(Baonghean) - Dịch bệnh chưa bao giờ vắng bóng trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, cùng với tiến trình phát triển của xã hội loài người, khái niệm dịch bệnh không những để chỉ một loại thiên tai tự nhiên mà còn là những căn bệnh xuất phát từ chính bản ngã con người. và, những căn bệnh trầm kha hiểu theo khái niệm mở ấy đang đe doạ đến sự ổn định của thế giới.
Dịch bệnh MERS: Nỗi sợ hãi đang lan rộng
2015 dường như là năm chứng kiến những căn bệnh truyền nhiễm. Ebola vừa có dấu hiệu được kiềm chế tại Tây Phi thì một căn bệnh có khả năng gây chết người khác đã xuất hiện từ Trung Đông, rồi sau đó lan sang Hàn Quốc và Trung Quốc, gieo rắc nỗi lo sợ về một dịch bệnh trên quy mô lớn.
Coronavirus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông - viết tắt là MERS - với những triệu chứng tương tự như bệnh cảm thông thường nhưng đã cướp đi sinh mạng khoảng 40% trong số hơn 1.100 người mắc bệnh kể từ khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Jordan năm 2012.
Cho đến nay, chưa xác định được cơ chế virus lây lan từ người sang người. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân đều từng tiếp xúc trực tiếp với lạc đà, tiêu thụ các sản phẩm từ loại động vật này như thịt sống, sữa chưa tiệt trùng,… hoặc mắc phải virus này tại cơ sở chăm sóc y tế đang điều trị một bệnh nhân MERS khác.
 |
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang phòng tránh virus MERS. Ảnh Internet |
Về mặt lý thuyết, có thể dễ dàng ngăn sự lây nhiễm từ người sang người bằng cách đeo khẩu trang và rửa tay thật sạch. Nhưng MERS đã lan truyền tại một phòng khám ở Saudi Arabia hồi năm ngoái và mới đây hơn là 1 phòng khám và bệnh viện tại Hàn Quốc, nơi 1 người đàn ông trở về từ Saudi Arabia 2 tuần trước đó đã làm lây lan virus cho 34 người khác.
Một trong số những người bị phơi nhiễm tại Hàn Quốc đã di chuyển tới Trung Quốc, đi lại bằng máy bay và điều khiển một chiếc xe buýt trong khi có khả năng lây nhiễm bệnh. Vẫn chưa rõ liệu người đàn ông này có làm phát tán virus MERS hay không.
Ngày 6/6, Bộ Y tế Hàn Quốc xác nhận thêm 9 trường hợp nhiễm MERS, nâng tổng số ca nhiễm MERS tại nước này lên 50. Từ khi ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên hôm 20/5, đến nay đã có 4 ca tử vong tại Hàn Quốc. Chính phủ nước này đã nỗ lực áp dụng các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch bệnh. Nhiều trường học đóng cửa, các địa điểm công cộng trở nên vắng vẻ hơn thường lệ, số du khách đột ngột giảm,… dường như Hàn Quốc đang đối mặt với khó khăn lớn nhất trong nhiều năm qua.
Điều đáng lo ngại là hiện nay chưa tìm ra được loại vắc-xin hay thuốc đặc trị nào cho căn bệnh hàng ngày đang gieo rắc nỗi sợ hãi và ám ảnh cho dân chúng này. Tuy nhiên, như thế giới đã chứng kiến với dịch Ebola hồi năm ngoái, có thể lạc quan rằng hầu hết các bệnh dịch có thể được kiềm chế nếu dân chúng thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm thích hợp. Cái khó là làm thế nào để mọi người đều biết, hiểu rõ và tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp đó.
Dĩ nhiên, điều này trước hết đòi hỏi vai trò của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh, cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết để nâng cao nhận thức của người dân. Phòng bệnh hơn chữa bệnh - kiểm soát được sự lan truyền dịch bệnh là việc cần làm ngay tại các nước đang bùng phát dịch, tránh gia tăng số ca nhiễm bệnh trong nước hay thậm chí là lan sang các nước khác.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa các chính phủ, giữa chính phủ với các tổ chức quốc tế cũng là nỗ lực cần có để ngăn chặn dịch bệnh MERS. MERS hiện giờ không chỉ là vấn đề đáng lo ngại của những nước như Saudi Arabia, Hàn Quốc hay Trung Quốc, mà là tâm điểm và mối lo chung của toàn thể nhân loại. Cả thế giới chung tay đẩy lùi dịch bệnh, như kinh nghiệm đối phó với SARS và Ebola trước đây, là hướng đi đúng để loại bỏ căn bệnh này.
Tham nhũng: Căn bệnh trầm kha của FIFA
Trong khi dịch bệnh MERS đang là chủ đề nóng hàng ngày, vụ bê bối của Liên đoàn Bóng đá thế giới bắt đầu từ việc một số quan chức cấp cao của cơ quan này bị bắt giữ hôm 27/5 vì những cáo buộc tham nhũng cũng chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tính đến nay, đã có 18 quan chức cấp cao của liên đoàn này bị bắt giữ, với số tiền cáo buộc tham nhũng là 150 triệu USD trong suốt 24 năm qua. Ngoài ra, những người này cũng bị cơ quan điều tra cáo buộc các tội danh gian lận, hối lộ, rửa tiền, liên quan đến các cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup cũng như các hoạt động marketing và thỏa thuận bản quyền truyền hình bóng đá.
Bất chấp bóng đen bao trùm, Sepp Blatter đã lần thứ 5 liên tiếp giành được ghế Chủ tịch FIFA trong cuộc bỏ phiếu hôm 29/5, với số phiếu áp đảo trước đối thủ đáng gờm là Hoàng tử Jordan Ali Bin al-Hussein. Trong lần tái đắc cử này, ông Blatter đã hứa hẹn sẽ đem lại những cải cách mới mẻ trong cuộc “thay máu” cho Liên đoàn Bóng đá thế giới.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, Sepp Blatter đã đột ngột tuyên bố từ chức Chủ tịch FIFA, chấm dứt 17 năm giữ cương vị lãnh đạo cơ quan này đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi chưa được giải đáp và những chỉ trích trong giới hâm mộ môn thể thao vua.
Sức ảnh hưởng của vụ bê bối đang nhấn chìm FIFA là không hề nhỏ, bằng chứng là vụ việc này thậm chí còn nhận được sự quan tâm của các chính trị gia hàng đầu, và có thể sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng định nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Đức vào hôm nay (7/6).
Hôm 5/6, Josh Earmest, người phát ngôn Nhà Trắng khẳng định “không thấy ngạc nhiên” nếu vụ bê bối “quyền lực đen” của FIFA được đặt lên bàn thảo luận giữa các nguyên thủ tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Sự quan tâm của cộng đồng người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới sẽ là động cơ thúc đẩy Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập đến vụ việc này tại phiên họp nhằm nhanh chóng tìm ra một giải pháp tháo gỡ cho thế cục hiện nay.
Ngay sau đó, theo tờ The Guardian đưa tin hôm 6/6, Thủ tướng Anh David Cameron dự kiến sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị phải có hành động quốc tế chống tham nhũng sau bê bối hối lộ trong FIFA. Ông nhận xét rằng vụ bê bối hối lộ của FIFA sẽ là phát súng mở màn cho hoạt động quốc tế chống tham nhũng.
Ông Cameron khẳng định: “Tham nhũng là khối u ác tính nằm ở vị trí cốt lõi của rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt hiện nay. Vấn nạn này không chỉ đe dọa đến sự thịnh vượng, mà còn phá hoại an ninh của chúng ta. Bóng đá đang bắt đầu một hành trình dài để loại bỏ triệt để nạn tham nhũng và sẽ cần đến thời gian, lòng dũng cảm và quyết tâm để nhìn thấu được những cải cách mà FIFA cần. Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo hẳn phải thể hiện lòng dũng cảm và quyết tâm như thế để thẳng thắn bàn thảo về nạn tham nhũng trên toàn cầu”.
Như vậy, “căn bệnh” tham nhũng của FIFA vốn dai dẳng trong gần ¼ thế kỷ qua cuối cùng đang bước vào thời kỳ “chẩn bệnh” và thẳng tay “điều trị” dứt điểm. Đông đảo những người yêu mến môn thể thao vua vẫn luôn chờ đợi và hy vọng sự trở lại của một FIFA hoàn toàn mới sau biến cố chấn động vừa qua.
Thu Giang