Thêm một bằng chứng về nguyên văn bài thơ “Nam quốc sơn hà”
(Baonghean) - Mộc bản triều Nguyễn là những bản khắc gỗ khắc chữ ngược dùng để nhân bản tài liệu. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại và được đưa vào Chương trình “Ký ức thế giới” vào ngày 30 tháng 7 năm 2009.
Khối Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt, Lâm Đồng) có nội dung rất phong phú, thể hiện nhiều mặt trong cuộc sống xã hội triều Nguyễn cũng như các triều đại khác. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy và có tính chính xác cao. Trong 34.618 tấm Mộc bản, có một bản khắc bài “Nam quốc sơn hà”. Đây là bản khắc gỗ cổ nhất bài thơ “Nam quốc sơn hà” còn lại cho đến ngày nay.
Bản khắc gỗ và bản dập bài “Nam quốc sơn hà” trong Mộc bản triều Nguyễn tại khu trưng bày ngoài trời (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV – Đà Lạt).
Có nhiều giả thuyết cho rằng bài thơ “Nam quốc sơn hà” đã có trước đó, nhưng đến khi cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược của quân dân nhà Lý thì bài thơ này mới được nhắc đến khi Lý Thường Kiệt cho người vào đền Trương Hống, Trương Hát ngâm vang bài thơ. Vào lúc cuộc chiến chống quân Tống xâm lược đang diễn ra vô cùng quyết liệt, Nam quốc sơn hà - một bài thơ bất hủ để cổ vũ tinh thần binh sĩ đã như một thông điệp nhắn nhủ với quân xâm lược sẽ chuốc lấy thất bại nếu xâm phạm bờ cõi Đại Việt. Sách “Việt điện u linh” phản ánh: “Đang đêm nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đảm, không đánh cũng tan”.
Bài thơ “Nam quốc sơn hà” khẳng định chân lý hùng hồn: Nước Nam là một quốc gia lãnh thổ riêng, cương giới rạch ròi, quyền độc lập tự chủ của dân tộc là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Đi vào lịch sử, bài thơ được coi như bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của dân tộc ta sau hơn một ngàn năm bị phong kiến nước ngoài đô hộ.
Là một bài thơ tứ tuyệt vô đề, “Nam quốc sơn hà” chỉ là 4 chữ đầu trong bài thơ được ta lấy làm tiêu đề. Bài thơ vẻn vẹn 28 chữ, nhưng rất tiếc là suốt nhiều thế kỷ qua đã có nhiều người đọc không đúng và hiểu không đúng. Trước hết là về cách hiểu đối với câu thơ thứ nhất: “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”. Câu này được hầu hết sách giáo khoa dịch là: Sông núi nước Nam, vua Nam ở. Chữ Đế mà dịch là Vua thì không đúng, bởi trong lịch sử dân tộc, các bậc nắm quyền điều khiển vận mệnh quốc gia xưa kia của chúng ta thường xưng là Hoàng đế (gọi tắt là Đế). Hoàng đế là ngôi cao nhất, ngôi có quyền phong cho nhiều người làm Vua, nhưng Vua thì không bao giờ có quyền phong cho ai làm Hoàng đế. Do vậy, dịch Đế là Vua cũng có nghĩa là chưa thấy hết niềm tự tôn và tự tin rất mãnh liệt của tổ tiên.
Theo Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Đà Lạt, câu thứ hai có nguyên văn “Tiệt nhiên phân định tại thiên thư”, còn các sách giáo khoa thường in nguyên văn là “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Như vậy, các sách đã in sai nguyên văn câu này. Từ việc sai nguyên văn bài thơ sẽ dẫn đến sai về nghĩa. “Tiệt nhiên phân định tại thiên thư” có nghĩa là điều hiển nhiên ấy đã được phân chia rõ ràng tại sách trời. Còn nếu là “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” thì sẽ không có nghĩa như vậy, “định phận” sẽ không hợp lý và làm bài thơ giảm tính chất khẳng định chủ quyền đất nước mà tinh thần bài thơ muốn truyền tải. Không giống nhau chỉ có hai chữ (“định phận” và “phân định”) nhưng ý nghĩa thì rất nhiều khác biệt. “Định phận” mang hàm ý là được trời ban, được thừa hưởng một ân huệ tự nhiên nào đó. Ngược lại, “phân định” mang ý nghĩa chủ yếu là phản ánh năng lực tự xác lập và khẳng định, phản ánh một nội lực vươn lên rất rõ ràng. Là một tác phẩm đặc biệt (được xem như là bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất của dân tộc) nên việc tôn trọng nguyên bản là rất có ý nghĩa. Vậy, với ý thức tôn trọng nguyên bản, lời tạm dịch thơ có thể là: “Sông núi nước Nam, Nam Đế ở/ Rành rành phân định ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc dám xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Bản khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” trong khối Mộc bản triều Nguyễn nằm trong bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư. Bản khắc bài thơ này gồm 1 trang (trang 9), quyển 3, thời Lý Nhân Tông, bản khắc còn rất rõ ràng. Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sách lịch sử được ra đời dưới triều hậu Lê. Mộc bản triều Nguyễn không chỉ có những bản khắc ở triều Nguyễn mà còn có những bản khắc được đưa về từ Quốc Tử Giám (Thăng Long) dưới hai triều vua Minh Mạng và Thiệu Trị, hoặc là những bộ sách của các triều đại trước mà nhà Nguyễn cho khắc lại nguyên văn. Dù được khắc ở triều hậu Lê hay ở triều Nguyễn, thì đây vẫn là bản khắc gỗ cổ nhất bài “Nam quốc sơn hà” còn lại cho đến ngày nay. Qua Mộc bản triều Nguyễn, chúng ta hiểu rõ hơn về tinh thần bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”.
Lê Khắc Niên (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Số 2 - Yết Kiêu - phường 5 - Đà Lạt - Lâm Đồng)