Thêm nỗi đau từ...rượu
Theo thống kê mới nhất, việc sử dụng rượu, bia không chỉ gây ra gần một nửa số ca tử vong do tai nạn giao thông mà việc lạm dụng nó đã khiến nhiều người bị nghiện, rối loạn tâm thần. Hơn 10% giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần hiện nay dành cho bệnh nhân loạn thần vì rượu. Những câu chuyện, thống kê ghi lại tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An hy vọng sẽ giúp bạn đọc phần nào hiểu thêm về những nỗi đau từ...rượu.
(Baonghean) - Theo thống kê mới nhất, việc sử dụng rượu, bia không chỉ gây ra gần một nửa số ca tử vong do tai nạn giao thông mà việc lạm dụng nó đã khiến nhiều người bị nghiện, rối loạn tâm thần. Hơn 10% giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần hiện nay dành cho bệnh nhân loạn thần vì rượu. Những câu chuyện, thống kê ghi lại tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An hy vọng sẽ giúp bạn đọc phần nào hiểu thêm về những nỗi đau từ...rượu.
Chuyện ghi ở Khoa 5
Người đàn ông đứng tựa cửa buồng bệnh, nhìn tất cả mọi người xung quanh với ánh mắt vụt sáng: "Quán hôm nay đông khách quá, nhanh tay lên đi". Một người bệnh khác cười lớn: "Ông ơi, trại tâm thần chứ quán nào nhà ông". Người đàn ông dường như không thèm để ý, vẫn giục nhân viên và tự giục mình rối rít đưa thức ăn cho người nọ, người kia. Hỏi chuyện được biết, "ông chủ quán" vốn là một chủ quán rượu ở Quế Phong. Ông vừa được đưa vào Khoa 5, hay còn gọi là Khoa Cấp cứu hồi sức-chống độc và cai nghiện của Bệnh viện Tâm thần do bị mất trí nhớ sau một quá trình dài nghiện rượu. Bà vợđi theo xuống chăm chồng thở dài: "Ông ấy không còn nhớ ai nữa, đến cả tôi và các con mà ông ấy vẫn... mời vào quán uống rượu".
Ở phòng khác, một thanh niên đang ngồi chăm chú... bắt kiến trên hai cánh tay của mình trong khi một người đàn ông trung tuổi thì tìm mọi cách đập rắn rết đang bò trên tường và xung quanh giường. Có tiếng người quát tháo tìm đèn pin để soi... đường đi, sợ xung quanh nhiều hiểm nguy rình rập. Có người thì lầm bầm vì tin chắc giờ này vợđang đi... ngoại tình (trong khi người vợđang xuống nhà ăn bệnh viện mua cơm cho chồng).
Nằm truyền dịch trên giường, trong khi hai tay, hai chân vẫn đang bị buộc bằng sợi dây vải vào thành giường, bệnh nhân Trần Đình C. (Đại Thành, Yên Thành) từ từ mở mắt. Người mẹ già ngồi bên cạnh giải thích: "Hôm qua đưa vào nó đập phá quá, đánh cả tôi và thằng bé con theo bố xuống viện. Năm trước, khi thấy tình hình nó nghiện rượu nặng, run cả tay chân, tôi đã bắt nó cai rượu bằng thuốc. Ấy vậy mà bây giờđâu lại vào đấy. Đi làm thuê ở những công trình, công nhân lúc nào chả có chai rượu lai rai. Thằng con vừa mới nghỉ hè, cháu học tốt lắm, vậy mà chưa được nghỉ ngày nào đã phải theo bố và bà nội xuống viện. Vợ nó thì đi xuất khẩu lao động ở Nga mấy năm rồi, cảnh gà trống nuôi 3 đứa con nhỏ cũng tội. Chả có ai chăm, tôi là mẹ phải từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) vào đây. Mong nó nhanh khỏe để tôi phải về làm mùa". 37 tuổi, anh C đã có "thâm niên" gần 20 năm uống rượu. Mấy năm nay, anh có biểu hiện nghiện, "cứ thấy rượu là uống, uống nhiều lần trong ngày. Uống vô là run tay, run chân, ăn nói lắp bắp, lẫn lộn lung tung." Đã từng quyết tâm cai, nhưng vẫn phải đi làm kiếm sống, lại vẫn được uống, càng tiện hơn khi trước nhà anh có quán bán rượu. Ma men lại đưa đường dẫn lối để anh lún sâu hơn vào rượu. Phút tỉnh dậy hiếm hoi này, anh C đưa mắt tìm con trai đầy buồn bã, hối hận.
Ở giường bệnh bên cạnh, bệnh nhân Nguyễn Quang X, 45 tuổi (Nghi Hoa, Nghi Lộc) góp chuyện mình: "Tôi thì cũng biết đến rượu từ thuở mười tám đôi mươi, từ khi đi làm phu hồ. Bữa nào chủ nhà cũng cho cánh thợ chai rượu. Sau này cũng thế, đi phun thuốc thuê, đào ao thuê cho họ, bữa nào cũng được uống, ít nhất cũng có tấm bánh đa, lạc rang làm mồi. Tôi tự thấy mình nghiện rượu nặng từ 4 năm nay, khi uống rất nhiều rượu vào mà vẫn... nhạt (không đủđộ). Vừa rồi đi liên hoan, quá chén. Cũng không nhớ là vì sao mình được đưa tới đây nữa. Nghe kể là say, vã bọt mép, lên cơn nên được mọi người bồng lên xe, chạy thẳng xuống đây. Mong rằng đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối phải vào bệnh viện tâm thần"
Những con số giật mình
Hiện nay, tình trạng rối loạn, loạn thần do rượu ngày càng gia tăng, bệnh nhân tâm thần do rượu chiếm trên 10% giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần. Năm 2011, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An tiếp nhận điều trị 345 ca loạn thần do rượu trên tổng số 4296 ca toàn viện, 5 tháng đầu năm tiếp nhận 130 ca trên tổng số 1649 ca. Bác sỹ Nguyễn Đức Cường- Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức- Chống độc và cai nghiện của Bệnh viện cho biết, hiện tại khoa đang có 48 bệnh nhân điều trị thì đã có tới 40 bệnh nhân loạn thần do rượu và đây chưa phải là dịp "cao điểm". Có những tháng cao điểm như khi ra Tết, giáp hạt, khoa tiếp nhận tới 70-80 bệnh nhân nhập viện vì... rượu. Đa số bệnh nhân là nam giới trong độ tuổi lao động (trung niên là đông nhất) và là nông dân hoặc lao động tự do. Cũng có những trường hợp là công chức nhà nước (phần lớn là cán bộ, giáo viên vùng miền núi). Đây cũng chỉ là "phần nổi' của tảng băng chìm, vì còn rất nhiều người bị rối loạn hành vi, loạn thần vì rượu không tới viện. Chính vì sự gia tăng nhanh chóng của căn bệnh này mà Bệnh viện Tâm thần đã quy hoạch khu vực điều trị riêng biệt từ năm 1998, ban đầu với tên gọi Khoa Bệnh nhân nặng, cai nghiện ma túy và giám định pháp y tâm thần với quy mô 20 giường bệnh. Những năm gần đây, khoa đổi tên thành Cấp cứu hồi sức - Chống độc và cai nghiên ma túy với lượng bệnh nhân tăng cao từ 40- 80 giường bệnh. Bệnh nhân chủ yếu nghiện rượu mãn với biểu hiện loạn thần, hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế.
Nhiều trong số này đều có nhiều bệnh đi kèm như gan, thận, huyết áp... nhưng biểu hiện bệnh tâm thần khi nhập viện là nổi trội hơn cả. Chính vì thế, sau khi điều trịổn định về tâm thần, nhiều bệnh nhân phải nhập viện đa khoa đểđiều trị tiếp những căn bệnh khác mà nguyên nhân chủ yếu cũng do rượu gây nên. Điều nguy hiểm, là rất nhiều bệnh nhân nghiện rượu và mắc bệnh nhưng vì đang có khả năng mua rượu uống nên vẫn... bình thường. (Số này rơi vào không ít công chức nhà nước vì có thu nhập tương đối ổn định). Chỉđến khi cơ thể bị tàn phá bởi các căn bệnh khác và khi bị dừng rượu đột ngột thì mới thấy rõ biểu hiện bệnh lý. Vì vậy, bệnh nhân đến viện vẫn chủ yếu là bệnh nhân nghèo, có nhiều người thậm chí không có người tới chăm sóc.
Mỗi bệnh nhân không chỉ là một câu chuyện về bệnh tật mà còn là câu chuyện dài về... con đường rượu và bi kịch gia đình. Bao nhiêu ly tán, bạo hành, thậm chí các vụ trọng án, những cái chết thương tâm cũng có sự góp phần của... rượu.
Mới đây, bệnh nhân Lang Văn S. (38 tuổi, dân tộc Thái) đến từ Quỳ Hợp ổn định được bệnh tâm thần nhưng lại mất vì bệnh gan khi chuyển viện. Những ngày nằm điều trị tại Khoa 5, bệnh nhân này không có người thân chăm sóc. Cũng vì không chịu đựng nổi người chồng suốt ngày say xỉn mà vợ anh S đã ôm con vào Nam từ nhiều năm nay. Dịp này, con trai anh S đã chuẩn bị lấy vợ nên về quê, mới có dịp vào viện thăm bốđược ít ngày và đồng thời phải chịu tang bố luôn. Các bác sỹ cũng kể không ít những cái chết thương tâm khác của người nghiện rượu, có người do thương tổn gan, thận, tim mạch, cũng có người mê sảng, phá phách kiệt sức. Cũng trong thời gian qua, bộ phận giám định pháp y tâm thần của bệnh viện đã phải giám định cho một trường hợp phạm tội đau lòng và kết quả là người phạm tội được miễn truy tố do bị bệnh lý nhiễm độc rượu khi gây án. Thủ phạm vụ trọng án giết người nguyên là một giáo viên huyện miền núi Tương Dương.
Trước đây hơn 10 năm, ông đã dùng dao chém chết con mình ngay cả khi đứa trẻ hét lên cầu xin: "Cha ơi, để cho con sống với". Bị kết án tù, sau khi trở về, trong một lần uống rượu (dù mới chỉ uống lượng rượu rất ít), nhưng ông nổi điên và dùng dao chém mẹđẻ của mình. Sau khi tỉnh rượu, ông đã ở trạng thái bất động sững sờ, không thể tin nổi chính mình đã gây ra bi kịch trên. Được biết, bình thường, người đàn ông này hết mực hiền lành và cũng không uống nhiều rượu. Theo lý giải của các bác sỹ thì đây là trường hợp nhiễm độc rượu bệnh lý. Những người này có thể chỉ cần uống một lượng rượu rất nhỏ nhưng đủ kích thích để biến thành một người hung bạo đột ngột và không thể nhận thức được hành vi nguy hiểm của mình. Trường hợp tâm thần bệnh lý do rượu này được miễn truy cứu trách nhiệm sau khi được giám định kỹ càng (khác với các trường hợp loạn thần gây án khác đang bị kiến nghị tăng nặng hình phạt)
Dừng lại, khi chưa muộn
Bác sỹ Phạm Ngọc Ngô- Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần, người đã từng có đề tài nghiên cứu về căn bệnh này cho hay: Các bệnh lý do rượu nằm trong nhóm bệnh lý nhiễm độc nghiện chất nói chung. Riêng các rối loạn tâm thần và hành vi do rượu có thể xếp theo các giai đoạn nhiễm độc: cấp tính, mãn tính và giai đoạn bệnh não do rượu. Các rối loạn thường gặp là: Say rượu thông thường, say rượu bệnh lý, nghiện rượu mãn tính, sảng rượu, loạn thần do rượu với ảo giác ưu thế, loạn thần do rượu với hoang tưởng ưu thế, sa sút do rượu, xung động uống rượu... Một người được xác định là nghiện rượu khi có từ 3 trong số 6 biểu hiện sau: thèm muốn mạnh mẽ hoặc cảm thấy buộc phải sử dụng rượu; khó khăn trong việc kiểm tra tập tính sử dụng rượu về mặt thời gian bắt đầu, kết thúc mức sử dụng rượu; hội chứng cai sinh lý xuất hiện sau khi việc sử dụng rượu bị ngừng hoặc bị giảm bớt; có bằng chứng về hiện tượng dung nạp rượu (dùng tăng dần); sao nhãng các thú vui trước đây mà thay thế bằng việc tìm đến, sử dụng rượu; nhận thức về hậu quả, tác hại của rượu mà vẫn sử dụng dẫn tới biến đổi về nhân cách.
Không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, mất khả năng lao động của bệnh nhân mà hiện tượng loạn thần do rượu còn có nguy cơảnh hưởng đến xã hội, giảm nguồn nhân lực, tăng tệ nạn và các hành vi xâm hại, mất an ninh trật tự, tăng gánh nặng trợ cấp xã hội. Tổ chức y tế thế giới đã chứng nhận chương trình chống rượu là một trong những nội dung trọng yếu của việc phòng chống các bệnh không nhiễm khuẩn, chương trình chống nghiện các chất độc và xếp tác hại của bệnh lý do rượu đứng sau tim mạch và ung thư.
Việc chữa trị cũng như quản lý những bệnh nhân loạn thần do rượu hiện nay còn vô vàn khó khăn. Theo bác sỹ Cường, các bệnh nhân vào khoa của anh hầu hết đều nghèo, thậm chí có nhiều người không có ai chăm sóc, việc nhận thức về căn bệnh còn rất hạn chế. Khi điều trị, các biểu hiện loạn thần do rượu sẽ khỏi rất nhanh, người bệnh có tâm lý muốn về ngay sau khi đỡ và như vậy rất dễ tái nghiện.
Thường người nghiện rượu bị loạn thần còn hay đi kèm với các bệnh nguy hiểm khác. Nhưng điều đáng quan tâm là nhiều người bệnh không có ý thức cai nghiện rượu. Và khi việc kiểm soát sản xuất rượu còn lỏng lẻo, rượu vô tưđược bày bán khắp nơi, bất cứ ai cũng có thể mua rượu. Nguy hiểm hơn, việc gặp gỡ giao lưu lấy rượu "làm đầu câu chuyện" như hiện nay thì lượng bệnh nhân nghiện rượu sẽ còn gia tăng và hậu quả của nó đối với xã hội là khôn lường. "Vì vậy, ngay từ bây giờ, mỗi cá nhân hãy tự bảo vệ mình và hạnh phúc gia đình bằng việc từ bỏ thói quen uống rượu hàng ngày. Đã đến lúc, căn bệnh uống rượu cần được xem xét như một yếu tố nguy cơ của xã hội", bác sỹ Phạm Ngọc Ngô chia sẻ.
Thùy Vinh