu nhân Chủ tịch Tập Cận Bình của Tổng thống Putin đã bị truyền thông Trung Quốc làm rùm beng đến mức phải cắt bỏ khỏi các cảnh quay chiếu trên truyền hình.

Đơn thuần là một sự né tránh tế nhị bởi phu nhân Chủ tịch Tập bà Bành Lệ Viện từng là minh tinh màn ảnh nổi tiếng với nhan sắc mặn mà còn người đàn ông thép của Điện Kremlin luôn xếp hạng cao trong danh sách những người đàn ông hấp dẫn nhất đối với phụ nữ Trung Quốc? Hay thái độ phản ứng có phần thái quá này là biểu hiện của mối quan hệ có phần lạnh nhạt đi giữa hai ông lớn từng là đồng minh lâu năm? Bàn về phương diện lợi ích, không thể phủ nhận sự ủng hộ của Mỹ sẽ có giá trị và ảnh hưởng rộng lớn hơn của Nga vào thời điểm này, khi mà Nga đang trở thành tấm bia mà cả phương Tây và Mỹ nhắm tới. Vậy thì Tập Cận Bình - một nhà chính trị khôn ngoan chọn Mỹ thay vì Nga là điều dễ hiểu, nhất là với tình hình nội địa Trung Quốc có phần bất ổn như hiện nay và cuộc tranh chấp biển, đảo với các quốc gia láng giềng vẫn chưa ngã ngũ.

Cũng trong Hội nghị thượng đỉnh APEC khai mạc ngày 10/11, Chủ tịch Tập đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Mục đích ban đầu là "làm hòa", đi đến thỏa thuận chung trong vấn đề tranh chấp quyền sở hữu quần đảo Điếu Ngư đã thất bại hoàn toàn. Rất mâu thuẫn, thỏa thuận mà Nhật và Trung Quốc đi đến thống nhất là... họ không đồng tình với ý kiến của nhau. Có nghĩa là hai bên vẫn sẽ giữ nguyên vị trí của mình trong cuộc tranh chấp và điều cuối cùng họ có thể làm là cố gắng không để bất đồng quan điểm chuyển biến thành tranh chấp bằng vũ lực. Cái bắt tay gượng gạo giữa hai nhà lãnh đạo có lẽ không phải là con tem bảo hành lâu dài cho mối quan hệ này...

Mâu thuẫn giữa hai "ông lớn" của thế giới hồi giáo

Ngày 10/11, IS công bố tiếp nhận lời tuyên thệ bổn phận của nhóm djihad Ai Cập do Ansar Bait al-Maqdis cầm đầu. Cùng với lời tuyên thệ của nhóm djihad từ Libya ngày 3/11, IS đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc mở rộng lãnh thổ và sức ảnh hưởng của mình ra khỏi lãnh địa tại Syria và Iraq của mình. Điều này khiến cho sự đối đầu giữa IS và Al Qaeda trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Al Qaeda do Bin Laden sáng lập, hiện do Ayman Al-Zawahiri làm "Tư lệnh tướng quân" và chia thành 5 nhánh chính thức phân bố theo vùng địa lý: Al Qaeda của bán đảo Ả Rập đóng tại Yemen, Al Qaeda của Maghreb hồi giáo đóng tại Algeria và Sahel, nhóm Chabab tại Somalia, Mặt trận Al Nosra tại Syria và Al Qaeda của tiểu châu lục ấn độ đóng tại Pakistan (mở rộng ra Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar). Đặc thù của Al Qaeda là một mạng lưới mà mỗi mắt lưới có tính độc lập nhất định. Chất keo gắn kết các mắt lưới này là lý tưởng tôn giáo của Bin Laden - đồng thời cũng là tư tưởng có nền tảng vững chắc nhất trong giới hồi giáo hiện nay.

