Thêm yêu bài thơ “Phong Kiều dạ bạc”
(Baonghean) - Trong chuyến du lịch và tác nghiệp ở Trung Quốc, đoàn Báo Nghệ An có dịp tới chùa Hàn Sơn. Dẫu không được nghe tiếng chuông chùa vào một chiều đông ở bến Phong Kiều, song trên tường dẫn có mái che lối vào Hàn Sơn tự là những tác phẩm Đường thi được viết trang trọng đã khiến du khách thêm yêu bài thơ bất hủ của Trương Kế: “Phong Kiều dạ bạc”.
Phiên âm:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Dịch thơ:
Trăng tà chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
(Tản Đà dịch)
Trương Kế, tự là Ý Tôn, quê ở Tương Châu (nay thuộc huyên Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc) sinh vào thời Thịnh Đường sang thời Trung Đường và mất khoảng trước và sau năm 756. Ông đỗ tiến sỹ và làm quan đến chức Từ Bộ viên ngoại lang, mất trong cảnh nghèo túng. Trong cuốn Trung hưng gian khí tập, Cao Trọng Tố nhận xét về thơ của Trương Kế rằng: “Thi thể thanh tân khác thường, tỉ hứng sâu sắc”. Như vậy, hậu thế có thể thấy ông được đánh giá cao trên thi đàn đương thời. Thơ của Trương Kế hiện còn 51 bài. Trong đó bài “Phong Kiều dạ bạc” được yêu thích nhất, còn lưu truyền mãi với thời gian.
Tháp chuông chùa Hàn Sơn
Bến Phong Kiều thuộc thành Cô Tô, nay là Thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Trong một đêm sương đầy trời, với nỗi buồn của người lữ thứ Trương Kế đã phác họa cảnh vật xóm bến, mờ tỏ ngọn lửa đèn trên thuyền chài, vẳng tiếng chuông chùa trong thanh vắng. Thời Sơ Đường, vị thi tăng (nhà sư- thi sỹ) Hàn Sơn từng trụ trì ngôi chùa cạnh bến Phong Kiều nên chùa được mang tên ông. Ai đến Tô Châu trong các tua du lịch tới Thượng Hải cũng không thể bỏ qua bến Phong Kiều và chùa Hàn Sơn. Nhiều đoàn khách Nhật Bản đã đi hàng ngàn cây số để đến Tô Châu chỉ để được nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn vào đêm giao thừa. Diệu phẩm “Phong Kiều dạ bạc” đã thực sự góp phần cho chùa Hàn Sơn thêm nổi tiếng, trở thành điểm cuốn hút du khách gần xa.
Hai câu đầu của bài thơ hàm súc nói về cảnh tượng lúc nửa đêm thì hai câu sau chỉ “đặc tả” tiếng chuông thong thả buông trong đêm tĩnh mịch, đem sự thanh bình đến chốn cô liêu cho mọi chúng sinh. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hải trong cuốn Bình giảng thơ Đường, thì “Cái thật ít ở hai câu sau đã “phổ độ” cho cái thật nhiều ở hai câu trước”, làm nên sự toàn bích của “Phong Kiều dạ bạc” để người đời thưởng thức.
Đến chùa Hàn Sơn, du khách hiểu thêm Phong Kiều dạ bạc. Bài thơ này nằm trong số 61 bài cổ thi in ở sách giáo khoa của các nhà xuất bản Nhân dân, Giáo dục, Xuất bản xã Bắc Kinh, Chiết Giang, Giang Tô… và được đưa vào chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học Trung Quốc. Đến chùa Hàn Sơn, ta cảm nhận vẻ đẹp của của bến Phong Kiều, nhờ đó làm giàu có hơn tâm hồn mình!
Phan Văn Toàn