Thêm 50.000 tỷ đồng, bất động sản liệu có "tan băng"?

26/03/2014 16:53

Ngày 25-3, tại TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và một số ngân hàng đã tổ chức họp báo, cam kết một gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho ngành xây dựng thông qua chuỗi liên kết "4 nhà". Trong bối cảnh gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 4%, liệu gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết này có khơi thông được dòng chảy trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản đang đương đầu với khó khăn hay vẫn chỉ là kỳ vọng?

Tạo lập lại niềm tin

Ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB cho biết, chương trình do VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh Group tổ chức và làm đầu mối hướng tới mở thêm kênh tiếp cận vốn cho DN đầu tư BĐS. Đây là chuỗi liên kết “4 nhà” gồm: Chủ đầu tư - nhà cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) - nhà thầu - ngân hàng. Hiện đã có các ngân hàng gồm BIDV, Agribank, VietinBank, LienvietPostbank, ACB, VPN, Oceanbank, Sacombank, MB tham gia với tổng giá trị cam kết cho vay là 50.000 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Quất, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh Group cho rằng, thông qua chuỗi liên kết sẽ giúp dòng tiền đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích giúp hàng hóa lưu thông tốt hơn. Với chương trình này, nguồn tiền không tung ra trên thị trường lưu thông mà được luân chuyển từ đơn vị người mua đến tài khoản người bán theo tiến độ công trình nhập vật tư. Do đó, không lo nguồn vốn vay bị chủ đầu tư dự án thực hiện sai mục đích. Các nhà kinh doanh BĐS cũng có lợi hơn. Trước đây khi các đơn vị có nhu cầu VLXD riêng lẻ thì đến các nhà cung ứng. Khi tham gia chuỗi thì Thiên Thanh sẽ đại diện kết nối bên mua - bên bán. Khi có nhiều khách hàng, tiêu thụ một lượng hàng lớn, ổn định thì giá sẽ giảm, từ đó sẽ dẫn đến suất đầu tư dự án giảm.

 Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tác động tốt đến thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng. Ảnh: Huy Hùng.
Gói tín dụng 50.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tác động tốt đến thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng. Ảnh: Huy Hùng.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận xét, thị trường BĐS đang khó khăn và càng khó khăn hơn khi niềm tin trên lĩnh vực xây dựng cơ bản không còn: Nhà thầu thi công không tin chủ đầu tư có vốn trả cho họ; người cung cấp VLXD không tin nhà thầu thi công nên không bán hàng, người mua nhà không tin chủ đầu tư có năng lực để tiếp tục rót vốn… vì thế thị trường đã khó càng khó hơn. Khi tham gia chuỗi liên kết, ngân hàng sẽ xâu chuỗi lại, quản lý giám sát để dòng tiền đi đúng hướng, tiền ngân hàng cho chủ đầu tư vay sẽ chỉ được trả cho thi công, cho VLXD… từ đó tạo lập lại niềm tin với nhau. Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, đây là một sản phẩm tốt để thúc đẩy và giải phóng tồn kho của XDCB, vốn liên quan đến hơn 200 ngành nghề.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, trước đây đã có những ngân hàng cho vay theo chuỗi liên kết nhưng chỉ là một số ngân hàng đơn lẻ và không liên kết với lĩnh vực xây dựng. Chuỗi liên kết lần này là một trong những giải pháp đóng góp vào khơi thông thị trường BĐS. NHNN rất ủng hộ mô hình này và sẽ nghiên cứu đưa ra các chính sách phù hợp để phát triển sản phẩm này, cho nhiều ngân hàng tham gia.

Có "cứu" được thị trường BĐS?

Đối với gói 50.000 tỷ đồng, công tác thẩm định và yêu cầu dự án tuân thủ theo nguyên tắc tín dụng thông thường. Lãi suất theo mặt bằng lãi suất thị trường. Một trong những đối tượng, chuỗi liên kết hỗ trợ tập trung là những dự án đang thi công dở dang, tiếp tục có nguồn vốn triển khai tiếp công trình để đưa sản phẩm ra thị trường, giúp giảm tồn kho bất động sản. Đánh giá tác động của gói 50.000 tỷ đồng tới thị trường BĐS, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng: "Gói tín dụng này sẽ tạo ra lãi suất và giá VLXD mềm hơn; tiến độ thi công và đồng tiền xoay vòng mau hơn, niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm cao hơn. Có thể giai đoạn đầu thực hiện không có hiệu quả cao nhưng sẽ tác động tốt đến thị trường bất động sản cũng như thị trường VLXD. Người tiêu dùng cũng sẽ có lợi khi có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường hơn, mặt khác dòng tiền trong gói 50.000 tỷ đồng này không chỉ "bơm" cho các dự án mà còn cho người dân vay sửa sang, cơi nới nhà cửa…

Nhà đầu tư bất động sản sẽ có lợi khi chuỗi liên kết “4 nhà” được thực hiện.
Nhà đầu tư bất động sản sẽ có lợi khi chuỗi liên kết “4 nhà” được thực hiện.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, hiện cũng đã có 7 NHTM đăng ký với NHNN với khoảng 70.000 tỷ đồng. Nếu kết hợp hai dòng tiền này thì sẽ có khoảng 120.000 tỷ đồng cho thị trường BĐS và VLXD. Đây được xem là động thái tích cực cho lĩnh vực xây dựng cơ bản, tuy nhiên việc thực hiện phụ thuộc vào các chủ đầu tư với các dự án để ngân hàng có quyết định cung cấp tín dụng hay không vì đây là nguồn vốn tín dụng bình thường, trong nền kinh tế, được quản lý bởi chuỗi liên kết "4 nhà" chứ không phải nguồn vốn ưu đãi.

Bộ Xây dựng không liên quan tới gói tín dụng 50.000 tỷ đồng

Ngày 25-3, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng không chủ trì, nghiên cứu, liên quan đến gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Cũng như thông tin về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng trước đó, Bộ Xây dựng nhắc lại, trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ không nghiên cứu đề án hỗ trợ thị trường bất động sản có gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết 02/CP của Chính phủ.

Tính khả thi của dự án quyết định việc vay vốn

Trả lời câu hỏi về thực trạng gói 30.000 tỷ đồng chỉ mới giải ngân 4%, liệu gói 50.000 tỷ đồng có được giải ngân nhanh hay không? Ông Phan Thành Mai - Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng, cho biết, gói 30.000 tỷ đồng là gói vay ưu đãi dành cho người thu nhập thấp, còn gói 50.000 tỷ đồng là gói tín dụng thương mại hoàn toàn bình thường, vì vậy việc tiếp cận được vốn vay trong chương trình hay không là tùy thuộc vào tính khả thi của dự án và thẩm định của ngân hàng.

Theo QĐND

Mới nhất
x
Thêm 50.000 tỷ đồng, bất động sản liệu có "tan băng"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO