Thế giới và những chuyển động không "tiếng ồn"
(Baonghean) - Những biến động trên thế giới không phải lúc nào cũng ồn ào với tiếng súng, tiếng bom đạn. Tất nhiên, những điểm nóng an ninh - chính trị vẫn tiếp diễn, nhưng có những “chuyển động” bớt ồn ào hơn, lại vẫn có thể khiến thế giới “chuyển động” theo. Đó có thể là một đồng tiền sụt giá, cũng có thể là một lá cờ được kéo lên trong những luồng gió trái chiều…
Kinh tế thế giới “chao đảo” theo đồng nhân dân tệ
Thứ Ba, ngày 1/8, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc bắt đầu sụt giá trong vòng 3 ngày liên tiếp, bắt đầu từ mức sụt giảm gần 2% (so với tỷ giá đồng đô la) lên đến mức gần 4% vào thứ Năm, ngày 13/8. Đây là mức sụt giá lớn nhất của đồng tiền Trung Quốc trong vòng hơn một thập niên trở lại đây.
Trái ngược với Mỹ hay vùng euro, nơi mà mức chuyển đổi hối đoái được cân bằng một cách tự nhiên, chính quyền Trung Quốc thiết lập vào mỗi buổi sáng đầu ngày một hệ thống tham chiếu nhằm hạn chế sự dao động tỷ giá đồng tiền quanh mức 2% (tăng hoặc giảm). Hệ thống này được xác định dựa trên khảo sát các “ông lớn” của thị trường tài chính và sự biến động của các đồng tiền chuyển đổi chính trên thế giới. Theo ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nỗ lực này cho phép giảm bớt khoảng cách giữa đồng tiền tệ với giá trị thật của nó trên thị trường và nằm trong chuỗi chính sách của chính quyền Bắc Kinh với mục đích làm mới thị trường thương mại bên ngoài, kích thích hoạt động kinh tế - thương mại đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế thì chính sách này cũng góp phần vào làm sụt giá liên tiếp đồng tiền tệ.
Dĩ nhiên, một sự biến động lớn như thế này không thể không ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng như các thị trường nguyên liệu thô, bởi Trung Quốc dù gì cũng là mô-tơ kinh tế lớn thứ hai hành tinh. Vào thứ Ba ngày 1/8, khi tiến trình “mất giá” của đồng tệ bắt đầu khởi động, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã trấn an các thị trường tài chính bằng thông tin cho biết việc sụt giá đồng tệ sẽ không kéo dài. Theo đó, đây là động thái nhằm “điều chỉnh một lần dứt điểm” bằng cách tính toán lại tỷ giá tham chiếu đồng tệ để hưởng lợi hơn từ biến động của thị trường hối đoái. Trên thực tế, nếu hành động đánh sụt tỷ giá đồng tệ kéo dài, sẽ là một con dao hai lưỡi. Một mặt, tăng luồng lưu thông các nguồn vốn theo chiều “thoát” ra khỏi Trung Quốc; mặt khác, tăng giá nhập khẩu vào Trung Quốc và làm nặng thêm các “gói nợ” bằng ngoại tệ (cụ thể là đô la Mỹ) đối với các doanh nghiệp quốc nội. Tuy nhiên, nguy cơ “chiến tranh tiền tệ” sẽ hoàn toàn bị loại trừ.
Đồng Nhân dân tệ sụt giá lớn nhất trong vòng hơn một thập niên trở lại đây. Ảnh: internet |
Sự kiện này cũng là minh chứng cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế thế giới vào đất nước tỷ dân. Trên sân chơi chứng khoán, tất cả các thị trường lớn toàn cầu - từ Frankfurt đến Seul - đều lung lay mạnh mẽ. Thị trường nguyên liệu thô mà đứng đầu là dầu mỏ thì sụt giảm đến ngưỡng chưa từng thấy từ nhiều thập kỷ qua. Nhìn nhận sự kiện này từ góc nhìn của Trung Quốc, có lẽ đây là hệ quả và lựa chọn tất yếu của Bắc Kinh để điều chỉnh lại sự phát triển của nền kinh tế này sau nhiều năm liền tăng trưởng nhanh vượt bậc. Tuy nhiên, từ hơn 1 năm trở lại đây, nền kinh tế này bắt đầu có dấu hiệu chững lại và đi lùi. Một vài thị trường, ví dụ như thị trường ôtô, có chiều hướng đi xuống rõ rệt. Bong bóng bất động sản bắt đầu xẹp, đẩy các nhà đầu tư vào một thị trường chứng khoán chưa hoàn thiện - thị trường này đã bắt đầu “đổ vỡ” vào hồi đầu tháng Bảy vừa qua, buộc chính quyền phải có biện pháp mạnh để thay đổi tình hình. Những con số ảm đạm về hoạt động thương mại bên ngoài được công bố hồi đầu tuần như hồi chuông báo động cuối cùng.
Rõ ràng siêu cường kinh tế đã bước qua thời kỳ hoàng kim dĩ vãng và người ta có thể cảm nhận chính quyền Bắc Kinh đang bằng mọi cách để vãn hồi đến mức tối đa hệ quả của một tiến trình phát triển không hoàn chỉnh, hay nói đúng hơn là không có nền tảng bền vững. Tuy nhiên, không chỉ có Trung Quốc “sốt ruột” mà cả thế giới đều trông chờ vào sự vực dậy nhanh chóng của nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Những ví dụ điển hình là ngành công nghiệp hàng hiệu của Pháp, công nghiệp ôtô của Đức và thị trường nguyên liệu thô trên thế giới. Với kích thước của nền kinh tế tỷ dân, nên nhớ rằng sức mua của Trung Quốc chiếm từ 1/3 đến 1/2 thị trường nguyên liệu thô toàn cầu.
Ở tầm nhìn vĩ mô, những nỗ lực này của Trung Quốc được cho là một tiến trình tích cực để giải phóng đồng tệ, nhằm tạo bệ phóng cho đồng tiền này bước vào “khán phòng” chung của các đồng tiền lớn trên thế giới như đô la Mỹ, euro hay đồng bảng Anh. Đó còn là một nỗ lực để thay đổi tình trạng “độc quyền” của các doanh nghiệp quốc doanh và sự kiểm soát chặt chẽ của ngành Ngân hàng. Chính tình trạng này đã hướng nguồn đầu tư “đổ” về các dự án công và cô lập các doanh nghiệp tư nhân.
Nhìn lại tình hình kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây, với những hệ quả trực quan không chỉ thể hiện trên những con số đánh giá tình hình tăng trưởng mà còn qua cả những ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, một sự thay đổi căn bản là cần thiết. Vụ nổ mới đây tại Thiên Tân - dù bản chất sự việc có vẻ mang tính chất vi mô - nhưng là một trong những biểu hiện không thể chối cãi cho những điểm yếu của nền kinh tế vĩ mô. Đó là những lỗ hổng về an toàn trong chính sách phát triển kinh tế - điều mà các chuyên gia quốc tế đã và lại một lần nữa chỉ ra trước mắt cho “ông lớn” của châu Á.
Cờ Mỹ lại tung bay trên bầu trời Cuba
Thứ Sáu, ngày 14/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có chuyến thăm đầu tiên đến Cuba kể từ sau khi Mỹ và đảo quốc láng giềng chính thức bình thường hoá mối quan hệ. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa ngoại giao cực kỳ to lớn, bởi Ngoại trưởng Mỹ đích thân đến dự lễ thượng quốc kỳ Mỹ tại đại sứ quán nước này ở La Havana. Lần đầu tiên kể từ năm 1961, cờ Mỹ lại tung bay trên bầu trời Cuba, đánh dấu một mốc quan trọng nữa trên tiến trình nối lại quan hệ giữa hai nước.
54 năm sau ngày quốc kỳ Mỹ được hạ xuống, 3 người lính hải quân Mỹ James Tracy, Mike East và Larry Morris một lần nữa lại có mặt ở Đại sứ quán Mỹ tại La Havana, nhưng lần này là để kéo lá cờ đầy sao lên cao. Như vậy là cơ quan ngoại giao đại diện cho Washington cuối cùng cũng đã được mở lại ở Cuba, đáp lại cho động thái mở cửa trở lại Đại sứ quán Cuba ở Mỹ vào ngày 20/7 trước đó. James Tracy, người lính hải quân nay đã 78 tuổi, phát biểu cảm tưởng của mình: “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều mong chờ những trang mới sắp mở ra”.
Hồi tưởng lại khoảnh khắc lịch sử đáng buồn cách đây hơn nửa thế kỷ, ông Mike East, 76 tuổi, kể lại: “Lúc đó, chúng tôi chỉ biết rằng mình có 3 ngày để rời đi. Chúng tôi đi ra bằng cửa chính của đại sứ quán, có khoảng 300 người dân Cuba ở đó. Họ đến để tạm biệt và nhìn chúng tôi đi đến cột cờ. Nhưng thực sự họ không hề muốn chúng tôi đi. Đó là một khoảng khắc đầy xúc động. Nhìn thấy lá cờ của nước mình tung bay một lần cuối cùng ở Cuba, điều đó có gì đó không đúng. Như thể có gì đó thiếu vắng”. Ông Larry Morris, 75 tuổi, thêm vào: “Và chúng tôi gấp lá cờ lại”. Kể từ sau đó, Cuba vẫn sống mãi trong hồi ức của họ với những con người thân thiện và một nền văn hoá đặc sắc mà họ lấy làm biết ơn vì đã được khám phá. Ông Mike East thổ lộ rằng kể từ khi nhận được thông báo rằng họ sẽ nhận nhiệm vụ thượng quốc kỳ Mỹ tại La Havana, “tôi liên tục nghĩ về việc đó cả ngày và đêm”.
Đằng sau sự kiện ngoại giao này, là cả một sự mâu thuẫn lớn trong nội bộ các chính khách Mỹ. Nếu như chính quyền của ông Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ tích cực nỗ lực thúc đẩy các bước bình thường hoá quan hệ với Cuba thì phe Cộng hoà vẫn kiên quyết phản đối và ra sức cản trở. Trên đường đua đến Nhà Trắng vào năm 2016, nếu bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ và ứng viên yêu thích của Đảng Dân chủ, hết sức ủng hộ cho việc gỡ bỏ cấm vận kinh tế với Cuba thì nhiều ứng viên Cộng hoà, ví dụ Marco Rubiz, Nghị sỹ bang Florida (ông này xuất thân từ một gia đình Mỹ gốc Cuba); cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush hay Nghị sỹ bang Texas Ted Cruz;… lại ra sức phản đối. Còn tại Nghị viện Mỹ, các Nghị sỹ Cộng hoà đang phản đối việc Nhà Trắng bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh Mỹ ở La Havana với lý do chính quyền Obama đã “xem nhẹ” hồ sơ vấn đề nhân quyền ở Cuba. Để thấy quá trình bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Cuba là một con đường không hề êm ả và… bình thường chút nào!
Thục Anh