Theo dấu thư bạn đọc: Dấu ấn 2012

02/01/2013 19:20

Một trong những giải pháp để Báo Nghệ An nâng cao chất lượng là cập nhật thông tin, bám sát cuộc sống của người dân, phản ánh những mô hình, điển hình, giải đáp những vướng mắc từ cơ sở. Năm 2012, Phòng Bạn đọc CTV Báo Nghệ An tiếp nhận trên 310 lượt công dân, đơn thư, hàng trăm công văn phản hồi, hồi âm từ các bài báo, 300 thông tin từ đường dây nóng với nhiều tâm tư, nỗi niềm gửi gắm vào tờ báo đảng tỉnh nhà.

(Baonghean) Một trong những giải pháp để Báo Nghệ An nâng cao chất lượng là cập nhật thông tin, bám sát cuộc sống của người dân, phản ánh những mô hình, điển hình, giải đáp những vướng mắc từ cơ sở. Năm 2012, Phòng Bạn đọc CTV Báo Nghệ An tiếp nhận trên 310 lượt công dân, đơn thư, hàng trăm công văn phản hồi, hồi âm từ các bài báo, 300 thông tin từ đường dây nóng với nhiều tâm tư, nỗi niềm gửi gắm vào tờ báo đảng tỉnh nhà.



PV Báo Nghệ An tìm hiểu cuộc sống bà con làng biển Nghi Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: P.V

Theo dấu thư bạn đọc, phóng viên Báo Nghệ An đã điều tra và chuyển tải đến bạn đọc phóng sự điều tra về những nhức nhối và sai phạm xung quanh việc làm giả hồ sơ để hưởng chính sách hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở các địa phương, trong đó có huyện Nghi Lộc. Đây có thể xem là phóng sự nóng, dài kỳ (gối từ năm 2011 và kéo dài đến cuối năm 2012), thu hút nhiều độc giả quan tâm và sự vào cuộc của các cấp, ngành trong tỉnh. Không chỉ dừng lại ở việc vạch ra những sai phạm mà 6 tháng sau, Báo Nghệ An tiếp tục có loạt bài phản ánh việc thực hiện quyết định của UBND tỉnh về xử lý sai phạm liên quan đến một số ngành và địa phương. Đó là loạt bài “Xung quanh bài báo “Nhức nhối chuyện da cam ở Nghi Lộc” với 3 kỳ: Tỉnh chỉ đạo một đàng, Sở LĐ-TB&XH và huyện Nghi Lộc làm một nẻo; Giả chồng lên giả”; được đông đảo độc giả nói chung và nhân dân hoan nghênh. Báo Nghệ An không chỉ điều tra sự việc mà luôn theo dõi và vào cuộc đến cùng khi những sai phạm không được tiếp thu và nhìn nhận một cách tích cực. Sau sự việc này, đã có nhiều đơn thư của người dân cung cấp thêm cho Báo Nghệ An về việc còn nhiều địa phương đã và đang làm giả hồ sơ để hưởng chính sách hỗ trợ nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Loạt bài “Rừng đại ngàn vẫn ào ào bị đốn hạ” gồm 3 kỳ, phản ánh thực tế những cánh rừng ở Thông Thụ (Quế Phong) rừng đầu nguồn ở Thanh Chương bị tàn phá và những xưởng cưa hoạt động công khai nhằm hợp thức hóa gỗ lậu được hình thành từ những tin nhắn chưa đầy đủ, từ những cuộc điện thoại vội vàng và có khi đứt quãng đến đường dây nóng. Xâu chuỗi thông tin, liên lạc lại với người dân, làm việc với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, PV Báo Nghệ An triển khai điều tra, xâm nhập thực tế và mang đến bạn đọc loạt phóng sự điều tra về hoạt động của bọn “lâm tặc”. Loạt bài gióng lên một hồi chuông về sự lỏng lẻo trong quản lý và có cả tiếp tay của những bộ phận chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng. Sự việc đã được các ban, ngành vào cuộc, thực tế đã có sự “thay máu” đội ngũ cán bộ ở các chi cục kiểm lâm, nhưng điều được lớn nhất là những người dân đã chủ động, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng.

Và còn nhiều bài viết được hình thành từ những thông tin của người dân để báo Nghệ An có những bài phản ánh cuộc sống nóng hổi đang diễn ra từng ngày. Chính từ những bài báo tạo nên hiệu ứng tích cực trong dư luận, khẳng định niềm tin của người dân đối với báo đảng, mạnh dạn mở rộng vấn đề vượt ra ngoài tỉnh, Báo Nghệ An cử các nhóm phóng viên, tổ chức các chuyến đi điều tra công phu để có những bài báo có chất lượng như loạt bài điều tra: “Chiêu lừa của Công ty TNHH gia dụng Việt Nhật” (Chiêu lừa đảo diễn ra trên 3 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa) gồm 3 bài: Hàng ngàn người mua phải nồi cơm điện giả Nhật; Đột nhập tổ chuồn chuồn; Nồi cơm điện Yasuto dưới nhận xét của các nhà chuyên môn; Bài “Quỹ Tình thương có... thương” cảnh báo người vay vốn cần tỉnh táo khi tiếp cận với nguồn vốn này, bởi Quỹ tình thương là đơn vị trực thuộc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, khuyến cáo cho các đối tượng vay lãi suất ưu đãi 13%/năm, nhưng thực tế ngoài việc chịu lãi suất 28%/năm, người vay còn phải đóng 1 triệu đồng với cái gọi là “tiền gửi tiết kiệm”...

Tuyên truyền việc thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư4, một trong những nội dung được nhân dân quan tâm đó là vấn đề đạo đức công vụ. Báo Nghệ An đã nhập cuộc với loạt bài “Băng hoại đạo đức ở một bộ phận cán bộ Quản lý thị trường” gồm 3 kỳ đăng trong tháng 12. Vấn đề báo nêu trở thành một trong những vấn đề nóng trong các buổi chất vấn của kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XVI. Sau mỗi bài báo “đường dây nóng” và hộp thư điện tử của Báo Nghệ An nhận được rất nhiều thông tin hoan nghênh bài viết trên, hoan nghênh sự mạnh dạn, thẳng thắn của Báo Nghệ An, sự lăn xả của phóng viên. Nhiều độc giả còn cung cấp thêm các thông tin, dẫn chứng xung quanh vấn đề băng hoại đạo đức của cán bộ quản lý thị trường nói riêng và các ngành liên quan, cho thấy Báo Nghệ An luôn gần gũi với cuộc sống, các bài viết luôn mang hơi thở cuộc sống với đầy ắp sự kiện diễn ra hàng ngày, hàng giờ, là những vấn đề nhân dân trông đợi.



Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp ở vùng lũ. Ảnh: Sỹ Minh

Đến với phòng Bạn đọc Báo Nghệ An không chỉ có các đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo mà nhiều độc giả mong muốn qua Báo Nghệ An để học hỏi kinh nghiệm làm ăn từ những mô hình kinh tế; nhờ báo tìm con đã từng tham gia bộ đội nhưng đến nay đã 20 năm vẫn không có thông tin về; thậm chí nhờ báo lấy lại tiền nợ của chủ thầu cầu đường cho bà con người dân Quế Phong...

Hơn 310 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, hơn 300 thông tin qua đường dây nóng cho thấy ̣sự đa dạng, nhiều chiều những vấn đề mà bạn đọc quan tâm đặt niềm tin vào báo đảng. Trong đó, nhiều nhất là những sự việc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân như lĩnh vực tài nguyên môi trường, tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, chất lượng các công trình đường giao thông, lãng phí các khu chợ, thương mại, vướng mắc trong chính sách cho người có công, quyền lợi người lao động, ô nhiễm môi trường, tư vấn về mặt chính sách, pháp luật... Tòa soạn đã xử lý khoảng 150 vụ việc bằng hình thức điều tra theo dấu thư, gần 80% vụ việc được nhắn tin để các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Đối với các vụ việc có tính chất chuyên sâu, liên quan đến trách nhiệm xử lý của các cơ quan đơn vị, Ban Biên tập chuyển 90 công văn đến cơ quan chức năng xử lý, giải quyết và giám sát. Lưu 67 vụ việc, đơn thư theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo. Đặc biệt, phòng Bạn đọc đã trriển khai điều tra, xác minh, viết bài và yêu cầu các ban ngành liên quan vào cuộc giải quyết các đơn thư kéo dài lâu năm và dai dẳng như bài viết: “Xử lý dứt điểm tranh chấp đất tại Nam Cát (Nam Đàn)”, “Sớm giải quyết khiếu nại của ông Khương ở xã Nghĩa Thuận (Thái Hòa)”,...

Từ thực tế tiếp nhận và xử lý đơn thư tại báo Nghệ An cho thấy: tình trạng đơn thư tái khiếu, tái tố vẫn tăng, hàng chục vụ việc công dân gửi đơn 2-3 lần, cá biệt có vụ việc 5-7 lần. Đối với những đơn cùng người tố cáo nhưng có thêm những tình tiết mới, Báo Nghệ An tiếp tục chuyển công văn đến cơ quan có thẩm quyền và cấp cao hơn để đôn đốc giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người dân, được dư luận đồng tình và ủng hộ cao. Trong năm 2012, sau khi tìm hiểu, xác minh, Báo Nghệ An nhận thấy những sai phạm không chỉ từ chính quyền địa phương, các ban ngành, mà còn từ chính người gửi đơn khiếu nại tố cáo. Ví như trong đơn gửi báo Nghệ An, ông Nguyễn Năng Lập, trú tại xóm 8, xã Hưng Phú (Hưng Nguyên), cho rằng gia đình ông Đào Tế (hộ ở sau hồi nhà ông Lập) yêu cầu Công ty giấy Sông Lam giải tỏa để lấy lại phần đất hiện tại gia đình ông đang sử dụng là sai... Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thực tế, Báo Nghệ An đã có bài viết: “Sớm thu hồi đất lấn chiếm tại khu tập thể Công ty CP giấy Sông Lam”; hay từ năm 2005, ông Nguyễn Văn Hồng (trú tại xóm Đại Thắng, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn) liên tục gửi đơn khiếu kiện về vấn đề đất đai. Trong đơn, ông Hồng cho rằng, gia đình bà Nguyễn Thị Thiêm (hộ liền kề) chiếm đoạt đất của ông và tố cáo UBND xã Nam Cát cố ý làm trái... Tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Nghệ An nhận thấy, sự thật không hẳn như vậy và đăng bài viết: “Xử lý dứt điểm tranh chấp đất tại Nam Cát (Nam Đàn)”,...

Phản ứng đầy tích cực sau khi báo đăng tải bằng bài viết hay thông tin từ đường dây nóng, nhắn tin qua nhịp cầu bạn đọc, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cơ quan chức năng liên quan đã có trên 120 hồi âm, chỉ đạo xử lý vấn đề báo nêu hay trả lời các vụ việc mà Báo Nghệ An nêu hoặc chuyển công văn. Bên cạnh đó, Báo Nghệ An đã tiếp thu cũng như công khai xin lỗi những vấn đề báo phản ánh chưa đúng. Cũng có những công văn hồi âm không đi vào vấn đề trọng tâm, không tiếp thu mà còn ngụy biện, đổ lỗi cho khách quan, Báo Nghệ An sẽ tiếp tục trao đổi lại. Tuy nhiên, trong năm 2012 vẫn có khoảng 20-25 vụ việc trong tổng số 90 vụ việc mà Báo Nghệ An chuyển công văn chưa có hồi âm về kết quả xử lý.

Bên cạnh đội ngũ phóng viên ngày một nâng cao chất lượng thì đội ngũ cộng tác viên là nguồn cung cấp tin bài đa dạng, phong phú cho các ấn phẩm của Báo Nghệ An. Vì vậy, Báo Nghệ An đã chủ động trong việc đặt bài, gợi ý đề cương cho cộng tác viên các chuyên mục bám sát vấn đề thời sự. Trong năm 2012, phòng Bạn đọc – CTV đã tiếp nhận hơn 12.000 tin, bài, ảnh (trong đó phần lớn nhận qua hộp thư điện tử gần 11.000 tin, bài, ảnh), 50 cộng tác viên được hưởng chế độ khen thưởng tin bài hay hàng tháng tháng. Điều đó cho thấy Báo Nghệ An luôn quan tâm và mong muốn thu hút nhiều cộng tác viên tích cực, tâm huyết với Báo Nghệ An, góp phần đưa đến bạn đọc số báo chất lượng và hấp dẫn nhất, mang đầy hơi thở cuộc sống.


Thanh Lương

Theo dấu thư bạn đọc: Dấu ấn 2012
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO