Thể thao Việt Nam nhìn từ Olympic 2024: Báo động đỏ về sự sa sút
Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic 2024 nhưng điều đáng lo hơn cả là sự sa sút ở khả năng cạnh tranh và không còn mũi nhọn để tranh chấp huy chương.
Không có mũi nhọn
Thể thao Việt Nam 3 lần không có mặt trên bảng tổng sắp huy chương ở Olympic 2004, 2021 và 2024 trong 7 kỳ đại hội đã diễn ra. Việc trắng tay ở đấu trường lớn nhất thế giới không phải thảm họa nhưng điều khiến tất cả cùng lo lắng, đó là sự sa sút về khả năng cạnh tranh ở các môn thế mạnh hoặc đã trở thành mũi nhọn giành được thành tích tốt ở các môn bắn súng, cử tạ và Taekwondo.
Kết quả thi đấu tại Paris vừa qua, ngoại trừ một chút tiếc nuối với Trịnh Thu Vinh ở nội dung súng ngắn hơi 10m nữ khi đã áp sát vị trí có huy chương nhưng không thành công. Còn lại, phần lớn kết quả các cuộc thi đấu đều không có bất ngờ khi khoảng cách trình độ giữa các tuyển thủ Việt Nam với đối thủ là quá lớn và không thể san lấp.
8 năm trước đây, bắn súng kiến tạo nên kỳ Olympic thành công nhất trong lịch sử Thể thao Việt Nam (đến lúc này) nhưng sau Hoàng Xuân Vinh là khoảng trống về lực lượng kế cận có độ ổn định về năng lực và bản lĩnh gánh vác trọng trách ở đấu trường thế giới. Bước đà được tạo ra từ năm 2016 chưa đủ trở thành sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của cả bộ môn và 2 kỳ đại hội gần nhất bắn súng đều không thể mang về huy chương tại Thế vận hội.
Tương tự ở môn cử tạ, HCB của Hoàng Anh Tuấn (năm 2008), rồi HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn (2012) đã khẳng định hạng cân nhỏ nhất trong cuộc thi đấu ở Olympic là mũi nhọn của Thể thao Việt Nam. Nhưng cũng từ đó đến nay, không xuất hiện đô cử đủ năng lực cạnh tranh huy chương ở hạng 61kg (thay thế hạng 56kg).
Cử tạ Việt Nam thất bại ở 3 kỳ đại hội gần nhất và số lượng VĐV giành suất cũng có sự giảm sút. Trịnh Văn Vinh với nỗ lực vượt qua chấn thương và tuổi tác để trở lại nhưng điều đó là chưa đủ để biến hy vọng giành huy chương trở thành hiện thực, trong bối cảnh trình độ các đối thủ đã có thành tích cao hơn hoặc đang ngày một tiến bộ.
Hay như với Taekwondo môn võ mang về tấm huy chương đầu tiên cho Thể thao Việt Nam ở Olympic nhưng đến thời điểm hiện tại ngày càng sa sút. Taekwondo Việt Nam thất bại trong việc giành vé dự Olympic 2024 và lần thứ 2 vắng mặt ở Thế vận hội (lần đầu là năm 2016).
Sự sa sút năng lực cạnh tranh ở các môn mũi nhọn đã khiến cơ hội tranh huy chương Olympic trở nên mong manh. Trong khi đó, ở các môn thể thao dựa trên sức mạnh, sức nhanh và sức bền như bơi, điền kinh, xe đạp, rowing, canoeing, các tuyển thủ Việt Nam còn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thành tích ở châu lục, chứ chưa thể vươn đến thế giới.
Ở những môn thiên về kỹ thuật, kỹ năng, độ khó cao như cầu lông, bắn súng, bắn cung cũng tương tự. Nỗ lực được ghi nhận qua các tấm vé chính thức mà các tuyển thủ rất vất vả mới giành được qua hành trình dài ở vòng loại nhưng để chạm đến tấm huy chương ở Olympic lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Kết quả thi đấu vừa qua dù đáng buồn nhưng cũng cần hiểu rằng, đó là những gì Thể thao Việt Nam phải hoặc sẽ nhận được dựa trên chính thực lực. 3 năm trước Thể thao Việt Nam không giành được huy chương ở Tokyo và giờ đây vắng mặt trên bảng tổng sắp tại Paris, trước hết phản ánh sự chuẩn bị chưa đáp ứng được yêu cầu có VĐV đủ năng lực giành huy chương.
Làm lại từ danh sách trọng điểm
16 tuyển thủ tới Paris (14 suất chính thức, 2 suất đặc cách) ở 11 môn của Thể thao Việt Nam là kết quả của quá trình đầu tư trọng điểm trong một kế hoạch liên thông của 16 môn từ SEA Games đến ASIAD và kết tinh là Olympic. Đây cũng là cách mà ngành thể thao thực hiện từ nhiều năm qua và thực tế đã có thời điểm thành công qua việc giành 6 huy chương Olympic các năm 2000, 2008, 2012 và 2016.
Dù vậy, như đã đề cập ở trên, việc Thể thao Việt Nam đánh mất mũi nhọn khiến năng lực cạnh tranh huy chương giảm sút, thành tích ở Olympic thiếu sự định và nguy cơ trắng tay luôn hiện hữu. Điều này cũng thể hiện qua số lượng VĐV giành vé chính thức sụt giảm kể từ 2 kỳ đại hội gần đây. Từ 23 VĐV ở năm 2016, còn 18 VĐV ở kỳ đại hội năm 2021 và còn 16 VĐV vào năm 2024.
Những khó khăn trên hành trình chinh phục đấu trường lớn cũng được dự báo trước ngay sau ASIAD 19 kết thúc cách đây 7 tháng, khi Thể thao Việt Nam xếp sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore dù vừa dẫn đầu khu vực ở 2 kỳ SEA Games gần nhất. Trong đó, thất bại và việc không giành tích cao ở rất nhiều môn, nội dung được đầu tư trọng điểm là nguyên nhân hàng đầu.
"Từ kết quả thi đấu ở Olympic 2024, cần có sự rà soát và đánh giá lại tổng thể về danh sách đầu tư trọng điểm để Thể thao Việt Nam đủ khả năng giành thành tích cao ở đấu trường lớn như châu lục và thế giới. Đầu tư cho môn nào, nội dung gì và cụ thể cho ai, phải được xác định rất rõ ràng", nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn chia sẻ.
Nhìn vào kết quả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, việc giành được huy chương tại Olympic 2024 cũng chỉ dựa trên một số lượng tuyển thủ rất hạn chế nhưng được đầu tư, mài giũa trở thành mũi nhọn. Điển hình như với Carlos Yulo giành 2 HCV môn thể dục (nội dung nhảy chống và thể dục tự do) cho Philippines.
Hoặc như Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) đã trở nên "vô đối" ở hạng 49kg môn Taekwondo với 2 lần giành HCV ở 2 kỳ Olympic gần nhất. Ngoài ra, Indonesia lần đầu giành được HCV ở hạng 73kg với đô cử Rizki Juniansyah mới 19 tuổi nhưng cũng ở môn thế mạnh nhiều năm qua là cử tạ. Dù thất thế nhưng Malaysia vẫn có được 2 HCĐ cầu lông vốn là môn sở trường.
Với Thể thao Việt Nam, danh sách đầu tư trọng điểm với 16 môn cho ASIAD và Olympic từ nhiều năm qua đã đến lúc cần được rà soát lại. Chắc chắn, sẽ phải có "trọng điểm của trọng điểm", nếu không sẽ tạo ra sự dàn trải, không đem lại kết quả như ý muốn và lãng phí nguồn lực vốn đã eo hẹp. Trong đó, việc không giành được huy chương ở 2 kỳ Olympic liên tiếp là minh chứng cụ thể.
Trong bối cảnh khả năng xã hội hóa, thu hút nguồn tài trợ ở phần lớn môn thể thao chưa đem lại hiệu quả, sự đầu tư kinh phí từ Nhà nước cũng chỉ có mức độ và so sánh điểm mạnh, điểm yếu với thể thao thế giới, Thể thao Việt Nam cần tính toán lại, lựa chọn con người và nội dung phù hợp để biến thành mũi nhọn để nhen nhóm trở lại hi vọng giành huy chương ở kỳ Olympic diễn ra vào 4 năm tới đây.
THÀNH TÍCH ĐOÀN THỂ THAO VIỆT NAM TẠI OLYMPIC 2024
* Bắn súng:
1. Trịnh Thu Vinh
- Súng ngắn hơi 10m nữ: Vòng loại: 578 điểm; Chung kết: 198,6 điểm. Hạng 4 chung cuộc.
- Súng ngắn thể thao 25m nữ: Vòng loại: 585 điểm; Chung kết: 16 điểm. Hạng 7 chung cuộc.
2. Lê Thị Mộng Tuyền
- Súng trường hơi 10m nữ: Thành tích 621,1 điểm. Xếp hạng 40/43 vòng loại.
* Bơi:
3. Nguyễn Huy Hoàng
- 800m tự do nam: Thành tích 8 phút 8 giây 39. Hạng 28/31 vòng loại.
- 1.500m tự do mam: Thành tích 15 phút 18 giây 63. Hạng 21/24 vòng loại.
4. Võ Thị Mỹ Tiên
- 200m hỗn hợp cá nhân nữ: Thành tích 2 phút 17 giây 18. Hạng 27/33 vòng loại.
* Điền kinh:
5. Trần Thị Nhi Yến
- 100m nữ: Thành tích 11 giây 79. Hạng 59/72 vòng loại.
* Cầu lông
6. Nguyễn Thùy Linh
- Đơn nữ: Xếp thứ 2 bảng K
7. Lê Đức Phát
- Đơn nam: Xếp thứ 2 bảng K
* Quyền Anh:
8. Võ Thị Kim Ánh
- Hạng -54kg nữ: Vòng 1/32.
9. Hà Thị Linh
- Hạng -60kg nữ: Vòng 1/16.
* Xe đạp
10. Nguyễn Thị Thật
- Xe đạp đường trường nữ: Thành tích 4 giờ 10 phút 47 giây. Hạng 73/78 chung cuộc.
* Rowing:
11. Phạm Thị Huệ
- Thuyền đơn nữ hạng nhẹ: Thành tích 7 phút 47 giây 84. Hạng 5/6 chung kết D.
* Canoeing:
12. Nguyễn Thị Hương
- Thuyền C1 200m nữ: Thành tích 49 giây 09. Dừng bước tại vòng tứ kết.
* Judo:
13. Hoàng Thị Tình:
- Hạng 48kg nữ: Vòng 1/16.
* Bắn cung:
14. Đỗ Thị Ánh Nguyệt
- Cá nhân nữ: Vòng 1/32.
15. Lê Quốc Phong
- Cá nhân nam: Vòng 1/32
* Cử tạ:
16. Trịnh Văn Vinh
- Hạng 61kg: Không xếp hạng do không hoàn thành phần thi đấu.