IS do Abou Bakr Al-Baghdadi sáng lập vào ngày 29 tháng 6 năm 2014, đến nay đã thu hút được 15.000 chiến binh hồi giáo nước ngoài đến Syria đầu quân cho IS không chỉ vì lý do tôn giáo mà còn vì những chiến tích quân sự và nguồn thu nhập dồi dào của tổ chức này. Sức ảnh hưởng của IS lan đến cả châu Á khi mà nhóm Hồi giáo Philippines Abu Sayyaf và nhóm Moudjahidin của Indonesia cũng tuyên bố ủng hộ IS. Nhà lãnh đạo tinh thần bị giam giữ của tổ chức Jemaah Islamiyah của Indonesia cũng lên tiếng ủng hộ IS và khiến cho nội bộ tổ chức này bị chia rẽ. Thậm chí, tại Afghanistan và Pakistan - cái nôi của Al Qaeda, các phong trào hồi giáo đã kêu gọi giương cao cờ của IS. Nhóm djihad Ai Cập đóng quân tại Sinai vừa mới tuyên thệ bổn phận với IS gần đây vốn dĩ là một nhánh phụ của Al Qaeda và được đánh giá là một trong những phong trào nguy hiểm nhất Ai Cập. Đây là gáo nước lạnh dội vào mặt Al Qaeda bởi sau Iraq, tổ chức "lão làng" này đang có nguy cơ đánh mất căn cứ Ai Cập. Trớ trêu ở chỗ Ai Cập lại chính là quê hương của lãnh đạo Ayman Al-Zawahiri.

Cũng ngày 10/11, IS đã đăng tải các thông điệp phát thanh thông báo lời tuyên thệ bổn phận của các nhóm hồi giáo đến từ Algeria, Libya, Ai Cập, Ả Rập Xê út và Yemen. Trong đó, mới chỉ có thông điệp của Ai Cập, Algeria và Libya là được kiểm chứng, còn của Ả Rập Xê Út và Yemen đang bị nghi ngờ do IS giả mạo. Mặc dù có thể nói đây là bàn thua đau với Al Qaeda nhưng nhờ lịch sử lâu năm hơn và nền tảng vững chắc dựa trên tư tưởng tôn giáo của nhà sáng lập, Al Qaeda vẫn đang có một vị trí không thể lay chuyển trong giới hồi giáo. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa một nhánh quân chính nào của Al Qaeda tuyên thệ với IS. Thậm chí, khi "califat" của IS được thành lập, các thủ lĩnh lớn của giới chiến binh thánh chiến còn lặp lại lời tuyên thệ của họ với Zawahiri. Al Qaeda cũng được sự ủng hộ của các đồng minh Taliban Afghanistan và Pakistan và các nhánh nhỏ không chính thức rải rác ở Trung Đông.

Trước tình hình căng thẳng của mối quan hệ giữa hai tổ chức lớn nhất giới hồi giáo, nhiều người đã kêu gọi Al Qaeda và IS hòa giải, thậm chí là hợp nhất làm một để tận dụng sự tín nhiệm mà Al Qaeda đã gây dựng được trong hai thập kỷ qua, phát huy các thành công về quân sự của IS. Tuy nhiên các thủ lĩnh của Al Qaeda không hề đánh giá cao lựa chọn ban đầu của Baghdadi. Trên thực tế, ông này đã từ bỏ lời tuyên thệ với Al Qaeda và tách khỏi tổ chức này hồi tháng 2 năm ngoái trước khi thành lập tổ chức của riêng mình. Hành động tự xưng là "calife" cũng bị chỉ trích bởi chính Bin Laden còn chưa dám bước chân qua ranh giới "thần thánh hóa bản thân" này. Tất nhiên nếu mối quan hệ căng thẳng giữa hai thế lực hàng đầu giới hồi giáo duy trì và ngày càng sâu sắc, người được lợi duy nhất sẽ là phương Tây. Còn Trung Đông, dù IS và Al Qaeda là bạn hay thù, mảnh đất này cũng chỉ có thể là chiến trường đẫm máu.

G20: Hội nghị của Nga và "những người bạn"

Tổng thống Nga Vladimir Putin không đến dự G20 tổ chức tại Australia ngày 15 và 16/11 một mình. Hộ tống chủ nhân Điện Kremlin là 4 tàu chiến của hải quân Nga. Hồi 2010, Tổng thống tiền nhiệm Dmitri Medvedev cũng từng được hải quân hộ tống khi đến California. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại hoàn toàn khác.

Hội nghị G20 diễn ra ngày 15/11. Ảnh: AFP
Hội nghị G20 diễn ra vào ngày 15/11. Ảnh: AFP

Hội nghị G20 dự kiến sẽ diễn ra trên nền các mâu thuẫn cực kỳ căng thẳng giữa Nga với châu Âu và với Australia. Quan hệ giữa Mátxcơva và Canberra đã xấu đi nhiều kể từ tai nạn của máy bay MH17 trong không phận Ukraina hồi tháng 7 vừa qua. Tai nạn được phương Tây quy kết do phiến quân thân Nga gây ra này đã khiến 298 người thiệt mạng, trong đó có 38 công dân Australia. Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố: "Sẽ có nhiều cuộc tranh luận căng thẳng với Nga nhưng cuộc tranh luận giữa tôi với ông Putin sẽ là cuộc tranh luận kịch liệt nhất". Nguyên văn bằng tiếng Anh lời tuyên bố của ông Abbott: "I'm going to shirtfront Mr Putin" (Tôi sẽ "shirtfront" ông Putin). "Shirtfront" là một thuật ngữ được dùng trong bóng đá Australia, chỉ những pha va chạm đặc biệt bạo lực, thường được cụ thể hóa bằng một cú huých vai vào giữa ngực đối phương. Như vậy là Tổng thống Putin - người có đai đen judo - đã nhận được lời tuyên chiến không hề dè chừng của Thủ tướng Australia.

Có lẽ việc đưa đoàn tàu chiến hải quân đi cùng là một động thái thị uy của ông Putin khi mà không chỉ với Australia, Nga còn đang hiềm khích với liên minh châu Âu - nhiều quốc gia trong đó tham dự G20 lần này. Đặc biệt, EU sẽ có cuộc họp giữa các Ngoại trưởng tại Brussels vào ngày 17/11 - tức là ngay sau khi G20 kết thúc - để đưa ra quyết định cuối cùng về các lệnh cấm vận mới đối với Nga. Dễ dàng hình dung ra cuộc họp lần này sẽ không êm ả đối với người đàn ông thép của Điện Kremlin khi mà ông sẽ phải một mình đối mặt với áp lực từ nhiều phía.

Sự có mặt của 4 tàu chiến hải quân có phải là biểu hiện của một nước Nga "sợ hãi"? Có nếu xét trên phương diện, Nga đã bị dồn vào đường cùng và không còn cách nào khác ngoài việc viện đến vũ lực để tăng sức nặng cho tiếng nói của mình trên diễn đàn quốc tế. Nhưng nếu xét trên phương diện truyền thống chính trị Nga, đây là thủ pháp cực kỳ cổ điển của đất nước bạch dương mỗi khi diễn ra tranh chấp với các quốc gia khác và phải thừa nhận rằng phương pháp này ít nhiều có hiệu quả. Sức mạnh của Nga là điều không thể bàn cãi, dù phương Tây và Mỹ vẫn luôn mô tả về Nga như một đất nước bất ổn và suy thoái. Lệnh cấm vận có ảnh hưởng đến Nga, nhưng chính phương Tây cũng đang chịu ảnh hưởng của hiệu ứng boomerang do các biện pháp cấm vận mang lại. Nga vẫn chưa "gục ngã" còn châu Âu thì đã chia rẽ nội bộ sâu sắc khi mà Đức - một trong các quốc gia mạnh nhất châu Âu - thẳng thừng chỉ trích quyết định tăng cường cấm vận với Nga của EU.

Thục Anh

Theo Le monde

Thế giới tuần qua: Thế giới đa cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO