Thế giới tuần qua: Thế giới quanh bàn đàm phán

05/04/2015 07:32

(Baonghean) - Trong thời đại hiện nay, bàn đàm phán đã được chọn như là giải pháp thay thế cho các động thái quân sự trong hầu hết các vấn đề tranh chấp quốc tế. Nói hầu hết bởi loại trừ hoàn toàn khả năng chiến tranh bùng nổ là điều không thể, khi mà mỗi bên đều theo đuổi những lợi ích riêng đôi khi trái ngược, xâm hại lẫn nhau. Tuy nhiên, có thể nhận thấy một điều, càng là các quốc gia lớn, lại càng tìm cách tăng cường đàm phán, bởi với tiềm lực quân sự của họ, cuộc chiến một mất một còn hay huỷ diệt tất cả chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Đàm phán hạt nhân Iran diễn tiến tích cực

Thứ Năm, ngày 2/4, cuộc đàm phán giữa nhóm “5+1” bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Vương quốc Anh, Đức với Iran về vấn đề hạt nhân đã đi đến một thoả thuận mang tính lịch sử. Sau nhiều tháng trời căn thẳng và nhất là sau 8 ngày đàm phán liên tiếp tại Lausane, Thuỵ Sỹ, hiện các bên vẫn đang dừng ở giai đoạn thống nhất được các điểm mấu chốt và bản hiệp ước chính thức sẽ được chuẩn bị từ nay cho đến 30/6.

Tổng thống Mỹ và các quan chức Nhà Trắng họp trực tuyến với Ngoại trưởng John Kerry - đại diện Mỹ tham dự đàm phán tại Lausanne.
Tổng thống Mỹ và các quan chức Nhà Trắng họp trực tuyến với Ngoại trưởng John Kerry - đại diện Mỹ tham dự đàm phán tại Lausanne.

Một bản thông cáo do Nhà Trắng công bố đã tiết lộ nhiều hơn những gì giới quan sát mong đợi các chi tiết về thoả thuận mà các bên đạt được. Tuy nhiên, Mỹ cũng nhấn mạnh rằng “các chi tiết cụ thể về vấn đề thực hiện các thoả thuận này vẫn đang trong quá trình đàm phán” và rằng “nếu có điều khoản nào không được chấp nhận thì tất cả sẽ không được chấp nhận”. Những điều khoản chính đó là:

- 2/3 các máy ly tâm hạt nhân phải bị cắt giảm.

Iran đã chấp nhận giảm 2/3 số máy ly tâm hạt nhân - phục vụ cho việc biến đổi uranium được làm giàu đến 90% để chế tạo bom nguyên tử. Đến thời điểm hiện tại, ở Iran có 19.000 cỗ máy ly tâm hạt nhân, có nghĩa là nếu Tehran tuân thủ hiệp ước thì con số đó sẽ chỉ còn là 6.104. Trong số đó, sẽ chỉ có 5.060 được phép làm giàu uranium trong vòng 10 năm. Được biết, đó là những máy ly tâm hạt nhân đời đầu của Iran. Bên cạnh đó, Tehran cũng sẽ giảm trữ lượng uranium nghèo (LEU) từ 10.000 kg xuống còn 300 kg với tỷ lệ làm giàu đạt 3,67% trong vòng 15 năm. Cũng trong khoảng thời gian này, Iran sẽ không được phép làm giàu uranium quá mức 3,67%. Lượng vật chất thừa ra sẽ được lưu trữ dưới sự kiểm soát của Hãng năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và sẽ chỉ phục vụ cho mục đích thay thế khi cần thiết.

- Không xây dựng thêm các điểm làm giàu uranium.

Trong vòng 15 năm, Tehran sẽ không xây mới thêm các điểm làm giàu uranium. Về phần các điểm làm giàu hiện có, Iran chấp thuận sẽ không tiến hành làm giàu uranium tại điểm Fordo - được xây chìm dưới một ngọn núi và không thể bị phá huỷ bởi các động thái quân sự. Fordo vẫn sẽ được mở cửa nhưng không tiến hành làm giàu uranium và 2/3 số máy ly tâm hạt nhân của Fordo sẽ được di dời khỏi nơi này. Cũng theo các điều khoản thoả thuận thì Natanz, điểm làm giàu uranium lớn nhất Iran sẽ là nơi duy nhất được phép tiếp tục tiến hành hoạt động này. Được biết, tại đây có 17.000 máy ly tâm IR-1 đời đầu, khoảng 1.000 máy ly tâm IR-2M với tốc độ được cải tiến và quy mô của Natanz cho phép cài đặt tổng cộng 50.000 cỗ máy đời sau này. Nhưng nếu tuân thủ thoả thuận thì Tehran sẽ chỉ được giữ lại tại đây 5.060 máy ly tâm IR-1 còn các máy ly tâm IR-2M thì bị tháo dỡ và đặt dưới sự kiểm soát của IAEA.

Trung tâm đầu não của lò phản ứng chạy bằng nước nặng - bộ phận có khả năng sản xuất ra plutonium - sẽ bị phá huỷ hoặc di dời ra khỏi lãnh thổ Iran. Lò phản ứng sẽ được xây dựng lạ để giới hạn mục đích sử dụng trong việc nghiên cứu và sản xuất các đồng vị phóng xạ phục vụ cho lĩnh vực y tế, hoàn toàn không được phép sản xuất plutonium với mục tiêu quân sự. Cuối cùng, nhiên liệu đốt đã qua sử dụng sẽ được chuyển ra nước ngoài suốt toàn bộ vòng đời của lò phản ứng. Tehran cam kết không xây dựng lò phản ứng chạy bằng nước nặng mới trong vòng 15 năm.

- Sự kiểm soát của IAEA.

IAEA chịu trách nhiệm kiểm tra thường xuyên các điểm hạt nhân tại Iran. Các thanh tra của IAEA có quyền đi vào các mỏ uranium và những nơi mà Iran sản xuất “yellow cake” (một dạng cô đọng uranium hàm lượng cao) trong vòng 20 năm.

- Các biện pháp cấm vận trừng phạt sẽ được dỡ bỏ nếu Iran tuân thủ các cam kết

Về vấn đề nhạy cảm này, thoả thuận quy định rằng các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ và châu Âu sẽ được dỡ bỏ ngay khi việc tuân thủ cam kết được IAEA xác nhận. Trong trường hợp các cam kết bị phá vỡ, cấm vận sẽ được áp dụng trở lại. Mọi thoả thuận cuối cùng sẽ phải được thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Mặc dù đây là một kết quả đàm phán lịch sử trong hồ sơ vấn đề hạt nhân Iran nhưng các quốc gia nhóm 5+1 nhìn chung vẫn giữ thái độ thận trọng và khá dè dặt khi phát ngôn về thoả thuận này. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier - đại diện tham gia đàm phán của Đức đã nhấn mạnh rằng còn quá sớm để ăn mừng những kết quả đạt được.

Theo ông này, hy vọng hiện giờ đang đặt vào việc liệu Tehran có tuân thủ những thoả thuận tạm thời này để tiến đến một hiệp ước vĩnh viễn vào cuối tháng 6 tới đây, đặt dấu chấm cho cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran hay không. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì khẳng định đây là một “thoả thuận mang tính giai đoạn, với những bước tiến tích cực, chắc chắn nhưng vẫn còn nhiều việc đang chờ chúng ta phía trước”. Ông cũng thừa nhận trong cuộc phỏng vấn trên kênh Europe 1 rằng vấn đề thời hạn dỡ bỏ lệnh cấm vận là “một nút thắt phức tạp”. Đồng thời, việc ông này rời khỏi bàn đàm phán trước phiên đàm phán cuối cùng được cho là biểu hiện của những căng thẳng, mâu thuẫn nảy lửa trên bàn đàm phán.

Không trực tiếp tham gia vào hồ sơ hạt nhân Iran nhưng Israel luôn là một khán giả trung thành của vấn đề này, điều hoàn toàn dễ hiểu khi mà trên danh nghĩa đây là quốc gia duy nhất trong khu vực được công nhận nắm giữ bom nguyên tử hạt nhân. Thứ Sáu, ngày 3/4, Thủ tướng Israel Netanyahou cho rằng cần phải gia tăng sức ép lên Iran để đạt được những thoả thuận có lợi hơn kết quả mà vòng đàm phán tại Lausane đã đạt được.

Cũng theo ông này, một thoả thuận nương tay với Iran đồng nghĩa với việc an ninh quốc gia Israel bị đe doạ. Đáp lại, Ngoại trưởng Đức trả lời rằng giới cầm quyền Israel cần nghiên cứu kỹ hơn về các thoả thuận tại Lausane và rằng mục tiêu của bàn đàm phán này là để cải thiện tình hình an ninh ở Trung Đông thay vì làm tình hình tồi tệ thêm.

Hy Lạp - Con ngựa thành Troyes của Nga?

Trong tuần qua, Hy Lạp đã đưa ra thông báo về chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Alexis Tsipras, dự kiến bắt đầu vào ngày 8/4. Thông tin này đã khiến Brussels “giật mình” và bắt đầu có thái độ thận trọng hơn trước các nước cờ ngoại giao mà Hy Lạp đang tính toán.

Vẫn chưa có gì là chắc chắn nhưng châu Âu không thể không đặt ra câu hỏi: Mối liên hệ nào giữa chuyến đi nói trên với các vấn đề ngân sách mà Hy Lạp đang gặp phải, trong bối cảnh đàm thoại với các chủ nợ châu Âu đang dẫm chân tại chỗ? Hy Lạp đang dự định làm gì, một sự trợ giúp về tài chính ngoài biên giới châu Âu, một nước cờ lỗi hay một cuộc tìm kiếm cánh cửa mới? Liệu động thái cầu thân này Hy Lạp có mở ra cho Nga cơ hội len lỏi vào vết rạn ngay giữa lòng châu Âu?

Ngoại trưởng Nikos Kotzias được chào đón nồng hậu ở Moscow hồi tháng 2. Ảnh: EPA
Ngoại trưởng Nikos Kotzias được chào đón nồng hậu ở Moscow hồi tháng 2. Ảnh: EPA

Cho đến tháng 2 vừa qua, Nga vẫn tuyên bố loại trừ khả năng trợ giúp về tài chính đối với Hy Lạp, bất chấp thái độ cầu thân mà nhiều thành viên trong Chính phủ Hy Lạp không ngại giấu giếm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos thậm chí còn đề cập đến khả năng tiến hành “kế hoạch B” trong trường hợp đàm phán với Liên minh châu Âu thất bại. Theo đó, Hy Lạp có thể yêu cầu Nga cứu cánh tài chính nếu châu Âu từ chối “rót” cho Hy Lạp khoản tiền cho vay còn lại (7,2 tỷ euro) trong giai đoạn 2 của kế hoạch trợ giúp quốc tế.

Tuy nhiên, ngày 18/3, trước thềm cuộc tiểu hội nghị ở Brussels giữa ông Tsipras, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Chủ tịch của Eurogroup, Hội đồng và Uỷ ban châu Âu, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp khẳng định lựa chọn cuối cùng của quốc gia này không hướng về một sự trợ giúp đến từ đất nước bạch dương.

Một cách chính thức, Brussels không khẳng định vội mục tiêu, động cơ của ông Tsipras đối với chuyến công du lần này, nhưng cũng không thể điềm nhiên làm ngơ một sự thật. Thời gian của chuyến công du rất gần với thời hạn mà Hy Lạp phải trả nợ: 450 triệu euro cho Quỹ tiền tệ quốc tế IMF vào ngày 9/4, 2,5 tỷ euro để mua lại các tín phiếu kho bạc từ ngày 14 đến ngày 17. Liệu rằng đây có đơn thuần là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Tất nhiên châu Âu không ngây thơ đến thế.

Người đứng đầu nhóm Đảng nhân dân châu Âu ở Nghị viện Strasbourg nhấn mạnh: “Chiến thuật của ông Tsipras rất nguy hiểm và đi trái lại với lợi ích của nhân dân Hy Lạp. Ông ta cầu cạnh Nga và Trung Quốc, không ngừng đối đầu với những đối tác duy nhất có khả năng giúp đỡ mình”. Hiển nhiên, một thoả thuận với Nga sẽ phá vỡ ngay lập tức những thoả thuận giữa Hy Lạp với châu Âu. EU đã nhấn mạnh sẽ không “rót” nốt khoản tiền 7,2 tỷ euro nếu Hy Lạp không tuân thủ một danh sách các biện pháp cải cách mang tính trọng yếu. Ngày 24/4 tới đây, Brussels sẽ tiến hành một bàn đàm phán nữa trong nội bộ Eurogroupe về vấn đề Hy Lạp.

Sở dĩ châu Âu lo ngại như vậy về tình hình mối quan hệ giữa Nga và Hy Lạp là bởi, không chỉ trong vấn đề tài chính, Hy Lạp còn chủ động xích lại gần Nga trong lĩnh vực năng lượng. Gần đây, Bộ trưởng Bộ năng lượng Hy Lạp Panagiotis Lafazanis đã đến Moscow với dự định cố đạt được thoả thuận giảm giá khí đốt mua từ Gazprom và bày tỏ nguyện vọng của Hy Lạp muốn tham gia vào dự án về đường ống dẫn ga mới Turkish Stream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là dự án Nga dự định thay thế South Stream (Dòng chảy phương Nam) nhằm gây sức ép trong cuộc khủng hoảng Ukraina và đã bị Uỷ ban châu Âu phản đối. Ngoài ra, châu Âu cũng không loại trừ khả năng Hy Lạp sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận trừng phạt Nga đối với các sản phẩm nông nghiệp, điều mà Síp hay Hungary đã làm trước đó.

Tại sao châu Âu lại phải bận tâm nhiều đối với Hy Lạp đến như vậy, có lẽ bởi vết rạn nhỏ này như một cú bồi thêm vào những căng thẳng, mâu thuẫn nội bộ vốn dĩ tồn tại âm ỉ từ trước trong khu vực châu Âu. Với quy mô và khả năng ảnh hưởng của mình, EU hiện diện trong nhiều vấn đề quốc tế và đó là lý do nảy sinh những bất đồng quan điểm về chính sách chung của khối. Italia cũng đã có những bước tiến lại gần Moscow và tỏ thái độ khó chịu với quyết định kéo dài lệnh cấm vận đối với Nga của châu Âu. Ngoài ra, châu Âu cũng lo ngại rằng một Hy Lạp nhỏ bé có thể là “con ngựa thành Troyes” dẫn Nga đi vào giữa lòng châu Âu.

Thục Anh

Theo Le monde

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Thế giới quanh bàn đàm phán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO