Thể lệ 'Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023'
(Baonghean.vn)- Cuộc thi là sự tiếp nối thành công của hai Cuộc thi viết chính luận về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” năm 2021, 2022 và tiếp tục có sự mở rộng về quy mô tổ chức và thành phần tham gia.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương phân công Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức “Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi).
Cuộc thi là sự tiếp nối thành công của hai Cuộc thi viết chính luận về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” năm 2021, 2022 và tiếp tục có sự mở rộng về quy mô tổ chức và thành phần tham gia.
1. Mục đích của Cuộc thi là tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Thông qua Cuộc thi, tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng cho lực lượng, hình thành mạng lưới rộng khắp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ. Nâng cao chất lượng các tác phẩm chính luận trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ, tuyên truyền, lan tỏa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào các nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII của Đảng. Hình thành nguồn sản phẩm phong phú, có chất lượng, có tính chiến đấu cao phục vụ trực tiếp công tác tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
2. Đối tượng dự thi là người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, người nước ngoài có bài viết chính luận phù hợp với tiêu chí của Cuộc thi.
Khuyến khích sự tham gia của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm chính trị cấp huyện, Trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; giảng viên, học viên, sinh viên các cơ sở đào tạo Đại học, Cao đẳng; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương; thành viên, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên của Ban Chỉ đạo 35 các cấp; sĩ quan, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang; cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương; đoàn viên, thanh niên của các tổ chức đoàn ở Trung ương và địa phương.
Các tác phẩm dạng viết, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 02 tác phẩm tham gia dự thi gồm: 01 bài viết chính luận loại hình Tạp chí (Tạp chí in hoặc Tạp chí điện tử) và 01 bài viết chính luận loại hình Báo (Báo in hoặc Báo điện tử). Mỗi bài viết gửi tham gia dự thi gồm bản in (khổ A4) và file mềm (định dạng Microsoft Word).
Các tác phẩm dạng âm thanh, hình ảnh, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm dự thi: 01 tác phẩm loại hình báo nói (phát thanh); 01 tác phẩm loại hình báo hình (truyền hình) và 01 tác phẩm dưới dạng video clip. Mỗi tác phẩm dự thi gồm file âm thanh/hình ảnh và bản in kịch bản văn học (định dạng Microsoft Word).
3. Tác phẩm dự thi là tác phẩm sáng tạo lần đầu, chưa từng được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội trước thời điểm phát động Cuộc thi. Các tác phẩm dạng viết phải bảo đảm tỷ lệ không trùng lặp theo quy định (không trùng lặp quá 20% đối với thể loại Tạp chí, không trùng lặp quá 25% đối với thể loại Báo so với các công trình đã công bố của chính tác giả/nhóm tác giả hoặc của tác giả/nhóm tác giả khác). Sau khi gửi tác phẩm dự thi về Ban Tổ chức, tác giả/nhóm tác giả có thể đăng tải tác phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng phải thông báo cho cơ quan đã nhận tác phẩm dự thi và gửi minh chứng kèm theo.
4. Chủ đề tác phẩm tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, như: giá trị khoa học, cách mạng và thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những đề xuất bổ sung, phát triển; bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ và thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở các ngành, địa phương, lĩnh vực.
4. Ban Tổ chức nhận tác phẩm dự thi bắt đầu từ khi phát động Cuộc thi (ngày 01/02/2023) cho đến hết ngày 31/07/2023 (tính theo dấu bưu điện). Lễ công bố và trao giải cuộc thi được tổ chức vào tháng 10/2023, nhân dịp sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Các tác giả/nhóm tác giả có tác phẩm dự thi gửi cho Ban Tổ chức theo các đầu mối như sau:
- Các tác giả/nhóm tác giả là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc các ban, bộ, ngành Trung ương gửi tác phẩm dự thi về đầu mối Ban Chỉ đạo 35 các ban, bộ, ngành Trung ương (nêu tại mục 3, phần V Kế hoạch Cuộc thi).
- Các tác giả/nhóm tác giả là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, ban, ngành địa phương và nhân dân đang sinh sống tại địa phương gửi tác phẩm dự thi về đầu mối Ban Chỉ đạo 35 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các tác giả/nhóm tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài gửi tác phẩm dự thi về Bộ Ngoại giao Việt Nam (qua Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài).
- Các tác giả/nhóm tác giả không thuộc đối tượng trên gửi tác phẩm dự thi trực tiếp về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Trung ương theo địa chỉ: Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 135 Nguyễn Phong Sắc (hoặc số 419 Hoàng Quốc Việt), phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Điện thoại: 080.41053 hoặc 0909.581.987, email: thiviet35hcma@gmail.com.
5. Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao giải theo 03 loại hình tác phẩm dự thi là: Loại hình bài Tạp chí, loại hình Báo và loại hình phát thanh/truyền hình/video clip. Mỗi loại hình gồm: 01 giải Đặc biệt, 03 giải A, 05 giải B, 07 giải C, 10 giải Khuyến khích. Đồng thời, Ban Tổ chức trao 15 giải Tập thể xuất sắc cho các cơ quan, tổ chức, địa phương có quá trình tổ chức triển khai cuộc thi sâu rộng, sáng tạo tại cơ sở, phục vụ có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị Khóa XII tại địa phương, cơ quan, đơn vị; có nhiều sản phẩm tham gia dự thi đạt chất lượng tốt, trong đó có ít nhất 01 tác phẩm đạt giải B trở lên.
Ngoài giải chính thức, Ban Tổ chức Cuộc thi trao tặng 15 giải Triển vọng cho tác phẩm dự thi của tác giả/nhóm tác giả là đoàn viên, thanh niên, sinh viên lọt vào vòng Chung khảo và có số điểm cao nhất trong số tác phẩm của đoàn viên, thanh niên, sinh viên.