Thêm yêu điệu ví quê mình...

30/11/2014 15:12

(Baonghean) - Giống như các loại hình văn hóa dân gian khác, ví dặm Nghệ - Tĩnh đã được thai nghén và ra đời từ đời sống sinh hoạt, lao động của những người dân lam lũ. Cụ thể hơn, ví, dặm Nghệ - Tĩnh được bắt nguồn một cách trực tiếp và diễn xướng trong chính môi trường lao động, sản xuất của những thợ rừng, thợ gặt, thợ cấy, của những người nuôi tằm, dệt vải; của những ngư dân, những người ngược nguồn, xuôi bè trên sông Lam, sông La.

Nó phảng phất, chan chứa đặc tính cộng đồng của núi sông, bờ bãi. Những ca từ luyến láy, dìu dặt ấy được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có những lúc uyển chuyển, biến đổi, nhưng sức sống của nó vẫn bền bỉ trong lòng người xứ Nghệ.

Ảnh minh họa: Đức Chuyên
Chương trình giao lưu tại Báo Nghệ An - Ảnh Đức Chuyên

Bạn tôi kể rằng, có lần giữa Hà Nội ồn ào, náo nhiệt, trong nỗi nhớ quê quay quắt cậu mở đĩa ví, dặm quê mình lên nghe, bất giác có tiếng chuông reo dưới cửa. Mở cửa ra, một người đàn ông trung tuổi đức trước mặt cậu hỏi bằng chất giọng đặc sệt dân “quê choa”: “Bác nghe thấy tiếng hát “quê choa” nên đoán cháu là đồng hương, không biết có phải rứa không?”. Bạn tôi trả lời câu hỏi đó bằng một tiếng chào “chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn”. Từ đó, cậu có thêm một người hàng xóm là đồng hương. Ở góc độ này, tiếng hát ấy đã kết nối cho hai con người xa quê tìm thấy nhau giữa thành đô ồn ã.

Khi còn là học sinh cấp 3, tôi đã từng đọc một bài báo kể về hành trình tìm về đất mẹ của một người cựu chiến binh, do ảnh hưởng từ cuộc chiến, người cựu chiến binh đó không thể nhớ được quê hương, bản quán mình ở đâu. Chú được một gia đình người Lào cưu mang. Đến khi sức khỏe đã dần được phục hồi, chiến tranh đã qua đi hàng thập kỷ, đó cũng là lúc khát vọng tìm về đất mẹ của người đàn ông này bùng lên dữ dội. Tuy nhiên, ký ức về quê hương của ông vẫn là những dòng thông tin rời rạc, chỉ đến khi ông tình cờ nghe được tiếng dân ca quê mình vang lên phảng phất từ phía núi xa, người đàn ông mới rướn người lên hào hứng và khẳng định đó là tiếng hát của quê mình. Từ thông tin quý giá đó, gia đình người Lào mới tìm được quê hương, người thân cho người cựu chiến binh nọ.

Tuy nhiên, giá trị của khúc hát quê hương trong những dẫn chứng ở trên vẫn chỉ là những tác động nhỏ, không mang tính phổ biến trong cộng đồng. Tính phố biến nhất mà ví, dặm đưa tới, đó là nằm ở nội dung của loại hình này. Nó phản ánh xã hội, lịch sử, thể hiện tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước… mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam. Kể cũng lạ, giữa một mảnh đất đầy khắc nghiệt với những “Thương quê mình xứ Nghệ, miền Trung đất khô cằn, mùa Đông trời buốt giá, mùa Hạ nắng cháy da. Ruộng đồng khô nứt nẻ, mưa đi không kịp về!”… thì những khúc ví, dặm ngân lên vẫn đầy da diết, lắng đọng, bay bổng như những bảng lảng chiều sương, dịu dàng như những thớ mây mỏng chiều trôi trên những thung sâu.

Ngôn từ trong những khúc ví, dặm cũng đầy tính giáo dục, bộc lộ tính cách, truyền tải mong ước của cộng đồng đối với các thế hệ.

Viết Thịnh

Mới nhất
x
Thêm yêu điệu ví quê mình...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO