Thế giới và hiệu ứng dây chuyền

18/01/2015 09:26

(Baonghean) - Một tuần sau sự kiện khủng bố “11/9 của nước Pháp”, Charlie Hebdo đã trở lại và là tâm điểm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Vẫn “vương vấn” với những hình ảnh biếm hoạ về thế giới Hồi giáo, liệu đây có phải là một lựa chọn khôn ngoan, khi mà cơn sốt “Charlie” đã gần như tạo nên bức tường tư tưởng chia thế giới thành hai nửa. Một minh chứng mới cho thấy thế giới này là một môi trường dẫn truyền vô cùng thuận lợi, khi mà mọi sự kiện diễn ra đều có thể là mồi lửa cho một loạt hiệu ứng dây chuyền.

Charlie đã trở lại…

Thứ Tư, ngày 14/1, ấn bản đầu tiên của tờ tuần báo Charlie Hebdo được phát hành trở lại sau sự kiện khủng bố tấn công vào toà soạn tờ báo biếm hoạ Pháp ngày 7/1. Số lượng người mua báo lớn đến nỗi lượng phát hành được tiêu thụ hết vào lúc 10 giờ sáng và Charlie Hebdo phải tái bản lại 5 triệu tờ vào thứ Năm, ngày 15/1.

TIN LIÊN QUAN

Người biểu tình đốt quốc kỳ Pháp tại Algeria.
Người biểu tình đốt quốc kỳ Pháp tại Algeria.

Dự kiến đến ngày 19/1, ấn phẩm này được tái bản từng ngày để đáp ứng nhu cầu quá lớn của thị trường báo. Đồng thời, cũng có thông báo chính thức về việc bày bán ấn phẩm này trong nhiều tuần sau đó để tránh tình trạng bán lại giá cao trên thị trường “chợ đen” internet. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi mà bạn đọc xếp hàng dài tại nhiều điểm bán báo trước cả giờ mở cửa, đặc biệt là tại các ga tàu ở Paris. Người phụ trách quầy tạp hoá Relay ở nhà ga phía Đông giải thích với vẻ áy náy: “Đến 6 giờ 40 phút sáng, tất cả các tờ Charlie Hebdo đã được bán hết, trong khi giờ mở cửa của chúng tôi là 6 giờ. Có những người mua tận 5, 10 tờ”. Được biết, điểm bán này được phân phối 125 tờ Charlie Hebdo và đã phải yêu cầu thêm để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người đọc. Nhiều người mua báo để gửi cho gia đình ở nước ngoài, nhiều người mua vì hiếu kỳ do chưa từng đọc Charlie Hebdo trước đó. Và tâm lý chung của tất cả người đọc là để xem “liệu họ có tiếp tục tờ báo của họ giống như trước”.

Hiệu ứng dây chuyền của “cơn sốt” Charlie Hebdo là tất cả những tờ báo in lại trang nhất của tờ Charlie Hebdo cũng được bán với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Một người chủ cửa hàng báo nói với vị khách hàng “kém may mắn”: “Một tờ Charlie vào giờ này? Đó là điều không tưởng, phải đến vào 6 giờ cơ! Nhưng ngày mai tôi sẽ lại nhận về thêm. Một tờ Canard? Cũng đã bán hết rồi. Chỉ còn 5 tờ Liberation nữa thôi”. Chỉ ít phút sau đó, 5 tờ Liberation cuối cùng của sạp báo cũng được bán hết. Tại quận 14, thư viện báo chí vốn yên tĩnh thường ngày cũng đông đúc nhộn nhịp lạ thường. Một bà lão mua được tờ Charlie cuối cùng không khỏi áy náy trước sự thất vọng của dòng người xếp hàng chờ đợi. Chủ quầy an ủi khách hàng: “Hãy quay trở lại vào ngày mai, nhưng không thể đặt hàng từ trước nên sẽ hơi hỗn loạn một chút đấy”. Một người qua đường còn cảnh báo vị khách may mắn mua được tờ Charlie cuối cùng: ”Bà mua được nó rồi à? Hãy cất nó vào, kẻo ai đó sẽ lấy trộm đấy!”

Thậm chí ngay cả khi tờ báo được tái bản lại với số lượng lớn mỗi ngày, dường như cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu của tất cả người đọc. Tại nhiều quầy báo, chủ quầy phải treo biển “Không còn Charlie” vì tất cả số báo sắp nhận về đã được khách hàng đặt từ nhiều ngày trước. Nhiều quầy báo thậm chí đã phải tuyên bố mỗi khách hàng chỉ được mua 1 tờ Charlie duy nhất. Một nữ phóng viên chờ đợi trước quầy báo vẻ căng thẳng. Đặt báo từ trước để quay phóng sự cho Đài Truyền hình Nhật Bản, cô vẫn không thể lấy được 1 tờ Charlie Hebdo, cách đó vài mét là 2 cộng sự đứng chờ bên cạnh máy quay.

Hiệu ứng Charlie là một sự bất ngờ lớn, bởi tờ báo này vốn dĩ chỉ đạt đến con số 30.000 bản phát hành, nay tăng vọt lên hàng triệu và kể cả như vậy cũng chưa đủ. Không chỉ phát hành trong nước, Charlie Hebdo còn được dịch ra 5 thứ tiếng và phát hành 130.000 bản - tính đến thứ Năm, ngày 15/1 tại khoảng 30 quốc gia trên toàn thế giới - một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử báo giới Pháp. Dự kiến lượng phát hành ngoài nước sẽ cán mức 300.000 bản. Trong đó, hơn 120.000 bản tại Bỉ, 45.000 bản tại Đức, 15.000 bản tại Thuỵ Sỹ, 12.000 tại Canada và 1.600 tại Mỹ. Nhiều quốc gia khác như Na Uy, Hà Lan, Congo, Anh, Cộng hoà Séc, Singapore, Camerun, Slovakia, Áo, Hungary, Liban và Chile cũng đã gửi đơn đặt hàng đến Charlie Hebdo.

…và “lợi - hại” hơn trước?

Thứ Sáu, ngày 16/1, hàng nghìn người đã biểu tình tại châu Phi và Trung Đông phản đối việc ấn phẩm mới nhất của Charlie Hebdo tiếp tục đăng tải tranh biếm hoạ về nhà tiên tri Mohamed. Trang nhất của ấn phẩm này đã gây nên một làn sóng giận dữ trong thế giới Hồi giáo và chịu nhiều chỉ trích từ các chính phủ và tổ chức đạo Hồi ở Ai Cập, Jerusalem và Senegal.

Tại Tunisie, Maroc, Algerie, chính phủ thậm chí còn ra lệnh cấm phát hành ấn phẩm này cũng như mọi hình thức truyền bá lại hình ảnh biếm hoạ bị cáo buộc là “xúc phạm tôn giáo”. Tại Nigeria, cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khiến 3 thường dân và 1 cảnh sát thiệt mạng, 45 người khác bị thương. Nhiều người biểu tình mang theo cờ của tổ chức Boko Haram và tấn công vào một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Trung tâm văn hoá Pháp ngữ của thành phố bị phóng hoả.

Tại Thủ đô Amman của Jordan, 2.500 người biểu tình là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo và các tổ chức thanh niên đã diễu hành hoà bình dưới sự giám sát cao độ của lực lượng chức năng. Đức vua Abdallah II - người đã có mặt tại Paris vào Chủ nhật, ngày 11/1 để tham gia cuộc diễu hành chống khủng bố do Tổng thống Pháp kêu gọi - lên tiếng chỉ trích tờ Charlie Hebdo là “vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết”.

Tại Đông Jerusalem, vài trăm người biểu tình giương cao các biểu ngữ “Đạo Hồi là một tôn giáo hoà bình”, “Mahomed luôn là người dẫn đường của chúng ta”, “Người Pháp là một lũ vô trách nhiệm”. Đại giáo sỹ Mohammad Hussein - người điều hành buổi cầu nguyện với khoảng 35.000 người tham gia - đã cáo buộc trang nhất của tờ nhật báo Pháp là một “lời sỉ nhục” đối với người theo đạo Hồi và lên án “chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức”.

Tại Algeria, khoảng gần 3.000 người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em đã xuống đường biểu tình tại Thủ đô Alger theo lời kêu gọi trên các mạng xã hội. Hoạt động này nằm trong chiến dịch phản đối việc tờ Charlie Hebdo phát hành trở lại vẫn với tư tưởng châm biếm cũ nhắm vào Hồi giáo. Lệnh cấm biểu tình ban hành từ năm 2001 đã không ngăn cản được dòng người đổ về Quảng trường 1/5 và Quảng trường Martyrs từ các nhà thờ Hồi giáo của thành phố.

Tương tự, tại Dakar, Mali, Pakistan, Sudan, người dân đổ ra đường biểu tình, đôi khi hoà bình, đôi khi xảy ra bạo động. Có nơi cảnh sát phải dùng đến khí hơi cay để giải tán đám đông quá khích la ó, đốt quốc kỳ Pháp và tấn công phóng viên của hãng truyền thông Pháp. Bên cạnh những phản ứng tự phát của dân chúng, lãnh đạo các quốc gia Hồi giáo cũng đã tỏ thái độ trước “cơn sốt” Charlie. Ngoại trưởng của Bahrein nhận định “thật đáng hổ thẹn khi tiếp tục in những bức tranh xúc phạm” nhà tiên tri và nhấn mạnh rằng hành động này sẽ “tạo điều kiện lan truyền lòng hận thù và chủ nghĩa khủng bố”. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani - người vừa lên án hành động tấn công vào Toà soạn Charlie Hebdo ngày 7/1 - tuyên bố “Tự do ngôn luận phải được sử dụng trên tinh thần xây dựng để khuyến khích sự chung sống hoà bình của các tôn giáo”.

Rõ ràng, lời cảnh cáo của thế giới Hồi giáo không hề thừa khi mà các tổ chức vũ trang đã không nhắm mắt làm ngơ trước hành động được cho là “đổ thêm dầu vào lửa” của tờ nhật báo Pháp. Nhóm taliban Afghanistan đã tuyên bố đầy ẩn ý rằng ấn phẩm mới nhất của Charlie Hebdo đụng chạm đến “sự nhạy cảm của gần một tỷ rưỡi người thuộc cộng đồng Hồi giáo”. Nhà nước Hồi giáo IS thì tuyên bố ngay trong buổi sáng phát hành ấn phẩm rằng đây là một hành động “cực kỳ ngu xuẩn”. Một thành viên của tổ chức nói trên kênh phát thanh Al-Bayane - công cụ truyền bá của IS: “Tờ báo vô thần này định khai thác các sự kiện vừa xảy ra, báng bổ nhà tiên tri để phục vụ cho mục đích lợi nhuận”.

Không chỉ gây sốt tại châu Phi và Trung Đông - cái nôi của Hồi giáo, hiệu ứng Charlie thậm chí còn là động lực mới cho những tư tưởng bài xích, chia rẽ tại Đức. Phong trào Pegida phản đối người nhập cư vẫn tiếp diễn và căng thẳng trong nội bộ quốc gia này leo thang khi gần 10.000 người phản đối Pegida đã tập hợp tại Berlin, với sự có mặt của Thủ tướng Angela Merkel. Mặc dù người đàn bà thép của châu Âu tuyên bố mọi hành động, thái độ thù hận đối với đạo Hồi là đi trái lại với tư tưởng nhân văn và hoà bình tôn giáo, nhưng một sự thật là Đức đã ra chính sách thắt chặt kiểm soát đối với các đối tượng bị nghi ngờ có khuynh hướng gia nhập đội quân thánh chiến ở Trung Đông. Kiểm soát và bảo toàn an ninh quốc gia nhưng đồng thời phải đoàn kết, thống nhất - thay vì bài xích, cô lập cộng đồng ẩn chứa nhiều mối nguy tiềm tàng: câu hỏi mâu thuẫn đặt ra cho Đức và cũng là bài toán hóc búa cho các quốc gia phương Tây. Nhất là khi mọi động thái lúc này, dù là nhỏ nhất, cũng có thể thổi bùng lên lòng thù hận và định kiến có khả năng hủy diệt thế giới.

Thục Anh

(Theo Le monde)

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Thế giới và hiệu ứng dây chuyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO